ĐHQG-HCM Sẽ Thí điểm đào Tạo Tiến Sĩ định Hướng ứng Dụng Nghề ...

Đó là khẳng định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM tại Hội thảo thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp do ĐHQG-HCM tổ chức vào sáng 22/9.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Bộ GD&ĐT, các trường thành viên ĐHQG-HCM cùng gần 100 đại biểu trong và ngoài nước. Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi ý kiến đóng góp cho ĐHQG-HCM hoàn thiện đề án trước khi thí điểm chương trình đào tạo.

Học vị cho người làm việc thực tế

Theo Hội đồng Giáo dục ĐH Anh, chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng là chương trình học tập và nghiên cứu bậc cao, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn của trường ĐH để nhận bằng tiến sĩ, vừa đáp ứng các nhu cầu cụ thể về nghề nghiệp, phát triển năng lực cá nhân để làm việc trong môi trường nghề nghiệp cụ thể.

Chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng đầu tiên được xây dựng tại ĐH Toronto, Canada, vào năm 1894 về lĩnh vực giáo dục. Hiện nay, có hơn 1.000 chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại các trường ĐH trên thế giới.

PGS.TS Vũ Phan Tú - Trưởng Ban Sau đại học ĐHQG-HCM cho biết ĐHQG-HCM đang nghiên cứu để triển khai thí điểm chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp, trường học, đơn vị quản lý. Bước đầu, ĐHQG-HCM sẽ nghiên cứu áp dụng cho hai ngành Quản trị kinh doanh và Quản lý giáo dục với thời gian đào tạo 3-5 năm toàn thời gian và 4-7 năm bán thời gian.

“Các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực người học để tạo ra những đóng góp quan trọng vào thực tế nghề nghiệp thông qua nghiên cứu khoa học” - PGS.TS Vũ Phan Tú chia sẻ.

Trưởng Ban Sau đại học ĐHQG-HCM cho hay chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp hướng vào đối tượng người học là những người làm việc thực tế, có kinh nghiệm chuyên môn, có nhu cầu phát triển nghề nghiệp. Đề tài nghiên cứu trong các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng liên quan trực tiếp đến thực tế nghề nghiệp của người học, bắt nguồn từ lĩnh vực nghề nghiệp.

Vì thế, kết quả nghiên cứu của tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp không chỉ đóng góp mới cho tri thức mà còn tác động trực tiếp đến thực tế nghề nghiệp, chính sách. So với chương trình “tiến sĩ hàn lâm” chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng có thể bao gồm nhiều môn học hơn, chủ yếu học tập qua kinh nghiệm và trải nghiệm...

2.	PGS.TS Vũ Phan Tú trình bày tham luận thí điểm đào tạo chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp.
PGS.TS Vũ Phan Tú trình bày tham luận thí điểm đào tạo chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp.

Chương trình mới, chấp nhận rủi ro

Chia sẻ tại buổi hội thảo nhiều chuyên gia đồng ý với đề án thí điểm đào tạo chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp của ĐHQG-HCM.

PGS.TS Nguyễn Minh Kiều - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết ông vốn là một tiến sĩ ứng dụng tốt nghiệp tại Úc 20 năm trước và đến nay đã hướng dẫn không dưới 300 thạc sĩ, khoảng 5 tiến sĩ và chấm cỡ 100 luận văn tiến sĩ. Khoảng thời gian làm việc với “danh phận” này, theo PGS Kiều “chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp không hề thua kém ‘tiến sĩ hàn lâm’”.

“Tôi rất mừng vì ĐHQG-HCM đã làm điều này, bởi thực tế nhu cầu học chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp là rất lớn. Tuy so với chương trình đào tạo tiến sĩ truyền thống thì chương trình này có sự khác nhau nhưng không nên hiểu tiến sĩ nghiên cứu có thời gian đào tạo dài hơn thì cấp độ cao hơn. Bởi tiến sĩ ứng dụng là những người có kinh nghiệm và giữ vị trí lãnh đạo, thời gian phải ngắn hơn so với chương trình truyền thống.” - PGS.TS Nguyễn Minh Kiều nhấn mạnh.

Đồng ý với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Thị Cành - Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG-HCM cho biết cần phải triển khai ngay và sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì chương trình mới. Bà chia sẻ: “Nhắc đến đào tạo tiến sĩ sẽ có nhiều băn khoăn từ dư luận. Tuy nhiên, chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp là chọn những người đi học vì công việc không vì bằng cấp nên nếu thí điểm thành công sẽ được xã hội công nhận”.

Trước lo ngại rằng có phải người học tiến sĩ ứng dụng thì nghiên cứu ít hơn hay không, TS Hoàng Mai Khanh - Trưởng Khoa Giáo dục Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, phân tích người học tiến sĩ ứng dụng có nghiên cứu, nhưng so với chương trình “tiến sĩ hàn lâm” thì họ sẽ có định hướng lẫn cách tiếp cận khác.

Theo TS Khanh, tiến sĩ ứng dụng nghiên cứu trong chính môi trường làm việc của họ, hướng đến cải thiện làm thay đổi những khó khăn ngay tại nơi làm việc.

Chia sẻ về kinh nghiệm tại buổi hội thảo, GS.TS Chen-Sheng Yang - ĐH Quốc gia Chi Nan (Đài Loan), cho biết khóa học tiến sĩ ứng dụng nên có tỷ lệ thực hành cao hơn lý thuyết. Giảng viên tham gia giảng dạy phải có nhiều công trình nghiên cứu hơn để ứng dụng trong giảng dạy. Ngoài ra, nên có ý kiến của các chuyên gia trong thiết lập chương trình đào tạo và nên thực hiện trong thời gian 5 năm.

Còn GS John Vong - ĐH Quốc gia Singapore, đề nghị: với chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp thì ứng viên nên là những nhà quản lý cấp cao hoặc những nhà nghiên cứu mạnh. Bên cạnh đó cần tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp vì đây là một ngành nghề chiếm hơn 50% lao động ở Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo.

Cần có chương trình đào tạo phù hợp

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD&ĐT cho biết theo khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện nay thì đào tạo tiến sĩ được đặt ở luồng định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu đời sống kinh tế xã hội có yêu cầu lực lượng lao động trình độ cao trong lĩnh vực ứng dụng thì cần có chương trình đào tạo phù hợp.

TS Phụng rất hoan nghênh việc ĐHQG-HCM là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện đề án này. Đồng thời TS Phụng nêu ra 10 vấn đề ĐHQG-HCM cần phải lưu ý giải quyết rõ khi thực hiện chương trình: Xác định lĩnh vực đào tạo, mục tiêu, đầu vào, phương thức đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá, đội ngũ giảng dạy, khả năng liên thông, sự công nhận văn bằng với các nước khác…

“Nhà nước chỉ đặt ra nguyên tắc và khung pháp lý nhưng các trường phải giải quyết được 10 câu hỏi trên để thuyết minh với xã hội. Bên cạnh đó, thời gian đào tạo ngắn hay dài không quan trọng. Vấn đề là chất lượng đào tạo để một tiến sĩ ứng dụng phải tương đương với tiến sĩ khác” - TS Nguyễn Thị Kim Phụng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐỨC LỘC

Từ khóa » Tiến Sĩ ứng Dụng