Di Chúc Có Bắt Buộc Phải Công Chứng Hoặc Chứng Thực Không?

Mục lục bài viết

  • 1 1. Khái niệm di chúc theo Bộ luật dân sự năm 2015:
  • 2 2. Hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật:
  • 3 3. Các loại di chúc:
    • 3.1 3.1. Di chúc bằng văn bản:
    • 3.2 3.2. Di chúc miệng:
  • 4 4. Trường hợp di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực:

1. Khái niệm di chúc theo Bộ luật dân sự năm 2015:

Theo  điều 624 của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Di chúc là ý nguyện của cá nhân khi còn sống muốn người khác thực hiện ý nguyện của mình sau khi chết. Nội dung di chúc rất đa dạng như những điều căn dặn con cháu, bí mật gia đình dòng họ được tiết lộ, hay lập hương hỏa, phân chia di sản. Trường hợp nội dung của di chúc phân chia di sản cho người khác sau khi chết, thì ý nguyện của người chết sẽ được thực hiện nếu phù hợp với các yêu cầu của pháp. Sau khi mở thừa kế, người được chỉ định trong di chúc có quyền yêu cầu chia di sản theo nội dung di chúc đã định đoạt, người được hưởng di sản theo di chúc gọi là người thừa kế theo di chúc, trường hợp này gọi là thừa kế theo di chúc đơn giản.

Trường hợp khác phức tạo hơn nếu di chúc định đoạt một phần di sản làm di sản thờ cúng hoặc trong di chúc không chỉ định cho những người thừa kế bắt buộc thì họ sẽ hưởng một phần bằng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật. Thừa kế di chúc hiểu theo nghĩa khách quan là tổng hợp các quy định của pháp luật quy định trình tự chuyển dịch di sản của người chết cho người được chỉ định trong di chúc và cách thức thực hiện quyền và nghĩa vụ của người thừa kế theo di chúc.

2. Hình thức của di chúc theo quy định của pháp luật:

Theo điều 627 của bộ luật dân sự năm 2015 thì Hình thức của di chúc

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. 

Di chúc là ý chí chủ quan của người lập di chúc muốn định đoạt tài sản của mình cho người khác hưởng sau khi chết. Vậy muốn thực hiện được ý chí đó thì người lập di chúc phải thể hiện dưới một hình thức khách quan là văn bản. Nội dung của văn bản là căn cứ pháp lý để phân chia di sản cho người thừa kế theo di chúc. Tuy nhiên có trường hợp người có tài sản là không thể lập di chúc bằng văn bản do tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng, cho nên pháp luật cho phép lập di chúc miệng nhưng phải có hai người làm chứng ghi lại nội dung di chúc miệng và được công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người làm chứng.

3. Các loại di chúc:

3.1. Di chúc bằng văn bản:

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

-Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Loại di chúc này được quy định tại Điều 633, cụ thể là:“Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này”. Đặc trưng cơ bản nhất của loại di chúc này là “tự viết và ký vào bản di chúc”, vì vậy có thể gọi loại di chúc này là di chúc tự viết. Việc tự viết vừa thể hiện sự tự nguyện của người lập di chúc vừa mang tính đặc định cao, khó có thể làm giả, và cũng thuận lợi cho việc giám định.

Di chúc tự viết cũng có đặc điểm gắn liền với đặc điểm của di chúc là ý chí của cá nhân, là bảo mật nên nó là loại di chúc truyền thống và xu hướng là tồn tại lâu dài. Người lập di chúc tự viết nhưng phải ký thì mới là sự khẳng định chính thức hoàn thiện văn bản đó. Viết đủ nội dung mà chưa ký thì cũng vẫn chỉ là dự thảo. Thực tiễn xét xử đã không công nhận nhiều văn bản mới viết mà chưa ký.

Di chúc tự viết còn phải tuân theo các quy định của Điều 631. Điều 631 quy định về nội dung di chúc nhưng còn quy định cả một số vấn đề về hình thức di chúc. Ví dụ: Quy định “nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc”. Như vậy, một di chúc tự viết và đã ký nhưng không ký vào từng trang thì di chúc vẫn là vi phạm về hình thức và không hợp pháp.

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết hoặc đánh máy được như bị tai nạn, ốm đau, cụt tay thuận, hai tay bị liệt là trường hợp đặc biệt, cho nên luật cho phép người lập di chúc có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy nội dung mà người lập di chúc công bố và phải có hai người làm chứng cho việc lập di chúc.

Trường hợp này có thể xảy ra hai khả năng: Thứ nhất, hai người làm chứng cùng có mặt chứng kiến việc người lập di chúc công bố ý chí và người khác ghi lại nội dung. Thứ hai, người lập di chúc nhờ một người ghi nội dung di chúc, sau nhờ hai người làm chứng đọc nội dung di chúc đã ghi cho người lập di chúc nghe và chứng kiến nội dung di chúc có đúng với ý chí của người lập di chúc hay không.

Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng, sau cùng hai người làm chứng xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.

– Di chúc bằng văn bản có công chứng và di chúc bằng văn bản có chứng thực. Trong trường hợp người lập di chúc có yêu cầu công chứng hoặc chứng thực di chúc, thì phải tuyên bố ý chí của mình trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực ghi lại nội dung di chúc. Người lập di chúc đọc lại nội dung di chúc và xác nhận ghi đúng ý chí của mình và ký hoặc điểm chỉ, sau đó công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực xác nhận tình trạng năng lực chủ thể của người lập di chúc và ký tên, đóng dấu vào bản di chúc.

3.2. Di chúc miệng:

Theo điều 629 của Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 được quy định trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp một người bị tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo có thể chết vào bất cứ thời điểm nào mà không có điều kiện lập di chúc bằng văn bản, thì được phép lập di chúc bằng miệng.Sau 3 tháng kể từ thời điểm lập di chúc miệng nếu người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt và có điều kiện lập di chúc bằng văn bản thì di chúc miệng không còn giá trị. Đây là trường hợp tự động mất hiệu lực của di chúc không cần phải thông qua thủ tục pháp lý nào.

4. Trường hợp di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực:

Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực.Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó.Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó.Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị.Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó. Di chúc của người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

Theo Bộ luật dân sự năm 2015 tại điều 638 pháp luật có dữ liệu các trường hợp lập di chúc không thể đến cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn để chứng nhận hoặc chứng thực di chúc, thì di chúc có xác nhận, chứng nhận của những người có thẩm quyền chứng nhận, xác nhận theo quy định tại điều 638 bộ luật dân sự có giá trị pháp lý như di chúc có chứng nhận, chứng thực. Đối với các trường hợp trên thì thủ tục lập di chúc không bắt buộc như lập tại cơ quan công chứng, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, vì những người có quyền xác nhận thường không có nhiều kiến thức về pháp luật, do vậy khó có thể hiểu về trình tự, thủ tục lập di chúc. Vậy trường hợp này, pháp luật công nhận người lập di chúc có thể tự viết hoặc nhờ người khác viết và yêu cầu xác nhận, chứng nhận của các chủ thể theo quy định của pháp luật. 

Như vậy việc công chứng di chúc không phải là điều kiện bắt buộc để di chúc có hiệu lực trừ di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ thì bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Việc công chứng di chúc được thực hiện bởi tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã theo trình tự luật định.

Từ khóa » Di Chúc Hợp Pháp Là Di Chúc Có Hiệu Lực đúng Hay Sai