Dí Dỏm Nói Lái, Nói đảo - Phanxipăng - Chim Việt Cành Nam

 
______________________
Dí dỏm nói lái, nói đảo

Phanxipăng

Nói lái và nói đảo là hiện tượng ngôn ngữ sống động tiêu biểu cho nét đẹp, vẻ phong phú cùng tính linh hoạt cực kỳ đặc sắc của tiếng Việt mến yêu.

Tiếng Việt là ngôn ngữ mang đặc điểm cơ bản đáng kể: tính phân tiết rõ rệt - tức khả năng đọc / nói từng âm tiết (syllabe) tách rời một cách rành rọt, dứt khoát. Mỗi âm tiết tiếng Việt gồm 3 phần rõ ràng: âm đầu, vần và thanh điệu. Với từ song tiết, nếu hoán vị 1 hoặc 2 bộ phận đó với nhau là nói lái. Ví dụ: vợ hai nói lái thành vơ hại hoặc hơ vại. Nếu hoán vị cả 3 bộ phận với nhau là nói đảo. Ví dụ: vợ hai nói đảo thành hai vợ.

Nói lái

Thật ra, một số ngôn ngữ trên thế giới cũng có nói lái. Tiếng Pháp gọi hiện tượng này là contrepèterie / contrepet / antistrophe. Tiếng Anh: spoonerism. Tiếng Nga: спунеризм.

Qua sách Chơi chữ ấn hành tại Sài Gòn năm 1974, Lãng Nhân (1) từng thuật chuyện một cô vợ Việt đi với ông chồng Pháp vào hàng bán tranh. Nghe chủ tiệm nói thách, vợ xì xồ bảo chồng: "Très chaud!" (Nóng quá!). Tưởng vợ than rằng không khí oi bức, ông chồng vội chọn bức tranh và nhanh nhảu trả tiền để ra ngoài cho mát. Ra ngoài, vợ trách: "Ngại mích lòng chủ tiệm, em phải nói tránh. Très chaud! tức... Trop cher! (Rất đắt!). Thế mà chả hiểu, mua hớ mất rồi!".

Dân Pháp cũng nói lái un pot sale (một cái chậu / cốc dơ bẩn) ám chỉ un sot pâle (thằng ngốc xanh xao / nhạt nhẽo / khốn kiếp). Hoặc un mot de vous (một từ của anh) nói lái ra un mou de veau (một lá phổi bê). Bút danh của nhà văn hiện sinh nổi tiếng Jean-Paul Sartre (1905-1980) (2) cũng được gọi đùa bằng cách lái thành Jean Sol Pâtre / Patre (sol = đất; pâtre = người chăn súc vật; patre = nghị viên quý tộc của Viện Nguyên lão La Mã cổ đại).

Tuy nhiên, các ngôn ngữ biến hình (langue flexionnelle) như tiếng Pháp, Anh, Nga, v.v., chắc chắn gặp hạn chế khi nói lái. Ngay cả những ngôn ngữ đảo lập (langue isolante) như nhiều thứ tiếng ở khu vực Đông Nam Á, mặc dù có tính phân tiết song cũng không rõ rệt hoàn toàn bằng tiếng Việt, nên muốn nói lái vẫn vướng lắm trở ngại.

Với tiếng Việt, lái đôi (lái từ song tiết) được xem là cơ sở, từ đấy phát triển thành lái ba, lái tư, v.v.

Lái đôi có mấy kiểu? Tài liệu 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt do Đinh Trọng Lạc biên soạn (NXB Giáo Dục tái bản lần thứ năm, Hà Nội, 2001; trang 181) cho rằng: "Lối nói lái đôi có 4 kiểu". Sách Thú chơi chữ của Lê Trung Hoa và Hồ Lê (NXB Trẻ, 1990; trang 14-15) liệt kê đầy đủ hơn: "Về nguyên tắc, có 6 kiểu nói lái". Ví dụ từ thay đổi được lái làm 6 kiểu như sau:

1. Hoán vị âm: đay thổi 2. Hoán vị vần: thôi đảy 3. Hoán vị thanh: thảy đôi 4. Hoán vị âm và vần: đôi thảy 5. Hoán vị âm và thanh: đảy thôi 6. Hoán vị vần và thanh : thổi đay

Chẳng phải từ song tiết nào cũng lái được. Những từ láy toàn bộ; lặp lại hoàn toàn; có chung dấu thanh và âm đầu, dấu thanh và âm sau, âm đầu và âm sau đều không thể nói lái.

Ước lượng Việt ngữ có 200.000 từ song tiết. Giả định rằng cứ 100 lần nói lái chỉ một lần thu được hình thức có nghĩa, cũng đủ tính ra 12.000 trường hợp. Con số quả không nhỏ. Ấy là chưa kể khả năng biến những hình thức lái vốn vô nghĩa thành có nghĩa khi thêm vào đôi yếu tố hợp lý. Ví như ăn chiều nói lái ra yêu chằn thì chưa rõ nghĩa, nhưng đặt trong câu ăn chiều rồi yêu chằn tinh thì nghĩa đã rõ.

Nói lái rất phổ biến trong khẩu ngữ hằng ngày, nếu khéo sử dụng sẽ tạo nên hiệu quả bất ngờ, dí dỏm, sâu sắc, thông minh. Vạch "đích danh" tệ bảo thủ, trì trệ, người ta gọi: Nguyễn Y VânVũ Như Cẩn (= vẫn y nguyên vẫn như cũ). Những cá nhân dũng cảm chống tiêu cực nhưng bị vùi dập, bèn thở dài: Đấu tranh! Tránh đâu? Song khi ánh sáng công lý soi rọi, ê kíp điều hành cơ quan mắc sai lầm đều bị luật pháp xử lý đúng người, đúng tội, thì dư luận mỉa mai: Ban lãnh đạo - bao lãnh đạn.

Nói lái cũng được dùng để tạo câu đố dân gian :

Khoang Tàu, khoang Mỹ, khoang lai Bò la bò liệt, đố ai: cây gì?

Khoang lai, nói lái thành khoai lang: chính là đáp án.

Rất nhiều tác phẩm văn chương sử dụng nói lái để tạo thêm nghĩa hàm ẩn rất sáng tạo và không kém phần độc... địa. Nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam về khía cạnh này là "bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương (1772 – 1822), mà bài thơ Sư làng bị đuổi có thể dùng làm ví dụ :

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo, Vị gì một chút tẻo tèo teo. Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo.

Đặc biệt, có những trường hợp phải "giải mã vòng vèo", lái đi lái lại nhiều lần mới rõ ẩn ý của tác giả. Chẳng hạn truyện Trạng Quỳnh kể rằng một hôm Quỳnh dâng chúa Trịnh hũ thức ăn, phía ngoài có dán chữ 大風. Phiên âm Hán-Việt: đại phong. Chúa không hiểu. Quỳnh giải thích :

- Bẩm, đại phong là gió to. Gió to thì đổ miếu, đổ chùa. Đổ chùa, đổ miếu thì tượng lo. Tượng lo là... lọ tương đấy ạ!

Giai thoại cũng kể chuyện gã phú hộ nọ ăn mừng tân gia, xin Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) đôi chữ đề bức hoành treo gian giữa. Tam nguyên Yên Đổ cho hai chữ Hán: đại hạ, nghĩa là "nhà lớn". Nhưng thay vì viết chữ hạ 廈 là nhà, Nguyễn Khuyến lại viết chữ hạ 夏 là mùa hè. Mùa hè to, nghĩa là gì? Hè tonói lái thành tò he, tiếng kèn đám ma. Hóa ra, gã phú hộ nọ trước kia làm nghề thổi kèn cho giàn bát âm.

Nhiều cây bút Việt Nam hiện đại cũng vận dụng thủ pháp nói lái tạo hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Nhà thơ Thế Lữ (1907 – 1989), họ tên thật là Nguyễn Thứ Lễ. Bút danh chính thức Thế Lữ do nói lái tên với chữ lót. Lại còn biến hoá Lễ = Lê Ngã = Lê Ta tạo thêm cặp bút danh phụ Lê Ta và Lê Tây. Đó là duyên cớ khiến nữ sĩ Vân Đài (1903 – 1964) xuất vế đối hiểm hóc:

Thế Lữ mừng xuân hai thứ lễ: một quả lê ta, một quả lê tây.

Trước đây, về ngành giáo dục, có câu chơi chữ bằng cách nói lái:

Thầy giáo tháo giày vấy đất vất đấy.

Truyện ngắn Vàng của Phanxipăng đăng tạp chí Sông Hươngsố 2 năm 1993, rồi in trong sách Truyện ngắn chọn lọc (NXB Thanh Hoá, 1996), có đôi dòng chơi chữ nói lái liên hoàn :

Thầy giáo tháo giày, tháo luôn cả ủng, thủng luôn cả áo, đem giáo án dán áo; Nhà trường nhường trà, nhường nốt cả hoa, nhòa nốt cả hương, lấy lương hưu lưu hương.

Nói đảo

Hiện tượng nói đảo bao gồm đảo từ, đảo ngữ và đảo cú. Tiếng Pháp gọi lối chơi chữ này là antimétabole. Tiếng Anh: antimetabole. Tiếng Nga: антиметабола.

Nhà văn kiêm chính trị gia André Malraux (1901-1976) có câu nói đảo được nhiều người nhắc: "Une vie ne vaut rien mais rien ne vaut une vie" (Một đời chẳng bằng cái quái gì nhưng chẳng cái quái gì bằng một đời).

Nhìn chung, các ngôn ngữ biến hình (langue flexionnelle) như tiếng Pháp, Anh, Nga, v.v., đòi hỏi hợp giống, số, cách, nên rất hạn chế khả năng thay đổi trật tự các từ trong câu mà từ vẫn giữ nguyên dạng, còn câu thì có nghĩa. Tiếng Việt không lệ thuộc vào những điều kiện đó, nên khả năng này được mở rộng.

Nói đảo đem lại nhiều tác dụng. Đầu tiên là "để diễn đạt nội dung sự việc lặp đi lặp lại ngày này sang ngày khác cũng chỉ có thế, không có gì mới hơn, để miêu tả cái điệp khúc chu kỳ về sự tái hiện một hiện tượng đáng chán nào đó đối với chủ quan con người, người ta thường dùng lối chuyển đổi trật tự các âm đối với một tổ hợp, không kể đó là từ hay nhóm từ" như nhận xét của Đào Thản trong sách Một sợi rơm vàng (NXB Trẻ, 2001; trang 85) lúc tìm hiểu đôi câu Truyện Kiều của Tố Như:

Song sa vò võ phương trời, Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.

Đào Thản dẫn ra những cách nói thông thường và quen thuộc trong ngôn ngữ phổ thông nhằm nhấn mạnh tính chất đơn điệu của sự lặp lại: Bữa sáng rau muống, bữa chiều muống rau. Hoặc:

Hôm nay có món cà chua, Ngày mai độc nhất lại mua chua cà.

Câu bát vừa nêu cũng có thể biến thành: Ngày mai độc nhất lại mua... cua chà. Song đấy lại là nói lái rồi.

Kể ra, hôn hoàng hoặc chua cà, muống rau không phải là biến thể từ vựng được cộng đồng chấp nhận rộng rãi. Chúng "hơi bị" vô nghĩa. Đào Thản gọi đấy là "từ lâm thời" và giải thích: "Phép đảo nói chung trong cách diễn đạt bao giờ cũng gây được một sự chú ý, tạo ra được cái đột xuất, khác thường. Đảo âm tiết trong các trường hợp trên lại còn có khả năng tạo ra một sự đối lập rất có ý nghĩa dù chỉ trên hình thức."

Gặp dịp, chúng tôi sẽ trở lại với mấy trường hợp ấy. Thực tế, có những cách nói đảo vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa trong văn cảnh song đem lại hiệu quả thẩm mỹ nhất định. Ví dụ:

Ngồi ngủ, ngủ ngồi đều ngủ cả; Đứng ăn, ăn đứng cũng ăn thôi.

Lối đảo có chủ đích nghệ thuật còn "cơi nới" ngữ nghĩa, tạo nên "ý tại ngôn ngoại". Chẳng hạn đôi câu thơ của Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858):

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc, Nợ tang bồng vay trả, trả vay.

Đặc biệt, hiện tượng nói đảo thực sự gây bất ngờ lý thú lúc xây dựng một hình thức mới mang nghĩa khác, thậm chí nghĩa trái nghịch. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du (1776 – 1820) từng viết:

Nàng rằng : "Lồng lộng trời cao, Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta!"

Thành ngữ, tục ngữ Việt Nam cũng áp dụng lối nói đảo như thế rất nhiều:

- Sinh sự, sự sinh. - Cá ăn kiến, kiến ăn cá. - Giúp người, chớ cầu người giúp. - Cười người chớ có cười lâu, Cười người hôm trước, hôm sau người cười.

Không ít câu nói đảo cũng được vận dụng vào câu đối, phát huy trường liên tưởng. Nửa đầu thế kỷ XX, tờ Trung Bắc Tân Văn mở cuộc thi đối với vế xuất nói đảo điêu luyện:

Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả;

Vế trúng cách là :

Con nuôi, con đẻ, đẻ con há cậy con nuôi.

Giai thoại văn học kể rằng thời nhà Mạc có tiến sĩ Vũ Thế Dĩnh, quê Hải Dương, nổi tiếng hay chữ và thích... khôi hài. Người nọ vừa mất bố, đến xin bài văn khắc bia mộ. Tiến sĩ họ Vũ hỏi: "Ông cụ có chức sắc gì?". Người nọ đáp: "Phụ thân tôi làm tài quan" (một chức quan võ nhỏ). Tiến sĩ họ Vũ hạ bút :

Sinh vi tài quan, Tử nhập quan tài. Kỳ sinh dã vinh, Kỳ tử dã ai.

Nghĩa :

Sống làm tài quan, Chết vào quan tài. Sống thì vinh hiển, Chết thì bi ai.

Chơi chữ bằng lối nói đảo đòi hỏi rất nhiều công phu là sáng tác hồi văn. Ấy là thể thơ đọc xuôi, đọc ngược đều có nghĩa và đúng luật, hợp vần, do đó còn gọi là thuận nghịch độc. Được đông người thuộc nhiều thế hệ lưu ý là bài thơ hồi văn liên hoàn toàn chữ Hán 雨 中 山 水 / Vũ trung sơn thuỷ / Non nước trong mưa của vua Thiệu Trị được bố trí theo hình tròn bát quái trên bức khảm xà cừ ở điện Long An (3), chỉ 56 chữ mà có thể đọc được ít nhất 64 bài thất ngôn (4). Có trường hợp đọc xuôi chữ Hán, đọc ngược chữ Nôm, như bài Xuân hứng tương truyền của vua Tự Đức. Thơ thuận nghịch độc tiếng Việt sau này có bài Cửa sổ đêm khuya của Hàn Mạc Tử (5) được nhiều tuyển tập in đi in lại. Bài thuận nghịch độc Ý xuân của nữ sĩ Hoàng Cao Phan (?) được Lãng Nhân cho rằng "thật lưu loát" và đưa vào sách Chơi chữ (sđd, trang 234) là một ví dụ đảo cú khá tài tình.

Đọc xuôi :

Xuân vương ý đẹp, mộng tìm thơ, Gợi thắm lòng ai những ước mơ. Ngần ngại bút hoa, sầu nhuốm vận, Dở dang đàn nhịp, lỡ buông tơ. Sân trăng thoáng liễu hương nồng đậm, Suối nước lồng mai dáng hững hờ. Nhân nghĩa thiếu chi, cười thế cuộc, Xuân vương ý đẹp, mộng tìm thơ.

Đọc ngược :

Thơ tìm mộng đẹp, ý vương xuân, Cuộc thế cười chi thiếu nghĩa nhân! Hờ hững dáng mai lồng nước suối, Đậm nồng hương liễu thoáng trăng sân. Tơ buông lỡ nhịp, đàn dang dở, Vận nhuốm sầu hoa, bút ngại ngần. Mơ ước những ai lòng thắm gợi, Thơ tìm mộng đẹp, ý vương xuân.

Như đã nêu từ đầu, xét về mặt cấu trúc, nói lái và nói đảo đều hình thành trên cơ chế hoán vị.

Hoán vị bộ phận là nói lái. Hoán vị toàn thể là nói đảo.

Hiện tượng ngữ ngôn độc đáo này ngày càng mở mang nhiều chiều kích tuyệt vời cho tiếng Việt trên dặm dài phát triển.♥

_________________

(1) Lãng Nhân là một bút danh của Phùng Tất Đắc (1907 – 2008).

(2) Họ tên đầy đủ: Jean-Paul Charles Aymard Sartre.

(3) Nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.

(4) Có thể tham khảo các sách Về hai bài thơ hồi văn kiêm liên hoàn của vua Thiệu Trị do Nguyễn Tấn Phong biên soạn (NXB Thuận Hoá, Huế, 1994) và Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong bài "Vũ trung sơn thuỷ" của Thiệu Trị do Nguyễn Tài Cẩn biên soạn (NXB Thuận Hoá, Huế, 1998).

(5) Nguyễn Trọng Trí (1912 - 1940) ký nhiều bút danh, trong đó có Hàn Mạc Tử và Hàn Mặc Tử. Khảo sát kỹ lưỡng, nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy bút danh chính thức của Nguyễn Trọng Trí những năm cuối đời là Hàn Mạc Tử. Đã đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay 827 (1-8-2013)

Jean-Paul Sarte cũng được hoặc bị gọi đùa theo kiểu nói lái là Jean Sol Pâtre / Patre. Hí hoạ: Pablo Robato

Thế Lữ. Hí hoạ: Chóe

André Malraux trên tem bưu chính Pháp

Phanxipăng viếng đền thờ Nguyễn Công Trứ tại làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Ngô Kiên

Bức khảm xà cừ bài thơ hồi văn liên hoàn 雨中山水 / Vũ trung sơn thuỷ / Non nước trong mưa của vua Thiệu Trị

Từ khóa » Cách Nói Lái Trong Tiếng Việt