“Dì Không Mang Nặng, đẻ đau” - Báo Nhân Dân

1.Tôi lại nhớ đến bài thơ Nói với con chồng của nhà thơ Nguyễn Thị Mai: Dì không mang nặng, đẻ đau/ Đứt dây mà xót thương bầu, bí ơi/ Kệ cho bánh đúc mấy đời/ Người ăn người lại nói lời nghiệt cay/ Sang ngang một chuyến đò đầy/ Sông sâu run cả vòng tay đôi bờ/ Đêm nay cánh cửa khép hờ/ Dì không ngủ được nằm chờ bước con/ Sao con chẳng thể xưng con/ Cho dì cảm thấy ấm hơn căn nhà?/ Cứ lầm lũi bước vào, ra/ Cho dù tủi phận mẹ gà con... ngan... Bài thơ là tiếng thở dài. Làm vợ sau hay vợ kế của người ta thì cầm chắc đời đã buồn nhiều hơn vui. Nhưng số đã vậy thì đành phải vậy. Nếu cần lời mách bảo nào thì hãy sống với chồng bằng tình yêu và hãy sống với con của chồng bằng tình thương. Mãi mãi điều ấy cho mọi lúc, từ thiết kế vĩ mô cho tới tiểu tiết tế vi, nhất định buồn sẽ giảm và vui sẽ nhiều và cuối cùng là thành công, viên mãn.

2.Trong thời buổi bây giờ, vợ chồng chia tay nhiều như cơm bữa. Họ có hai con, mỗi người nuôi một đứa thì không sao, nếu vợ chồng chỉ có một đứa con, người vợ không chứng minh được thu nhập của mình không được quyền nuôi. Khi người chồng lập gia đình mới, mẹ kế nên coi con riêng của chồng là “tài sản” hay “món nợ”? Có những người đã đặt câu hỏi này. Vợ chồng chia tay chứ không phải người vợ mất nên ở đây cần gọi là mẹ sau cho đúng theo thực tế. Người vợ ấy thường được con của chồng gọi là cô. Cô hoặc dì, nhưng cô nghe hiện đại hơn dì, bởi dì gợi lên âm hưởng dì ghẻ, buồn và sốc. Cô như là em của bố, là người cận kề với bố, gần gũi, ấm áp.

Không nên coi đứa con ấy là tài sản hay cục nợ, không định nghĩa gì cho nó cả. Đơn giản là đứa con, thuần túy một đứa con, thế thôi. Nghĩ nó là con thì sẽ có tình cảm tự nhiên và hành xử như đứa con. Chính danh thì dễ đối xử, sâu xa trong tình cảm, người vợ sau ấy có chính danh với đứa trẻ thì sẽ có được mọi thứ, không áp lực gì có thể xảy ra.

3.Có người nói mẹ kế con chồng là cuộc chiến hai thế hệ. Đây không phải hai thế hệ đâu. Nói vậy thì mẹ đẻ với con ruột cũng mâu thuẫn hai thế hệ chứ. Ở đây phải hiểu cho đúng rằng, khác máu thì tanh lòng, quy luật là vậy. Và người vợ hiện tại của bố dù ít hay nhiều vẫn xen vào san sẻ tình bố con của người ta, vì vậy mà tự nhiên mâu thuẫn.

Người vợ sau ấy cần phải làm gì ư? Còn tùy vào người ấy như thế nào nữa chứ. Người đã có con riêng sẽ khác, cô gái tân nhìn đứa con chồng trước mắt mình sẽ khác. Và nền tảng văn hóa, phẩm chất đang có ở người phụ nữ ấy nữa. Thông thường, người đã có con và cũng đã từng đổ vỡ sẽ thương đứa con chồng bằng tình thương không cần cố gắng nếu đứa bé ấy dễ thương, thiện chí và hợp tác. Người chưa từng sinh đẻ, lòng sẽ ít bao la, không biết tình mẫu tử, không biết công mang nặng đẻ đau, vì vậy mà cũng khó thấu tình phụ tử. Người đó sẽ cảm thấy khó khăn chật vật nhiều lắm ngay từ đầu. Khi cô ấy và chồng hiện tại có con chung thì sự việc hoặc tốt hơn lên hoặc sẽ tồi tệ đi vì cô ấy yêu con của chồng hơn qua việc mình làm mẹ, hoặc ích kỷ lên và chỉ thương có mỗi con mình.

Và làm những gì nữa ư? Làm nhiều lắm, xả thân, công bằng, chân thành... thì sớm muộn gì đứa con của chồng cũng nhận ra và thay đổi. Khi nó hiểu và cảm động, nó sẽ thương không biên giới, có khi nó thương bằng tình thương với mẹ ruột vì bấy giờ nó chợt hiểu, bánh đúc cũng năm bảy loại, có loại bánh đúc có xương có mầu sắc và cả mùi thơm nữa.

4.Bố và mẹ gom công góp sức làm nên căn nhà... vài tỷ. Làm xong mẹ mất, bố lấy vợ mới về chỉ việc ở. Vị thế này mới đúng là mẹ kế đây. Làm mẹ kế thường suôn sẻ hơn làm mẹ sau là vì mẹ ruột của đứa con đã ở trên bàn thờ. Nhưng, về với người đàn ông có gia sản thì người vợ kế nhàn thân nhưng chắc chắn phải chịu cảnh săm soi của đứa con. Cũng tùy đứa con ấy ở độ tuổi nào. Nó còn bé thì có việc để chăm, dễ đi vào lòng nó. Nó đã lớn thì sự cảnh giác mẹ kế sẽ hoặc lộ liễu hoặc âm thầm. Và còn tùy văn hóa ở đứa con mà sự việc nhẹ đi hay nặng ra. Đứa con có học sẽ hiểu bố lấy vợ là đương nhiên, từ nay bố đã có người hôm sớm. Đứa vô học thì cứ mãi gầm gừ, thế nào cũng bị chia gia tài đấy nhá, thậm chí tệ hơn, còn bị dỗ dành sang tên để bà ấy hưởng trọn!

Nói chung, người mẹ kế phải tự trọng, cẩn thận, kín kẽ. Và hãy luôn nghĩ, mình chỉ được phần với những thứ mà hai vợ chồng cùng gây dựng. Không cần nói gì với đứa con về ngôi nhà vài tỷ ấy, nói ra là trắng trợn, rào đón, khách sáo. Hãy sống sao cho các thành viên như một, ấm áp, vững bền, rồi đứa con nó sẽ hiểu và dĩ nhiên, phần thưởng là sự phụng dưỡng của đứa con, điều đó tuyệt diệu gấp vạn lần nhà cửa ấy chứ.

Nếu cần lời mách bảo nào thì hãy sống với chồng bằng tình yêu và hãy sống với con của chồng bằng tình thương.

Nhà văn Tạ Duy Anh từng chia sẻ: “Khi người đàn ông lấy vợ mới, họ phải có tình cảm với người đàn bà đó. Cuộc sống vợ chồng sẽ có thêm con, họ sống trong tình cảm chăm sóc và được chăm sóc. Họ nhìn thấy sự lớn lên của đứa con của họ, vui buồn lo lắng cũng như trách nhiệm. Vợ cũ tất nhiên sẽ mờ nhạt, con riêng nếu ở với mẹ thì được bố quan tâm giống như nghĩa vụ, nếu ở với bố, sự quan tâm cũng ít hơn vì tình cảm phải san sẻ cho những đứa em...”. Điều nhà văn Tạ Duy Anh nói xuất phát tự cuộc đời của nhà văn.

PV ghi

Từ khóa » Bài Thơ Nói Với Con Chồng