Di Tích Đồng Khởi Mỹ Long

Di tích Đồng khởi Mỹ Long tại khóm 1, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Di tích Đồng khởi Mỹ Long là tên gọi gắn sự kiện Đồng khởi ngày 14/9/1960 với địa danh Mỹ Long nơi diễn ra sự kiện Đồng khởi.

Mặc dù Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, song đế quốc Mỹ âm mưu chia cắt lâu dài nước ta bằng cách dựng lên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam và ráo riết thực hiện chiến dịch ‘‘đồng tâm diệt cộng’’, xã Mỹ Long bị liệt vào điểm đen của địch, người dân bị khủng bố, đe dọa mỗi ngày.

Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và chỉ đạo của Xứ ủy, liên Tỉnh ủy Nam bộ, ngày 8/9/1960, tại một địa điểm bí mật ở rừng Lương Cầu, xã Long Toàn, Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh chọn ngày 14/9/1960 tiến hành Đồng khởi nhất loạt trong tỉnh, chọn huyện Cầu Ngang làm trọng điểm, xã Mỹ Long làm điểm chỉ đạo, phân công đồng chí Phạm Văn Kiết (Năm Vận) – Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo Đồng khởi. Đồng chí Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm) – Bí thư xã Mỹ Long nhận chỉ thị từ Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Long (Mười Dài) :‘‘Bằng bạo lực chính trị quần chúng kết hợp binh vận và du kích nổi dậy lấy đồn giành cho được chính quyền về tay nhân dân giải phóng xã’’ .

Từ 23 giờ ngày 13/9/1960 đến 02 giờ ngày 14/9/1960, hàng ngàn quần chúng nhân dân từ các xóm ấp tập trung tại nhà chị Ba Thơi, Ngã ba Máy Chà, ấp Nhứt dự buổi mít tinh thị uy, đến sáng 14/9/1960 cùng với lực lượng du kích, dân quân Mỹ Long siết chặt vòng vây, xạ kích vào đồn dân vệ tề xã, kết hợp phát loa kêu gọi binh lính đầu hàng. Mặc dù địch phản kháng quyết liệt làm 3 người hy sinh là chị Chín Thẩm, anh Tư Pháo, anh Ba Nhiên và 14 người khác bị thương nhưng với kế sách nghi binh kết hợp đưa gia đình binh lính đi trước, cán bộ và lực lượng xung kích áp sát phía sau tiến công tề xã đã buộc địch đầu hàng, giao chính quyền. Khởi nghĩa thắng lợi đúng 17 giờ chiều ngày 15/9/1960, ta bắt sống 40 tên dân vệ, thu 32 súng nhiều đạn dược cùng toàn bộ quân trang, quân dụng và các thiết bị chiến tranh khác.

Sáng ngày 17/9/1960, địch đưa lính quận ở Cầu Ngang ra tái chiếm lại Mỹ Long, đến Ngã ba Máy Chà, ấp Nhứt thì bị trung đội du kích do đồng chí Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Văn Chói, Nguyễn Văn Đủ chỉ huy diệt tại trận 8 tên, thu 3 khẩu súng, bắt sống 1 tên.

Sáng ngày 18/9/1960, tên quận trưởng Cầu Ngang lại đưa 2 đại đội Bảo an phản kích tái chiếm Mỹ Long. Khi đến Ngã ba Máy Chà thì lọt vào trận địa phục kích của ta, tuy nhiên do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đồng chí Nguyễn Văn Chói đã anh dũng hy sinh, chí Nguyễn Văn Chói bị đích bắt cắt đầu rồi đem về Bùng Binh thị uy, nhằm răn đe phong trào cách mạng. Đến ngày 21/9/1960, địch đưa một tiểu đoàn chủ lực và tiến đánh mới tái chiếm được đồn Mỹ Long.

Với cuộc Đồng khởi 14/9/1960, Chi bộ quân dân Mỹ Long bằng sự phối hợp khéo léo, chặt chẽ giữa tiến công vũ trang với bạo lực chính trị quần chúng và sức mạnh binh vận đã tự lực giải phóng xã nhà, giành chính quyền về tay nhân dân. Việc Mỹ Long giải phóng đã phá vỡ một mảng quan trong trong hệ thống kềm kẹp của địch ở Cầu Ngang nói riêng và cả tỉnh Trà Vinh nói chung và là một mô hình mẫu mực của việc kết hợp ba mũi giáp công quân sự, chính trị và binh vận.

Ngày 25/10/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 2225/QĐ-UBND xếp hạng di tích Đông khởi Mỹ Long là di tích cấp tỉnh, thuộc loại hình di tích lịch sử.

Từ khóa » Di Tích đồng Khởi