Di Tích Lịch Sử Nam Kỳ Khởi Nghĩa

Đình Long Hưng tọa lạc tại ấp Long Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho 14 km về hướng Tây. Đình Long Hưng được xây dựng cách đây hơn 160 năm, lúc đó được gọi là Miễu Chánh để thờ cúng các vị Thành Hoàng Bổn Cảnh, những người có công lập làng, lập ấp. Ngoài ra, đình còn thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt - một công thần của triều Nguyễn , tượng và

Di tích Nam Kỳ Khởi Nghĩa

bức chân dung của Ông được đặt trong đình. Đình Long Hưng là nơi Ủy ban khởi nghĩa Nam Kỳ chọn làm Tổng hành dinh, trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho. Tại đây, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được treo cùng cờ búa liềm đã tung bay phất phới ngày 23 tháng 11 năm 1940. Từ những năm 1927-1929, Long Hưng đã có tổ chức Cách mạng đồng chí hội, năm 1930 Long Hưng là xã đầu tiên có Chi bộ Đảng ở Tiền Giang.

Đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940, lần đầu tiên tại Đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) đã xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng, cùng với giáo mác, gậy gộc,... nhân dân địa phương nhất tề đứng dậy diệt ác, trừ gian, làm nên cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vang dội. Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ.

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2005), tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nâng cấp, mở rộng đình Long Hưng, tạo thành một quần thể kiến trúc khang trang, bao gồm ngôi đình ở vị trí trung tâm; bên phải đình là nhà trưng bày - nơi lưu giữ những hiện vật của khởi nghĩa Nam kỳ 1940, với hàng trăm tranh ảnh, hiện vật... nhằm nhắc các thế hệ con cháu về lòng yêu nước thương nòi, tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng của quân và dân Nam bộ trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và ngôi nhà cổ Nam bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập (Nguyễn Thị Ngọc Tốt) - một trong những người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội; bên trái đình là nhà bia ghi danh 614 liệt sĩ của xã, trong đó có 2 liệt sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang là Lê Thị Hồng Gấm và Hồ Văn Nhánh. Xung quanh khu di tích có nhiều cây xanh, kiểng cổ quý hiếm, hoa tươi nở bốn mùa; đặc biệt, tại đây vẫn còn cây bàng cổ thụ, nơi lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên của nước ta được cắm trên đó trong những ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam kỳ.

Đình Long Hưng Nhà cổ Nam bộ thờ bà Nguyễn Thị Thập

Mỗi năm, đình có lệ cúng kỳ yên vào ngày 16 - 4 âm lịch, cúng hạ điền đồng thời cúng Ông (Lê Văn Duyệt) vào ngày 1- 8 âm lịch, cúng thượng điền ngày 16 -11 âm lịch. Đặc biệt, hàng năm vào ngày 23 - 11, cùng với cả nước tổ chức kỷ niệm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa tại đình. Ngày nay, nhắc tới Long Hưng là nhắc tới cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đẫm máu và hiển hách của nhân dân Mỹ Tho thời tiền khởi nghĩa, dẫn đến cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ 5 năm sau đó, góp phần xứng đáng vào những trang sử vẻ vang, đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Ngày 16/1/1995 di tích lịch sử Nam kỳ Khởi nghĩa (đình Long Hưng) được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Phòng QLDL (NTP)

Từ khóa » Di Tích Khởi