Khu Di Tích Khởi Nghĩa Bắc Sơn - Sự Kiện Nhân Chứng

Cách đây 80 năm, vào tối 27-9-1940, tại châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, lực lượng khoảng 600 người tiến công đồn Mỏ Nhài, giải phóng châu lỵ Bắc Sơn, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến. Cuộc khởi nghĩa đã gây tiếng vang lớn, báo hiệu mở đầu thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng Việt Nam: Thời kỳ kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị; nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các LLVT cách mạng, đánh đổ chính quyền của địch, giành độc lập, tự do. Khởi nghĩa Bắc Sơn là tiền đề khai sinh ra Đội Du kích Bắc Sơn. Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập và trực tiếp lãnh đạo.

Đồn Mỏ Nhài thuộc xã Hưng Vũ là một trong 12 điểm di tích thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn. Đồn nằm trên khu đồi rộng hơn 78.000m2, do thực dân Pháp xây dựng khi chiếm châu lỵ Bắc Sơn, chúng tạo thành một căn cứ quân sự hòng kiểm soát và sẵn sàng đè bẹp lực lượng du kích Bắc Sơn hoạt động quanh vùng. Tối 27-9-1940, quân ta tiến công đồn Mỏ Nhài. Chỉ trong thời gian ngắn, quân địch đã phải rút chạy, ta làm chủ hoàn toàn đồn Mỏ Nhài, thu được nhiều vũ khí, đạn dược, tài liệu, sổ sách của quân Pháp. Ngày nay, tại vị trí đồn Mỏ Nhài, Tượng đài Chiến thắng Bắc Sơn đã được xây dựng nhằm ghi dấu những chiến công oanh liệt của Khởi nghĩa Bắc Sơn.

leftcenterrightdel
Đình Nông Lục. Ảnh: DƯƠNG DOÃN TUẤN.

Cách đồn Mỏ Nhài khoảng 1km và thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn là đình Nông Lục, được xây dựng năm 1924, hoàn thành năm 1927 với kiến trúc theo kiểu chữ nhất, diện tích khoảng 180m2. Điều làm ngôi đình này trở nên đặc biệt chính là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của Đồng bằng Bắc Bộ cùng với kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Đình có 4 hàng cột cái, 1 hàng cột quân và 6 hàng cột hiên được khớp với nhau bởi hệ thống mộng khít... Tại đây, vào tối 26-9-1940, các đảng viên cộng sản trung kiên sau khi thoát khỏi nhà tù của thực dân Pháp trở về đã họp bàn với các đảng viên thuộc Đảng bộ xã Hưng Vũ về phương án khởi nghĩa giành chính quyền từ tay thực dân Pháp ở đồn Mỏ Nhài. Tại cuộc họp đã ra nghị quyết thành lập ban chỉ đạo khởi nghĩa và quyết định thời gian khởi nghĩa là tối 27-9-1940.

Ngoài ra, Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn còn có 10 điểm di tích khác, đó là: Lân Táy-Mỏ Pia, đèo Tam Canh, hang Mỏ Rẹ, núi Sa Khao, đèo Thâm Thoông-Dập Dị, Khuổi Nọi và rừng Tam Tấu, Pó Tát, đồi Nà Kheo, hang Lân Pán, trường Vũ Lăng. Với giá trị lịch sử tiêu biểu, Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg, ngày 22-12-2016).

Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940 / 27-9-2020) và để góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thu hút khách du lịch đến tham quan, học tập tại địa phương, UBND huyện Bắc Sơn đã tiến hành khảo sát, đề xuất với UBND tỉnh các hạng mục công trình chào mừng kỷ niệm. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện chủ trương huy động đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, LLVT trên địa bàn huyện với mức một ngày lương để cùng huyện xây dựng, cải tạo các công trình.

Hiện nay, các điểm di tích thuộc Khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn đã được khoanh vùng bảo vệ, đầu tư xây dựng các bia tưởng niệm, bia ghi dấu sự kiện, cắm biểu tượng, tượng đài chiến thắng, góp phần tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa của di tích đến nhân dân. Hằng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học thường xuyên tổ chức những buổi trải nghiệm chăm sóc các điểm di tích. Thông qua đó nâng cao nhận thức cho học sinh về việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn huyện.

LA DUY

Từ khóa » Di Tích Khởi