Di Tích Lịch Sử Quốc Gia 27/7: Nơi Hội Tụ Hồn Thiêng Dân Tộc

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thắp hương các Anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích quốc gia 27/7, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tháng 7/2012. Ảnh: Quốc Cường

Nhân dịp này, PV Đài PT – TH Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ về công tác quản lý, trông coi, trùng tu, thờ tự khu Di tích đặc biệt này.

PV: Thưa ông! Dân tộc ta từ ngàn xưa đã có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Thị trấn Hùng Sơn vinh dự được đặt Di tích quốc gia 27/7 và bát hương thờ các Anh hùng - Liệt sỹ toàn quốc. Trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đã thực hiện công tác tri ân, tưởng nhớ đến hàng triệu vong linh các Anh hùng – Liệt sỹ như thế nào? Ý nghĩa của hoạt động này đối với việc giáo dục tư tưởng đạo đức cho thế hệ trẻ?

Ông Đỗ Đăng Khoa: Nhân dân Thái Nguyên nói chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Hùng Sơn nói riêng, rất đỗi tự hào bởi nơi đây là cội nguồn, nơi phát tích ra đời ngày kỷ niệm Thương binh – Liệt sỹ 27/7. Nơi đặt Di tích cấp quốc gia 27/7 và bát hương thờ các Anh hùng - Liệt sỹ toàn quốc. Di tích là sự hội tụ những anh linh hào kiệt của dân tộc. Vì vậy, Ban lãnh đạo địa phương luôn có ý thức trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa lịch sử, giá trị tâm linh. Vào những dịp lễ, tết, ngày rằm, mùng một, Ban lãnh đạo huyện, thị trấn, cùng rất nhiều các đơn vị, trường học, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đến đây dâng hương tri ân, phát tâm công đức và thăm quan Di tích. Điều khác biệt khi đến với Di tích ta như thấy được trải lòng, được gần gũi hòa mình vào cỏ cây hoa lá, với cảnh trí thiên nhiên linh thiêng, huyền diệu, được tri ân đến những người đã không tiếc máu xương vì nền độc lập dân tộc. Do chính sách của Đảng, Nhà nước, đã quan tâm, xây dựng công trình Di tích cấp Quốc gia 27/7 nên Đảng bộ, nhân dân trên địa bàn rất phấn khởi vui mừng. Vào những dịp lễ, tết, ngày rằm mùng một, đông đảo cán bộ, nhân dân đến dâng hương với tấm lòng thành kính. Đặc biệt năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Đảng, Nhà nước đã cho quy tụ chân hương của các nghĩa trang lớn trên khắp cả nước như: Bến Dược (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh); Nghĩa trang Trường Sơn; Nghĩa trang Đường 9…và rước bát hương về thờ tại Di tích để đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên được thường xuyên viếng thăm để bày tỏ niềm tự hào dân tộc và thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến những người con bất diệt của Tổ quốc đã ngã xuống vì nước vì dân. Ban quản lý Di tích còn phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức cho các em học sinh tham quan, ngoại khóa ôn lại lịch sử hào hùng của quân và dân ta, tìm hiểu về lịch sử ngày Thương binh - Liệt sỹ. Qua những chiến công vang dội, sự hy sinh anh dũng quả cảm của thế hệ cha anh, giúp các em nâng cao ý thức tự tôn, tự hào dân tộc, quyết tâm phấn đấu học tập vì ngày mai lập nghiệp, biết giữ gìn những thành quả mà cha ông ta đã tạo dựng trong mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Nhân dân Thái Nguyên nói chung, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Hùng Sơn nói riêng, rất đỗi tự hào bởi Di tích lịch sử Quốc gia 27/7 là cội nguồn, nơi phát tích ra đời ngày kỷ niệm Thương binh – Liệt sỹ 27/7.

PV: Là một Di tích cấp Quốc gia, điểm nối với khu Di tích ATK và Tân Trào, Tuyên Quang, Ông hãy cho biết trong thời gian qua lãnh đạo các cấp, ngành đã có biện pháp gì nhằm duy tôn tổng quan công trình Di tích?

Ông Đỗ Đăng Khoa: Được xây dựng từ năm 1997, để làm tốt công tác thờ cúng, nhang đăng, trông coi, và phục vụ khách tham quan, Ban lãnh đạo xã đã thành lập Ban quản lý Di tích là những người tâm huyết, thực hiện trực ca 24/24 giờ. Kịp thời sửa chữa trùng tu nâng cấp những hư hỏng, cũng như những sự cố tại Di tích. Năm 2013, toàn bộ hệ thống sân tiền sảnh đã được làm mới (lát bằng đá xanh) trị giá trên 2 tỷ đồng, do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Công trình này làm tăng thêm vẻ đẹp linh thiêng trong tổng thể cảnh quan Di tích. Bên cạnh đó, Ban quản lý Di tích phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thường xuyên tổ chức thăm viếng, dâng hương tri ân tại đền thờ và làm công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, hồ sen, góp phần giữ gìn và tôn tạo cảnh quan tươi đẹp của Di tích.

PV: Thưa ông! Trải qua mấy cuộc chiến tranh vệ quốc, hàng triệu người con ưu tú đã mãi ở lại trong lòng đất, để nhân dân ta hôm nay được hưởng một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Để tưởng nhớ và tri ân công lao của các Anh hùng liệt sỹ, Ban lãnh đạo đã, đang và sẽ làm gì để thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” cũng như công tác tiếp đón các đoàn cũng như thân nhân các Thương binh, Liệt sỹ về thắp hương tại Di tích?

Ông Đỗ Đăng Khoa: “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý có từ lâu đời của dân tộc. Tháng 7 là tháng “Đền ơn đáp nghĩa”, khi mà toàn Đảng, toàn dân đang hướng tới kỷ niệm, tri ân các Anh hùng – Liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, những tấm gương trong mọi thời đại đã hy sinh vì nước vì dân. Tại Thị trấn Hùng Sơn tổ chức nhiều hoạt động như: Mít tinh chào mừng kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7. Đặc biệt trong thời điểm Trung Quốc có những hành động vi phạm nghiêm trọng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, lãnh đạo Thị trấn phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức đêm thắp nến tri ân hướng về Biển đảo vào ngày 10/7, thành lập Ban công tác thăm hỏi tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho những gia đình thương binh liệt sỹ, người có công, người già, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gây quỹ tình nghĩa, tặng nhà tình nghĩa, tổ chức dâng hương tri ân ở tất cả các nghĩa trang trên địa bàn thị trấn. Với những việc làm như vậy, hằng mong vong linh những người đã ngã xuống sẽ được thanh thản và chúng ta những người đang được hưởng cuộc sống an vui cũng được ấm lòng.

Với tổng diện tích trên 2ha khi có những sự kiện lớn, các chương trình đại lễ thì sân bãi của Di tích trở nên quá tải, chật chội, làm ảnh hưởng đến khâu tổ chức

PV: Thưa ông! Công tác quản lý Di tích hiện nay có khó khăn và thuận lợi gì?

Ông Đỗ Đăng Khoa: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ban, ngành các cấp, đến nay Di tích 27/7 đã có một diện mạo khang trang, bề thế, thỏa lòng mong mỏi của nhân dân trong và ngoài thị trấn. Tuy nhiên với tổng diện tích trên 2ha khi có những sự kiện lớn, các chương trình đại lễ thì sân bãi đã trở nên quá tải, chật chội, làm ảnh hưởng đến khâu tổ chức. Vì vậy Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Hùng Sơn rất mong Đảng, Nhà nước, ban, ngành các cấp xem xét có thể quy hoạch, mở rộng mặt bằng sân bãi để Di tích được xứng đáng với tầm vóc của nó. Bên cạnh đó, lãnh đạo thị trấn cũng rất mong muốn các ban ngành chức năng xem xét biên chế một cán bộ văn hóa chuyên trách làm nhiệm vụ hướng dẫn viên tại Di tích.

Nhân dịp kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, tôi xin thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Hùng Sơn, gửi đến vong linh các anh hùng liệt sỹ nén tâm nhang, cầu mong cho linh hồn các anh luôn luôn thanh thản, xin được gửi tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sỹ, người có công với nước với dân lời tri ân sâu sắc nhất./.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Khắc Thái

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử 27/7