Số Hóa Di Tích - Di Tích 27/7 - Thông Báo - Huyện Đại Từ

ĐIỂM CÔNG BỐ NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ TOÀN QUỐC

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ là trung tâm chính trị văn hóa của huyện Đại Từ là nỡi đã được 2 lần đón bác Hồ về thăm (1954,1958) và là nơi cách đây 74 năm, tại Tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn) được chọn làm địa điểm công bố ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7).

Trở lại những ngày tháng lịch sử hào hùng trong Cách mạng tháng 8/1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp bội ước, quay lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân trong cả nước đã anh dũng chiến đấu, chống lại những cuộc càn quét của kẻ thù. Trong cuộc chiến đấu gian khổ đó, hàng trăm chiến sỹ đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu của mình cho các chiến sỹ. Nhiều tổ chức, hội giúp đỡ các thương binh, liệt sỹ ra đời, tiêu biểu là Hội giúp binh sỹ bị nạn.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sỹ bị nạn (sau đổi thành Hội giúp binh sỹ bị thương) ra đời ở Thuận Hóa (Huế), sau đó lan rộng ra Hà Nội và các địa phương khác trong cả nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự. Chiều 28/5/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội đã tổ chức một cuộc diễn thuyết kêu gọi nhân dân gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương theo hoàn cảnh gia đình.

Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ cho bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ”. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động “Mùa đông binh sỹ” đã họp phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sỹ. Chiều 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức buổi lễ “Mùa đông binh sỹ” với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ.

Ngay tại buổi lễ, Bác Hồ đã cởi chiếc áo len đang mặc trên người để tặng lại các chiến sỹ. Sau đó, chiếc áo len này được Ban Vận động ủng hộ “Mùa đông binh sỹ” Hà Nội tổ chức đấu giá tại Nhà hát Lớn với sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Tháng 6/1947, từ Phủ Chủ tịch ở “Thủ đô gió ngàn” tại đồi Khau Tý, ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh”.

Đầu tháng 7/1947, Ban vận động tổ chức Ngày thương binh toàn quốc được thành lập. Hội nghị họp bàn để lựa chọn ngày Thương binh liệt sĩ diễn ra tại Phú Minh (xã Phú Thịnh) với sự tham gia của 20 người do đồng chí Lê Tất Đắc – Cục phó Cục Chính trị chủ trì và sự có mặt của các đồng chí Trần Huy Liệu (Tổng bộ Việt Minh), đồng chí Hoàng Tuấn (Nha Thông tin), đồng chí Nguyệt Tú (vợ đồng chí Lê Quang Đạo – đại diện Trung ương Hội phụ nữ cứu quốc), Trung ương đoàn có đồng chí Đào Duy Kỳ… Sau khi họp bàn, Hội nghị nhất trí đề nghị lên Trung ương lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh”.

Chiều 27/7/1947, tại cây đa xóm Bàn Cờ, một cuộc mít tinh đơn giản theo hoàn cảnh kháng chiến nhưng trang nghiêm được tổ chức nhằm kỷ niệm “Ngày Thương binh” lần thứ nhất. Mặc dù 74 năm trôi qua, nhưng hình ảnh về lễ kỷ niệm ngày “Thương binh, Liệt sỹ” vẫn hiện rõ trong tâm trí những người từng tham dự lễ thành lập. Tới dự buổi lễ có khoảng 300 đại biểu của Trung ương Đảng, các cơ quan lãnh đạo khu, cơ quan kháng chiến huyện và đông đảo anh em thương binh, bộ đội. Sau khi tuyên bố lý do, Ban tổ chức cuộc mít tinh trịnh trọng đọc bức thư của Hồ Chủ tịch gửi anh em thương binh toàn quốc nhân ngày 27/7.

Trong thư, Người viết: “…Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang san, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập; ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.

Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa, để giúp đồng bào bị đói. Bây giờ chống giặc ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sỹ bị thương.

Ngày 27/7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh.

Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà các chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.12700.đ)”

Từ đó, hàng năm đến ngày 27/7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ.

Từ tháng 7/1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, Liệt sỹ” của cả nước.

Hàng năm cứ đến ngày 27/7 cả nước lại dấy lên nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Với giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn, để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ, nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Ngày Thương binh, Liệt sỹ”, ngày 27/7/1997, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành khu kỷ niệm 27/7 và dựng bia kỷ niệm tại khu di tích và cùng năm đó Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Ngày 29/7/2007, tại Khu di tích 27/7, Đảng và nhà nước ta đã tổ chức lễ đón nhận bát hương thờ vong linh các anh hùng liệt sỹ từ các nghĩa trang liệt sỹ tiêu biểu trên toàn quốc về đặt tại Khu di tích 27/7. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tiếp tục trùng tu tôn tạo mở rộng khuôn viên khu di tích và làm lễ rước chân hương các anh hùng liệt sỹ toàn quốc về thờ tại Di tích.

Hiện nay qua 3 lần trùng tu tôn tạo khu di tích được bố trí theo lối kiến trúc truyền thống gồm cổng Tam quan, nhà tưởng niệm, sân hành lễ. Nằm trong khuôn viên khu di tích còn có đền Ông nơi thờ Đồng Doãn Khuê đỗ tiến sỹ năm 1736 và đền Bà thờ và công chúa Mai Hoa.

Để giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhất là thế hệ trẻ trong huyện Đại Từ đã thường xuyên có những phần việc thiết thực ý nghĩa tại khu di tích, mỗi dịp 27/7 đoàn viên thanh niên trong toàn huyện tổ chức lễ thắp nến tri ân tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ toàn quốc tại khu di tích và Đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ trong toàn huyện.

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử 27/7