Di Tích Ngã Tư Đức Hòa - địa Chỉ đỏ Về Lịch Sử - Báo Long An Online
Có thể bạn quan tâm
Những năm qua, khu di tích này đã được tỉnh quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo. Ngoài nhắc nhớ về lịch sử thì nơi đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần trong khu di tích
Nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử
Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa tọa lạc tại điểm giao nhau giữa tỉnh lộ 824 và 825 thuộc khu phố 3, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nơi đây vào ngày 4-6-1930, đồng chí Châu Văn Liêm, Bí thư liên tỉnh Gia Định – Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần, Bí thư Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước dinh quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp.
Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, đồng chí Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào, đồng chí khác đã hi sinh. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, để khủng bố tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Hòa, thực dân Pháp lập đài xử bắn các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa, cách dinh quận khoảng 200m. Chỉ trong tháng 7-1941 đã có 29 nghĩa quân Nam Kỳ khởi nghĩa ngã xuống nơi đây.
Còn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1964, Sư đoàn 25 ngụy từ Quảng Ngãi về đóng quân tại khu vực dinh quận Đức Hòa. Chúng xây dựng hệ thống lô cốt làm kho chứa vũ khí, hệ thống thông tin truyền thông, trung tâm hành quân, để bảo vệ căn cứ quân sự của chúng. Khu vực Ngã tư Đức Hòa trở thành trung tâm đầu não của địch, nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét, bắn phá cơ sở cách mạng của ta. Để triệt phá căn cứ này, lực lượng cách mạng đã nhiều lần tấn công.
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng trong nhiều thời kỳ lịch sử, Khu vực Ngã tư Đức Hòa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, tại Quyết định số 1570, ngày 5-9-1989.
Để phát huy giá trị lịch sử khu di tích, năm 1995, Sở Văn hóa – Thông tin Long An (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xây dựng và thực hiện dự án bảo tồn tôn tạo di tích Ngã tư Đức Hòa. Từ đó đến nay, nhiều hạng mục của khu di tích như tượng đài đồng chí Võ Văn Tần có chiều cao 10m, khu công viên, cổng công viên, hàng rào bảo vệ, phù điêu tái hiện cuộc biểu tình ngày 4-6-1930, phòng trưng bày, đài xử bắn… đã được tiến hành thi công, hiện đã hoàn thành. Đồng thời các di tích gốc như nhà dinh quận Đức Hòa, hệ thống lô cốt… cũng được trùng tu.
Hầm do đế quốc Mỹ xây dựng hiện vẫn còn hiện hữu tại khu di tích
“Tổng kinh phí đã đầu tư trùng tu tôn tạo cho khu di tích Ngã tư Đức Hòa là trên 32 tỷ đồng. Hiện tại các hạng mục cơ bản đã hoàn thành”, ông Nguyễn Văn Thiện – Phó Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa tỉnh cho biết.
Nơi giáo dục truyền thống
Di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa đứng sừng sững giữa Ngã tư thị trấn Đức Hòa sôi động hôm nay đã khẳng định cho một quá trình dài đấu tranh cách mạng kiên cường và đầy anh dũng của Đảng bộ và nhân dân Long An trong kháng chiến. Đồng thời, đây cũng là nơi tôn vinh những người con ưu tú của quê hương, đất nước như Võ Văn Tần, Châu Văn Liêm…
Giờ đây, khu di tích Ngã tư Đức Hòa có cảnh quan thoáng mát được bao bọc bởi những hàng cây xanh đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách. Đây còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Em Lê Vũ Nhật Hào, học sinh lớp 8, Trường THCS Võ Văn Tần bùi ngùi nói “trường em rất may mắn khi nằm ngay bên khu di tích lịch sử Võ Văn Tần, đồng thời thầy cô giáo cũng thường kể cho chúng em nghe nhiều câu chuyện liên quan đến lịch sử của khu di tích. Em và các bạn vẫn thường được cô thầy dẫn ra khu di tích để thắp nhang tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với thế hệ cha, ông đi trước. Qua đó chúng em đã biết nhiều hơn về lịch sử, tự hào về truyền thống của dân tộc và thấy mình phải cố gắng nhiều hơn trong học tập, lao động để sau này xây dựng đất nước giàu, mạnh như Bác Hồ từng nhắn nhủ”.
Di tích Ngã tư Đức Hòa chính là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân Đức Hòa. Một số ngôi trường ở địa bàn huyện đã được đặt tên Võ Văn Tần, Châu Văn Liêm. Hàng năm nhân các ngày lễ lớn, Huyện ủy, UBND huyện, Đoàn thanh niên, các trường học… cũng thường tổ chức các đoàn đến viếng khu di tích.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Hòa – Lê Văn Lực: “Những năm qua, Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng tiến hành soạn các bài giảng liên quan đến khu di tích Ngã tư Đức Hòa để gửi đến các trường học phổ biến cho học sinh. Ngoài ra, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng nhiều lần về tận các trường học để nói chuyện về lịch sử của khu di tích và những người thủ lĩnh cách mạng từng đứng lên đấu tranh, hi sinh tại đây”./.
Lê Đức – Kiên Định
Từ khóa » Di Tích Lịch Sử Võ Văn Tần
-
Võ Văn Tần – Wikipedia Tiếng Việt
-
TÓM LƯỢC TIỂU SỬ VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN ...
-
Đồng Chí Võ Văn Tần: “Cách Mạng Dẫu Có Khó Khăn đến Mấy Nhưng ...
-
Võ Văn Tần - Nhà Cách Mạng, Yêu Nước Tiêu Biểu - Tạp Chí Tuyên Giáo
-
Kỷ Niệm 130 Năm Ngày Sinh đồng Chí Võ Văn Tần
-
Di Tích, Nhân Vật Lịch Sử
-
Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh
-
Võ Văn Tần - Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường, Nhà Lãnh đạo Tiền ...
-
Dâng Hương Kỷ Niệm 130 Năm Ngày Sinh đồng Chí Võ Văn Tần
-
Đồng Chí Võ Văn Tần: Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Cường
-
"Địa Chỉ đỏ" Ghi Dấu Biệt động Sài Gòn - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
-
Đồng Chí Võ Văn Tần - Người Chiến Sĩ Cộng Sản Kiên Trung, Mẫu Mực
-
130 Năm Ngày Sinh đồng Chí Võ Văn Tần: Hiến Dâng Trọn đời Mình ...
-
Thăng Trầm Những Ngôi Nhà Cổ - Hànộimới