Đồng Chí Võ Văn Tần: “Cách Mạng Dẫu Có Khó Khăn đến Mấy Nhưng ...

Thuở nhỏ, Võ Văn Tần được học chữ Nho với người bác ruột, sau đó được học chữ quốc ngữ tại trường Đức Hòa do người cậu là Nguyễn Văn Truyện mở. Vì là một học trò có tư chất thông minh, ham học, hiếu thảo, có tính thương người nên được thầy Truyện vừa trực tiếp dạy chữ và vừa dạy Võ Văn Tần nghề bốc thuốc Nam. Năm 1914, Võ Văn Tần mở lớp dạy học tại làng kiêm nghề bốc thuốc Nam để mưu sinh và truyền dạy cho học trò tinh thần yêu nước. Sau đó, Võ Văn Tần đã rời quê hương lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề kéo xe tay nhưng rồi đến năm 1921 trở lại quê nhà. Do là người có chữ, Võ Văn Tần được xã trưởng Nguyễn Văn Vui mời ra làm biện làng. Năm 1923, Võ Văn Tần lần đầu tiên bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam với tội cầm đầu các cuộc chống đối Chính phủ Pháp vì đã cùng nhân dân địa phương đấu tranh chống chính quyền thu thuế vô lý, nhưng không có chứng cứ rõ ràng để kết án, chính quyền buộc phải tha.

Cuối năm 1923, một lần nữa, Võ Văn Tần rời quê hương lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề kéo xe tay và tìm đường cứu nước. Năm 1926, Võ Văn Tần và em trai Võ Văn Ngân tham gia tổ chức Thanh niên cao vọng Đảng – hội kín của cụ Nguyễn An Ninh, một tổ chức yêu nước thời bấy giờ.

Hoạt động trong hội kín của cụ Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần dần dần nhận ra rằng: “Thời đại này chỉ thấy có Cách mạng Tháng Mười Nga là con đường tương lai sáng lạn nhất”[2]. Vì vậy cuối năm 1926 khi Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời ở Sài Gòn – Chợ Lớn mở rộng phát triển hội viên thì Võ Văn Tần và Võ Văn Ngân đã tự nguyện tham gia. Theo sự phân công của tổ chức, đầu năm 1927, Võ Văn Tần và Võ Văn Ngân từ Sài Gòn về Đức Hòa tuyên truyền, vận động để thành lập các chi hội của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh. Đây là những tổ chức cách mạng đầu tiên của Tân An và Chợ Lớn.

Nhà thương Giếng Nước (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn) – nơi Pháp xử bắn đồng chí Võ Văn Tần ngày 25/8/1941. Nguồn: Ảnh tư liệu Nhà thương Giếng Nước (nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn) – nơi Pháp xử bắn đồng chí Võ Văn Tần ngày 25/8/1941. Nguồn: Ảnh tư liệu

Nửa cuối năm 1929, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời: Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, Đông Dương cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ. Tháng 11 năm 1929, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời An Nam Cộng sản Đảng được thành lập tại Sài Gòn do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư, đã cử Võ Văn Tần về thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại Đức Hòa gồm bảy đồng chí tích cực nhất của chi hội Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư.

Ngày 24 tháng 2 năm 1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc thống nhất các tổ chức Đảng, các cấp bộ Đảng ở Nam Kỳ cơ bản hoàn thành vào tháng 3 năm 1930. Ngày 6 tháng 3 năm 1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Châu Văn Liêm, đồng chí Võ Văn Tần triệu tập cuộc họp bí mật của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa tuyên bố chuyển thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Chợ Lớn, nay là Long An do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư. Chi bộ có bảy người thì gia đình ông có ba người (Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Võ Thị Phái). Vừa ra đời, dưới sự hướng dẫn của đồng chí Châu Văn Liêm, chi bộ đã tiếp tục vận động để tháng 4 năm 1930 thành lập chi bộ làng Mỹ Hạnh, tháng 5 năm 1930 thành lập chi bộ làng Hựu Thạnh. Như vậy, chỉ trong vòng ba tháng, đồng chí Võ Văn Tần đã thành lập được ba chi bộ cộng sản ở Đức Hòa với 26 đảng viên.

Từ ba chi bộ làng Đức Hòa, làng Mỹ Hạnh, làng Hựu Thạnh, tháng 5 năm 1930, đồng chí Võ Văn Tần triệu tập Hội nghị thành lập Đảng bộ quận Đức Hòa thuộc tỉnh Chợ Lớn do đồng chí làm Bí thư. Trong Ban Chấp hành Đảng bộ quận Đức Hòa, gia đình ông có bốn anh em đều là quận ủy viên: Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tần, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ, Tỉnh ủy Chợ Lớn và Quận ủy Đức Hòa thống nhất chủ trương tổ chức cuộc biểu tình lớn vào dịp 1 tháng 5 năm 1930. Chiều 30 tháng 4 năm 1930, các chi bộ của Quận ủy Đức Hòa đã huy động hàng ngàn quần chúng biểu tình với trống giục, truyền đơn, biểu ngữ và cờ đỏ búa liềm gương cao, từ Ngã ba Tân Phú kéo về Bàu Trại. Chính quyền thực dân đã cho lính bắn vào đoàn biểu tình và bắt đi một số người. Đây là cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên do Quận ủy Đức Hòa lãnh đạo.

Ngày 4 tháng 6 năm 1930, tại Đức Hòa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Châu Văn Liêm và Võ Văn Tần, 1.500 người đã tập hợp thành ba mũi từ Bàu Trại, Mỹ Hạnh và Đức Hòa rầm rộ kéo về quận lỵ Đức Hòa, từ 7 giờ sáng đến đêm, vây trụ sở quận đưa yêu sách. Đồng chí Võ Văn Tần phụ trách mũi biểu tình xuất phát từ Bàu Trại. Thống đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn đã ra lệnh và điều quân về Đức Hòa đàn áp cuộc biểu tình. Chúng xả súng bắn chết nhiều người trong đó có đồng chí Châu Văn Liêm. Gia đình đồng chí Võ Văn Tần có hai người em bị thương trong cuộc biểu tình này.

Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần trong Khu di tích Ngã tư Đức Hòa (Long An). Nguồn: Ảnh tư liệu Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần trong Khu di tích Ngã tư Đức Hòa (Long An). Nguồn: Ảnh tư liệu

Biết rõ Võ Văn Tần là người lãnh đạo phong trào Đức Hòa, chính quyền thực dân đã truy lùng ráo riết, vì vậy đồng chí Võ Văn Tần đã bí mật sang vùng Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, Gia Định để tiếp tục hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng Chợ Lớn – Gia Định.

Cao trào cách mạng 1930-1931 do Đảng lãnh đạo đã bị thực dân Pháp khủng bộ trắng, nhiều tổ chức Đảng bị vỡ, nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng bị giặc bắt. Ở Chợ Lớn, tháng 5 năm 1931, đồng chí Lê Quang Sung – Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ - Phó Bí thư, đồng chí Phan Văn Hảo – Thường vụ Tỉnh ủy bị địch bắt, Tỉnh ủy tan vỡ. Vì vậy, tháng 6 năm 1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Lê Quang Sung, kiên trì hoạt động gây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng, duy trì sự lãnh đạo của Đảng với phong trào cách mạng ở cả Gia Định và Chợ Lớn.

Giữa năm 1932, theo điều động của Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 6 năm 1932, đồng chí Võ Văn Tần lập ra Liên Quận ủy Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa để chỉ đạo phong trào cách mạng. Giữa năm 1933, từ vùng ven Sài Gòn – đồng chí Võ Văn Tần mở rộng hoạt động xuống miền Tây Nam Bộ, chỉ đạo xây dựng lại Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Mỹ Tho và cử đồng chí Thái Văn Đẩu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 2 năm 1934, đồng chí Trần Văn Giàu lập lại Xứ ủy Nam Kỳ và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy, lập lại Thành ủy Sài Gòn, lập Liên Tỉnh ủy Vàm Cỏ Đông. Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Ủy viên Liên Tỉnh ủy Vàm Cỏ Đông, tích cực hoạt động xây dựng cơ sở, làm cho cả vùng Gia Định – nhất là vùng Bà Điểm – trở thành địa bàn căn cứ của Xứ ủy và Tỉnh ủy.

Sau Đại hội I của Đảng ở Ma Cao – Trung Quốc (tháng 3 năm 1935), Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng yêu cầu giải thể và lập lại Xứ ủy Nam Kỳ. Tháng 5 năm 1935, Xứ ủy Nam Kỳ lại bị vỡ do nhiều cán bộ của Xứ ủy bị địch bắt. Tháng 11 năm 1935, Nam Kỳ lâm thời chấp ủy – tức Xứ ủy lâm thời được lập lại do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư Xứ ủy. Đồng chí Võ Văn Tần được cử vào Ban lãnh đạo Xứ ủy. Đầu năm 1937, đồng chí Võ Văn Ngân – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ bị bệnh nặng đã được Xứ ủy đưa về quê nhà chữa trị. Đồng chí Võ Văn Tần được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy thay người em trai Võ Văn Ngân của mình. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần cùng Xứ ủy triển khai thực hiện Thông cáo gửi các cấp bộ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương sau Hội nghị mở rộng vào đầu tháng 3 năm 1937 trong toàn Xứ, trực tiếp chỉ đạo phát triển tổ chức và phong trào Cách mạng ở Sài Gòn – Gia Định và mở rộng xuống miền Tây, cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai mở các lớp huấn luyện cho các cán bộ tại Bà Điểm. Đồng chí còn trực tiếp xuống miền Tây để khôi phục tổ chức, phát triển phong trào. Giữa năm 1937, Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng các tổ chức đoàn thể công khai ở Sài Gòn hoạt động rất sôi nổi.

Từ ngày 25 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 1937, tại vùng căn cứ Bà Điểm - Hóc Môn - Gia Định, Ban Chấp hành Trung ương đã họp hội nghị mở rộng. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần đã tham dự hội nghị và tham gia thảo luận những chủ trương mới về nội bộ, về đào tạo cán bộ, về tổ chức quần chúng, về đấu tranh chống các xu hướng sai lầm, về Mặt trận nhân dân thống nhất Đông Dương, về chống phát xít và chống chiến tranh đế quốc. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 11 đồng chí, cử ra Ban Thường vụ Trung ương gồm 5 đồng chí trong đó có đồng chí Võ Văn Tần. Đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư.

Sau hội nghị, trên cương vị mới là Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần đã lãnh đạo Xứ ủy sắp xếp lại hệ thống tổ chức Đảng trong toàn Xứ, phát triển Đảng một cách vững chắc.

Trước chuyển biến của tình hình thế giới, tình hình chính trường Pháp cũng như tình hình Đông Dương và tình hình nội bộ Đảng, cuối tháng 3 năm 1938, Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị lần thứ năm tại Làng Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định bàn về vấn đề thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương, vấn đề củng cố tổ chức Đảng, vấn đề chống bọn Trosky…, ra Nghị quyết về Phòng thủ Đông Dương và vận động binh lính. Tại Hội nghị này đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Hà Huy Tập. Đồng chí Võ Văn Tần được bầu làm Thường vụ Trung ương [3] cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Chí Diểu. Nhận định về sự kiện này, Sách Võ Văn Tần - Tiểu sử viết: “Đây là bước chuyển biến quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Văn Tần. Từ đây, Đồng chí có điều kiện cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp lãnh đạo của Đảng nói chung, của Đảng bộ Nam Kỳ nói riêng” [4].

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Tần trên cương vị Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy, phong trào cách mạng của Nam Bộ từ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, từ các tỉnh miền Đông xuống khắp các tỉnh miền Tây diễn ra rất sôi nổi, đã tận dụng khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp, công khai và bán công khai kết hợp với hoạt động bí mật để đấu tranh trên nghị trường, trên mặt trận tư tưởng, báo chí - xuất bản do thời cuộc tạo ra để đẩy mạnh phong trào cách mạng.

Ngày 1 tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Mặt trận bình dân Pháp tan vỡ. Ngày 29 tháng 9 năm 1939, sau khi thống nhất với đồng chí Võ Văn Tần và một vài đồng chí còn lại trong Thường vụ Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã gửi tới các cấp bộ Đảng Thông báo những công việc cần kíp của Đảng khi tình hình quốc tế và toàn cõi Đông Dương đã thay đổi rất bất lợi cho cách mạng. Thực hiện chủ trương mới của Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đã lập tức chỉ đạo Xứ ủy kịp thời rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn và vùng ven.

Đầu tháng 11 năm 1939, tại Mười tám thôn Vườn Trầu, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, Ban Chấp hành Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ sáu để ban hành Chính sách mới của Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và cá nhân đồng chí Võ Văn Tần đã chuẩn bị chu đáo cho Hội nghị. Các đồng chí Lê Duẩn, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu giúp đồng chí Nguyễn Văn Cừ soạn thảo Chính sách mới của Đảng – Văn kiện của Hội Nghị. Sau ba ngày thảo luận, tài liệu Chính sách mới của Đảng trở thành Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu. Nghị quyết này bước đầu thể hiện sự chuyển hướng chiến lược trong lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Sau Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương kết thúc, ngày 3 và 4 tháng 12 năm 1939, đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Võ Văn Tần đã triệu tập hội nghị Xứ ủy mở rộng để quán triệt trong toàn xứ những chỉ đạo mới của Trung ương. Từ sau hội nghị này, Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế được tổ chức thành hệ thống chặt chẽ từ làng xã lên đến Xứ. Các tổ chức Nông hội, Công hội, Thanh niên phản đế, các đội tự vệ và du kích phát triển nhanh chóng, số lượng đảng viên cộng sản tăng lên nhanh chóng.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong cả nước, đặc biệt là ở Nam Kỳ, thực dân Pháp ra tay khủng bố. Ngày 17 tháng 1 năm 1940, bọn mật thám Pháp đã bắt được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn tại Sài Gòn. Ngày 6 tháng 2 và ngày 30 tháng 3 năm 1940, các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập cũng bị địch bắt. Ngay sau đó, ngày 21 tháng 4 năm 1940, mật thám Pháp bắt được đồng chí Võ Văn Tần tại Hóc Môn, Gia Định. Biết rõ Võ Văn Tần là người lãnh đạo cao nhất của phong trào Cộng sản Nam Kỳ, kẻ địch đã ra sức dụ dỗ, mua chuộc và dùng cực hình tra tấn vô cùng tàn bạo nhưng chúng chỉ nhận được câu trả lời; “Người Cộng sản chúng tao không sợ chết đâu, chúng mày đừng giở trò vô ích”. Trong lao tù ông luôn động viên những người cộng sản giữ vững chí khí chiến đấu: “Dẫu bị tra tấn, nhất định đừng khai báo. Cách mạng dẫu có khó khăn mấy nhưng nhất định thành công”.

Ngày 17 tháng 10 năm 1940, Tòa án quân sự Sài Gòn kết án đồng chí Võ Văn Tần 4 năm 9 tháng tù giam, 8 năm cấm lưu trú vì tội “làm tổn hại đến an ninh quốc gia”, bị đày ra Côn Đảo. Tháng 11 năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Ngày 7 tháng 12 năm 1940, theo yêu cầu của thanh tra cảnh sát đặc biệt miền Đông, kẻ địch đã hoãn đưa các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Lê Duẩn ra Côn Đảo. Ngày 25 tháng 3 năm 1941 Tòa án quân sự Sài Gòn kết án đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng ta phải chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, chịu tội tử hình.

Ngày 28 tháng 8 năm 1941, thực dân Pháp đã bắn đồng chí Võ Văn Tần và các đồng chí của ông tại Ngã tư giếng nước, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nơi kẻ địch bắn các đồng chí nay là Bệnh viện huyện Hóc Môn – Thành phố Hồ Chí Minh). Đây là một tổn thất lớn cho cách mạng Việt Nam cũng như phong trào cách mạng ở Nam Kỳ khi cả nước bắt đầu bước vào giai đoạn đấu tranh trực tiếp giành chính quyền về tay nhân dân (1941- 1945).

Để tưởng nhớ và ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nhiều công trình văn hóa, trường học được vinh dự mang tên đồng chí Võ Văn Tần. Ở quê hương đồng chí có khu tưởng niệm tưởng nhớ nhà cách mạng. Tại thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An có một trường phổ thông trung học mang tên đồng chí Võ Văn Tần.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh có trường tiểu học và hai trường phổ thông cơ sở mang tên Võ Văn Tần. Một đường phố chính ở trung tâm Quận 3 cũng được mang tên đồng chí Võ Văn Tần.

Các thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Gia Lai, Đồng Xoài, Vũng Tàu, Cần Thơ và nhiều thành phố ở các tỉnh phía Nam đều có đường phố mang tên đồng chí Võ Văn Tần.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

-----------

[1] Về năm sinh của đồng chí Võ Văn Tần có nhiều ý kiến khác nhau. Theo sách Võ Văn Tần – Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, thì trong gia phả họ Võ ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa ghi ông sinh năm 1891; nhiều tài liệu ghi năm 1894.

[2] Huỳnh Văn Một: Chuyện chưa quên, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2007, tr.47.

[3] Theo sách Nguyễn Văn Cừ - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007 và Sách Hà Huy Tập - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007 đều viết về đồng chí Võ Văn Tần được bầu làm Thường vụ Trung ương tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-1937 (tr. 109 và tr 177).

[4] Võ Văn Tần - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 136.

Từ khóa » Di Tích Lịch Sử Võ Văn Tần