"Đi Tìm" 8 Nguyên Nhân Gây Tiêu Chảy Ra Máu Phổ Biến Cần Quan Tâm

Tiêu chảy là một biểu hiện phổ biến của chứng rối loạn tiêu hóa mà hầu hết chúng ta đều đã từng mắc phải. Tuy nhiên, không nên chủ quan nếu gặp phải tình trạng tiêu chảy ra máu, vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, cần được quan tâm.

Đây là hiện tượng không hề hiếm gặp và có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng. Với các triệu chứng điển hình như đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, phân lỏng nước và lẫn máu trong phân. Máu ở đây có thể phát sinh từ bất cứ nơi nào dọc theo đường tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ra máu

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy kèm theo máu, tùy thuộc vào nguyên nhân mà hiện tượng này có thể tồn tại trong thời gian ngắn và biến mất tương đối nhanh chóng (cấp tính), hoặc đôi khi lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài (mạn tính). Dưới đây là 8 nguyên nhân gây tiêu chảy ra máu thường gặp nhất.

Viêm đường ruột (IBD)

Viêm ruột là thuật ngữ chung dùng để chỉ tình trạng viêm do vi khuẩn hoặc virus gây ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường ruột. Tình trạng viêm này kéo dài sẽ phá vỡ chức năng của các cơ quan trong đường tiêu hóa, gây đau đớn và đe dọa tính mạng người bệnh. Viêm ruột gồm hai loại chính là viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn.

Triệu chứng phổ biến và đặc trưng nhất của bệnh viêm ruột là tiêu chảy có máu kèm theo cảm giác đau bụng, cơn đau có thể xảy ra ở mức độ vừa phải cho đến nghiêm trọng khiến người bệnh khó chịu. Bên cạnh đó, đôi khi bệnh nhân cũng sẽ có các triệu chứng khác như sốt, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi,… Nếu tình trạng kéo dài không thuyên giảm, người bệnh sẽ có biểu hiện mất nước, tim đập nhanh, tụt huyết áp và có thể bị mất máu. 

Viêm ruột là bệnh lý đường tiêu hóa rất thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường có diễn biến phức tạp và kéo dài dai dẳng, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn đường ruột, suy dinh dưỡng, ung thư,… Mặc dù rất khó để chữa dứt điểm, tuy nhiên bệnh có thể kiểm soát được bằng cách sử dụng thuốc kết hợp với một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học.

Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ

viêm đại tràng

Hiện tượng viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến đại tràng bị suy giảm hoặc tắc nghẽn, dẫn đến thiếu oxy và gây ra các tổn thương. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra từ từ nếu nguyên nhân là do mảng bám cholesterol tích tụ trong động mạch (xơ vữa động mạch), hoặc có thể xảy ra đột ngột do cục máu đông.

Bệnh có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu cùng với một số biểu hiện như đột ngột đau dữ dội ở một vùng bụng, buồn nôn, ói mửa, đầy hơi,… Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người có huyết áp rất cao hoặc rất thấp, người bị bệnh tim, hoặc sử dụng chất gây nghiện như cocaine và methamphetamine. 

Thiếu máu cục bộ đường ruột là một tình trạng khá nguy hiểm, do đó cần đến bệnh viện ngay nếu có nghi ngờ mắc bệnh. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách dùng thuốc để phá cục máu đông, hoặc nong mạch và đặt stent, trường hợp khẩn cấp có thể phải cần đến phương pháp phẫu thuật để loại bỏ các tác nhân gây tắc nghẽn, chẳng hạn như mảng bám.

Xuất huyết đường tiêu hóa

Trong một số trường hợp, nguyên nhân gây tiêu chảy ra máu có thể là do các tổn thương khiến máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào trong ống tiêu hóa. Hiện tượng này có thể gặp ở bất cứ phân đoạn nào của đường tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột hay hậu môn.

Đây thường là hệ quả của việc không kiểm soát các bệnh lý có liên quan đến hệ thống tiêu hóa, dẫn đến bệnh nhân phải đối mặt với các triệu chứng như là đau quặn bụng, nôn ói ra máu, đi ngoài ra máu hoặc nặng hơn là biểu hiện sốc do mất máu.

Xuất huyết đường tiêu hóa là một bệnh lý có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời để tránh máu chảy ồ ạt gây tử vong. 

Đau bụng tiêu chảy ra máu do nhiễm virus

nhiễm rotavirus

Tiêu chảy do rotavirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ tiêu hóa còn non nớt. Loại virus này có khả năng tồn tại lâu trong môi trường nước, phân cũng như bề mặt các vật dụng, vì thế nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa của trẻ chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng, gây nên tình trạng tiêu chảy cấp. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất nước và tử vong.

Sau khoảng thời gian 1-2 ngày ủ bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện nôn ói, sốt, đau bụng, sụt cân,… kéo dài từ 2 đến 3 ngày và thường giảm dần khi triệu chứng tiêu chảy xuất hiện. Những ngày sau đó, tần suất tiêu chảy sẽ tăng dần, đi phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh và đờm nhớt. 

Đối với trường hợp nhẹ, bệnh thường tự khỏi sau 3-9 ngày và không có biến chứng. Việc điều trị chủ yếu là bù nước và chất điện giải cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi có biểu hiện tiêu chảy ra máu, lúc này cần lập tức đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Có thể bạn quan tâm: Tiêu chảy cấp do nhiễm virus rota có lây không? Cách ngừa bệnh hiệu quả

Nhiễm vi khuẩn

Bên cạnh virus thì các loại vi sinh khác bao gồm vi khuẩn dạng campylobacter, escherichia coli (E. coli), salmonella, shigella, clostridium, khuẩn tụ cầu… đều có thể là tác nhân gây tiêu chảy ra máu. Bệnh chủ yếu lây qua đường ăn uống, khi ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Thông thường mầm bệnh sẽ từ bên ngoài đi vào gây viêm nhiễm đường ruột và khiến cơ thể bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường, đặc trưng nhất là sốt và tiêu chảy.

Ở mức độ nhẹ, những triệu chứng này chỉ tạo cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh. Nhưng với những trường hợp nặng thì chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đau dữ dội kèm theo cơn co thắt ở bụng, tiêu chảy ra máu, phân có mùi hôi tanh, nôn ói, chán ăn, mất nước,… Ngoài ra người bệnh cũng có thể cảm thấy khó ngủ, ngủ không yên giấc, đau đầu,…

Bị tiêu chảy ra máu do ngộ độc thức ăn (trúng thực)

tiêu chảy ra máu do ngộ độc thức ăn

Khi trúng thực, người bệnh sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sốt và ớn lạnh,… Hầu hết các biểu hiện này sẽ tự cải thiện sau vài ngày nghỉ ngơi mà không cần điều trị. Riêng đối với các ca ngộ độc có xuất hiện các triệu chứng nặng như là nôn ra máu, tiêu chảy ra máu, đau bụng dữ dội, mắt trũng, tay chân lạnh, hoa mắt, thở dốc… thì cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi.

Các vấn đề về hậu môn (trĩ, nứt hậu môn)

Bệnh trĩ hoặc quan hệ “cửa sau” thường gây nứt kẽ hậu môn, nếu sau đó bạn lại bị tiêu chảy vì lý do nào đó (chẳng như ngộ độc thực phẩm) thì có thể dẫn tới tình trạng tiêu chảy ra máu. 

Khi gặp vấn đề kể trên, hậu môn thường bị chảy máu làm cho máu lẫn trong phân, đồng thời khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhói và rát sau khi đi đại tiện, có cảm giác rách hoặc ngứa hậu môn. Mặc dù điều này không đe dọa đến tính mạng nhưng cũng cần phải điều trị y tế để tránh tiến triển nặng hơn và giúp người bệnh giảm đi các cảm giác khó chịu. 

Ung thư đại tràng

Một trong những dấu hiệu nhận biết sớm ung thư đại tràng là có xuất hiện máu trong phân. Bệnh có thể do khối u ung thư hoặc do các polyp phát triển gây viêm, kích ứng dẫn đến chảy máu. 

Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay có biểu hiện của chứng rối loạn đại tiện như táo bón, tiêu chảy thất thường. Bên cạnh đó, khi đi ngoài thường bị đau quặn, mót rặn, phân hình lá lúa (phân bị ép lại do phải đi qua khối u) và có máu đỏ tươi phủ lên phân.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

khi nào cần gặp bác sĩ

Trường hợp nếu bạn có biểu hiện tiêu chảy ra máu kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây, thì nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng xấu:

  • Tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ
  • Lượng máu ra nhiều và có màu đỏ sẫm hoặc đen
  • Đau bụng dữ dội
  • Có dấu hiệu mất nước: khô miệng, khát nước, chóng mặt, rối loạn nhận thức,…
  • Nôn ra máu hoặc mảnh đen giống như bã cà phê
  • Sốt cao trên 38ºC
  • Mạch nhanh, khó thở
  • Cơ thể mất sức, mệt mỏi, có thể ngất xỉu
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Sờ thấy bụng căng cứng

Ngoài ra, các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai cũng cần được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế.

Tiêu chảy ra máu có thể là một hiện tượng không đáng lo ngại, hoặc đôi khi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra nếu xuất hiện triệu chứng đau bụng tiêu chảy ra máu hoặc khi cảm thấy có bất kỳ lo lắng nào về tình hình sức khỏe của bản thân.

Có thể bạn quan tâm: Đi tìm lời đáp: Đau bụng tiêu chảy nên ăn gì để mau hết bệnh?

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » E Coli Là Vi Khuẩn đường Ruột Gây Tiêu Chảy đau Bụng Dữ Dội Cứ Sau 20 Phút