“Dị ứng Phấn Hoa” – Nỗi Niềm Mùa Xuân ở Nhật Bản | Kokoro VJ
Có thể bạn quan tâm
Từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ở Nhật Bản đã có rất nhiều người đeo khẩu trang từ khoảng nửa cuối tháng 2 đến nửa đầu tháng 5 hằng năm. Đây là biện pháp để chống chọi với chứng “kafunsho” (dị ứng phấn hoa), là triệu chứng dị ứng nặng xảy ra khi niêm mạc mắt, mũi phản ứng với phấn hoa mà rất nhiều người ở Nhật mắc phải. Chính bản thân tôi khi sang Nhật cũng bị mắc chứng kafunsho này. Sau đây, tôi xin được chia sẻ lại trải nghiệm của mình với kafunsho và các biện pháp để đối phó.
“Kafunsho” là gì?
⬤ Triệu chứng của kafunsho
Các triệu chứng đặc trưng của “kafunsho” là ngứa mũi, ngứa mắt, hắt hơi nhiều lần, ngoài ra, có thể kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu. Hai loại cây đặc biệt dễ gây ra kafunsho là sugi (tuyết tùng) và hinoki (bách xoắn). Hai loại cây này được trồng rất nhiều ở các vùng núi ở Nhật Bản.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, nếu gặp phải những triệu chứng sau đây thì đáng tiếc thay, có thể nói là bạn đã bị mắc chứng kafunsho hoặc sau này có khả năng cao sẽ bị kafunsho: – Ngứa mũi và thường xuyên hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi – Ngứa mắt – Ngứa rát họng – Nhức đầu, chóng mặt
⬤ Người Việt như tôi cũng bị kafunsho
Qua xét nghiệm máu, tôi được chẩn đoán là dị ứng với cây sugi và hinoki
Kafunsho không phải là chứng bệnh gì nguy hiểm đến tính mạng, nhưng do triệu chứng tồn tại trong thời gian dài nên người mắc phải cảm thấy vô cùng khổ sở. Bản thân tôi đã bị mắc kafunsho từ 5 năm trước. Ngày đó, tôi bị ngứa mũi, hắt hơi còn mắt thì ngứa khủng khiếp và tình trạng đó kéo dài suốt cả tuần rồi đến 10 ngày sau cũng không thuyên giảm. Không thể chịu đựng nổi nữa, tôi đi khám tai mũi họng và nhờ đó mới biết là mình đã bị “kafunsho”.
Kafunsho là bệnh của toàn dân Nhật Bản?
Tại sao ở Nhật lại có nhiều người bị kafunsho nhỉ? Chứng bệnh này bắt đầu trở nên phổ biến từ khoảng năm 1970. Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, trong khoảng thời gian 20 năm kể từ năm 1945, người Nhật trồng rất nhiều cây sugi và hinoki trên khắp các vùng miền để làm nguyên liệu gỗ, vì vậy, hoa của các cây này bắt đầu nở từ khoảng năm 1970. Oái oăm thay, người ta cho rằng có đến khoảng ¼ dân số Nhật Bản dị ứng với phấn hoa của 2 loại cây này.
Nguyên nhân gây kafunsho chính là phấn hoa từ các khu vực rừng núi của Nhật Bản bay tới, vì vậy, chỉ cần rời khỏi Nhật Bản là các triệu chứng lập tức biến mất. Tôi nghe nói rằng vào khoảng thời gian này, người Nhật mà sang Việt nam để đi du lịch hoặc công tác thì vô cùng sảng khoái vì được giải phóng bởi nạn kafunsho.
Làm thế nào để phân biệt COVID-19 và kafunsho
Năm nay, vi-rút corona chưa qua phấn hoa đã tới, quả thật là hoạ vô đơn chí. Khi bị ho, ngạt mũi, mệt mỏi… nhiều bạn chắc sẽ hoang mang không biết mình bị làm sao, chỉ bị kafunsho hay là nhiễm vi-rút corona mất rồi. Tuy nhiên, bệnh do vi-rút corona gây ra và kafunsho có điểm khác biệt rất lớn. “Ngứa mũi kinh khủng”, “hắt hơi không ngừng”, “ngứa mắt” là những triệu chứng rất đặc trưng của kafunsho. Ngoài ra, người bị kafunsho về cơ bản sẽ không có các triệu chứng như sốt cao hay đau mỏi cơ như bệnh do vi-rút corona gây ra. Tuy nhiên, nếu cảm thấy lo lắng thì các bạn hãy đến khám tại các cơ sở y tế nhé.
Cách đối phó với kafunsho (bằng dược phẩm)
Quầy bán các sản phẩm đối phó với kafunsho ở hiệu thuốc
Vì hằng năm đều phải chiến đấu với kafunsho nên người Nhật đã nghĩ ra nhiều “vũ khí” và “chiến lược” để đối phó với chứng bệnh này. Dưới đây, tôi xin chia sẻ với các bạn kinh nghiệm rút ra sau 5 năm chống chọi với kafunsho. Nếu không may bị kafunsho thì các bạn hãy thử áp dụng xem sao nhé. Trước hết là các biện pháp dùng thuốc.
⬤ Các loại thuốc khắc phục chứng kafunsho
Thuốc nhỏ mắt cho người bị kafunsho
Phương pháp hữu hiệu nhất đối với tôi là dùng dược phẩm. Cứ đến mùa kafunsho là các hiệu thuốc ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản lại dựng một quầy hàng riêng bày bán các sản phẩm có dòng chữ 花粉症対策 (đối phó với kafunsho).
■ Thuốc uống |
Giảm nhẹ các triệu chứng kafunsho. Các loại thuốc uống này đa số gây buồn ngủ nhưng vẫn có cả các loại thuốc quảng cáo là không gây buồn ngủ nữa. Giá cả của từng loại thuốc là rất khác nhau nhưng trường hợp của tôi thì mỗi tháng tốn khoảng 3.800 yên. |
■ Thuốc nhỏ mũi |
Chữa triệu chứng sổ mũi và nghẹt mũi. Giá tiền từ 700 ~ 800 yên. |
■ Thuốc nhỏ mắt |
Đây là thuốc làm giảm triệu chứng ngứa mắt. Giá của các loại thuốc này rất khác nhau, dao động từ vài trăm lên đến vài nghìn yên. |
⬤ Mua thuốc theo đơn kê của bác sĩ sẽ rẻ hơn
Ưu điểm của các loại thuốc kể trên là có thể mua dễ dàng tại các hiệu thuốc hoặc mua qua mạng, không cần có đơn kê của bác sĩ. (Tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay chắc cũng sẽ khiến nhiều người không muốn đến bệnh viện khám phải không nhỉ). Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có giá cao.
Trong khi đó, nếu đi khám tại phòng khám hoặc bệnh viện, các bạn sẽ nhận được đơn thuốc của bác sĩ. Những ai tham gia bảo hiểm y tế và sử dụng bảo hiểm này khi mua thuốc thì một phần tiền thuốc sẽ được bảo hiểm chi trả và giá sẽ rẻ hơn so với tự mua thuốc ngoài cửa hiệu.
Cách đối phó với kafunsho (ngoài dùng thuốc)
Kính phòng chống kafunsho bán tại cửa hàng 100 yên
Ngoài thuốc ra, còn có một số biện pháp đối phó với kafunsho như dưới đây.
■ Đeo khẩu trang |
Bây giờ, khẩu trang đã trở thành vật dụng quen thuộc hằng ngày. Dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa qua đi nên hãy thường xuyên đeo khẩu trang nhé. |
■ Rửa mắt |
Rửa trôi phấn hoa bám trên niêm mạc mắt. Có cả dung dịch chuyên dụng để rửa. |
■ Rửa mũi |
Bằng cách súc rửa mũi, ta có thể rửa trôi phấn hoa khỏi khoang mũi. Khi chưa quen với việc này, có thể sẽ bị đau nhưng quen rồi thì sẽ cảm thấy rất dễ chịu. Có cả dung dịch chuyên dùng để rửa mũi. |
■ Kính chống phấn hoa |
Để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa, mỗi khi ra đường tôi luôn đeo kính chống phấn hoa. Các loại kính này có phần chụp bảo vệ để chắn không cho phấn hoa bay vào mắt. Có cả các loại kính quảng cáo là “ngăn chặn được 90% phấn hoa”. Có thể mua được kính chống phấn hoa tại các cửa hàng 100 yên. |
■ Không phơi quần áo, chăn đệm ra ngoài trời |
Để phấn hoa không dính vào quần áo và chăn đệm, có thể phơi quần áo trong nhà hoặc dùng máy sấy quần áo. Việc phơi quần áo trong nhà còn có tác dụng tránh bị dính cát vàng bay từ Trung Quốc sang vào mùa này. |
■ Dùng máy lọc không khí |
Nếu có điều kiện, hãy sắm máy lọc không khí loại tốt dùng trong nhà. Ngoài việc trực tiếp lọc phấn hoa, nếu dùng tính năng giữ ẩm thì cũng có thể ngăn chặn bớt phấn hoa bay trong phòng. |
Trong bài viết lần này, tôi đã chia sẻ với các bạn về chứng kafunsho (dị ứng phấn hoa) mà rất nhiều người Nhật mắc phải. Chắc hẳn có nhiều bạn chưa từng nghe nói đến “kafunsho” trước khi sang Nhật Bản, nhưng cũng có trường hợp vừa sang Nhật đã bị mắc luôn như tôi. Nếu không may bị kafunsho thì các bạn hãy nhớ lại các nội dung bài viết này nhé.
Từ khóa » Các Loại Dị ứng Phấn Hoa ở Nhật
-
Dị ứng Phấn Hoa Tại Nhật, Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị - Vietmart
-
11 Loại Thuốc Dị ứng Phấn Hoa Tốt Nhất ở Nhật - Smiles
-
Dị ứng Phấn Hoa ở Nhật Và Những điều Bạn Cần Biết
-
8 Cách để Có Thể Sống Sót Qua Mùa "dị ứng Phấn Hoa" (Kafunsho) ở ...
-
Bệnh Dị ứng Phấn Hoa ở Nhật (花粉症) Và Những điều Cần Biết
-
Tổng Hợp Thuốc Chống Dị ứng Phấn Hoa ở Nhật Bản
-
Dị ứng Phấn Hoa ở Nhật Và Cách đối Phó - TOKYOMETRO
-
Triệu Chứng Và Cách Chữa Dị ứng Phấn Hoa 花粉症 Tại Nhật
-
Dị ứng Phấn Hoa ở Nhật Và Những Biện Pháp Phòng Tránh Hữu Hiệu
-
Nên Làm Gì Khi Bị Dị ứng Phấn Hoa ở Nhật ? | WeXpats Guide
-
Bạn đã Biết Cách đối Phó Với Dị ứng Phấn Hoa Chưa? - NHK
-
5 Loại Thuốc Trị Dị ứng Phấn Hoa Tốt Nhất ở Nhật Bản 2020
-
Dị ứng Phấn Hoa: Tất Tần Tật Về Triệu Chứng Và Cách điều Trị Hiệu Quả ...
-
Các Loại Thuốc Trị Dị ứng Phấn Hoa Tốt Nhất ở Nhật 2021