Đi Xin Từng Chiếc Phù Hiệu để Lưu Giữ Kỷ Niệm Thời Học Sinh

Những ngày cuối năm lớp 12 cũng là những ngày sắp kết thúc quãng đời học sinh. Để lưu giữ kỷ niệm, những ngày này các HS thường ký tên lên áo, viết lưu bút hay xin hình thẻ của nhau. Riêng Nguyễn Đoàn Vĩnh Xuyên (23 tuổi, ngụ quận 1), năm đó anh lại xin phù hiệu của tất cả các bạn trong lớp. Đây là cách Vĩnh Xuyên lưu giữ ký ức của những năm tháng cấp ba tại mái trường THPT Ernst Thalmann (TP.HCM).

Nguyễn Đoàn Vĩnh Xuyên xin phù hiệu để lưu giữ ký ức của những năm tháng cấp ba. Ảnh: NVCC

Sưu tầm để lưu giữ kỷ niệm cũ

Nguyễn Đoàn Vĩnh Xuyên chia sẻ rằng phù hiệu là món đồ gắn liền với đồng phục và dùng để định danh HS. Phù hiệu gồm có tên trường, họ tên HS và lớp học. Vì thế, phù hiệu giúp mọi người nhớ thông tin về ai đó. Đây chính là lý do khiến Xuyên quyết định xin phù hiệu để sưu tầm vào những ngày cuối cấp.

Vĩnh Xuyên nhớ lại: “Vào ngày cuối cùng của cấp ba, các bạn đua nhau ký tên lên áo đồng phục. Lúc đó chỉ duy có tôi là xin phù hiệu của các bạn. Không ngờ các bạn sẵn sàng xé phù hiệu từ áo đồng phục cho tôi. Ngoài ra tôi còn xin thêm phù hiệu của các HS lớp khác mà tôi quý, phạm vi lúc đó là sưu tầm trong trường học”.

Được biết, Xuyên còn có sở thích sưu tầm những gì thú vị như chơi thú cưng gồm vẹt và tắc kè hoa, chơi cây hay sưu tầm mô hình đồ chơi của truyện tranh. Việc sưu tầm phù hiệu cũng bắt nguồn từ sở thích đó.

Xuyên còn có sở thích sưu tầm những gì thú vị như chơi thú cưng gồm vẹt và tắc kè hoa. Ảnh: NVCC

“Sưu tầm phù hiệu là một cách lưu giữ kỷ niệm đặc biệt đối với tôi, nó khác với những bộ sưu tập (BST) cây xanh hay mô hình đồ chơi. Phù hiệu mang đậm tính cá nhân vì mỗi cái là của riêng một người mà người khác không có được nên sẽ là kỷ niệm đáng giá để tôi nhớ về họ” - Xuyên trải lòng.

Không chỉ sưu tầm vào những ngày cuối cấp ba mà hiện tại Xuyên vẫn còn đi xin phù hiệu vì đây đã trở thành sở thích đặc biệt của anh. Trong vòng 5 năm, anh đã sưu tầm được khoảng 200 cái phù hiệu của gần 80 trường THPT khác nhau trên cả nước. Mục tiêu anh đặt ra là sưu tầm đủ phù hiệu của 100 trường.

Xuyên đã sưu tầm được khoảng 200 cái phù hiệu của gần 80 trường THPT khác nhau trên cả nước. Ảnh: NVCC

Năm đầu tiên anh chỉ sưu tầm phù hiệu của các HS trong lớp 12, tiếp theo là xin của các HS khác lớp nhưng cùng trường. Những năm sau đó, anh chủ động làm quen và xin được phù hiệu của các HS ở các trường THPT khác nhau trong TP.

Vĩnh Xuyên còn có nhiều mối quan hệ quen trên mạng xã hội ở các tỉnh khác. Vì thế khi họ lên TP.HCM học ĐH, anh đã liên hệ gặp gỡ và xin phù hiệu. Năm nhất ĐH, trong lớp Xuyên cũng có nhiều SV đến từ các tỉnh thành khác nhau nên anh đã xin phù hiệu của trường họ để bổ sung và làm mới BST của mình.

“Còn nhớ lúc mới vào năm nhất ĐH, vì chưa có áo thể dục của trường nên các bạn tôi đều mặc áo đồng phục cấp ba. Tôi đã mạnh dạn đi xin phù hiệu gắn trên áo cấp ba của họ. Bên cạnh đó tôi còn xin của anh chị em họ, tận dụng các mối quan hệ để nhờ xin giúp. Đối với các bạn ở xa mà ngỏ ý muốn tặng phù hiệu thì tôi nhờ các bạn gửi bưu điện cho tôi” - Xuyên kể lại.

Kết giao nhiều mối quan hệ mới

Vĩnh Xuyên tự thấy nhờ có mối quan hệ rộng nên mới xin được nhiều phù hiệu như vậy. Anh nói: “Ban đầu đi xin hoài bản thân có hơi ngại nhưng dần dần tôi cũng quen. Lúc mở lời xin thì có một số bạn hơi bất ngờ, không biết tôi xin để làm gì nên còn e dè. Sau khi tôi cho xem BST và giải thích lý do thì mọi người khá hào hứng và nhiệt tình giúp đỡ”.

Được biết một số người còn nhiệt tình hỏi anh rằng trường này trường kia có chưa, nếu chưa họ sẽ xin giúp phù hiệu của các trường trên địa phương cho anh. Xuyên còn kể ở Biên Hoà anh không quen biết nhiều, chỉ quen một người và người đó đã xin giúp anh phù hiệu của 12 trường ở khu vực Đồng Nai.

“Cái hay của sở thích sưu tầm này là tôi có cơ hội gặp lại những người bạn cũ và làm quen được rất nhiều bạn mới. Đôi khi mình phải cần một lý do để gặp lại họ, và việc gặp để cho nhau phù hiệu cũng là lý do khá đặc biệt và thú vị” - Xuyên bày tỏ.

Có lần Xuyên đã mang theo BST phù hiệu khi gặp lại các bạn cũ cấp ba. Ảnh: NVCC

Vài lần họp lớp cấp ba, Xuyên đã mang theo BST phù hiệu cho bạn cùng lớp xem. Xuyên kể có nhiều người quên luôn việc ngày xưa đã từng cho anh phù hiệu nên khi thấy thì rất bất ngờ và thích thú. Xuyên bảo quản phù hiệu bằng cách cho vào túi bóng và bỏ vào hộp. Anh phân loại phù hiệu của từng lớp, từng trường. Khi sưu tầm đủ phù hiệu của 100 trường, anh sẽ làm cuốn album để bỏ vào cho trang trọng.

Anh cho biết không phải ai cũng còn giữ lại phù hiệu thời HS. Khi anh ngỏ ý xin 10 người thì chỉ có 6 người còn giữ. Vài năm trước anh xin được khá nhiều nhưng gần đây chỉ xin được vài cái. Một phần vì anh không có mối quan hệ với lứa HS sinh năm 2005.

“Tưởng tượng 30 40 năm sau, khi có dịp gặp lại những người bạn cũ thì chắc hẳn những cái phù hiệu này sẽ rất quý. Nếu có ai muốn thì tôi sẽ tặng lại họ, giống như tôi là người giúp họ lưu giữ kỷ niệm. Nếu họ chỉ giữ một vài cái thì chắc sẽ không giữ lâu bằng tôi, vì tôi lưu giữ tận vài trăm cái” - anh vừa cười vừa nói.

Nhiều năm sau, nếu có ai muốn thì Xuyên sẽ tặng lại họ chiếc phù hiệu anh từng xin họ để lưu giữ. Ảnh: NVCC

Kể về một câu chuyện thú vị xoay quanh việc sưu tầm phù hiệu, anh cho biết có một lần anh xin phù hiệu của trường THPT chuyên Quốc Học Huế (Huế). Người bạn đó đã gửi bưu điện vào cho anh nhưng chiếc phù hiệu đã bị thất lạc. Tận hai năm sau, khi người đó vào TP.HCM học thì họ mới có cơ hội gặp nhau để xin lại phù hiệu.

Anh nói: “Chính vì hành trình sở hữu được một chiếc phù hiệu đôi khi cũng khó khăn nên tôi rất yêu thích và trân quý chúng. Hơn nữa, các bạn có quý mến tôi thì mới đồng ý tặng phù hiệu làm kỷ niệm. Tôi tự nhủ phải giữ gìn các phù hiệu này càng lâu càng tốt”.

ThS. Huỳnh Kiều Viết Lãm (giáo viên Vật lý trường THPT Ernst Thalmann, TP.HCM) là giáo viên chủ nhiệm cũ của Vĩnh Xuyên. Đối với việc sưu tầm phù hiệu của Xuyên, ông Viết Lãm bày tỏ niềm yêu thích và hài lòng.

Ông chia sẻ: “Việc các em HS có sở thích và thú vui sưu tầm là một việc tốt. Kỷ niệm thời trung học là một phần quan trọng đối với các em HS. Những chiếc phù hiệu như đại diện cho một nơi các em gửi gắm những kỷ niệm và gợi nhắc về ngôi trường của mình. Tôi cảm thấy nó là một việc làm ý nghĩa và có giá trị lâu dài”

THẢO PHƯƠNG Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Gỡ Phù Hiệu