Địa Chí Huyện Bình Lục: Văn Học – Nghệ Thuật - Báo Hà Nam điện Tử

Phần thứ tư – Văn hóa – Xã hội: Chương II: Văn học – Nghệ thuật

II. VĂN HỌC VIẾT

Bình Lục là đất có truyền thống khoa bảng và văn chương từ lâu đời. Các nhà khoa bảng trong xã hội phong kiến đồng thời là các nhà thơ, nhà văn, bởi cách đào tạo trí thức thời xưa bắt buộc các nho sĩ phải thông thaok về các thể loại văn chương thi phú. Có thể kể đến các nhà khoa bảng, nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Tông Mại, Nguyễn Kỳ,… đặc biệt là thi hào Nguyễn Khuyến, niềm tự hào của quê hương Bình Lục. Còn phải kể đến thơ từ, câu đối của cử nhân, nhà giáo nổi tiếng Trần Duy Vỹ (người đào tạo ra 18 Tiến sĩ, cử nhân) và cử nhân Trần Xuân Sơn đốc học đầu tiên của tỉnh Hà Nam.

Thơ văn của các bậc tiền nhân từ thế kỷ XIX trở về trước để lại, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Do hoàn cảnh chưa có phương tiện in ấn, nên các di sản văn thơ để lại thường là các bản chép tay. Cũng do hoàn cảnh đất nước nhiều chiến tranh loạn lạc, cộng với thời tiết khí hậu khắc nghiệt, các tác phẩm bị hư hại, thất lạc nhiều.

1. Thơ

1.1 Thơ thời Lê – Mạc thế kỷ XV – thế kỷ XVIII

Thơ viết về Bình Lục, giai đoạn này xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm, phần lớn là của những người đỗ đạt quan chức, các triều Lê – Mạc. Sáng tác của họ lấy cảm hứng lịch sử, cảm hứng thế sự, giàu tính nhân văn.

“Thi tuyển danh sĩ Hà Nam” (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam) cho biết một số tác giả, bài thơ tiêu biểu.

Nguyễn Khắc Hiếu (1400-1472)

Nho sỹ - Quan chức thời Hậu Lê, tự là Thuấn Thần. Sinh năm Canh Thìn (1400) mất năm 1472 thọ 72 tuổi. Quê: Thôn Thanh Khê, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục. Đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ khoa Kỷ dậu 1429 đời vua Lê Thái Tổ. Đi sứ sang nhà Minh với chức Phó sứ. Làm quan đến chức Hàn lâm viện trực học sĩ, Nhập thị kinh diên.Tác phẩm có “Thuấn Thần thi tập”, vịnh sơn thủy cổ tích, hơn 40 bài Đường luật. Có 4 bài thơ được chép trong “Toàn Việt thi lục”.

Trong bài thơ “Tới Dạ Trạch Châu”, tác giả gợi lại sự tích Dạ Trạch, Hưng Yên, tương truyền nơi Chử Đồng Tử nhà nghèo, làm nghề đánh cá, gặp Tiên Dung công chúa con vua Hùng, nên duyên kỳ ngộ.

Màn lau tắm gội ngã ba sông

Chỉ nước cùng trời thấy rõ không

Trong cát hiện chàng như định trước

Sững sờ bốn mắt giục người trông

Lên thuyền ăn ở thành chồng vợ

Chẳng đợi nhà vương có chuẩn không

Đâu ngại yêu nhau cường thế cấm

Ai qua cũng biết chuyện tiên đồng...

(Lương Trọng Nhàn dịch)

Nguyễn Tông Mại (1708-1761)

Nguyễn Tông Mại tên thật là Điều, hiệu Thận Trực, thuỵ Phụng Chính, sinh tại thôn Vị Hạ, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, phủ Lí Nhân, nay là thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Ông là tổ phụ bốn đời của thi hào Nguyễn Khuyến.

Theo chú giải của người dịch, năm 1745, Nguyễn Tông Mại cùng con trai cả đi thăm bạn ở Vũ Thư, Thái Bình, có ghé thăm chùa Ông Lâu, tên chữ là Múc Minh Tự, nay thuộc thôn An Để, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Làng Man chùa cổ hiệu Ông Lâu

Ngô Hậu xây nên trải mấy thâu

Tháp đá đời Trần ai cũng nhớ

Nhà cầu dựng tự Quế Lâm hầu

Phật đường đạo quán nay đều mới

Cảnh cũ người xưa nước chảy xuôi

Tránh nắng bóng đa dừng nghỉ lại

Bảo con bấm đốt buổi trùng lai.

Dương Văn Vượng dịch

Nguyễn Kỳ (1715-1780)

Đại khoa, quê xã An Lão, tổng Mai Động, huyện Bình Lục, phủ Lý Nhân. Còn truyền lại câu thơ ứng tác gợi giai thoại về một học trò nghèo, mồi côi từ nhỏ, nhưng nổi tiếng thông minh hiếu học.

Một phút làm nên rạng tổ tông,

Tàn bay đỏ khắp mái tây đông

Vang lừng trống đánh trong làng nước

Nam Bắc nơi nơi biết tiếng ông.

Tương truyền, lúc ngoài 20 tuổi Nguyễn Kỳ vẫn sống độc thân, dùi mài kinh sử trong căn nhà tranh. Đêm 30 tháng Chạp năm Giáp Tý (1744), vừa đun bếp vừa đọc sách, chẳng may tàn lửa bay lên làm cho ngôi nhà bốc cháy, dân làng trống mõ inh ỏi kéo đến cứu chữa, nhưng không kịp. Hôm sau mồng một Tết thầy đến thăm, thấy giữa đống tro tàn, Nguyễn Kỳ đã đắp một bệ đất để đặt bát hương thờ tổ tiên, có bài thơ. Thầy tiên đoán sau này trò làm nên nghiệp lớn.

Quả đúng  như vậy, năm 31 tuổi (1745) niên hiệu Cảch Hưng thứ 5, ông đỗ thủ khoa thi Hương. Năm 34 tuổi khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân được bổ Án sát Sơn Tây. Sau thăng Tổng đốc Tuyên Quang. Ngoài 50 tuổi, ông được phong Chánh nhất phẩm Đông các điện đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu (tương đương với Hiệu trưởng Trường đại học quốc gia ngày nay).

Bài thơ “Làng bên sông của Huệ Vương” của Nguyễn Kỳ viết về danh tướng Trần Khánh Dư (thời Trần), sau chiến thằng Bạch Đằng đã về đất Dưỡng Hòa vua ban, nay là thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, trở thành ông Tổ nghề dệt lụa Nha Xá.

Nói làm nêu thực cũng không lành

Nuôi cá vỡ hoang việc rất thành

Dệt vải chăn tằm phòng rét đến

Trồng cây chế thuốc chữa cho mình.

Giấu điều bất thiện thành đại ác

Quan lại bây giờ chúng mới ranh

Xa ngóng đền Tây mươi dặm lẻ

Dân thờ nhớ đức tấm lòng thành.

Chúa Trịnh Sâm (1737-1782) ca ngợi thắng cảnh núi Nguyệt Hằng nổi tiếng của đất Sơn Nam. Theo giai thoại, Trịnh Sâm đi cầu tự ở núi An Lão.

ĐỀ NÚI AN LÃO

Nam Châu tự cổ địa dư khoan.

An Lão sơn đầu tiểu thắng quan

Viễn chướng trùng trùng thanh củng hướng

Trường lưu diểu diểu cẩm hồi hoàn.

Dịch nghĩa:

VỊNH NÚI AN LÃO

Đất phương Nam từ xưa rộng rãi

Trên đỉnh núi An Lão có thắng cảnh đẹp nhỏ

Núi xanh trùng điệp chầu vào

Dòng nước biếc như dải gấm bao quanh.

Hoàng Việt địa dư chí

Dịch thơ:

Nam Châu đất rộng vốn từ xưa

An Lão đầu non cảnh dễ ưa

Núi cũ điệp trùng xanh một hướng

Sông dài song trải giải bao hoa…

Ngô Văn Phú dịch

Tiến sỹ Vũ Huy Trác (1730-1793) quê Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gợi lại tích xưa, khi thăm phủ Vũ Bị và thái ấp Quắc Hương, xã Vũ Bản:

Vũ Bị thuộc Minh đặt tên này

Nói điều Thủ Độ trấn  nơi đây

Ông Đào ngày trước từng cư trú

Với đất Long Xuyên thóc trữ đầy

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784), cháu ngoại tiến sỹ Trương Minh Lượng, quê xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên. Trong một lần về Hà Nam, Lê Quý Đôn đã đi thuyền, từ Thăng Long theo sông Hồng, xuống sông Thiên Mạc, rồi vào sông Châu và nghỉ lại ở chùa Ô Mễ (nay thuộc xã Tràng An, Bình Lục). Lịch trình chuyến đi cho biết một phần sông ngòi Hà Nam đầu thế kỷ XVIII.

Bài thơ kể về một loại lúa Lũng, nay không còn

Sáng ra chèo đẩy phóng thuyền nhanh

Trời đất miền sông cảnh cũng thanh

Lúa lũng nước no xanh trải lá

Trúc đồi khoe đượm biếc phô cành.

Bờ song xa hiện đầu xanh ốc

Con nước triều dâng nguyệt hé vành

Thượng tỵ[1] tháng ba ngày tốt ấy

Bao nhiêu đèn đuốc rực đêm thanh

(Đào Phương Bình dịch ; Tuyển thơ Lê Quý Đôn)

Phạm Văn Nghị (1805-1881), quê huyện Ý Yên, Nam Định. Năm 1836 đỗ Hoàng Giáp, được bổ nhiệm chức Tri phủ Lý Nhân, cai quản cả năm huyện: Bình Lục, Duy Tiên, Thanh Liêm, Kim Bảng, Nam Xang (Lý Nhân). Để lại chùm thơ viết về đất Hà Nam trong đó có bài thơ tặng cử nhân Trần Duy Vĩ.

Tam Đăng Phạm Văn Nghị tặng tiên sinh họ Trần

Xưa tri huyện Can Lộc

Hiếu hữu dạy môn đệ

Nhún mình cốt thân dân

Tương trợ khuyên hương dân

Làm tri phủ Hoài Đức

Không hùa theo thói tục

Một niềm thanh và cần

Sáng lòa giữa bụi trần

Về nhà ngồi dạy học

Danh vọng cùng trăng tỏ

Thản nhiên vui chữ bần

Điển hình trong Văn thân

(Nguyễn Văn Huyền dịch)

Bùi Dị (1835-1895), nhà thơ yêu nước thế kỷ XIX, quê làng Châu Cầu, thành phố Phủ Lý, nhà khoa bảng triều Nguyễn. Bài thơ “Họa thơ Trực học sĩ Nguyễn Khuyến gửi tới” cho biết mối quan hệ của các vị khoa đất Châu Cầu và đất Trung Lương.

Đã mấy xa nhau vẫn nhớ nhau

Đã mấy xa nhau vẫn nhớ nhau

Thương đời mộng đẹp có còn đâu

Phù danh dầu dãi phơ đôi mái

Nhiệt huyết quay về uổng chục thu

Khóm cúc xới trồng trên luống mới

Rau vi lần hái tận rừng sâu

Mong cùng thổ lộ câu tâm huyết

Trăng sáng trên sông, thả sợi câu...

(Nguyễn Văn Huyền tạm dịch)

Vũ Thiện Đễ (1854-1916), tuần phủ Hà Nam, quê thôn Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đõ Phó bảng khoa Nhâm Thìn (1892), là nhà thơ, giỏi cả các lĩnh vực nho y và dịch lý. Tác phẩm viết về Bình Lục có bài:

Quá Vũ Bị từ

(Quan đền Vũ Bị)

Thời xưa Lý tướng ngụ nơi đây

Tích trữ nhiều lương giúp nước này

Thủ Độ sau lên dùng thế mạnh

Rồi đem võ bị cũng khôn thay

Giúp Trần muôm dặm công lao lớn

Đối Lý ngàn thu cũng dạn dày

Cùng với Long Xuyên đều một dải

Bò trâu gặm cỏ trú luôn ngày

(Vũ Thiện Đễ cuộc đời và tác phẩm, NXB Hà Nội 2013)

Chưa có nơi nào như đất xã Vũ Bản thời hai vị Thái sư là Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc thời sơ Lý và Thái sư Trần Thủ Độ thời thịnh Trần.

Nguyễn Khuyến

Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khê (tức làng Ngòi), nay là xã Yên Trung, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (tên Nôm là làng Và), xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Nguyễn Khuyến là con trai của cụ Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), cụ còn có tên là Nguyễn Liễn và cụ bà Trần Thị Thoan. Cụ bốn đời của Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Mại, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1736, làm quan đến Hiến sát sứ Thanh Hoá. Cha ông cũng theo Nho học, đỗ ba khoa tú tài, nên được gọi là Mền Khởi, làm nghề dạy học.

Thuở nhỏ sống ở quê ngoại, năm 8 tuổi (1842), ông theo gia đình về sống ở quê nội làng Và, xã Yên Đổ, huyện Bình Lục.

Con đường thi cử của ông ban đầu lận đận, bắt đầu đi thi từ năm 1825, qua 6 lần thi đều trượt cộng với việc cha mất, ông muốn bỏ thi, nhưng người mẹ không đồng ý, vợ ông tần tảo nuôi chồng, khuyến khích ông gắng sức học hành. Đến năm 34 tuổi, ông đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) năm 1864. Sau đó, ông đổi tên thành Nguyễn Khuyến với hàm ý phải nỗ lực hơn nữa dùi mài kinh sử. Năm 36 tuổi, ông đỗ đầu cả hai khoa thi Hội, (Hội nguyên) thi Đình (Đình nguyên), học vị Hoàng giáp nên được vua Tự Đức ban cờ biển và thêm 2 chữ Tam Nguyên. Từ đó người đời gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ.

Từ năm 1873, Nguyễn Khuyến bắt đầu ra làm quan. Được bổ làm Đốc học Thanh Hoá, Án sát Thanh Hóa, Bố chánh Quảng Nam, Thương biện Hà Nội, Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc. Nguyễn Khuyến là quan thanh liêm, chính trực. Ông sống gắn bó với nhân dân, với thiên nhiên đồng ruộng.

Thế nhưng, sống trong hoàn cảnh mất nước, ông bất lực vì không giúp được gì cho đất nước thoát cảnh nô lệ. Nguyễn Khuyến viện cớ đau mắt nặng, cáo quan vào năm 50 tuổi (1885) về quê dạy học, vui thú điền viên. Ông mất mgày Rằm tháng Giêng năm 1909, thọ 75 tuổi, phần mộ nhà thơ đặt trên núi Phương Nhi, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn của dân tộc. Các tác phẩm của ông có “Quế Sơn thi tập”, “Yên Đổ thi tập”, “Bách Liêu thi văn tập”, “Cẩm Ngữ”, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng…

“Quế Sơn thi tập” khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Có bài Nguyễn Khuyến viết bằng chữ Hán rồi dịch ra chữ Nôm. Cả hai loại thơ đều rất điêu luyện. Thơ Nôm của ông vừa đậm chất trữ tình, vừa trào lộng sắc sảo.

 Giới thiệu ba bài thơ về Mùa thu bằng chữ Nôm của ông thuộc hàng kinh điển của thơ ca Việt Nam và một bài thơ cảnh nước lụt ở đồng chiêm trũng Hà Nam xưa.

THU ĐIẾU

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được *

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

*Có bản chép là “buông cần”

THU ẨM

Năm gian nhà cỏ thấp le te

Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy

Độ năm ba chén đã say nhè

THU VỊNH

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

Nước biếc trông như tầng khói phủ

Song thưa để mặc bóng trăng vào

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái

Một tiếng trên không ngỗng nước nào?

Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào [2]

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ

Đã bấy lâu nay bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng ao thưa khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta…

NGÀY XUÂN DẠY CÁC CON

Năm mới vừa sang năm cũ qua

Tuy nghèo ta vẫn mến nhà ta

Chín sào tư thổ là nơi ở

Một bó tàn thư ấy nghiệp nhà

Trước cửa khói dày non khuất bóng

Bên tường mưa ít cúc thưa hoa

Các con nối chí cha nên biết

Nghiên bút đừng quên lúa đậu cà…

Nguyễn Hoan (1858-1908)

Nho sĩ, quan chức thời Nguyễn. Con trai cả của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Sinh năm Mậu ngọ (1858), mất năm Mậu thân (1908). Đỗ Phó bảng năm Thành Thái nguyên niên (1889). Tri phủ Nam Xương, Đốc học Hải Dương. Tác phẩm có nhiều, trích in một bài thơ .

ĐỀN QUAN THÁNH

Đền cổ ven hồ nắng xế hồng

Rắn rùa thấp thoáng ánh gươm lồng

Ngàn năm thành quách khói bụi vắng

Trăm thước lâu đài trăng nước trong

Trời Bắc lạnh quang thu thích thú

Hồ Tây mù giải tối đêm không

Thăng Long cảnh vật nguyên như cũ

Chống đỡ trời cao nhớ mãi công

(Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn)

Địa chí huyện Bình Lục Văn học – Nghệ thuật
Lạch nước hình dáng tự cây bút lông trước sân nhà cụ Nguyễn Khuyến xưa.

1. 2. Thơ viết đầu thế kỷ XX đến nay

Tiếp nối truyền thống của cha ông, thế hệ các nhà thơ, nhà văn sáng tác bằng chữ quốc ngữ người Bình Lục thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI cũng thật đông đảo. Với sáng tác của những người con quê hương Bình Lục và những người ở khắp miền đất nước. Thơ thời kỳ này kế thừa những truyền thống của giai đoạn trước và chuyển hướng dần trước tình hình mới. Thơi nói về cảnh và người Bình Lục.

Vũ Đăng Tiên: Quê xã Đồn Xá, không rõ năm sinh, năm mất. Trong sách “Địa dư Bình Lục” in năm 1935, Ngô Vi Liễn có ghi chép toàn bộ bài thơ “Bài ca Bình Lục phong thổ” do Vũ Đăng Tiên viết năm 1900, theo thể thơ lục bát, gồm 71 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu. Hai khổ đầu khái quát chung về đất Bình Lục

“Bình Lục là chốn trung châu/ Nghìn thu khí vượng, nhiệm màu nước non/ Giang khê bốn mặt vuông tròn/ Nguyệt hằng (tức núi An Lão) đứng trước một hòn cao cao// Cõi bờ tám tổng lao xao/ Sáu mươi bảy xã như sao dãi bày// Địa hình bức vẽ xem hay/ Lại đem thổ tập xưa nay phẩm bình”

Nguyễn Vi Liễn chú thích, vào thời điểm năm 1900, Bình Lục có 67 xã, đến thời điểm 1935 có 70 xã. Trong bài thơ, tác giả Vũ Đăng Tiên dành 68 khổ nói về đặc điểm của 68 xã (chứ không phải 67). Ví dụ như xã Vũ Bản “Vũ Bản khoa hoạn hiển vinh/ Lắm nhà hào phú nổi danh đâu bằng/Sinh nhai đủ việc làm ăn/ Thầy thầy, thợ thợ tinh anh mọi tài”...

Khổ thơ 71 kết: “Nền dân dựng dõi ngày xưa/Mà gương phong tục bây giờ là đây/ Cuộc đời mấy độ đổi thay/Người xưa cảnh cũ đến nay còn truyền”.

Bàng Bá Lân (1912-1988): Tên thật là Nguyễn Xuân Lân. Nhà thơ, nhà giáo, nhiếp ảnh, dịch giả. Sinh ngày 17 tháng 12 năm 1912 ở phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Chính quán: Làng Đôn Thư, tổng Ngô Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Cha ông là Bàng Nguyên Dũng, từng theo học Trường Đông Kinh nghĩa thục.

Năm 1920-1928 ở Đôn Thư, sau đó, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu. Năm 1933, ông đỗ bằng thành chung tại trường Bưởi (Hà Nội), bắt đầu cộng tác với các báo và đăng thơ. Ông nổi tiếng với những bài thơ về làng quê.

Hai câu thơ:

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Có người nhầm tưởng là cao dao.

Ông mất năm 1988 tại TP Hồ Chí Minh.

Nhiều tác phẩm đã xuất bản trước CM tháng 8 và các tác phẩm xuất bản tại miền Nam.

Hoài Giao, trong truyện thơ viết về anh hùng Trần Văn Chuông (quê xã Bình Nghĩa), đăng trên Báo Hà Nam năm 1958, miêu tả cuộc sống của làng quê Bình Lục thời kháng chiến chống Pháp sao đầm ấm yêu thương:

Em về chắp lại guồng xa

Vải thưa em nhuộm nâu già cũng tươi

Anh về Đinh Xá chọn nồi

Thổi cơm tám ỏn anh mời bạn duyên

Bao giờ nước cả đồng chiêm

Có đi hội gặt thì lên một đò…

Nhà thơ Hoài Anh, cùng đơn vị chiến đấu với Trần Văn Chuông, nghe tin người đồng đội hy sinh đã viết:

Chiều nghe Chuông đánh chìm tàu

Bánh: mìn nổ, thuốc lẫn màu khói bay

Thân anh đổi chục xác Tây

Hờn căm chất một gánh đầy phần tôi…

Thơ Hoài Anh (2001)

Nhà thơ Trần Văn Lê, trong bài thơ “Rang thóc”, kể câu truyện đôi vợ chồng già quê đồng chiêm Bình Lục, có con đi bộ đội, cảnh nghèo nhưng giàu lòng thơm thảo: Nhớ con nhớ cả đồng bào/ Mong anh bộ đọi đánh vào đồn Tây/ Dặn nhau đến vụ chiêm này/ Có dăm thúng thóc ta xay ta chờ.

Bộ đội về làng, đánh tan đồn giặc. Trong niềm vui chiến thắng, thóc còn ướt họ phải rang từng chảo cho khô, làm gạo để kịp nấu cháo cho bộ đội mừng công:

Chồng rang thóc, vợ đi xay

Lau nhau, ríu rít như ngày còn son

Nồi cháo nóng bốc hơi thơm

Thương anh bộ đội như con trong nhà.

Sau này, nhà thơ Trần Văn Lê còn có bài thơ “Tên làng tên người một người thơ” ca ngợi làng chiêm quê Tam Nguyên Yên Đổ, hậu phương lớn của tiền tuyến lớn.

Những năm tháng hào hùng chống Mỹ cứu nước, ai có dịp qua ga Bình Lục chứng kiến cảnh những toa tầu chứa đầy phân lân, phân đạm, vôi… để cải tạo đồng chiêm, là cảm hứng của nhiều văn nghệ sĩ.

Loảng xoảng trời chiều sắt thép xô nhau

Ai về ga có nhớ

Từ chuyến tàu nào bước xuống thuyền câu

Tiếng sóng đồng chiêm gặm mòn đường tàu…

Chưa có cần cẩu đâu

Chiếc khăn người bốc vác

Khoác trên vai thợ đấu đồng chiêm

(Ga Bình Lục – Nguyễn Thế Vinh)

Từ những toa tầu hiện đại, bước xuống thuyền câu dường không mấy khoảng cách. Con người vẫn bao đời đi lên từ đất, ngày nhà thơ Xuân Diệu đưa nữ nhà báo Pháp về gặp đội thủy lợi thôn Bùi, xã Trịnh Xá đang đắp đường, cải tạo đồng chiêm. Vị khách nước ngoài đã ví những thôn nữ nơi đây như “Nữ Oa vá trời”, còn nhà thơ xúc cảm:

Phải bốn hòn đất chìm

Mới một hòn đất nổi

Một con đường đồng chiêm

Bằng bẩy đường đồng bãi…

Thi sĩ tài hoa Xuân Diệu (1942-1988), khi đi trên những con đường đồng chiêm mới nổi lên mặt nước, đã nói hộ mơ ước bao đời của người dân quê.

Đường đã đắp đây – ai chưa về quê cũ

Nghe tiếng máy xe nỗi nhớ cũng nên gần

Mẹ , mẹ ơi! Khi xỏ dép vào chân

Hẳn mẹ nhớ ngày dầm mình bùn nước

Em mơ gì khi em đặt bước

Trên con đường biếc cỏ màu xanh

(Bình Lục 24-6-1964; Bài hát đắp đường)

Nhà thơ Trúc Thông, người con sinh ra nơi đất Ngô Khê, Bình Lục (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật), để lại cho người yêu thơ bài thơ hay nhớ mãi người mẹ hiền sông Châu tảo tần lam lũ.

Lá ngô lay ở bờ sông

Bờ sông vẫn gió

người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối… một lần về cuối thôi…

Bờ sông vẫn gió.

Một người con xã Vũ Bản xa nhà, xúc động khi nhận món quà quê: “Nhà còn một góc buồng khoai/ Thôn Đông khoai sọ, thôn Đoài khoai lang/ Thấm bao mưa nắng đất làng/ Không chê nghèo khó thì mang lên tầu”… đọc mà ta thấy cay nơi khóe mắt. Cũng là người nặng lòng cố hương:

Ngày xưa đầy ắp chiêm mùa

Vẫn lo giáp hạt gió lùa sau lưng

Mẹ tôi buôn thúng bán bưng

Cha tôi sấp ngửa trên từng lối quê

(Khi tôi chạm tuổi sáu mươi – Hải Đường)

Dư ba của thơ Nguyễn Khuyến vẫn tiếp chảy trong các thế hệ tiếp theo, nhờ đó làng quê Bình Lục được tái sinh trong một cái nhìn khác, gợi nhớ một miền quê ngọt ngào, say đắm.

Câu hát đồng chiêm

Ngấn bùn năn lác

Cong cong một mảnh trăng liềm

Thắt lưng xanh, cây đa, khóm trúc

Cua rốc, ốc nhồi, óng ánh trăng lên…

(Mai Khánh – Câu hát đồng chiêm)

Trái chín thu sang vàng trứng cuốc

Hoa thu ngào ngạt ngát vườn quê

Đã nghe nức nở hương hồng chín

Quyện với hồn thu, cốm mới về…

(Trần Đăng Thao – Hồn thu)

Nhà thơ Phạm Trọng Thanh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với chùm thơ “Trăng xuân làng Và”, “Về Bình Nghĩa quê em”, “Sênh tiền” (viết về đội văn nghệ xã Trung Lương). Vầng trăng xuân hiện hữu trong đêm Thượng nguyên huyền ảo, Rằm tháng Giêng, ngày giỗ thi hào Nguyễn Khuyến.

Phải ngọn đèn bên án sách chờ trăng

Ai nâng chén mời nhau qua giậu trúc

Em đằm thắm với bông hồng hái được

Để anh nhìn trăng sáng bóng hoa chen…

(Trăng xuân làng Và)

Nhà thơ Nguyễn Thế Vinh, tác giả “Trường ca đồng chiêm” gồm 5 chương với gần 1.000 câu thơ khắc họa cuộc sống vùng đồng chiêm đồng bằng Bắc Bộ trước năm 1945, được lấy cảm hứng từ đồng chiêm Bình Lục – quê hương Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Trường ca đồng chiêm

Trích

… Ta lớn lên sóng đã phủ trắng bờ

Năn, lác mọc cọng vàng xơ xác

Bầy vịt cỏ… thả trôi theo mùa nước

Bóng riu thuyền… như đi trong mơ

Phiên chợ Đồng kẻ bán người mua

Gánh giỏ không lững thững…

Sống ngâm da, chết ngâm xương

Ao chuôm như mặt nghiên

Ông đồ mài mực

Cái đói dai hơn đỉa bám

Vào sâu tập tục xóm làng

Đường sang nhà em

Sáu tháng đi chân

Sáu tháng đi tay

Đất chỉ diễn đôi mùa mưa khát

Nhà xa cách như hòn đảo lạc

Em buồn chi ra đứng bờ ao?

Con chim xanh đậu ngọn cây vè

Cha đi cày

Chẳng thấy trâu đâu

Chằng thấy người đâu

Chỉ bóng nón vật vờ giữa ruộng

Chiếc phao trắng đội đầu sóng lớn!

Cờ biển bảng vàng rước về An Đổ

Nhắn hỏi ông nghè hay chữ

Mấy lần lều chõng đi thi

Ba lần vinh quy

Rũ áo từ quan

Tạ ơn dân làng mở trường dạy học

Tạ ơn người hiền thục

Dải yếm đào nuôi lực bút nghiên…

Câu đường luật cởi thói đời khinh bạc

Thếp lá vàng ngõ trúc dắt thu sang…

Ai bảo đừng quên, ai xui đừng nhớ

Rượu Vọc cất từ nước buồn muôn thuở

Nhấp một lần trời đất ngả nghiêng say…

(Tiếng chim gọi mùa, NXB Hội Nhà văn 2000)

Nhà báo – nhà thơ Trần Đình Chính (1955-2014), quê xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, tác giả bài thơ nổi tiếng “Ở hai đầu nỗi nhớ” sáng tác năm 1980, bút danh Trần Hoài Thu đã được nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc.

“… Có một không gian nào/ Đo chiều dài nỗi nhớ/ Có khoảng mênh mông nào/ Sâu thẳm hơn tình thương/ Anh đang ở Pai-lin/ Rừng khộp khô trong nắng/ Thương em chiều mưa lạnh/ Muốn gửi chút nắng hồng/

NGÔ VI LIỄN (1894-1945)

Quê làng Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ông là viên chức, học giả, nhà khảo cứu văn học.

Từ năm 1928 đến 1939, ông làm Tri huyện huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), Quỳnh Côi (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam), Võ Giàng (Bắc Ninh). Ông thường xuyên đi các địa phương hỏi han và ghi chép về phong tục, danh thắng, cổ tích và soạn thành sách Địa dư như: Địa dư huyện Cẩm Giàng (1931), Địa dư huyện Quỳnh Côi (1933), Địa dư huyện Bình Lục (1935), Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ (1927).

Các sách Địa dư ông soạn theo lối biên khảo thực chứng, miêu tả một địa phương qua các thông số thống kê cụ thể (diện tích, dân số, trường học, hộ sinh, đường xá, sông ngòi, v.v.), đặc biệt chú ý ghi chép mô tả các đình, chùa, miếu, nhà thờ, các lễ hội, các thần tích, các danh nhân.

Ngô Vi Liễn được vinh danh đặt tên đường phố mang tên ông tại Khu đô thị sinh thái Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.

“Địa dư huyện Bình Lục” là công trình nghiên cứu đa dạng đầu tiên về đất Bình Lục. Các xã được khảo cứu đầy đủ theo các theo 14 lĩnh vực: Vị trí, Diện tích, Sông ngòi, Dân số, Thôn giáp, Canh phòng, Ngạch thuế, Canh nông, Kỹ nghệ, Thương mại, Việc học, Đê đường, cầu cống, Danh nhân, Đình Chùa. Tùy theo xã lớn nhỏ, các mục có thể thêm bớt. Tác giả dành nhiều thời lượng cho mục khảo cứu đình chùa, các thần phả thần tích, câu đối, thơ văn, phong tục tập quán, các làng nghề… Sách gồm 221 trang, chia làm 10 chương, in tại nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, năm 1935.

Bùi Văn Cường, sinh năm 1932. Nguyên quán Can Lộc, Hà Tĩnh. Dạy học và nghiên cứu văn học, sống ở xã Tiêu Động, Bình Lục.

Là nhà giáo tâm huyến với công việc nghiên cứu sưu tầm văn nghệ dân gian, ông đã cùng với các cộng sự, khảo cứu, biên soạn các công trình như “Văn ghệ dân gian Hà Nam”, cũng Nguyễn Tế Nhị hoàn thành công trình “Khảo sát văn hóa Liễu Đôi”, cùng các soạn giả xuất bản cuốn “Hoàn vương ca tích”, gồm hàng vạn câu lục bát về Hoàng đế Lê Hoàn, “Nguyễn Khuyến và giai thoại” (1985) – tác phẩm nổi tiếng gây tiếng vang trong giới; tác phẩm “Trăn trở ngàn năm” (2014).

Nguyễn Văn Huyền (1930-2003), nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Hán Nôm, nghiên cứu lịch sử Đảng, quản lý văn nghệ. Quê huyện Ý Yên, Nam Định. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh, tỉnh Nam Hà. Công trình nghiên cứu về Bình Lục: “Nguyễn Khuyến tác phẩm (658 trang. Nxb thành phố Hồ Chí Minh, (1984); “Truyện Trạng Lợn”, soạn chung với Chu Văn (1987).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền có thời gian dài đi thực tế điền dã tại các xã trong huyện Bình Lục. Công trình chưa xuất bản thành sách, mới công bố một phần “Dấu tích xa xưa một vùng sông Châu núi Quế”, trên các tạp chí Văn Nhân (Nam Định) và Sông Châu (Hà Nam).

Khảo cứu của ông có nhiều giá trị phát hiện về đất và người Bình Lục, như về nhà thơ Nguyễn Khuyến ông cho biết số lượng tác phẩm sưu tầm được đến nay được 800 bài, song chỉ giới thiệu được 432 tác phẩm gồm 86 bài thơ Nôm, 267 bài thơ chữ Hán, 6 bài thơ dịch, 67 câu đối, 6 bài tập văn…

Cụ Biệt Lam Trần Huy Bá, quê thôn Nãi Văn, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục.

Là nhà khảo cổ học Việt Nam thế hệ đầu tiên, trong vai trò thư ký, đã từng giúp các nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học người Pháp trong quá trình nghiên cứu về Việt Nam.

Năm 1956, cụ vẽ lại bản “Hoài Đức phủ toàn đồ”, tấm bản đồ đầu tiên vẽ về Hà Nội năm 1831. Tham gia cuốn sách “Tranh dân gian Việt Nam, sưu tầm và nghiên cứu” của Maurice Durand do EFEO (Viện Viễn Đông Bác Cổ) xuất bản. Cụ cũng là người đầu tiên công bố tư liệu họ Hồng Bàng, trị vì nước Văn Lang, với vương hiệu Hùng Vương.

Bản Ngọc phả về Đào Cam Mộc, người tổ chức cuộc dời đô từ Hoa Lư lên Đại La (Thăng Long) thời Lý và công chúa Thiềm Hoa, thờ ở phủ Vũ Bị, xã Vũ Bản, Bình Lục là do cụ Trần Huy Bá giữ được, cung cấp cho các nhà nghiên cứu.

Giáo sư Nguyễn Hồng Phong (1929-1998) sinh ra trong một gia đình viên chức nghèo tại làng Văn Ấp, xã Bồ Đề, Bình Lục, Hà Nam. Là một tỏng những cây đại thụ của làng sử học Việt Nam. Không chỉ là nhà sử học, ông còn là nhà nghiên cứu Văn học và Triết học xuất sắc. Với vai trò Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, GS Nguyễn Hồng Phong đã tham gia biên soạn bộ “Sơ thảo lịch sử Văn học Việt Nam” gồm 5 tập (1957-1960), đặt nền móng cho việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam.

Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, hai cuốn “Xã thôn Việt Nam’ và “Tìm hiểu tính cách dân tộc”. Hai công trình này đã được tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 2, năm 2000.

Tháng 9/2016, tỉnh Hà Nam tổ chức gắn biển phố mang tên Nguyễn Hồng Phong ở thành phố Phủ Lý.

Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005). Quê làng Lê Xá, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên. Ông nghiên cứu, giảng dạy và có nhiều công trình tác phẩm về lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam. Nghiên cứu về Nguyễn Khuyến, tham gia biên soạn, cố vấn công trình “Nhân vật lịch sử văn hóa Hà Nam”.

Được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2012. Năm 2016, thủ đô Hà Nội và thành phố Phủ Lý đặt tên phố Trần Quốc Vượng.

Mai Khánh, sinh năm 1954. Quê xã Trịnh Xá, Bình Lục (nay thuộc thành phố Phủ Lý). Có một số bài viết về văn hóa dân gian. Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm: Bình Lục xưa (2016), chuyên luận dài về đất và người Bình Lục, từ các triều đại trước đến nay.

Dương Văn Vượng, quê xã Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định. Tác phẩm: Thi tuyển danh sĩ Hà Nam, soạn chung cùng Hồ Đức Thọ (1999). Dịch Gia phả dòng họ Nguyễn của nhà thơ Nguyễn Khuyến, tham gia nghiên cứu Vũ Bị, xã Vũ Bản…

Ngoài ra còn có nhiều bài thơ, văn, nghiên cứu văn học, lịch sử về Bình Lục của các tác giả như Vũ Quần Phương, Trần Như Thức và Kim Ngọc Diệu…

________________________________

[1] Là ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch

[2] Đào Tiềm bên Trung Quốc, treo ấn từ quan sớm. Tác giả ví mình không được khẳng khái như Đào Tiềm.

Địa chí Huyện Bình Lục

Từ khóa » Bài Thơ Trở Rét Của Bàng Bá Lân