Ở Việt Nam vào thập niên 1940, viết về dân quê, nếp sống đồng ruộng bạn đọc miền Bắc nghĩ ngay tới O chuột, Giăng thề của Tô Hoài, còn ở miền Nam là Tình Quê, Đồng Quê. Cả hai tác giả đều gắn bó máu thịt với miền quê mình sinh ra, lớn lên, Tô Hoài thì quan sát tinh tế, bố cục gọn gàng, mạch văn uyển chuyển trong từng truyện ngắn, còn Phi Vân thì lăn lộn giang hồ, chất tươi tắn, roi rói đời sống của miền đất mới hiện ra lồ lộ trong từng trang viết. Cả bối cảnh làng quê Nam bộ xa xôi hẻo lánh với những người nông dân chất phác, cục mịch sống với tập tục cổ hủ, lạc hậu, cuộc sống cực nhọc tối tăm miệt Hậu giang, rừng U Minhkhiến người đọc chạnh lòng, thương xót. Chung một đất nước mà lúc đó, Sài Gòn chỉ cách nhau vài trăm cây số xe chạy tràn ngập ánh sáng văn minh, còn thôn quê "chó ăn đá, gà ăn muối", thui thủi với bóng tối miên man, thói hư tật xấu. Những địa danh như hóc Bà Tó, xóm Kiến vàng, tắc Ông Do, mương Chiệc Kịch, Tham Trơi, U Minh, Đầm Cùn…là những cái tên mang dấu ấn một thời của tổ tiên đi khai hoang, mở rộng đất đai về phương Nam, đọc lên mường tượng được vẻ hoang sơ, mộc mạc xa xưa. Phi Vân tên thật là Lâm Thế Nhơn, sinh năm 1917 trong một gia đình trung lưu ở Cà Mau. Ông từng là một nhà báo chuyên viết phóng sự, truyện ngắn cho hầu hết các nhật báo, tuần báo, tạp chí ở miền Nam lúc bấy giờ như Tiếng Chuông, Dân Chúng (do Đảng Cộng sản Đông dương trực tiếp chỉ đạo), Tiếng Dân (của cụ Huỳnh Thúc Kháng) và chủ bút tờ Thủ Đô thời báo. Tác phẩm của Phi Vân gồm có : Dân Quê, Tình Quê, Cô Gái Quê, đáng chú ý nhất là tập phóng sự Đồng Quê (đoạt giải nhất cuộc thi văn chương của Hội Khuyến học Cần Thơ năm 1943). Tập phóng sự Đồng Quê được một nhà văn Trung quốc dịch ra tiếng bạch thoại tựa là Nguyên Dã năm 1950. Ông tâm sự ; "Sau khi tuyên bố kết quả giải thưởng văn chương năm 1943, Hội Khuyến học Cần Thơ có tổ chức một buổi phát thưởng long trọng, có đầy đủ thân hào, nhân sĩ, các nhà tai mắt ở địa phương và nhiều bạn văn từ các tỉnh xa về tham dự. Rủi thay, vào lúc đó tôi vừa phiêu lưu trên hai tháng trong cánh rừng sâu vùng Bến Cát - Chơn Thành - Tây Ninh đi tìm tài liệu viết một thiên phóng sự đường rừng. Lúc trở về, tôi bị rét rừng nặng. Ngày phát thưởng là ngày tôi đau vùi, nóng mê man, không còn biết trời đất gì nữa. Buổi lễ không thể hoãn lại, vì thiệp mời đã gởi đi các nơi. Mấy người bạn tôi phải 'lê' tôi từ Sài Gòn xuống Cần Thơ trong tình trạng bệnh hoạn nguy kịch nhất. Khi tới nơi, bác sĩ Lê Văn Ngôn - một nhân viên trong ban tổ chức - đến xem mạch và lắc đầu. Cơn sốt của tôi lên đến 40 độ và tôi vẫn mê man…Trao giải thưởng xong, sau khi run rẩy đọc vài lời, tôi xỉu xỉu muốn ngất đi và được dìu vào trong để bác sĩ Lê Văn Ngôn sẵn đồ nghề túc trục tại đó chích thêm cho một mũi thuốc khoẻ !"*. Tác phẩm Đồng Quê là loại phóng sự tiểu thuyết rất gần với loại truyện ngắn, đầy sức gợi tả sinh động, chắt lọc phương ngữ làm cho ngôn ngữ mang dáng dấp hiện đại hơn. Tập nầy gồm mười hai phóng sự ngắn và một phóng sự dài, miêu tả bức tranh nông thôn sông nước nghèo nàn, lạc hậu, bức bối với những tập tục mê tín, dị đoan, cảnh đời bị bóc lột bởi các hương chức lộng hành, đặt ra vấn nạn lớn cần phải gấp rút giải quyết cho nông thôn miền Nam. Phi Vân sử dụng lối viết linh hoạt, gọn gàng, pha nhiều chất hóm hỉnh, tinh quái khiến cho người đọc đôi lúc…rưng rưng, khóc cười theo từng cảnh đời, từng nhân vật ! Lần giở lại những trang viết trong tập phóng sự Đồng Quê của tác giả Phi Vân về một đám hát bội ở làng với khán giả là dân quê chộn rộn : "Khi tiếng trống thùng thùng nổi lên trên xóm đình, thì dọc theo bờ ruộng đã thấy lũ lượt kẻ năm người ba kéo nhau đi xem hát. Sân đình trước là một đám cỏ cú cao nghều nghệu, chỉ sơ sơ trong nửa buổi là bị dấu chân người dẵm lên sát rạt. Trước rạp, người ta dọn sạch sẽ, sắp một hàng ghế dài để dành riêng cho các bậc kỳ lão và hương chức; kế đó là ghế của tư nhân. Họ khuân từ nhà đem lại, chen nhau giành chỗ. Hai ngọn đèn măng sông được treo tòn ten trên cao, trước rạp. Ba hồi trống cơm tùm tum báo rằng đào kép sắp ra tuồng, mà, tội quá, dám con nít cứ chen lấn nhau kêu la ầm ĩ. Chúng trèo níu đánh đeo ở hai bên giàn coi dàn kèn và coi các ông tướng vẽ mặt. Hai anh cai tuần lãnh coi trật tự đuổi thế nào chúng cũng không đi. Tức quá, họ bẻ roi quất bổ trên đầu, trên lưng làm chúng kinh hoảng lấn nhau té đùn cục. Nhưng một lát, chờ anh cai tuần rỏn đi chỗ khác, chúng lại leo lên bu chung quanh như kiến. Đêm ấy hát tuồng Phụng nghi đình. Chính ông sáu Lý ốm tong, bây giờ độn cái bụng to, mặc áo rộng thùng thình đóng vai Đổng Trác. Mỗi lần ông đi khệ nệ, vuốt râu, đưa quạt lên trời hất hất, là mỗi lần người ta la ó vang dậy. …Có vài chị đàn bà bồng con, tay vạch áo đưa vú cho con bú mà mắt chăm chăm lên sân khấu, hồn gởi trọn cho Điêu Thuyền. Đứa con ngậm vú không được vùng khóc ré lên. Chị ta không kể đến, cứ đứng sững giơ tay đánh chan chát vào đít đứa con. Đứa bé khóc ngất."** Hay một đoạn văn Phi Vân tả xóm Kiến Vàng, nơi hẻo lánh xa xôi tận rừng U Minh : "Thuộc làng Tân hưng đông, ấp Kiến Vàng chia ra làm hai xóm. Thiên hạ hai bên thù nhau từ đời nào không biết mà hồi ấy họ ghìm nhau như thù địch.Và không khác hai nước đương chiến, họ tìm mọi cách để ngầm giết nhau. Họ nuôi râu cọp, tìm đủ thứ thuốc độc bỏ trong nước, trong món ăn, thuốc nhau chết như rạ. Thành ra, ở đó không ai dám tin ai, nhà nào nhà nấy giữ gìn từ lu nước, món ăn, tiệc tùng đâu mời cũng không dám tới. Một ngày ở đó là một ngày phập phồng. Con nít ở Kiến Vàng là con nít đủ tài thao lược. Trên bộ, chúng ruồng tất cả rừng rậm chông gai, bắt rắn như bắt ếch, bắt chim như bắt gà, thôi thì đạo binh của rừng bụi đều kinh hồn mất vía ! Buồn ! Chúng có thể lôi đầu mấy con rắn hổ ngựa từ trên cây xuống…đá như đá ba lông, chúng có thể nắm chóp hết những con kỳ nhông, rắn mối ra 'rô ti' nhậu rượu ! Dưới nước, tốp khác không kém, chúng là một đoàn thủy quân bơi lội 'dàn trời ban'. Liệng chúng xuống bùng binh sâu hoắm tối ngày chúng không uống một chút nước, không biết lạnh, mà lại còn mò lên một mớ tôm cá, mới tài ! Chúng lại thường theo cha chú ra vàm sông Mang giỗ ban đêm soi sấu, vớt những con sấu con đem về cho…cắn lộn."** Và hình ảnh chủ điền keo kiệt, bóc lột người nông dân nghèo thuê ruộng đến tận cùng, cuộc đấu tranh chống áp bức, đốt giấy nợ, chống đóng thuế thân cho Pháp báo hiệu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nổi lên. Trong Thay lời tựa ở tập truyện Dân quê Phi Vân viết : " tôi muốn ghi một giai đoạn đã qua rồi, cho số người còn chậm tiến, những người đang mong mỏi và chờ đợi một cơ hội thuận tiện để trở về thời oanh liệt của họ đã đến ngày tàn", ý ông muốn cảnh cáo bọn chủ điền bóc lột kia ngày sụp đổ thực dân Pháp đến nơi rồi, đừng ôm chân bọn đế quốc nữa. Trong các tác phẩm của Phi Vân, cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả sinh động đóng vai trò nhân vật quan trọng, riêng nét sinh hoạt nông thôn, phong tục tập quán đặc thù của vùng đất mới thì bàng bạc lúc ẩn, lúc hiện trong hơi văn có khuynh hướng mang vẻ hiện thực cách mạng. Nói về sự nghiệp viết lách của mình ông cho biết : "…tôi bắt đầu thực sự theo đuổi nghiệp văn chương bằng một thời kỳ lãng mạn, thích phiêu lưu và, sau một dạo ngao du nhiều nơi, đã sáng tác được hai truyện dài loại phiêu lưu tình cảm : Trên bãi cát vàng, Chim trời bạt gió (đăng ở báo Phóng sự hồi năm 1941). Sau thời kỳ lãng mạn, tôi chuyển hướng viết phóng sự và sáng tác quyển Đồng Quê năm 1942. Tiếp theo là những truyện Dân Quê, Tình Quê, Cô Gái Quê (đều do nhà Tân Việt xuất bản). Sau 1945 tôi viết cuốn Nhà Quê Trong Khói Lửa, nhưng đến nay vẫn còn dang dở chưa xong, một phần cũng vì rất bận bịu với nghề làm báo".* Giai đoạn sau 1945 ông cộng tác với các tờ báo tiến bộ ở Sài Gòn, khitờ Thủ đô thời báo (Phi Vân làm chủ bút) bị đóng cửa, ông không tham gia bất kỳ tổ chức văn hóa nào của chính quyền ngụy, sống thanh thản với lương tâm trong sáng của một trí thức, nhà văn yêu nước. Phi Vân từng bộc bạch : "Nguyện vọng của tôi là chờ cho thời cuộc lắng dịu, sự giao thông được dễ dàng để lại ngao du về miền quê, tiếp tục công việc sáng tác hiện đang bịgián đoạn."*. Sau năm 1975 tập phóng sự Đồng Quê được tái bản với lời giới thiệu chân thành của nhà văn Anh Đức. Ngày 11.01.1977 ông mất tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng dương 60 tuổi, để lại tác phẩm Đồng Quê tạo nên một dấu ấn sâu đậm về phong cách viết văn rặt ròng Nam bộ trước cách mạng 1954. Tiếp theo dòng chảy văn học đồng bằng miền Tây Nam bộ là Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng, Anh Động…thấp thoáng cảnh miền quê sông nước với con người hồn nhiên, chân chất, luôn bám chân chắc chắn vào mảnh đất phù sa mầu mỡ và cuộc đấu tranh kiên cường giành độc lập, thống nhất đất nước. Kể cả hôm nay khi đọc những trang viết của Nguyễn Trọng Tín, Phạm Trung Khâu, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Đắc Danh, Mạc Can…bạn đọc lại bồi hồi nhớ lạiPhi Vân thuở Đồng Quê - lại cũng người dân quê đất ấy trong bối cảnh hòa bình, xây dựng đất nước thịnh vượng. *Văn Thi Sĩ Hiện Đại - Kỷ niệm Nhận định của Bàng Bá Lân NXB Xây Dựng năm 1963. **Trích trong tập Đồng Quê. |