Địa Chỉ Thường Trú Là Gì? Có Gì Khác Với Tạm Trú, Lưu Trú?

Địa chỉ thường trú là một trong những thông tin quan trọng không thể thiếu ở hầu hết các giấy tờ. Vậy, địa chỉ thường trú là gì? Cách ghi địa chỉ thường trú thế nào khi thông tin về địa chỉ thường trú trên hộ khẩu và trên CMND/CCCD khác nhau. Mục lục bài viết

  • Địa chỉ thường trú là gì? Các trường hợp được đăng ký thường trú
  • Địa điểm nào không được đăng ký thường trú từ 01/7/2021?
  • Thường trú, tạm trú khác nhau thế nào?

Địa chỉ thường trú là gì? Các trường hợp được đăng ký thường trú

Địa chỉ thường trú (hay còn họi là nơi đăng ký thường trú, nơi thường trú) là nơi công dân sinh sống, ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú (theo khoản 8 Điều 2 Luật Cư trú 2020).

Theo đó, công dân được đăng ký thường trú khi có các điều kiện sau:

- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

+ Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

+ Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động… về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

+ Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi:

+ Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

+ Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/ người.

- Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp:

+ Người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;

+ Người đại diện cơ sở tín ngưỡng;

+ Người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng;

+ Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú.

- Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

Ngoài ra, người sinh sống, người làm nghề lưu động trên xe, tàu, thuyền,… được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi có đủ các điều kiện:

- Là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú;

- Phương tiện được đăng ký, đăng kiểm, trường hợp không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của UBND xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở.

Địa chỉ thường trú là gì? Có gì khác với tạm trú, lưu trú? (Ảnh minh họa)

Địa điểm nào không được đăng ký thường trú từ 01/7/2021?

Theo Điều 23 Luật Cư trú 2020, có đến 05 địa điểm người dân không được đăng ký thường trú mới, gồm:

- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật

- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thường trú, tạm trú khác nhau thế nào?

Mặc dù thường trú, tạm trú đều được hiểu là cư trú nói chung, tuy nhiên giữa thường trú, tạm trú sẽ có những điểm khác nhau nổi bật sau đây:

STT

Tiêu chí

Thường trú

Tạm trú

1

Khái niệm

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.

(khoản 8 Điều 2 Luật Cư trú 2020)

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.

(khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020)

2

Điều kiện đăng ký

- Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình;

- Trường hợp đặc biệt công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình theo quy định tại điều 20 Luật Cư trú năm 2020.

Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

3

Thủ tục đăng ký

Theo Điều 22 Luật Cư trú 2020:

- Nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú;

- Trong thời hạn 07 ngày, cơ quan đăng ký cư trú thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký

Theo khoản 2 điều 28 Luật Cư trú năm 2020:

- Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú;

- Trong thời hạn 03 ngày, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú.

Bài viết trên đây vừa giải thích Địa chỉ thường trú là gì?  Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ. >> Không có hộ khẩu thường trú, người nước ngoài có được tham gia BHYT tự nguyện không?

Từ khóa » địa Chỉ đăng Ký Hộ Khẩu Thường Trú Là Gì