Hộ Khẩu Thường Trú Là Gì Theo Quy định Pháp Luật? - Luật Minh Gia

Hộ khẩu thường trú là gì theo quy định pháp luật? Hiện nay, việc công dân từ các tỉnh tiến ra các thành phố lớn sinh sống và làm việc thì hộ khẩu đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ quan trọng giúp cho bộ máy quản lý cư dân các cấp trở nên dễ dàng trong việc kiểm soát hơn, cũng như đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Hộ khẩu thường trú là một loại giấy tờ có vai trò rất quan trọng đối với mỗi công dân, trong đó có ghi nhận nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của công dân và được sử dụng trong nhiều thủ tục hành chính trên thực tế.

Mục lục bài viết

  • 1. Hộ khẩu thường trú là gì?
  • 2. Tư vấn nội dung câu hỏi về Đăng ký thường trú theo quy định hiện hành.

1. Hộ khẩu thường trú là gì?

- Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú theo quy định của Luật Cư trú 2020.

- Hộ khẩu thường trú là sổ do cơ quan công an cấp nhằm ghi nhận thông tin đăng ký thường trú, trong đó có ghi đầy đủ thông tin cơ bản của mỗi cá nhân trong hộ gia đình như thông tin về họ và tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú. Theo Luật cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 thì khi người dân thay đổi thông tin về cư trú, cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

2. Tư vấn nội dung câu hỏi về Đăng ký thường trú theo quy định hiện hành.

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi có đứa em rể, quê ở tỉnh khác về làm rể quê tôi đã được 5 năm. Em tôi chăn nuôi lợn khoảng 30 con, có làm hầm Bioga theo sự khuyến khích của Nhà nước trong chăn nuôi. Năm nay em tôi muốn nhập khẩu về quê vợ. Đến địa phương xin nhập khẩu, địa phương không cho nhập với lí do: Chăn nuôi làm ô nhiễm môi trường. Xin tư vấn giúp với lí do như địa phương đã nêu thì có đúng hay không? Em tôi cần phải đến những đâu và giải quyết như thế nào thì được nhập khẩu. Xin cảm ơn

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất: Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân theo quy định hiện hành

Theo điều 4 Luật Cư trú 2020 quy định nguyên tắc nhằm đảm bảo thực hiện quyền tự do cư trú của công dân như sau:

- Công dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế trong các trường hợp sau đây:

+ Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, biện pháp tạm giữ, tạm giam; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt tù, cấm cư trú, quản chế hoặc cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

+ Người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;

+ Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng;

+ Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật này;

+ Các trường hợp khác theo quy định của luật.

- Việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật. Nội dung, thời gian hạn chế quyền tự do cư trú thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án, quyết định của cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền hoặc theo quy định của luật có liên quan.

Như vậy, mọi công dân nếu không rơi vào các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú theo quy định nêu trên thì có quyền được lựa chọn nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật cư trú và các luật có liên quan. Việc chính quyền địa phương không cho phép em rể bạn không được đăng ký hộ khẩu thường trú với lí do “Chăn nuôi làm ô nhiễm môi trường” là hoàn toàn trái quy định của Luật Cư trú 2020.

Thứ hai: Thủ tục đăng ký thường trú theo quy định hiện hành

Thủ tục thực hiện việc đăng ký thường trú được quy định theo điều 22 Luật Cư trú năm 2020 như sau:

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

2. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Thứ ba: Thẩm quyền đăng ký thường trú

Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020 giải thích cơ quan đăng ký cư trú như sau: Cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

Như vậy, theo quy định này, từ ngày 01/7/2021, cơ quan đăng ký thường trú của công dân là công an xã, phường, thị trấn. Chỉ riêng ở các thành phố trực thuộc Trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì thẩm quyền thuộc về công an huyện, quận, thị xã, thành phố.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Cư trú 2020, cơ quan đăng ký cư trú cũng là cơ quan có thẩm quyền cập nhật thông tin của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Do đó với trường hợp của em rể bạn, do bạn không nêu rõ nơi đăng ký thường trú thuộc xã/phường/thị trấn hay là thành phố trực thuộc trung ương nên tùy thuộc vào địa giới hành chính thì thẩm quyền đăng ký thường trú thuộc về công an xã/phường/thị trấn, nếu ở các thành phố không có đơn vị cấp xã thì thẩm quyền thuộc về công an huyện/quận/thị xã/thành phố.

Nếu công an tại địa phương tiếp tục có hành vi không cho phép em rể bạn đăng ký hộ khẩu thường trú, thì em bạn có thể khiếu nại với hành chính này. Đơn khiếu nại gửi trực tiếp tại UBND cùng cấp.

Từ khóa » địa Chỉ đăng Ký Hộ Khẩu Thường Trú Là Gì