Địa đanh - Di Tích - Thắng Cảnh - UBND Thành Phố Tuy Hòa

image banner Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
  • TRANG CHỦ
  • Tổng quan
    • Giới thiệu chung
    • Địa đanh - Di tích - Thắng cảnh
  • Tổ chức Bộ máy
  • Lịch công tác
  • Thông tin Quy hoạch
  • Xử phạt Hành chính
  • Thông tin sinh hoạt Chi bộ
  • Tin tức - Sự kiện
    • Công bố quy hoạch tỉnh Phú Yên năm 2024
    • Kinh tế - Chính trị
    • An ninh - Quốc phòng
    • Xây dựng Đảng - Chính quyền
    • Hoạt động Lãnh đạo thành phố
    • Văn hóa - Xã hội
    • Các tin khác
  • Văn bản pháp luật
    • Văn bản Trung ương
    • Văn bản Tỉnh
    • Văn bản Thành phố
    • Văn bản Góp ý
  • Nhịp sống Tuy Hòa
  • Cấp phép Xây dựng
  • Du lịch Tuy Hòa
  • Trang chủ
  • Tổng quan
  • Địa đanh - Di tích - Thắng cảnh
Địa danh - Di tích - Thắng cảnh thành phố Tuy Hòa

 Là cửa ngõ hướng ra Biển Đông để phát triển vùng Tây Nguyên đồng thời là điểm nhấn quan trọng liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, thành phố Tuy Hòa có vị trí địa lý và vai trò đặc biệt quan trọng, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ hàng hóa, du lịch, đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

     Theo dòng lịch sử, địa danh Tuy Hòa chính thức xuất hiện trên bản đồ    Đại Việt vào năm 1611 với tư cách là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phủ Phú Yên, có vị trí quan trọng trong hành trình mở đất hướng về phương Nam của các chúa Nguyễn ở xứ Đàng trong. Năm 1899, huyện Tuy Hòa được nâng lên thành phủ Tuy Hòa với 04 đơn vị hành chính trực thuộc là tổng Hòa Bình, Hòa Đa, Hòa Mỹ và Hòa Lạc. Sau đó sát nhập thêm tổng Hòa Tường vào năm 1900 và hai tổng Hòa Đồng, Hòa Lộc vào năm 1908. Năm 1915, phủ lỵ Tuy Hòa chuyển về làng Năng Tịnh (thuộc Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, Phường 5 và Phường 9 của thành phố Tuy Hòa hiện nay).

     Xuất hiện từ buổi đầu khai khẩn đất phương Nam và chính thức là đơn vị hành chính cách đây hơn 400 năm nhưng huyện Tuy Hòa xưa và nay là thành phố Tuy Hòa đã hàm chứa trong mình bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời của các cộng đồng dân cư đa sắc tộc. Giữa không gian đồng bằng duyên Nam Trung bộ dài và hẹp, thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này dải đồng bằng phù sa màu mỡ, được mệnh danh là vựa lúa của miền Trung. Sông Ba, núi Nhạn, núi Chóp Chài và bãi biển với những triền cát trắng mênh mông tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo của thành phố trẻ mà ít nơi nào có thể sánh được. Ở vào địa thế đặc biệt đó, cùng với vẻ đẹp về cảnh quan thiên nhiên, thành phố Tuy Hòa còn sở hữu những tài nguyên nhân văn phong phú với hệ thống di tích, di sản của nhiều nền văn hóa như: văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm pa, văn hóa người Việt, người Hoa cùng nhiều di tích liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Phú Yên, trên địa bàn thành phố Tuy Hòa có khoảng 100 di tích, tập trung chủ yếu các loại hình như tháp, chùa, miếu, đình, lẫm và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác. Trong đó có Tháp Nhạn được xếp hạng là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia, Đình Ngọc Lãng, Địa điểm quản thúc và giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chùa Khánh Sơn, Đình Phú Câu, Di tích khảo cổ tháp Chăm Đông Tác được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

     1. Di tích Tháp Nhạn - Phường 1:

     Núi Nhạn – sông Đà Rằng được xem là biểu tượng của thành phố Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên, để lại những ấn tượng sâu sắc cho bất kỳ ai từng một lần đặt chân đến vùng đất này. Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc Phường 1, thành phố Tuy Hòa. Đứng ở độ cao 64 mét trên đỉnh núi, du khách có thể thỏa sức ngắm nhìn vẻ đẹp toàn cảnh thành phố trẻ Tuy Hòa nằm bên bờ biển Đông và dòng sông Đà Rằng với 04 cây cầu đường sắt, đường bộ chạy song song.

     Trên đỉnh núi có Tháp Nhạn - di tích kiến trúc độc đáo thuộc nền văn hóa Chăm pa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa. Tháp có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10 mét và chiều cao khoảng 25 mét, bao gồm ba phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp. Đế tháp vững chãi, thân tháp đồ sộ vươn cao, họa tiết trang trí các trụ ốp tường với những đường rãnh ăn sâu vào thân tháp, mái tháp thu nhỏ dần với ba tầng theo mô típ tầng trên là hình dáng thu nhỏ của tầng dưới như hình búp sen đã làm tăng thêm vẻ thanh thoát của khối kiến trúc cổ.

     Chóp tháp là sự kết hợp hài hòa giữa hình tượng chóp nón với hình tượng Linga nhưng chưa có dạng hoàn chỉnh như những Linga ở Tháp bà Ponagar hoặc một số cụm tháp Chăm ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Lòng Tháp Nhạn có diện tích khoảng 25 mét vuông, tường xây theo kỹ thuật giật cấp, không có hoa văn trang trí, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng. Vật liệu xây dựng chủ yếu của Tháp Nhạn là loại gạch có kích thước lớn với chiều dài 40cm, chiều rộng 20cm và bề dày 08cm, được xếp liền khít nhau, tạo nên tường tháp dày tới 2,5m. Sự kết hợp giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tạo cho di tích Tháp Nhạn vừa mang dáng vẻ vững chắc, vừa thanh thoát và có tính thẩm mỹ cao.

anh tin bai

     Nằm trong khu vực bảo vệ của di tích này, ven bờ sông Chùa có một tảng đá khá bằng phẳng cao 05m, rộng 05m, khắc 03 văn tự cổ (dạng chữ Phạn) ở vị trí khoảng 1/3 tảng đá. Có lẽ đây là thư tịch duy nhất còn được lưu lại trong khu vực bảo vệ của Tháp Nhạn và có quan hệ mật thiết với di tích này.

     Tháp Nhạn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia vào ngày 16/11/1988.

     Cũng nằm trong khu vực bảo tồn di tích Tháp Nhạn, Đài tưởng niệm Núi Nhạn là một công trình độc đáo thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại và nghệ thuật kiến trúc truyền thống. Ban đầu, công trình được tỉnh Phú Khánh đầu tư xây dựng từ năm 1983 theo thiết kế của nhóm tác giả do Kiến trúc sư Tô Định đứng đầu, gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới, phần trên là tháp đài cao 30 mét. Tựa lưng vào tháp đài là cụm tượng người mẹ Phú Yên anh hùng cầm bó đuốc, bên phải mẹ là anh bộ đội cầm súng xông lên, bên trái là bé trai cắp sách đến trường. Hướng chính của công trình là Tây Nam, nhìn về cánh đồng lúa Tuy Hoà bao la, xa xa là rừng núi trùng điệp - cái nôi của phong trào cách mạng Phú Yên qua hai cuộc kháng chiến.

     Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thì xuất hiện các vết nứt ở hai cánh sảnh chính và để đảm bảo an toàn, công trình này ngừng thi công hoàn toàn vào năm 1986. Mãi đến năm 2003, theo nguyện vọng của nhân dân và các bậc lão thành cách mạng, công trình Đài tưởng niệm Núi Nhạn được nghiên cứu cải tạo, xây dựng lại. Lãnh đạo tỉnh đã chọn thiết kế của nhóm tác giả do Kiến trúc sư Lê Hiệp, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chủ trì thiết kế. Kiến trúc sư Lê Hiệp đã có nhiều ý tưởng táo bạo, biến một công trình bị lãng quên trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

anh tin bai

     Đài tưởng niệm Núi Nhạn lấy cảm hứng từ hình ảnh những con sóng và cánh buồm no gió vươn ra khơi xa, ở một góc nhìn khác lại tựa như những cánh chim nhạn tung bay. Hình khối, đường nét, màu sắc của công trình hài hòa với Tháp cổ. Nhìn từ xa, Tháp Nhạn vẫn là công trình chủ đạo, nhưng khi viếng thăm Đài tưởng niệm, ta vẫn cảm nhận được sự hoành tráng cũng như khả năng biểu cảm của công trình. Vào các ngày lễ lớn và tết Nguyên đán, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, địa phương trong tỉnh tổ chức lễ đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn để bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ và các bậc cách mạng tiền bối của tỉnh nhà.

     2. Địa điểm quản thúc và giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, xã Bình Kiến:

     Di tích lịch sử địa điểm quản thúc và giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói riêng và những địa điểm gắn với quá trình hoạt động của luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong thời gian bị địch quản thúc tại Phú Yên (giai đoạn 1955-1961) nói chung đã trở thành những di tích ghi đậm dấu ấn lịch sử, minh chứng cho quãng thời gian hoạt động cách mạng đầy gian nguy, thử thách của luật sư dưới sự theo dõi, kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn. Cuộc giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với mật danh "Chị Nghĩa" vào ngày 30/10/1961 tại địa điểm mộ bà Dũ Ký, dưới chân núi Chóp Chài, thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa trở thành một trong những mốc son trong bản hùng ca chống Mỹ của quân và dân thành phố Tuy Hòa nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung.

     Với những ý nghĩa lịch sử quan trọng đó, Địa điểm giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ (Mộ bà Dũ Ký, Thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến, thành phố   Tuy Hòa) được xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 799/QĐ-UBND, ngày 18/5/2011 của UBND tỉnh Phú Yên.

     3. Di tích Chùa Khánh Sơn, Phường 9:

     Chùa Khánh Sơn tọa lạc về hướng Nam núi Chóp Chài, thuộc khu phố Thanh Đức, Phường 9, thành phố Tuy Hòa. Khuôn viên chùa có tổng diện tích 21.955m2, do Tổ khai sơn Toàn Đức, hiệu Thiệu Long, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 37 sáng lập vào năm 1802. Năm 1945, Chùa Khánh Sơn được Tỉnh ủy      Phú Yên chọn làm địa điểm tập hợp lực lượng để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Đây cũng là nơi đồng chí Nguyễn Côn – nguyên Bí thư    Tỉnh ủy Phú Yên chọn làm địa điểm mở các lớp học tập lý luận chính trị và là địa điểm dừng chân của các đồng chí lãnh đạo ở Nam kỳ, khu VI khi đến Phú Yên.

     Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chùa Khánh Sơn là căn cứ cách mạng của Thị ủy Tuy Hòa, nơi tổ chức hội họp, bàn kế hoạch chống Mỹ cứu nước. Là địa điểm lực lượng đặc công ẩn nấp chuẩn bị giải thoát Luật sư – Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ vào năm 1960. Tỉnh ủy Phú Yên cũng chọn chùa Khánh Sơn làm địa điểm tổ chức họp mặt cán bộ các huyện Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa và đã xây dựng nơi đây thành nơi đón tiếp các đồng chí cấp trên về chỉ đạo phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước như: Trương Quang Giao, Trần Công, Nguyễn Sỹ.

     Với bề dày lịch sử lâu đời, chùa Khánh Sơn là một trong những ngôi chùa cổ có ý nghĩa quan trọng trong việc việc nghiên cứu quá trình phát triển của Phật giáo trên đất Phú Yên. Ngày 18/5/2011, UBND tỉnh Phú Yên xếp hạng chùa Khánh Sơn là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

     4. Di tích Đình Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc:

     Làng Ngọc Lãng xưa được hình thành trên những bãi bồi nằm ở phía bắc cửa sông Đà Rằng và một số vùng phụ cận. Ban đầu làng có tên là Nguyệt Tiên Đông, Nguyệt Lãng và về sau đổi tên thành Ngọc Lãng với ý nghĩa là viên ngọc sáng. Đình Ngọc Lãng nằm trong khuôn viên rộng khoảng 3.000m2, xung quanh là ruộng vườn và cộng đồng dân cư. Đình quay mặt về hướng Nam, trước mặt có sông Đà Rằng, xa hơn có núi Đá Bia như bức bình phong che chắn, địa thế này được thể hiện rõ nét qua đôi câu đối ở mặt tiền ngôi đình: Cận lâm Đà thủy cung tiền giám/Viễn đối Bi sơn tác ngoại bình (Tạm dịch: Sông gần Đà Diễn lượn quanh/Núi xa Đại Lãnh như thành giăng ngang).

Đình Ngọc Lãng

     Theo dòng chảy của thời gian, đình Ngọc Lãng đã nhiều lần di chuyển và xây dựng lại. Khởi đầu, đình tọa lạc ở khu vực đồng Cây Da, khoảng giữa thế kỷ XVIII, đình di dời vào một khu đất cao giữa làng, khu vực này đến nay vẫn còn có tên gọi là Vườn Đình. Đến cuối thế kỷ XIX, đình bị hỏa hoạn thiêu cháy nên dân làng di chuyển đình về phía đông làng, tức địa điểm hiện nay. Sau khi di chuyển đến địa điểm mới, đình được xây dựng lại kiên cố với bộ khung bằng gỗ vững chắc, mái lợp ngói, tường xây bằng hợp chất kết hợp đá núi và san hô. Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, ngôi đình này vẫn là công trình có quy mô lớn nhất ở làng Ngọc Lãng. Vào khoảng cuối năm 1946, đầu năm 1947, ngôi đình đã được tháo dỡ để phục vụ công cuộc tiêu thổ kháng chiến. Đến năm 1971, dân làng Ngọc Lãng quyên góp tiền xây dựng lại ngôi đình trên tàn tích cũ. Đầu năm 2012, một số người dân ở Ngọc Lãng tiếp tục đóng góp kinh phí để trùng tu lại ngôi đình, đồng thời xây dựng thêm cổng tam quan và hai nhà hội ở hai bên tả, hữu tạo nên một khu di tích tương đối hoàn chỉnh.

     Đình Ngọc Lãng được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, gồm có ba gian, mái đình lợp ngói, nóc đình trang trí lưỡng long triều nguyệt, mặt tiền trang trí đơn giản với ba chữ quốc ngữ "Đình Ngọc Lãng", trong khi đó ở trên cửa chính phía trong đề ba chữ Hán lớn "Ngọc Lãng Đình". Hai bức tường hai bên là phần sót lại của kiến trúc cũ có từ cuối thế kỷ XIX, dày 0,4m, xây bằng hợp chất. Hai đầu hành lang trên các bức tường này còn sót lại hai bức phù điêu của các vị thần canh cửa với dáng vẻ uy nghi. Khám thờ trong đình thờ bài vị của những người có công đầu trong việc khai khẩn đất đai và tạo lập nên làng xóm, gồm Lê Văn Xuyến, Lê Thị Lỗi và Lê Lưu.

     Hiện tại, đình Ngọc Lãng còn lưu giữ một số tư liệu Hán - Nôm bao gồm một chiếu chỉ có từ đời vua Thiệu Trị, sáu sắc phong của các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Nội dung của tờ chiếu chỉ và các sắc phong có liên quan đến Thành hoàng làng và thần Bạch Mã.

     Với những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu gắn với quá trình hình thành các cộng đồng dân cư trên khu vực đồng bằng hạ lưu sông Ba, Đình Ngọc Lãng được UBND tỉnh Phú Yên xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 02/4/2013.

     5. Di tích Đình Phú Câu, Phường 6:

     Theo Địa bạ triều Nguyễn, vùng đất Phú Câu xưa là thôn Phường Câu, đến năm 1832 được đổi tên thành Phú Câu, thuộc tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa. Trải qua thời gian và nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, địa danh Phú Câu nay thuộc Phường 6, thành phố Tuy Hòa.

     Phú Câu là một trong những làng được hình thành sớm gắn với quá trình khẩn hoang, mở rộng bờ cõi về phương nam của các chúa Nguyễn. Với vị trí gần cửa biển Đà Diễn và nằm trên các trục giao thương quan trọng, Phú Câu nhanh chóng trở thành một trong những khu vực dân cư sầm uất với nghề đánh bắt hải sản. Cùng với quá trình quần tụ dân cư và phát triển của kinh tế, nhiều công trình kiến trúc văn hóa – tín ngưỡng đã ra đời, mà tiêu biểu còn tồn tại đến ngày nay đó là đình Phú Câu. Theo các bậc cao niên, đình Phú Câu trước đây được xây dựng bề thế nằm trong khuôn viên của trường Tiểu học Bạch Đằng. Đình có hệ thống thờ cúng hỗn hợp đặc biệt, bao gồm ba thiết chế: Đình làng, Lăng Ông và Miếu Bà. Đình là nơi thờ Thành hoàng và các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn đất đai, quy dân lập làng. Lăng ông thờ "Nam Hải cự tộc ngọc lân tôn thần" – vị thần bảo hộ những người đi biển, với khoảng 16 bộ cốt cá Ông được quy tập trong suốt 200 năm – trong đó có 01 bộ cốt được đánh giá là lớn nhất trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Miếu bà là nơi thờ Thiên Y A Na – vị nữ thần bản địa, người Mẹ xứ sở trong tín ngưỡng của người Chăm, được tiếp thu và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân người Việt.

Đình Phú Câu

     Đình Phú Câu hiện nay một năm có hai ngày cúng tế lớn đó là Xuân kỳ và Thu tế. Ngoài ra còn có các hoạt động cúng tế quy mô nhỏ hơn vào ngày vía bà, dịp đầu xuân và đêm giao thừa. Đặc biệt, Đình Phú Câu là địa điểm bảo tồn và thực hiện các nghi thức của Lễ hội Cầu Ngư – di sản văn hóa phi vật thể có vị trí quan trọng trong tâm thức của cư dân vạn chài.

     Di tích đình Phú Câu có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử - văn hóa, là cơ sở quan trọng phục vụ nghiên cứu về vị trí, vai trò của đình làng trong xã hội xưa và nay. Chính từ những giá trị đặc biệt quan trọng đó, ngày 31/12/2014, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 2234/QĐ-UBND xếp hạng đình Phú Câu, Phường 6, thành phố Tuy Hòa là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

     6. Di tích khảo cổ Tháp Chăm Đông Tác, phường Phú Thạnh:

     Di tích khảo cổ tháp Chăm Đông Tác nằm cách trung tâm thành phố    Tuy Hòa khoảng 03km về hướng Nam, được nhân dân trong vùng gọi là cồn gạch Gò Chùa. Còn các nhà nghiên cứu gọi di tích này là phế tích Tháp Chăm Đông Tác. Theo lời kể của các bậc cao niên, tháp Chăm Đông Tác đã bị đổ từ rất lâu nhưng cách đây vài chục năm, di tích này vẫn còn cao khoảng 10 đến 12 mét, xung quang được bao bọc bởi cây cổ thụ và các cụm cây bụi um tùm. Qua thời gian, tháp bị bào mòn, nhân dân trong vùng lấy gạch, cát để làm đường đi ra đồng ruộng và đường đi vào trong làng. Theo trục Bắc – Nam, tháp Chăm Đông Tác nằm trên Gò Chùa, một khu vực khá bằng phẳng cao khoảng 20m ở phía Nam sông Đà Rằng. Tuy chỉ còn ở dạng phế tích nhưng ngôi tháp này là di sản văn hóa vật thể quan trọng đối với các nhà khoa học khi nghiên cứu về văn hóa Chămpa trên vùng đất Phú Yên. Theo Tiến sĩ Ngô Đăng Doanh, tháp Chăm Đông Tác có các số đo gần giống với tháp Chăm ở Núi Bà (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa), gạch có hai loại là 40x20x08 và 38,5x19x06, tường dày 2,3m và trong lòng tháp rộng 7,8m. Khi so sánh, gạch để xây dựng tháp Chăm Đông Tác không những giống với loại gạch dùng để xây dựng tháp Chăm ở Núi Bà  mà còn giống với loại gạch dùng để xây dựng di tích Thành Hồ, Tháp Nhạn. Từ đó có thể đi đến kết luận, tháp Chăm Đông Tác có niên đại xây dựng khoảng thế kỷ XII sau Công nguyên.

     Với ý nghĩa quan trọng về giá trị nghệ thuật kiến trúc và khảo cổ, Tháp Chăm Đông Tác được UBND tỉnh Phú Yên xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 784/QĐ-UBND ngày 18/5/2011.    

Quốc Thắng

QR image banner CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ TUY HÒA Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ TUY HÒA Chịu trách nhiệm nội dung: Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Thành phố Địa chỉ: Số 76-78 Trần Hưng Đạo, Phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên Điện thoại: 0257.3827.157 - Email: ttvhtttt.tuyhoa@phuyen.gov.vn FB: https://www.facebook.com/tuyhoaxanhsachdep/ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử thành phố Tuy Hòa" khi sử dụng lại thông tin từ Website này.

Từ khóa » Hình ảnh Núi Nhạn Sông đà