Dịch Vụ Ship đồ ăn Trở Nên Siêu Hot ở Nhật Bản - Kokoro VJ

     Giữa tình hình dịch bệnh do vi-rút corona chủng mới bùng phát thì gần đây, một loại hình dịch vụ lại đang thu hút được nhiều sự chú ý. Ship đồ ăn đến tận nhà, từ trước đến nay tiếng Nhật vẫn gọi là “demae” hay “takuhai”, nhưng thời gian gần đây, do Internet và điện thoại thông minh trở nên phổ biến nên dịch vụ này trở nên dễ sử dụng hơn rất nhiều. Hiện nay, tại Nhật Bản thì dịch vụ “Demae-can” và “Uber Eats” là nổi tiếng nhất. Mặc dù cả hai dịch vụ này có điểm chung là khách hàng có thể lựa chọn thực đơn của rất nhiều cửa hàng khác nhau, nhưng mỗi dịch vụ lại có hệ thống và đặc trưng hoàn toàn khác biệt. Sau đây, tôi xin được giới thiệu với các bạn về những điểm đáng chú ý cũng như cảm nhận thực tế khi sử dụng hai dịch vụ này.

Thời gian gần đây, ta rất dễ bắt gặp các nhân viên đưa hàng của Uber Eats

Demae-can: “Lão làng”

Demae-can chính thức bắt đầu cung cấp dịch vụ ship đồ ăn từ năm 2000. Trước đây, nói đến “demae” thì mọi người sẽ hình dung đó là kiểu kinh doanh dùng tờ rơi và tạp chí để quảng cáo, và nhân viên quán sẽ tự đi giao hàng bằng xe đạp, xe máy hoặc ô tô. Tuy nhiên, Demae-can lại nhận uỷ thác từ các cửa hàng ăn uống, đứng ra làm đầu mối thay mặt các cửa hàng thực hiện việc tiếp nhận, thu thập đơn đặt hàng, giao hàng, giải quyết khiếu nại qua Internet, và xây dựng nên một hệ thống rất mới lạ vào thời điểm đó. Gần đây, ngoài việc hợp tác với các công ty như NTT Docomo hay LINE để mở rộng mạng lưới, công ty còn bắt tay với các toà báo có mạng lưới nhân viên giao báo trên khắp cả nước để tăng số lượng nhân viên giao hàng.

Uber Eats: Số lượng đơn hàng, cửa hiệu và nhân viên giao hàng cùng tăng vọt!

Uber Eats đã triển khai dịch vụ ở khắp các nước trên thế giới. Đối với thị trường Nhật Bản, năm 2016, công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ tại Tokyo. Đặc trưng riêng độc đáo của dịch vụ này là “nhân viên giao hàng chính là người dân”. Các cửa hàng ăn uống sẽ không cần nhân viên giao hàng nữa. Và không chỉ ship các món như sushi hay pizza, Uber Eats có thể giao cho khách rất nhiều thực đơn với các dạng đồ ăn phong phú. Chỉ cần đặt hàng từ ứng dụng điện thoại hoặc máy tính, cửa hàng và shipper sẽ được kết nối với nhau. Đây là cơ chế giúp đưa được đồ ăn đến tay khách hàng với hiệu quả rất cao. Cách làm này cũng giống như các dịch vụ ship đồ ăn đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam như các Grab hay Go-Jek.

Nhận xét sau khi dùng thử dịch vụ

Tôi đã thử dùng hai dịch vụ này để gọi đồ ăn. Mặc dù cùng thao tác trên trang web nên việc tải ứng dụng hay nhập thông tin cho cảm giác tương tự nhau, nhưng tôi cũng đồng thời nhận thấy khá nhiều điểm khác biệt.

Điểm mạnh của Demae-can

・Quy mô trên toàn quốc! Quả thực xứng danh là dịch vụ “lão làng”, Demae-can cung ứng dịch vụ trên khắp cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, phạm vi giao hàng của Demae-can rộng hơn hẳn so với Uber Eats.

・Tạo cảm giác an tâm Thời gian chờ giao hàng được ghi rõ ràng, và đồ ăn trên thực tế được giao đúng hẹn.

・Chỉ thu thêm phí giao hàng Đôi khi cũng có cửa hiệu miễn luôn cả phí giao hàng. * Trong khi đó, Uber Eats thì thu thêm cả phí giao dịch, phí dịch vụ.

・Có thể thanh toán cả bằng tiền mặt

Ví dụ một thực đơn của Demae-can

Điểm mạnh của Uber Eats

・Giao hàng nhanh chóng! Có lẽ là nhờ hệ thống ghép quán và người giao hàng đã nêu ở trên chăng?

・Có thể xem được người giao hàng đang đi tới đâu Nhờ tính năng GPS, khách hàng có thể yên tâm vì biết được chính xác shipper đang đi tới đâu.

・Có thể đặt hàng dù chỉ một món Nhiều dịch vụ ship đồ ăn khác thường quy định số tiền đặt hàng hay số suất ăn tối thiểu, nhưng với Uber Eats, bạn có thể đặt duy nhất một món cũng được. * Tuy nhiên, thay vào đó, với các đơn hàng có giá trị dưới 700 Yên, khách sẽ bị thu thêm 150 yên tiền phí giao dịch.

・Người giao hàng rất lịch sự! Đây là một trong những điều khiến tác giả bài viết rất ấn tượng. Trước khi đặt hàng, tôi đã lo lắng vì nghe nói rằng “Mọi người mặc trang phục tự do, cũng chả biết shipper là người như thế nào”, nhưng cuối cùng người giao hàng lại cư xử hết sức đúng mực. → Sau khi nhận hàng xong, tôi mới hiểu lý do. Uber Eats có tính năng “đánh giá người giao hàng” ngay trong ứng dụng. Đây là tính năng nhằm cải thiện tác phong, thái độ của người giao hàng.

・Có thể đặt mua cả bữa ăn trưa tại một quán cà phê nhỏ ở địa phương Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của Uber Eats. Trong hoàn cảnh bệnh dịch vi-rút corona như hiện nay, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người mua hàng mà còn là cứu cánh đắc lực cho các quán ăn nữa.

・Có thể thanh toán cả bằng tiền mặt.

Uber Eats quả thực có nhiều ưu điểm, nhưng…

・Hơi đắt và có gì đó không hoàn toàn an tâm? Uber Eats quả thực có rất nhiều điểm mạnh, nhưng cảm nhận thành thật của tác giả bài viết là “Hơi đắt thì phải…”. Ngoài phí vận chuyển, người mua còn bị thu thêm phí thủ tục và 10% phí dịch vụ. Hơn nữa, trong trường hợp của tôi thì không có trục trặc gì xảy ra, nhưng tôi có cảm giác rằng nếu phát sinh vấn đề gì đó trong việc đặt hàng, thì dù có gọi điện thoại đến quán cũng khó mà giải quyết được. Vì dịch vụ này còn mới nên tôi hi vọng sẽ có thêm các cải tiến sau này.

Một số cửa hàng chấp nhận đặt đồ bằng cả hai dịch vụ

Kết luận

Ngoài hai dịch vụ đã nêu ở trên, dịch vụ giao hàng của các cửa hàng, quán ăn khác, ví dụ như “McDelivery” của McDonald’s, cũng đang có nhiều cải tiến. Trong hoàn cảnh phải hạn chế ra ngoài như hiện nay, các bạn hãy thử sử dụng dịch vụ ship đồ ăn một cách “tài tình” để được thưởng thức những món ăn thật ngon miệng nhé!

Từ khóa » Cách đặt đồ ăn Nhanh ở Nhật