Điểm Yếu Khiến Triều Tiên Dễ Tổn Thương Trước COVID-19

Việc Triều Tiên đối mặt làn sóng COVID-19 “bùng nổ” làm dấy lên lo ngại khi nước này chưa tiến hành chiến dịch tiêm chủng, trong khi hệ thống y tế thiếu thốn.

Triều Tiên ngày 12/5 xác nhận ca COVID-19 đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm, tuyên bố chuyển sang “hệ thống phòng dịch khẩn cấp” và áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên chưa xác nhận tổng số ca nhiễm, nhưng cho biết hơn 350.000 người đã xuất hiện triệu chứng sốt kể từ cuối tháng 4. Giới quan sát chỉ ra hai điểm yếu đáng lo ngại trong năng lực chống dịch của Triều Tiên có thể khiến đợt bùng phát trở nên tồi tệ hơn.

Tiêm chủng, xét nghiệm hạn chế

Cùng với Eritrea ở Đông Phi, Triều Tiên là 1 trong 2 quốc gia hiếm hoi trên toàn cầu chưa triển khai chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bình Nhưỡng cũng từ chối đề nghị hỗ trợ vắc xin từ Trung Quốc, đồng minh thân cận của nước này. Trong đánh giá gần đây nhất vào tháng 7/2021, cơ quan tình báo Hàn Quốc cho rằng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều khả năng cũng chưa tiêm chủng.

Triều Tiên năm ngoái thông báo đã phát triển phương pháp xét nghiệm PCR của riêng mình và Nga tuyên bố đã chuyển một lượng nhỏ kit xét nghiệm COVID-19 cho Bình Nhưỡng.

Nhưng các lệnh cấm vận quốc tế cùng biện pháp đóng cửa biên giới nghiêm ngặt từ năm 2020 nhiều khả năng khiến Triều Tiên không có đủ nguồn vật tư cần thiết để sản xuất hàng loạt bộ xét nghiệm. Các chuyên gia nhận định tốc độ xét nghiệm đến nay cho thấy Triều Tiên không thể đủ khả năng xử lý số ca có triệu chứng mà họ đã báo cáo.

Hệ thống y tế thiếu thốn

Triều Tiên đứng cuối về khả năng phản ứng nhanh và giảm thiểu tốc độ lây lan của dịch bệnh, theo bảng xếp hạng Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu mới nhất hồi tháng 12/2021.

Mặc dù có lượng lớn bác sĩ có trình độ cùng khả năng triển khai và tổ chức nhân viên y tế nhanh chóng khi đối mặt với các tình huống khẩn cấp, hệ thống y tế Triều Tiên thường xuyên lâm vào cảnh thiếu nguồn lực.

Mỗi làng của Triều Tiên thường chỉ có 1 đến 2 phòng khám hoặc bệnh viện. Hầu hết bệnh viện cấp huyện đều được trang bị máy chụp X-quang, “nhưng không chắc tất cả chúng đều hoạt động”, WHO cho biết trong báo cáo Chiến lược Hợp tác Quốc gia 2014-2019.

Kwon Young-se, người mới được đề cử làm Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc, phụ trách quan hệ liên Triều, nói tại phiên điều trần hôm 12/5 rằng, Triều Tiên được cho là thiếu cả những nguồn cung y tế cơ bản nhất như thuốc giảm đau hay thuốc khử trùng.

Ji Seong-ho, một cựu quan chức Triều Tiên khác rời đất nước vào năm 2006 và hiện là nghị sĩ tại Hàn Quốc cảnh báo, hệ thống y tế kém hiệu quả có thể khiến Triều Tiên đối mặt làn sóng COVID-19 lây lan nhanh chóng, đặc biệt là với biến chủng Omicron. “Đó có thể là một cơn ác mộng đối với người dân Triều Tiên”, ông nói tại một phiên họp quốc hội Hàn Quốc.

VŨ HOÀNG

(Theo Reuters)

Từ khóa » đất Nước Triều Tiên Có Bị Covid-19 Không