Điểm Yếu Trong CV Là Gì? Cách Viết điểm Yếu Vẫn Thu Hút Tuyển Dụng

Trong CV, việc trình bày điểm yếu của bản thân cũng rất quan trọng. Vậy nó có ý nghĩa gì và tại sao lại quan trọng? Hãy tìm lời giải đáp cùng một số cách viết điểm yếu trong CV qua bài viết này nhé! 

I. Điểm yếu trong CV là gì?

Chắc chắn bên cạnh điểm mạnh thì ai trong chúng ta cũng có những điểm yếu. Hay nói rõ hơn là những điều chưa tốt, chưa tự tin và cần hoàn thiện của bản thân. Điểm yếu trong CV cũng giống như vậy, đó là những kiến thức, kỹ năng liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển mà không phải là thế mạnh của mình. Đôi khi nó cũng có thể liên quan đến tính cách, thái độ bạn cho là cần cải thiện trong công việc.

điểm yếu trong cv là gì

Có thể bạn chưa biết: Cách viết CV

II. Ý nghĩa của điểm yếu trong CV

Đối với ứng viên, việc nêu ra những điểm yếu thể hiện rằng bạn là người hiểu rõ và thành thật với bản thân. Bạn biết đấy, hiểu rõ bản thân cũng là bước đầu tiên và rất quan trọng trong con đường sự nghiệp của mỗi người. Hơn nữa nó có thể giúp bạn xác định những khía cạnh nào mình cần học hỏi, cố gắng để hoàn thiện bản thân hơn. Từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu suất trong công việc và quá trình làm việc nhóm trong tương lai.

ý nghĩa của việc trình bày điểm yếu trong CV

Còn đối với nhà tuyển dụng, những điểm yếu được nêu ra trong CV sẽ giúp họ hiểu hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về con người của bạn. So với việc chỉ nêu điểm mạnh, thì việc nêu cả điểm yếu sẽ để lại ấn tượng tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Qua đó, cũng một phần đánh giá bạn có phải là người trung thực, khiêm tốn và phù hợp với văn hóa công ty hay không. Ngoài ra nếu biết trước những điểm yếu của bạn, có thể nhà tuyển dụng sẽ tìm những cách để sau này giúp bạn khắc phục, cải thiện bản thân hơn.

Tìm việc làm, tuyển dụng Nhân sự có thể bạn quan tâm:

- Nhân Viên Hành Chánh

- Nhân viên Tuyển Dụng

III. Cách viết điểm yếu vẫn thu hút tuyển dụng

1. Những điểm yếu có thể liệt kê

cách viết điểm yếu thu hút nhà tuyển dụng

Thiếu kinh nghiệm làm việc/ trình độ chuyên môn: Nếu bạn còn là sinh viên hoặc vừa mới tốt nghiệp thì chắc chắn sẽ không có nhiều kinh nghiệm làm việc cũng như trình độ chuyên môn. Điều này rất bình thường và có thể thông cảm được. Vì vậy nên, hãy mạnh dạn trình bày trong CV để nhà tuyển dụng nắm được khả năng hiện tại của bạn và có phương án giúp đỡ, hướng dẫn phù hợp.

Thiếu sự định hướng trong công việc: Nếu ngành nghề của bạn có quá nhiều hướng đi khiến bạn chưa chắc chắn để lựa chọn trong dài hạn. Thì bạn có thể nêu ra vấn đề này với mong muốn trong quá trình làm việc sẽ tìm ra đam mê thật sự của bản thân. Từ đó sẽ rõ ràng hơn trong định hướng và đặt mục tiêu nghề nghiệp cụ thể hơn.

Hạn chế về trình độ ngoại ngữ: Ngoại ngữ là một trong những kỹ năng quan trọng nhất hiện nay, đặc biệt là tiếng Anh. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng học ngoại ngữ một cách xuất sắc. Vì thế, nếu bạn vẫn còn yếu kém trong một kỹ năng nào đó thì có thể thành thật trình bày trong CV. Đồng thời, thể hiện sự cam kết sẽ cố gắng trau dồi mỗi ngày để sử dụng ngoại ngữ thành thạo hơn và phục vụ tốt cho công việc.

Kỹ năng tin học văn phòng chưa tốt: Ở đây nói về khả năng sử dụng các phần mềm cơ bản như Word, Excel, Powerpoint,... Nếu bạn có thể sử dụng ở mức độ trên cơ bản hoặc thành thạo các công cụ này thì không cần ghi điều này vào CV nhé!

Thiếu tự tin khi trình bày trước đám đông: Kỹ năng thuyết trình và kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng mềm quan trọng trong công việc. Tuy nhiên, đây cũng là một điểm yếu đối với ứng viên chưa có kinh nghiệm.

Không có kinh nghiệm làm việc nhóm: Trong công việc, chắc chắn chúng ta phải làm việc với rất nhiều người. Và đôi khi sẽ gặp phải những vấn đề gây mâu thuân và tranh cãi. Lúc này, kỹ năng làm việc nhóm rất quan trọng. Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm cũng đừng ngần ngại trình bày với nhà tuyển dụng yếu điểm này của bản thân và mong muốn được có cơ hội phát triển kỹ năng trong qua trình làm nhóm sau này tại công ty!

Quá tỉ mỉ/ cầu toàn trong công việc: Tỉ mỉ và cầu toàn là một điều tốt, giúp công việc được hoàn hảo, chính xác. Song nếu bạn quá tỉ mỉ và cầu toàn thì sẽ dẫn đến việc mất thời gian, có thể làm chậm tiến độ công việc. Tuy vậy, bạn cũng không cần quá lo lắng. Với một số nhà tuyển dụng, điểm yếu này còn giúp thu hút sự chú ý của họ dành cho hồ sơ xin việc của bạn hơn đấy!

Có những thói quen tiêu cực: Khi làm việc chung với nhau, chúng ta cần có thái độ vui vẻ, thói quen đem đến những điều tích cực cho đồng đội của mình. Nếu có những thói quen tiêu cực thì đó cũng có thể cho là một điểm yếu mà bạn cần khắc phục.

Các kỹ năng mềm còn hạn chế: Những kỹ năng mềm như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, tài chính, cách đối xử với đồng nghiệp,… là những điều không được dạy nhiều ở trường lớp nhưng lại rất quan trọng khi làm việc. Nếu các kỹ năng này còn hạn chế thì đó cũng là một điểm yếu mà bạn cần quan tâm và trình bày khéo léo với nhà tuyển dụng.

Nói giọng địa phương: Nếu bạn đến từ những vùng miền có giọng nói hơi khó nghe thì đó cũng là một trở ngại khi làm việc chung. Bạn hãy cố gắng tập dần để cải thiện giọng nói đúng chuẩn, giúp cho người nghe hiểu nhanh ý của bạn hơn.

2. Sai lầm cần tránh khi viết điểm yếu trong CV

Sai lầm cần tránh khi trình bày điểm yếu trong CV

Viết lan man, dài dòng: Không mục nào trong CV nên viết dài miên man, lòng vòng, và mục điểm yếu cũng vậy. Bạn cần viết ngắn gọn, xúc tích, nêu rõ được ý mình muốn thể hiện. Việc đó giúp nhà tuyển dụng nắm nhanh, không mất nhiều thời gian khi đọc qua CV của bạn.

Liệt kê quá nhiều nhược điểm: Người ta thường bảo rằng “Tốt khoe xấu che”. Vì vậy bạn chỉ nên nêu 1-3 nhược điểm nhằm giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ bạn hơn. Không nên liệt kê tất cả nhược điểm của bản thân mà, gồm cả những điều không liên quan gì đến công việc bạn đang ứng tuyển. Điều đó dễ khiến nhà tuyển dụng đánh giá tiêu cực hay sai lầm về năng lực của bạn.

Không có phương hướng khắc phục: Nếu có những điểm yếu mà bạn không thể thay đổi được hoặc nằm ngoài khả năng của bạn thì không nên trình bày trong CV. Bạn chỉ nên nêu ra những điểm yếu bạn nhận thấy mình có thể cố gắng cải thiện nó trong tương lai. Và đừng quên trình bày nó với nhà tuyển dụng nhé!

Thiếu trung thực với thông tin cung cấp: Không nhà tuyển dụng nào hài lòng với một CV thiếu sự trung thực. Nếu bạn che giấu hoặc cố ý viết sai sự thật thì sau này khi làm việc họ cũng sẽ nhận ra và không có cái nhìn tốt về bạn. Vì vậy hãy cứ viết những điều đúng về thông tin của mình nhé!

Xem thêm:

>> Gợi ý cách viết điểm mạnh, điểm yếu trong CV ngân hàng chuẩn nhất

>> Cách viết mục tính cách trong CV giúp thu hút nhà tuyển dụng

>> Cách viết CV xin thực tập cho các ngành tạo ấn tượng mạnh

Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp cho những bạn đang gặp thắc mắc khi viết điểm yếu trong CV. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì hãy chia sẻ cho mọi người và để lại bình luận dưới đây nhé!

Từ khóa » Nhược điểm Xin Việc