Diễn Biến Cổ Phiếu Cần Quan Tâm Tuần Qua - Tin Nhanh Chứng Khoán

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* VND khuyến nghị khả quan cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 95.600 đồng/CP

Giá mục tiêu chúng tôi đưa ra dựa trên kết hợp phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 14,6%; LTG: 3%) và mức P/BV mục tiêu bằng 3 lần với tỷ trọng bằng nhau. Rủi ro giảm giá bao gồm lạm phát cao hơn dự kiến có thể gây cản trở mức tăng trưởng tín dụng và nợ xấu cao hơn dự kiến. Đồng thời, khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VCB với giá mục tiêu 1 năm là 95.600 đồng/CP.

Dù đã có những nhịp hồi phục nhưng nhìn chung nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể trở lại vị thế dẫn dắt thị trường, thậm chí có những phiên gia tăng gánh nặng cho thị trường. Trong tuần qua, cổ phiếu đầu ngành VCB cũng có diễn biến không mấy tích cực khi đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 21/6 và 4 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 1.100 đồng (-1,45%) từ mức giá 76.100 đồng/CP xuống 75.000 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 53.900 đồng/CP

Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá hợp lý của cổ phiếu PLX là 53.900 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 25%. Định giá của chúng tôi chưa bao gồm việc thoái vốn khỏi PGBank do thiếu các thông tin cần thiết. Mức định giá này đã được điều chỉnh giảm 20% so với báo cáo trước đó do chúng tôi hạ dự phóng Biên lợi nhuận gộp của PLX trong năm nay (xuống mức 5%) do những biến động bất lợi của giá cả đầu vào cũng như tình trạng gián đoạn nguồn cung trong nước luôn hiện hữu.

Trái với khuyến nghị của PHS, dù PLX có những phiên khởi sắc trong nửa cuối tuần nhưng không đủ sức để giúp cổ phiếu này thoát khỏi xu hướng điều chỉnh trước phiên giảm sâu ngày đầu tuần 20/6. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PLX giảm 1.100 đồng (-2,63%) từ mức giá 41.900 đồng/CP xuống 40.800 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu TCM và STK, nắm giữ TNG

Giá cổ phiếu đã giảm khá mạnh trong thời gian qua, khiến cho TCM đang được giao dịch ở mức khá rẻ so với định giá 61.300 đồng/cp của chúng tôi, do đó chúng tôi khuyến nghị mua đối với TCM.

Đồng thời, tiếp tục đánh giá khả quan đối với kết quả kinh doanh của STK và khuyến nghị mua cổ phiếu này với giá mục tiêu 62.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, VCBS hạ khuyến nghị từ khả quan xuống nắm giữ cho TNG với giá mục tiêu là 35.500 đồng/CP.

Mặc dù được phân tích và đánh giá triển vọng tích cực, cùng kết quả kinh doanh 5 tháng khả quan khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và hoàn thành 41% mục tiêu năm, nhưng diễn biến cổ phiếu TCM cũng không thoát khỏi những phiên giảm sâu trước diễn biến xấu của thị trường chung. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, trong đó phiên 23/6 tăng trần và 3 phiên giảm, trong đó phiên 21-22/6 giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM giảm 3.500 đồng (-7%) từ mức giá 50.000 đồng/CP xuống 46.500 đồng/CP.

Không quá tiêu cực như TCM với những phiên nằm sàn, cổ phiếu dệt may khác là STK cũng trong xu hướng mất điểm tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 22/6, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK giảm 1.200 đồng (-2,34%) từ mức giá 51.200 đồng/CP xuống 50.000 đồng/CP.

Mới đây, TNG đã công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 khá khả quan với doanh thu đạt 2.481,7 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 87,44 tỷ đồng, tăng trưởng 58,4%. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu TNG cũng không nằm ngoài xu hướng chung của toàn ngành dệt may khi đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng duy nhất ngày 23/6. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG giảm 2.300 đồng (-7,17%) từ mức giá 32.100 đồng/CP xuống 29.800 đồng/CP.

* Theo KIS, mức định giá của cổ phiếu GMC đang thấp hơn nhiều so với 1 năm trước

Dựa vào kế hoạch kinh doanh 2022, GMC đang giao dịch ở mức PE 12MF là 12.36x và PB là 1.04x, thấp hơn nhiều so với mức trung vị 1 năm lần lượt là 20.43x và 1.32x.

Dù mức giá khá hấp dẫn nhưng trong bối cảnh chung của thị trường “chưa khỏe” cùng diễn biến mất điểm của nhóm cổ phiếu dệt may, mã GMC tiếp tục có thêm một tuần điều chỉnh. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất vào ngày 20/6, 1 phiên đứng giá ngày 22/6 và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMC giảm 850 đồng (-3,78%) từ mức giá 22.500 đồng/CP xuống 21.650 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT

VCBS dự phóng doanh thu năm 2022 của FPT đạt 46.399 tỷ đồng (tăng 30,1% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 5.707 tỷ đồng (tăng trưởng 31,6%), tương ứng với EPS là 5.717 đồng/ cổ phiếu. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FPT với mức định giá hợp lý là 103.890 đồng/CP.

Vừa qua, FPT đã công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận đều ước tăng trưởng hơn 20%. Dù kết quả kinh doanh khả quan và là một cổ phiếu cơ bản tốt nhưng trong tuần giảm sâu vừa qua FPT cũng không thể “khỏe”. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất vào ngày 23/6, 2 phiên đứng giá và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 6.500 đồng (-7,07%) từ mức giá 92.000 đồng/CP xuống 85.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VSC

Chúng tôi khuyến nghị giữ với VSC của Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam với giá mục tiêu là 50.800 đồng (tăng 11% so với mức tham chiếu ngày 15/06/2022) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), phản ánh kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc sáp nhập và mua lại cổ phẩn tại các dự án cảng và ICD mới, trở thành một logistic holdings với chuỗi dịch vụ bao gồm cả cảng nước sâu, ICD, bãi depot, kho CFS, sửa chữa container.

Không chỉ những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, doanh nghiệp có kế hoạch chia cổ tức cũng không thể “tránh bão” trong tuần qua. Cụ thể, Viconship với thông tin ngày 30/6 chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10:1 và cổ phiếu VSC đã có tuần giao dịch khá tiêu cực khi đón nhận 1 phiên tăng duy nhất vào ngày 23/6 và 4 phiên giảm, trong đó phiên 22/6 giảm sàn. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SVC giảm 5.900 đồng (-11,75%) từ mức giá 50.200 đồng/CP xuống 44.300 đồng/CP.

* Theo KIS, PE của TCL đang giao dịch cao hơn mức trung bình 5 năm

TCL hiện đang giao dịch ở mức 11,6 lần TTM PE và 9,8 lần 12MF PE, đều cao hơn mức PE trung bình 5 năm là 8,5 lần.

Cùng trong xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu vận tải biển TCL cũng có tuần không mấy tích cực khi đón nhận 4 phiên giảm liên tiếp và chỉ hồi phục 1 phiên duy nhất ngày cuối tuần 24/6. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCL giảm 1.150 đồng (-3,1%) từ mức giá 37.150 đồng/CP xuống 36.000 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu GMD tại ngưỡng 60

Đường MACD ở dưới đường tín hiệu, chỉ RSI có dấu hiệu tạo phân kỳ tăng, ủng hộ xu hướng hồi phục trở lại. Đường giá cổ phiếu nằm dưới MA(20) và MA(50) tuy nhiên đường MA(20) cắt MA(50) đi lên cho thấy tín hiệu hồi phục mạnh mẽ.

Nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế tại ngưỡng 53.0, chốt lãi tại ngưỡng 60.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 49.5.

Cũng như TCL, cổ phiếu cùng ngành GMD đã có tuần giao dịch không mấy khả quan. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên tăng trần duy nhất vào ngày 23/6 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm 3.500 đồng (-6,31%) từ mức giá 55.500 đồng/CP xuống 52.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho PET với giá mục tiêu 47.935 đồng/CP

Ở mức giá hiện tại, PET đang giao dịch tại mức P/E 2022 là 9,9x và PEG chỉ 0,3, với nền tảng cơ bản duy trì lành mạnh. Duy trì khuyến nghị Outperform đối với PET với mức giá mục tiêu (TP) không đổi là 47.935 đồng/CP (Upside: 29,4%).

Trái với khuyến nghị của BVSC, cổ phiếu PET tiếp tục có tuần giảm điểm với những phiên giao dịch biến động mạnh. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, trong đó phiên 23/6 tăng trần và 3 phiên giảm, với phiên 22/6 giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PET giảm 3.600 đồng (-8,87%) từ mức giá 40.600 đồng/CP xuống 37.000 đồng/CP.

* VDSC khuyến nghị có thể tích lũy PGV để hưởng cổ tức và chờ câu chuyện thoái vốn EVN

Hiện tại, thanh khoản của PGV tương đối thấp và P/E trượt ở mức tương đối hợp lý (12.x), do đó nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu để hưởng cổ tức và chờ câu chuyện thoái vốn EVN trong trung hạn.

Dù kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.304 tỷ đồng, hoàn thành 68% kế hoạch cả năm, nhưng cổ phiếu PGV đã có tuần giao dịch khá tiêu cực. Cụ thể, với việc đón nhận 5 phiên giảm liên tiếp trong tuần qua, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PGV giảm 2.550 đồng (-9,03%) từ mức giá 28.250 đồng/CP xuống 25.700 đồng/CP.

Từ khóa » Fpt Rớt Giá