Điển Cố Là Gì? điển Tích Là Gì? Vai Trò Và Cách Sử Dụng

Điển cố là thủ pháp nghệ thuật thường được sử dụng trong văn học trung đại. Hãy cùng tìm hiểu điển cố là gì cũng như vai trò, tác dụng của thủ pháp này trong bài viết sau đây nhé!

Mục lục

  • 1 Điển cố, điển tích là gì?
  • 2 Ví dụ về điển cố
    • 2.1 Điển cố đẽo cày giữa đường
    • 2.2 Điển cố trong Kiều ở lầu Ngưng Bích
  • 3 Đặc điểm của điển cố, điển tích là gì?

Điển cố, điển tích là gì?

Điển cố (hay còn gọi là điển tích) là những câu chuyện xưa kể về các tấm gương anh hùng, tấm gương đạo đức hoặc mang tính triết lý nhân văn có thật trong lịch sử, những câu thơ, câu văn kinh điển trong các tác phẩm văn học trước đó.

Điển cố là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong văn học trung đại
Điển cố là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc trong văn học trung đại

Điển cố, điển tích có tác dụng giáo dục con người thông qua các tấm gương thời xưa về lòng hiếu thảo, tình cảm anh em, lòng trung thành, tín nghĩa…

Trong văn học, việc sử dụng điển cố, điển tích góp phần tạo nên tính ước lệ tượng trưng, sự trang nhã, cổ kính cho thơ văn của tác giả.

Điển cố là một trong những biện pháp tu từ được vận dụng rộng rãi trong văn học trung đại, bao gồm cả các tác phẩm chữ Nôm, ví dụ như các điển tích điển cố trong Truyện Kiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa của các điển cố trong Truyện Kiều thì khó lòng hiểu hết giá trị của tác phẩm văn học kinh điển này.

Đồng thời, thông qua các điển tích kinh điển trong lịch sử, các nhà thơ, nhà văn có thể biểu đạt theo ý muốn một cách ngắn gọn, súc tích. Lấy điển cố để lồng ghép, xây dựng câu thơ, câu văn, tạo bối cảnh, nhào nặn hình tượng nhân vật, ám chỉ hàm nghĩa sâu xa, tâm tư của tác giả… Kể từ đó, điển cố được xem như chuẩn mực trong thơ văn.

Ví dụ về điển cố

Điển cố đẽo cày giữa đường

Đây là một trong những điển cố Việt Nam quen thuộc và tiêu biểu. Câu thành ngữ này ám chỉ những kẻ không có chủ kiến, hay thay đổi theo ý kiến của người khác, hành động ngu ngốc, cuối cùng chẳng thu được kết quả gì.

Một số từ đồng nghĩa: Quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật; Đồ ba phải…

Điển cố “Đẽo cày giữa đường”
Điển cố “Đẽo cày giữa đường”

Điển cố trong Kiều ở lầu Ngưng Bích

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.

Trong trích đoạn này, đại thi hào Nguyễn Du đã sử dụng khá nhiều điển cố, điển tích Trung Quốc như: “tựa cửa hôm mai”, “quạt nồng ấp lạnh”, “sân Lai”, “gốc tử”…

Truyện Kiều sử dụng nhiều điển cố, điển tích
Truyện Kiều sử dụng nhiều điển cố, điển tích

Ví dụ:

  • Tích “quạt nồng ấp lạnh” bắt nguồn từ trong sách “Nhị thập tứ hiếu” của Quách Cự Nghiệp đời nhà Nguyên.
  • Đời Hậu Hán có một đứa trẻ 9 tuổi tên là Hoàng Hương. Mẹ mất sớm, Hoàng Hương ở với cha; cậu bé luôn hết mực hiếu thảo, phụng dưỡng cha. Vào mùa hạ, cậu thường xuyên quạt màn chiếu, chăn đệm cho thoáng mát trước khi cha ngủ. Vào mùa đông, trước giờ ngủ, cậu lại nằm lên giường cha lăn qua trở lại rất lâu để chăn chiếu ấm hơi người để cha được ngon giấc.
  • Tích “Sân Lai” cũng xuất phát từ trong “Nhị thập tứ hiếu” về ông Lai Tử người nước Sở thời Đông Chu liệt quốc, bảy mươi tuổi nhưng cha mẹ già vẫn còn sống.
  • Ông thường mặc áo ngũ sắc sặc sỡ, giả làm trẻ nhỏ, nhảy múa đùa giỡn để chọc cho cha mẹ vui. Có khi ông làm bộ vấp bậc thềm, té lăn ra đất rồi giả tiếng khóc trẻ con để cha mẹ cười.

Qua các điển cố kể trên, thể hiện sự thương nhớ, lo lắng, đau xót cho cha mẹ cũng như tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều. Đồng thời, khiến lời thơ trở nên trang trọng, thiêng liêng hơn, ca ngợi tình cảm hiếu nghĩa hiếm có của nàng Kiều chẳng thua kém gì các tấm gương chí hiếu thời xưa.

Đặc điểm của điển cố, điển tích là gì?

  • Tính liên tưởng

Điển cố thường gắn liền với các câu chuyện xưa nên cần có tri thức, hiểu biết nhất định để có thể liên tưởng và hiểu trọn ý nghĩa.

  • Tính cô đọng, hàm súc

Điển cố thường có hình thức ngắn gọn, đôi khi chỉ gói gọn trong 2 từ nhưng lại chứa đựng nội dung, ý nghĩa hàm súc, thâm thúy.

  • Tính linh hoạt

Đôi khi cùng một nội dung điển cố nhưng lại có nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Ví dụ:

“Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Trong đó, bể dâu là biến thể của điển cố “thương hải tang điền” từ sách Liệt tiên truyện, chỉ sự thay đổi của cuộc đời.

Điển cố chứa đựng nội dung, ý nghĩa khái quát
Điển cố chứa đựng nội dung, ý nghĩa khái quát
  • Tính khái quát

Điển cố thường dẫn dắt người đọc đến với thế giới cổ xưa, chứa đựng một ý nghĩa chung, khái quát về hình ảnh đó. Thậm chí, một điển cố có thể mang nhiều ý nghĩa khái quát cho nhiều tính chất, hình tượng khác nhau có mối quan hệ gần gũi.

Cách khai thác điển cố trong văn học: Tìm hiểu ý nghĩa và nguồn gốc của điển cố.

Điển cố thường có 2 nghĩa cơ bản: Nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong đó, nghĩa bóng là nghĩa thường được sử dụng, mang tính khái quát, trừu tượng, ám chỉ một sự vật, tính chất, hành động. Để hiểu đầy đủ ý nghĩa của điển tích, người đọc phải tìm hiểu rất kỹ về câu chuyện xưa và hiểu được ý nghĩa ẩn dụ trong đó.

Qua bài viết trên đây chắc hẳn các bạn đã hiểu khái niệm điển cố là gì đúng không? Hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã giúp các bạn hiểu được cách dùng và ý nghĩa của thủ pháp nghệ thuật này!

Từ khóa » điển Tích Văn Học Là Gì