Điện Cơ Phương Pháp Chẩn đoán điện (điện Cơ) - FAMILY HOSPITAL

1. Điện cơ là gì? Điện cơ (Electromyography – EMG) là phương pháp dùng để nghiên cứu phản ứng điện của thần kinh và cơ, đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ. Từ đó tùy theo sự tổn thương kinh hay rối loạn co cơ mà bác sỹ xác định được bệnh lý thần kinh hay cơ để đưa ra phương pháp điều trị cụ thể. Đây là một kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong thăm khám và chẩn đoán bệnh đồng thời cũng là một phương pháp chẩn đoán quan trọng không thể thiếu trong thực hành thần kinh học hiện đại. – Có hai phương pháp đo: + Đo dẫn truyền thần kinh (đo qua bề mặt da). + Ghi điện cơ bằng điện cực kim (đo trong cơ). Khi đo điện cơ, các kỹ thuật viên sẽ sử dụng các thiết bị rất nhỏ gọn là các điện cực đặt lên bề mặt của da để đo dẫn truyền thần kinh của cơ. Bác sỹ sẽ dùng các điện cực bằng kim châm sẽ châm trực tiếp vào cơ bắp để ghi lại hoạt động của cơ đó.

2. Lợi ích của đo điện cơ là gì? – Giúp đánh giá chức năng của các dây, rễ thần kinh ngoại vi. Đồng thời nó giúp bác sỹ chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt bản chất tổn thương sợi trục hay tổn thương phối hợp, tế bào thần kinh vận động,… để từ đó xác định nguyên nhân của bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

3. Khi nào bạn cần phải đo điện cơ? -Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định đo điện cơ trong các trường hợp sau: + Bệnh lý về cơ: nhược cơ, sụp mi, teo cơ… + Bệnh lý thần kinh: tê tay chân, rối loạn vận động,… + Bệnh lý đái tháo đường. + Bệnh lý thần kinh cột sống: chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm,…

Đo điện cơ theo chỉ định của bác sỹ

4. Những trường hợp nào không được phép đo điện cơ? – Người bệnh đang điều trị bằng thuốc chống đông như warfarin, rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài (không chỉ định điện cơ kim) – Người bệnh hôn mê, tâm thần không kiểm soát được hành vi,…

5. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi đo điện cơ? Các bác sỹ đo điện cơ cần biết hiện bệnh nhân có các bệnh lý nào khác hay không. Hãy nói với bác sỹ hoặc nhân viên trong phòng điện cơ nếu bạn: – Có máy điều hòa nhịp tim hay bất kỳ dụng cụ điện nào khác trong người. – Có bệnh về máu: Đang điều trị thiếu máu, có rối loạn đông máu gây chảy máu kéo dài. – Hãy chú ý những giải thích sau đây của nhân viên y tế về những gì sẽ xảy ra trong quá trình, điều đó sẽ giúp bệnh nhân yên tâm và phối hợp tốt để có kết quả tốt nhất: + Trong quá trình đó, nhân viên y tế sẽ đặt các điện cực lên da và kích một dòng điện rất nhỏ, lúc kích thích điện sẽ gây nên cảm giác giật nhẹ ở chi cần khảo sát, điều đó làm cho bệnh nhân khó chịu, nhưng cảm giác đó sẽ hết nhanh sau khi kích. + Đối với điện cơ kim: Bác sỹ sẽ dùng kim châm trực tiếp vào cơ tại các vị trí khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, khi đó bệnh nhân có thể bị đau do châm kim nhưng cảm giác đau đó sẽ hết ngay khi rút kim.

6. Những nguy cơ có thể xảy ra sau khi đo điện cơ ? – Điện cơ là một kỹ thuật có yếu tố nguy cơ rất thấp và ít có biến chứng. Tuy nhiên, sau khi đo điện cơ có thể (ít khi) có vết bầm nhỏ chỗ đâm kim, những vết này sẽ mờ dần sau vài ngày.

Từ khóa » đo điện Cơ Chi Dưới