Điển Hay Tích Lạ (2) - Tiêu Trúc

Xin thông báo là mình tạm nghỉ 1 tuần để đi thi HK phát nha :))) Xong thì sẽ quay lại mần tiếp CĐHH :)

Giờ cứ tạm thời câu bài bằng cái điển tích điển cố này cho vui vậy :)

– Thời lai phong tống Đằng Vương các

– Đào hoa y cựu tiếu đông phong

.

.

.

  • Thời lai phong tống Đằng Vương các

.

Dịch ra là: Thời vận đến, gió đưa lại gác Đằng Vương.

.

.

Đời nhà Đường có Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn, sáu tuổi đã biết làm văn, mười lăm, mười sáu tuổi đã nổi danh hạ bút nên vần. Vương có thói quen, mỗi khi làm văn thì mài mực sửa soạn nghiên bút rồi nằm đắp chăn ngủ. Khi tỉnh dậy liền cầm ngay bút viết một loạt. Vương nổi tiếng là một nhà thơ cao danh thời Sơ Đường (618 – 712).

.

Con của vua Cao Tông nhà Đường lúc bấy giờ làm Thứ sử Hồng Đô, được phong là Đằng Vương, có dựng một cái lầu (gác) bên sông Tầm Dương gọi là “Đằng Vương các”. Khi Diêm Bá Dư ra giữ chức Đô đốc Hàng Châu, bày tiệc ở gác Đằng Vương để thết đãi tân khách. Muốn khoe tài thêm danh chàng rể, họ Diêm bảo làm trước một bài thơ rồi mời tất cả nhà quyền quý, các mặc khách tao nhân gần xa đến dự, và yêu cầu mỗi người làm cho một bài tại ngay bữa tiệc.

.

Vương Bột lúc bấy giờ tuổi độ mười lăm, mười sáu. Hay được tin ấy, nhưng vì đường xa xôi có hàng mấy trăm dặm, không đến được, rất lấy làm tiếc. Có một cụ già khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên, đêm đó có gió lớn, Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng Vương các vừa kịp lúc vào tiệc. Có tích khác thì chép: Vương Bột đi thuyền thăm cha làm thứ sử Giao Châu, nửa đường bị một trận gió thổi đến Đằng Vương các, được dự tiệc và làm thơ.

.

Thấy Vương Bột, viên Đô đốc họ Diêm khinh là trẻ con, miễn cưỡng cấp cho giấy bút. Nhưng cho người đứng bên cạnh Vương, xem Vương viết được câu nào thì lén chép lại cho ông xem.

.

Mới đọc hàng đầu, họ Diêm đã ngạc nhiên vì lời thơ già dặn. Đến câu:

.

“Lạc hà dữ cô vụ tề phi,

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.”

.

Tạm dịch:

.

“Ráng chiều, cò lẻ cùng bay,

Nước thu cùng với màu trời một sắc.”

.

Thì Đô đốc họ Diêm vô cùng khâm phục.

.

Bài phú “Đằng Vương các” viết theo thể biền ngẫu, dùng nhiều chữ cầu kỳ, nhiều điển khó hiểu nhưng lời thì cực đẹp nên rất khó dịch. Trong bài, Vương Bột nhắc qua địa lý và nhân vật Quận Hồng Đô, nơi xây gác Đằng Vươgn rồi tả chủ khách trong tiệc, phong cảnh chung quanh khi ngồi trong gác trông ra, sau cùng kể cảm tưởng của chính mình.

.

Tả cảnh thu thì có câu:

.

“Lạo thủy tận nhi hàn đàm thanh,

Yên quang ngưng nhi mộ sơn tử”.

(Nước lụt đã cạn mà đầm lạnh trong veo,

Ánh khói ngưng kết mà núi chiều sắc tía.)

.

Cảnh vật, nhà cửa, ghe thuyền thì:

.

“Lư diêm phác địa chung minh đỉnh thực chi gia,

Kha hạm mê tán thanh tước hoàng long chi trục.”

(Xóm làng đầy đất nhà nào cũng vào hàng chung đỉnh,

Ghe thuyền chật bến đều vẽ tước xanh rồng vàng.)

.

Tác giả nhìn cảnh thì si tình:

.

“Thiên cao địa quýnh giác vũ trụ chi vô cùng,

Hứng tận bi lai thức doanh hư chi hữu số.”

(Trời cao đất xa thấy vũ trụ là vô cùng,

Vui hết buồn lại biết đầy vơi là có số.)

.

Rồi cảm khái triền miên:

.

“Quan san nan việt thùy bi thất lộ chi nhân,

Bình thủy tương phùng tận thị tha hương chi khách.

……………

Quân tử an bần đạt nhân tri mệnh.

Lão đương ích tráng ninh tri bạch thủ chi tâm.

Cùng thả ích kiên bất trụy thanh vân chi chí.”

(Quan san khó vựt ai thương người lỡ bước,

Bèo nước gặp nhau đều là khách tha hương.

……………

Quân tử an phận nghèo hiểu rõ số mệnh.

Già càng nên mạnh lòng không biết bạc đầu(1)

Khổ càng nên kiên tâm đừng mất chí khí mây xanh (2))

.

(1) Ý nói tuổi già nhưng lòng vẫn trẻ.

(2) Ý chí cao khiết như mây xanh.

.

Cuối bài có 8 câu thơ tuyệt diệu, đặc biệt 4 câu cuối:

.

“……………

Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,

Vật hoàn tinh di không độ thu.

Các trung đế sử kim hà tai,

Hạm ngoại trường giang không tự lưu.”

(Đầm chiều mây bay trời lửng lơ,

Sao dời vật đổi mấy thu rồi.

Con vua trong gác nào đâu nhỉ,

Dòng nước ngoài hiên vẫn tự trôi.)

.

Bài phú “Đằng Vương các” của Vương hay hơn tất cả. Từ đó danh tiếng càng vang dậy khắp nơi nơi.

.

Nhưng, đáng tiếc thay, người có tài mà mệnh lại yểu. Nhân đi thăm cha làm quan ở Giao Châu, Vương bị đắm thuyền, chết ở giữa biển lúc mới 29 xuân xanh.

.

Do câu chuyện gió đưa thuyền Vương Bột đến Đằng Vương các, tạo dịp cho Vương trổ tài danh nên cổ thi mới có câu: “Thời lai phong tống Đằng Vương các” để chỉ sự may mắn của kẻ gặp thời.

.

.

—–

.

.

  • Đào hoa y cựu tiếu đông phong

.

Tạm dịch: Hoa đào vẫn cười với gió đông như xưa.

.

.

Thôi Hộ, một danh sĩ đời nhà Đường, trẻ tuổi đẹp trai, nhân dự hội đạp thanh, đến một xóm trồng toàn hoa đào (Đào hoa trang), gõ cửa một nhà xin giải khát. Bên cửa cổng, một thiếu nữ thập thò đưa nước cho chàng. Nàng đẹp, duyên dáng, e lệ. Chàng đưa tay tiếp lấy bát nước. Hay bàn tay trai gái chạm nhau. Nàng ngượng ngùng, cúi mặt xuống. Đôi má nàng hây hây đỏ như hoa đào. Chàng rụt rè, ngượng nghịu đoạn từ giã ra đi.

.

Nhưng rồi đèn sách và mộng công hầu không xóa mờ hình bóng giai nhân. Xóm hoa đào và người đẹp vẫn gợi lên một hình ảnh đầm ấm trong trí não, khiến nhà thơ lãng mạn chan chứa biết bao tình cảm lưu luyến mặn nồng. Rồi năm sau, ngày hội du xuân đến, Thôi Hộ tìm đến xóm Hoa đào. Cảnh cũ còn đó nhưng người xưa lại vắng bóng. Cửa đóng then cài. Chỉ có ngàn hoa đào rực rỡ, phe phẩy theo gió xuân như mỉm cười chào đón khách du xuân.

.

Ngẩn ngơ, thẫn thờ trước cảnh cũ quạnh hiu, Thôi Hộ ngậm ngùi:

.

– Hay là nàng đã về nhà chồng?

.

Từng bước một, chàng quay gót trở ra. Lòng cảm xúc vô hạn, rồi muốn ghi lại mấy dòng tâm tư của mình, Thôi Hộ lấy bút mực trong bị ra, đề mấy câu thơ lên cửa cổng.

.

Chiều đến, nàng thiếu nữ họ Đào cùng thân phụ viếng người thân trở về. Nàng theo sau cha, chợt nhìn trên cổng đề 4 câu thơ:

.

“Khứ niên kim nhật thử môn trung,

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.

Nhân diện bất tri hà xứ khứ,

Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”

(Năm ngoái ngày này vẫn cửa trong,

Hoa đào mặt ngọc gợn ánh hồng.

Mặt người nay biết đi đâu vắng,

Chỉ thấy hoa đào cợt gió đông).

.

Nét chữ tinh xảo, ý tứ dồi dào chan chứa một tình cảm đậm đà khiến nàng thiếu nữ họ Đào cảm thấy lòng xao xuyến, và quả tim mình bắt đầu vỗ đập theo một nhịp yêu đương. Nàng ngậm ngùi thở dài, luyến tiếc duyên vừa gặp gỡ đã lại khéo bẽ bàng.

.

Rồi ngày này sang ngày khác, nàng vẫn tựa mình bên cửa cổng mong đợi và hy vọng gặp lại người khách tài hoa xin nước năm xưa. Nhưng ngày lại ngày trôi qua, mấy lần bóng chiều tắt lịm sau dãy đồi xa mà bóng người xưa chẳng thấy, chỉ thấy vài cánh chim chiều lẻ bạn, bạt gió từ ngàn phương kêu bạn đổ về với một giọng não nùng.

.

Rồi từ đó, nàng bỏ ăn bỏ ngủ, thân hình tiều tụy, dung nhan võ vàng. Thân phụ nàng ngày đêm lo lắng, tìm thầy thuốc thang nhưng vô hiệu.

.

Biết không sống được, nàng đành thuật lại tâm sự của mình cho cha già và xin tha tội bất hiếu. Nhìn đứa con thiêm thiếp trên giường bệnh như chờ đợi tử thần, ông lão thương con, nóng lòng chạy đi tìm người đề thơ trên cổng. Nhưng bóng chim tăm cá, tìm đâu cho thấy.

.

Người cha đau khổ ấy bối rối, cứ chạy ra chạy vào, lòng mang một mong mỏi yếu đuối. Trong giờ phút cuối cùng, may gặp chàng thi sĩ trẻ tuổi xa lạ đã gây sóng gió, bão tố trong gia đình ông, thì giờ phút này, ông cho là một vị cứu tinh của gia đình, nên ông lại chạy tìm nữa. Ông chạy tìm một cách cầu may!

.

Vừa ra khỏi cổng nhà một quãng, bỗng chạm phải một người, ông ngẩng mặt nhìn. Đó là một thư sinh tuấn tú. Thấy ông mặt mày ràn rụa nước mắt, cử chỉ hốt hoảng, chàng thư sinh lấy làm lạ hỏi. Ông vừa bươn bả đi vừa kể lể thành thực sự tình. Nghe kể chưa hết câu chuyện, chàng thư sinh bỗng bưng mặt khóc. Ông lão bấy giờ lấy làm ngạc nhiên, chưa kịp hỏi rõ thì chàng thư sinh đã nói:

.

– Tôi là Thôi Hộ, người đã đề thơ trên cổng…

.

Ông lão mừng rú lên, lôi xềnh xệch chàng vào nhà, đưa thẳng đến phòng.

.

Nhưng người thiếu nữ vừa trút hơi thở cuối cùng.

.

Nhìn người mang nặng tìnhyêu đã vì chàng mà phải vóc liễu tiều tụy, chết một cách đau đớn, chàng quá cảm động, quỳ bên giường, cầm lấy tay nàng. Chàng áp mặt vào mặt nàng, khóc nức nở… không ngờ nước mắt và hơi ấm áp của chàng thi sĩ rỏ trên mặt vào ủ ấp người nàng có mãnh lực kỳ diệu thế nào, khiến nàng từ từ mở mắt ra, đăm đăm tha thiết nhìn chàng. Nàng thiếu nữ Đào Hoa trang sống lại, và kết duyên với chàng thi sĩ tài danh Thôi Hộ.

.

Thế là, “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” mang ý chỉ: cảnh vẫn còn đó, nhưng người thì đã đổi thay.

.

.

(Ko ngờ là chuyện vẽ bậy lên cổng nhà người ta, cổ nhân cũng đã từng làm chứ ko phải là chuyện chỉ bây giờ mới có nhé =)))))))))))

Chia sẻ:

  • Facebook
  • X
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » điển Tích đằng Vương Các