Diễn Xướng - Khoa Ngữ Văn

Diễn xướng - một phương thức hành vi mang tính thông tin và một loại hình sự kiện có tính thông tin. Trong khi thuật ngữ này có thể sử dụng theo một nghĩa vô thưởng vô phạt về mặt mỹ học để chỉ một diễn biến thông tin đang xảy ra (đối lập với khả năng xảy ra một hành động thông tin), thì sự diễn xướng thường gợi nhớ đến một phương thức thông tin nổi bật và được để ý về mặt mỹ học, được bố trí theo một cách đặc biệt và đưa ra trình diễn trước một cử toạ. Việc phân tích sự diễn xướng - thực ra là chính bố cục của cuộc diễn xướng - làm nổi bật các mặt xã hội, văn hoá và mỹ học của quá trình thông tin.

Các khái niệm về sự diễn xướng

Theo một cách hiểu phổ biến, diễn xướng là sự thực hiện một hành động đối lập với năng lực, kiểu mẫu hay những yếu tố khác thể hiện tiềm năng đối với hành động đó hoặc một sự trừu tượng hoá từ hành động đó. Trong việc biểu diễn nghệ thuật, sự phân biệt đó có thể thấy ở sự tương phản giữa những đường lối hoặc mô hình được dựng lên phục vụ cho việc trình diễn nghệ thuật, như kịch bản hoặc bản tổng phổ, và sự thể hiện ở dạng trình diễn các công việc đó trước một cử toạ. Ở đây có sự tham gia của một hình thức chuyển đổi về mặt ký hiệu học (intersemiotic), một sự thay đổi từ chỗ mã hoá một thông điệp trong một hệ ký hiệu này (mã) sang hệ ký hiệu khác. Sự biến đổi này cũng có thể diễn ra theo cách khác, từ một hành động được trình diễn sang một văn bản được ghi lại, như khi một điệu múa được ghi lại ở dạng ký hiệu Laba (Labanotation) hoặc một truyện kể dân gian diễn xướng bằng lời thì thành dạng viết. Cách tiếp cận đối với nghệ thuật dùng lời mà ta gọi là thi pháp dân tộc học sẽ quan tâm chủ yếu đến những vấn đề của sự chuyển biến kiểu đó.

Trong lĩnh vực nghiên cứu sự diễn xướng này, những người ở nhà hát chẳng hạn thì quan tâm đến quan hệ giữa kịch bản và sự biểu diễn và quá trình đi từ cái thứ nhất đến cái thứ hai. Còn các nhà văn học dân gian thì lại đối chiếu cách nhìn chú trọng vào văn bản (vốn tập trung vào các yếu tố văn học dân gian trừu tượng và cắt rời khỏi chỉnh thể (disembodied)) với cách nhìn chú trọng vào sự diễn xướng vốn quan tâm đến việc ứng dụng trên thực tế các dạng thức văn học dân gian.

Chủ đề của các cuộc tranh luận về những vấn đề này xoay quanh việc bản thảo, bản tổng phổ hay truyền thống văn học dân gian quyết định sự diễn xướng đến mức nào và theo kiểu nào, và còn lại bao nhiêu phần trăm linh hoạt, lựa chọn lối thể hiện và cơ hội sáng tạo cho người diễn xuất. Một mối quan tâm có tính tất yếu, đặc biệt là trong mỹ thuật, là một tác phẩm kịch bản hoặc một bản tổng phổ sẽ thể hiện chính xác đến mức nào những ý đồ của người viết kịch bản hoặc nhà soạn nhạc. Chẳng hạn, chúng ta không có Macbet dạng viết trong tay Shakespeares. Liệu chúng ta có thể tái tạo lại những gì mà ông dự định không, và nếu có thì chúng ta bị ràng buộc ra sao bởi hiểu biết như vậy về sự diễn xướng? Theo xu hướng chung, các nhà phê bình và học giả thường khoác cho lời nhạc hoặc lời kịch một thứ quyền lực và thông qua đó khoác cả quyền lực cho tác giả của công trình nghệ thuật, còn các nghệ sĩ trình diễn thì lại thường biện luận hăng nhất cho đóng góp sáng tạo của riêng mình vào quá trình nghệ thuật. Một điều cũng rõ ràng là sự trình diễn trung lập đối với một văn bản chiếm được lòng tin và có quyền uy chỉ là điều tưởng tượng lý tưởng hoá mà thôi. Sự diễn xướng luôn luôn thể hiện một mặt nào đó nổi trội, bởi vì từ xưa tới nay không có hai lần diễn xướng nào giống hệt nhau. Ngoài ra còn có quá nhiều những biến thái trong các nghệ thuật trình diễn, trong văn hoá, và trong các thời kỳ lịch sử (và ở từng thời kỳ lịch sử) để có thể đưa ra lập luận có tính kết luận. Cuối cùng, tỉ lệ tương đối và tác động qua lại giữa quyền uy và sự sáng tạo, giữa cái làm sẵn và cái nảy sinh, phải được xác định theo kinh nghiệm, kết hợp với nghiên cứu kỹ bản thân sự diễn xướng.

Một sự tương phản tương tự giữa tiềm năng của hành động thông tin và việc tiến hành thông tin thực sự cũng được phát hiện trong tập quán ngôn ngữ học tạo nên sự đối lập giữa năng lực và sự diễn xướng. Sự tương phản này do nhà ngôn ngữ học Hoa Kỳ Noam Chomsky đề xuất và là cốt lõi của lý thuyết ngữ pháp sản sinh. Trong ngữ pháp sản sinh, năng lực là thứ tri thức ngữ pháp ngầm, cấu trúc hình thức của ngôn ngữ như một hệ thống (mang tính nhận thức trừu tượng và được lý tưởng hoá) các quy tắc dùng để sản sinh ra và hiểu các câu thích hợp về mặt ngữ pháp. Còn sự diễn xướng thì trái lại, là “lời nói tự nhiên” mà người nói thực hiện khi sử dụng ngôn ngữ. Đối với Chomsky và các nhà ngữ pháp học sản sinh khác, năng lực là mối quan tâm hàng đầu của lý luận ngôn ngữ học; một ngữ pháp chính là một lý thuyết về năng lực đối với một ngôn ngữ nào đó, không hơn không kém. Diễn xướng có khuynh hướng bị xem là cái sai lạc, không hoàn hảo, ngổn ngang những yếu tố “không phù hợp về ngữ pháp” như tính giải trí, những hạn chế về trí nhớ, các lỗi, sự xê dịch sự chú ý và mối quan tâm, v.v...

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác về ngôn ngữ, đặc biệt là các nhà tâm lý học, ngôn ngữ xã hội học và nhân chủng học ngôn ngữ, lại quan tâm chủ yếu đến sự diễn xướng. Chẳng hạn, Dell Hymes, một nhà nhân chủng học Hoa Kỳ, lập luận rằng ngôn ngữ học cấu thành có tính chất xã hội đòi hỏi phải có một quan niệm khác về năng lực và sự diễn xướng, cũng như về vai trò tương đối của chúng trong lý luận ngôn ngữ học. Theo quan điểm này, chức năng xã hội sẽ định hình cho dạng thức ngôn ngữ học, ngôn ngữ sẽ có cả ý nghĩa xã hội lẫn ý nghĩa dẫn chiếu, và chức năng thông tin của ngôn ngữ trong việc cấu thành cuộc sống xã hội về thực chất là cơ bản. Hymes nhấn mạnh “năng lực thông tin”, bao hàm trong đó toàn bộ những tri thức và khả năng giúp người ta nói theo những cách có thể lý giải được và phù hợp về mặt xã hội. Nó bao gồm không chỉ kiến thức ngữ pháp và cả kiến thức và khả năng chào hỏi, kể một câu chuyện, cầu nguyện hoặc hứa hẹn. Dưới góc độ đó, cái mà ngữ pháp biến tính (transformational) đem đến cho sự diễn xướng và do đó loại bỏ khỏi phạm vi lý luận ngôn ngữ học, chí ít, là sự bình đẳng với ngữ pháp ở vị trí trung tâm của một lý thuyết ngôn ngữ. ở đây, sự diễn xướng đóng vai trò một sự thực hiện.

Trái với khái niệm sự diễn xướng như bất kỳ việc làm một hành động thông tin là những quan niệm cho rằng đó là một phương thức hành động được để ý đặc biệt, cái xây dựng nên hoặc biểu diễn một cơ cấu lý giải mà trong đó hành động thông tin được người ta hiểu. Theo nghĩa đó của sự diễn xướng, hành động thông tin được đem ra trình diễn, thể hiện cụ thể, nâng lên một cấp độ so với những cái xung quanh nó trong bối cảnh, và mở ra cho cử toạ dò xét, khảo sát kỹ lưỡng. Như vậy sự diễn xướng thu hút sự chú ý đặc biệt tới hành động thông tin, nâng cao ý thức đối với nó và tạo điều kiện cho cử toạ quan sát nó cùng với người diễn xướng với sự chăm chú đặc biệt. Sự diễn xướng làm cho người ta trở nên có thể giải thích được về mặt thông tin; nó trao cho cử toạ trách nhiệm đánh giá kỹ năng tương đối và hiệu quả thực hiện của người diễn xướng.

Trong chừng mực mà kỹ năng và hiệu quả thể hiện có thể trở thành tâm điểm chú ý trong bất kỳ hành động thông tin nào (một số tác giả có thể cho là điều này lúc nào cũng đúng, ở chừng mực nào đó) thì tiềm năng đối với sự diễn xướng lúc nào cũng có. Khi ấy, theo những ngôn từ này, sự diễn xướng là một đặc tính có thể thay đổi, khá nổi bật trong số nhiều chức năng mà hành động thông tin phải đảm nhiệm. Do đó, sự diễn xướng có thể trội lên trong bậc thang đẳng cấp các chức năng hoặc phụ thuộc vào các chức năng khác như chức năng thông tin, chức năng tu từ, phatic hoặc bất kỳ chức năng nào khác. Như vậy, chẳng hạn, một bài hò đi biển hát lên trên boong thuyền chủ yếu để phối hợp động tác thì cũng có thể đem ra biểu diễn để cho các thủy thủ đánh giá tài năng diễn xướng của người hò (chức năng thứ yếu). Mặt khác, sự diễn xướng cũng có thể trở thành cái có ý nghĩa lớn nhất nếu vẫn người hát đó xuất hiện trên sàn diễn tại một festival dân gian hàng hải. Khi đó sự nổi lên tương đối của sự diễn xướng sẽ tuỳ thuộc vào mức độ nhận trách nhiệm của người diễn xướng trước cử toạ đối với cuộc phô diễn kỹ năng và hiệu quả thông tin so với các chức năng thông tin khác. Nó có thể trải dài trên một thang liên tục, từ một cuộc diễn xướng kéo dài, trọn vẹn như khi một nữ danh ca opêra hát ở LaScala, cho tới một nét lướt thoáng qua diễn xướng như khi một đứa trẻ sử dụng một từ mới và bí mật trong lúc trò chuyện với bạn cùng lứa như một cử chỉ của sự thành thục ngôn ngữ. Nằm ở đâu đó giữa hai cái đó có thể là một sự diễn xướng có rào trước đón sau (hedged performance), như khi ai đó kể một chuyện tiếu lâm tồi và bảo là nó được cóp của người khác nếu như câu chuyện không được cử toạ đón đợi nồng nhiệt, song vẫn kể nó ra để hy vọng là kỹ năng và hiệu quả diễn xuất có thể được đánh giá tốt.

Đồng bộ với quan niệm về sự diễn xướng như một cơ cấu đem ra trình diễn những đặc tính thực chất của bản thân hành động thông tin là phương cách thực hiện sự kết cấu này, hay nói theo ngôn từ của nhà xã hội học Canada, Erving Goffman, là sự diễn xướng được khoá (key) như thế nào. Mỗi hành động thông tin đều bao hàm hàng loạt thông điệp tạo kết cấu, ẩn cũng như tường, chuyển tải những chỉ dẫn về việc hiểu ra sao các thông điệp khác đang được chuyển tải. Sự thông tin về thông tin này được Gregory Bateson gọi là siêu thông tin (metacommunication). Theo ngôn từ thực tế, điều đó có nghĩa là mỗi cộng đồng sẽ sử dụng một tập hợp có cấu trúc các phương tiện thông tin riêng để khoá kết cấu diễn xướng sao cho sự truyền thông tin trong khuôn khổ kết cấu đó sẽ được cộng đồng đó hiểu là sự diễn xướng. Các khoá này có thể là một số công thức đặc biệt ( “Ngày xửa ngày xưa ...”, “Bạn đã bao giờ nghe kể rằng ...?”), những lối cách điệu lời nói hoặc cử động (chẳng hạn, nhịp điệu, lối nói song song, ngôn ngữ ẩn dụ), viện dẫn tới truyền thống như một chuẩn quy chiếu cho trách nhiệm của người diễn xướng ( “Người xưa nói rằng ...”), thậm chí lối nói như chối bỏ sự diễn xướng ( “Tôi vốn không quen ...”). Cụm phương tiện thông tin có tính đặc thù văn hoá tạo khoá (to key) cho sự diễn xướng có thể không giống nhau giữa nền văn hoá này và nền văn hoá khác, mặc dù có thể tồn tại những khuôn mẫu về vùng miền và loại hình và những khuynh hướng phổ biến.

Các đặc trưng của sự diễn xướng

Nổi lên trong số các dấu hiệu của sự diễn xướng có thể là những mốc tình huống: những yếu tố của khung cảnh, như một sàn diễn nhô cao, một cái vòm sân khấu, hoặc một cái bục; những trang bị lỉnh kỉnh như quần áo hoặc mặt nạ (xem Mặt nạ); những nguyên tắc về mùa, như các lễ mùa hoặc ngày trọng thể. Mọi sự diễn xướng, cũng giống như mọi sự thông tin, đều được bố trí, diễn và được làm cho có ý nghĩa trong khuôn khổ những bối cảnh tình huống xác định về mặt xã hội. Nhưng nghiên cứu so sánh về sự diễn xướng thì lại có xu hướng nhấn mạnh những biến cố mà với chúng sự diễn xướng là một thuộc tính có tính tiêu chí, cái mà nhà nhân chủng học Hoa Kỳ Milton Singer gọi là “sự diễn xướng văn hoá”. Những sự diễn xướng văn hoá có xu hướng trở thành các bối cảnh diễn xướng dễ nhận ra nhất trong một cộng đồng và có hàng loạt đặc điểm giống nhau.

Thứ nhất, những biến cố như thế thường được lên lịch, được dàn dựng và chuẩn bị trước. Thêm nữa, chúng có giới hạn về thời gian, với một thời điểm bắt đầu và kết thúc xác định; chúng cũng có giới hạn về không gian, nghĩa là diễn ra trong không gian đã được lựa chọn một cách tượng trưng, tạm thời hoặc vĩnh viễn, như một nhà hát, một sân festival, hoặc một khu rừng thiêng. Trong những giới hạn thời gian và không gian như thế, các cuộc diễn xướng văn hoá được lên chương trình, với một kịch bản có cấu trúc hoặc một chương trình hoạt động, giống như trong năm hồi của vở kịch Elizabeth hoặc cấu trúc nghi lễ của một buổi lễ chia buồn của người Iroque. Bốn đặc điểm này phục vụ cho một cái có tính truyền thống, vốn là một phần của thực chất các cuộc diễn xướng văn hoá, cụ thể là chúng là những dịp công khai có sự phối hợp, được mở ra cho cử toạ dự khán và cho sự tham gia tập thể. Chúng là những dịp cho mọi người đến với nhau. Hơn thế nữa, khi kéo theo các dạng thức diễn xướng được công thức hoá cao nhất và được chuẩn bị kỹ nhất về mặt mỹ học và những người diễn xướng có năng lực nhất của cộng đồng, các sự kiện diễn xướng như vậy là các cơ hội được tôn lên, xuất hiện phục vụ cho việc nâng cao kinh nghiệm thông qua sự thụ hưởng hiện tại những phẩm chất thực của sự phô trương mang tính biểu diễn.

Có lẽ sức hấp dẫn chủ yếu của các cuộc diễn xướng văn hoá đối với việc nghiên cứu xã hội nằm ở bản chất của chúng là các công cụ phản ánh lối biểu đạt văn hoá. Học giả Hoa Kỳ Barbara Babcock đã gợi ý rằng thuật ngữ phản ánh chỉ ra hai năng lực diễn xướng có liên quan đến nhau, cả hai đều bắt rễ từ chỗ bất kỳ một hệ thống ý nghĩa nào cũng đều có khả năng trở thành đối tượng của chính nó và dẫn chiếu về chính nó, do đó có tính chất mở giúp quan sát việc tổ chức và rập khuôn cho các nguyên tắc cấu thành hệ thống.

Trước hết, sự diễn xướng có tính chất phản ánh hình thức - ý nghĩa vào ý nghĩa - bởi vì nó gây ra sự chú ý vào (đồng thời bao gồm sự thao tác tự giác của) các đặc tính hình thức của hệ thống thông tin (các cử động vật lý trong điệu múa, ngôn ngữ và âm điệu trong bài hát, v.v…), làm cho người ta chí ít cũng có ý thức về các công cụ của nó. Trong trường hợp có sức bao quát lớn nhất, sự diễn xướng có thể xem như một công cụ văn hoá, đại để là siêu văn hoá (metacultural), để thể hiện cụ thể và mở ra cho một chính thứ văn hoá khảo sát kỹ lưỡng (scrutiny culture), bởi vì văn hoá là một hệ thống gồm các hệ thống ý nghĩa. Như vậy, Singer, khi cố gắng tìm hiểu nền văn hoá phức tạp của ấn Độ, đã tập trung chú ý vào những dạng thức văn hoá như kịch, hoà nhạc, diễn thuyết, đọc truyện theo nghi thức và kể chuyện, lễ lạt, nghi lễ và festival, vì “những người bạn ấn Độ của ông nghĩ về nền văn hoá của họ như được gói gọn trong những sự diễn xướng rời rạc đó, cái mà họ có thể cho các khách tham quan và bản thân họ xem”.

Phản ánh là thuật ngữ dùng ở đây thì tốt hơn là thuật ngữ vẫn đang dùng rộng rãi là phản chiếu, vốn coi sự diễn xướng và các dạng thức nghệ thuật khác như những sự phản chiếu, những hình ảnh trong gương (mặc dù có thể là hình ảnh méo mó như trong nhà cười) của một số hiện thực văn hoá nguyên sơ như những giá trị, khuôn mẫu hành động, cấu trúc các quan hệ xã hội, và v.v… - một thứ quan niệm “nghệ thuật chạy theo cuộc sống”. Các nghiên cứu mới đây về sự diễn xướng như công trình của Roger Abrahams, Clifford Geertz, Richard Schechner, và Victor Turner, đều cho thấy là các cuộc diễn xướng văn hoá đều có thể là phương thức cơ bản của diễn thuyết với tất cả thế mạnh của chúng, diễn ra với hàng loạt những hình ảnh đập vào mắt và hành động mang tính phô trương hơn là một tập hợp có trình tự những giá trị hiển nhiên, được phát âm thành lời hoặc những niềm tin, những hiểu biết của con người về những hiện thực cơ bản và những hệ quả của hiện thực đó đối với hành động. Về phương diện này, phân tích của Geertz về các nghi thức cung đình của cái mà ông gọi là “Nhà nước sân khấu ở Bali thế kỷ 19” là đặc biệt có tính khám phá.

Bên cạnh tính phản ánh hình thức, sự diễn xướng còn có tính phản ánh theo nghĩa tâm lý - xã hội học. Bởi vì phương thức thể hiện của sự diễn xướng bao gồm biểu diễn bản thân nó (nghệ sĩ trên sàn diễn, người kể chuyện trước đống lửa, nghệ sĩ múa festival trên bãi đất làng) như một đối tượng của bản thân nó và của những thứ khác, sự diễn xướng là một công cụ đặc biệt hiệu nghiệm và được đề cao trong việc đóng vai người khác và nhìn lại bản thân từ góc độ đó, trong một quá trình mà nhà triết học xã hội và tâm lý học xã hội George Herbert Mead và những người như ông gọi là cấu thành từ bản thân. Thật vậy, chính Mead đã nêu ra sự hiệu quả của kịch trong việc thuật lại những tình huống mà qua đó người ta có thể xâm nhập vào thái độ và kinh nghiệm của các cá nhân khác. Tất nhiên các mức độ nhận thức như vậy không bó hẹp ở sự diễn xướng văn hoá song có thể soi sáng cho bản sắc trong bất kỳ bối cảnh xã hội nào; cảm giác được “mở máy” hoặc làm cái gì đó “trước ống kính máy quay phim” trong tiến trình của những hành động xã hội sắp xảy ra đã cấu thành sự diễn xướng theo nghĩa tổng quát được bàn ở đây. Tuy nhiên, khi việc quy một đặc tính diễn xướng cho tương tác xã hội mang theo nó một loạt ý nghĩa ẩn dụ được rút ra một cách cẩn thận hơn từ sự biểu diễn trong nhà hát trong những biến thể trên cái phép chuyển nghĩa “cuộc sống như nhà hát” đáng kính, thì sự tương đồng tốt nhất là nên tìm kiếm theo ngôn từ các ước lệ của nhà hát hoặc kịch nghệ được cô đọng lại phục vụ cho phép ẩn dụ.

Tài liệu tham khảo

1. Roger D. Abrahams, The Man of Words in the West Indies [Người của lời lẽ ở miền Tây Indies], Baltimore, Md., 1983.

2. Barbara Babcock biên tập, Signs about Signs: The Semiotics of Self-Reference (special issue) [Ký hiệu của ký hiệu: Ký hiệu học của sự tự dẫn chiếu (Số đặc biệt)], Semiotica 30, số 1-2, 1980.

3. Richard Bauman, Verbal Art as Performance [Nghệ thuật lời nói với tư cách sự diễn xướng], Nhà xuất bản Rowley, Mass., 1977, in lại bởi Nhà xuất bản Prospect Heights, Illinois, 1984.

4. Richard Bauman và Charles Briggs, “Poetics and Performance as Critical Perspectives on Language and Social Life” [Thi ca và sự diễn xướng với tư cách những cái nhìn phê phán đối với ngôn ngữ và cuộc sống xã hội], Annual Review of Anthropology 19 (1990): 59-88.

5. Charles Briggs, Competence in Performance [Năng lực diễn xướng], Philadelphia, 1988.

6. Noam Chomsky, Aspects of the Theory of Syntax [Các khía cạnh của lý thuyết cú pháp], Cambridge, Mass., 1965.

7. Johannes Fabian, Power and Performance [Quyền lực và sự diễn xướng], Madison, Wisconsin, 1990.

8. Clifford Geertz, Negara: The Theater State in Nineteenth-Century Bali [Negara: Nhà nước sân khấu ở Bali thế kỷ 19], Princeton, N.J., 1980.

Erving Goffman, Frame Analysis [Phân tích cơ cấu], Cambridge, Mass., 1974.

9. Richard Hornby, Script into Performance [Kịch bản diễn xướng], Austin, Tex., 1977.

10. Dell Hymes, Foundations in Sociolinguistics [Những cơ sở của ngôn ngữ học xã hội], Philadelphia, 1974.

11. Dell Hymes, “Breakthrough into Performance” [Bước đột phá vào sự diễn xướng], trong cuốn Folklore: Performance and Communication [Văn hóa dân gian: Diễn xướng và giao tiếp], do Dan Ben-Amos và Kenneth S. Goldstein biên tập, Nơi xuất bản The Hague, 1975.

12. Joel Kuipers, Power in Performance [Quyền lực trong sự diễn xướng], Philadelphia, 1990.

13. Goerge Herbert Mead, Mind, Self and Society [Trí tuệ, cái tôi và xã hội], do Charles W. Morris biên tập, Chicago, 1962.

14. Richard Scherchner, Essays on Performance Theory [Luận về lý luận diễn xướng], New York, 1977.

15. Milton Singer, When a Great Tradition Modernizes [Khi một truyền thống vĩ đại được hiện đại hoá], New York, 1972.

16. Beverly J. Stoeltje và Richard Bauman, “The Semiotics of Folkloric Performance”, [Ký hiệu học trong sự diễn xướng mang tính văn học dân gian], trong cuốn The Semiotics Web 1987 [Ma trận ký hiệu học 1987], do 17. Thomas A. Sebeok và Jean Umiker -Sebeok biên tập, Berlin, 1988.

Victor Turner, From Ritual to Theater [Từ nghi thức tới nhà hát], New York, 1982.

(In trong sách: Folklore: Một số thuật ngữ đương đại, Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên (2005), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).

Từ khóa » Diễn Xướng Ca Dao Là Gì