Điệp Báo Viên Tống Văn Trinh: Người Phát Hiện Thông Tin Quan Trọng ...

Phát hiện kế hoạch "Cuộc hành quân Lam Sơn 719" của địch

Đồng chí Tống Văn Trinh sinh năm 1928, quê gốc ở Châu Đốc, An Giang, tham gia cách mạng từ năm 1945, là đảng viên Cộng sản năm 1948. Năm 1959, đồng chí được Cục Tình báo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cử sang hoạt động bên Lào. Thời gian sau, Tống Văn Trinh vào làm việc ở Sở Công chính ngụy quyền Lào tại Thủ đô Viêng Chăn. Với bản chất cởi mở dễ gần, Tống Văn Trinh nhanh chóng chiếm được cảm tình của ngụy quyền Lào - Việt ở Viêng Chăn.

Đầu tháng 1/1971, chuẩn bị đón Tết Tân Hợi, Tống Văn Trinh thấy có nhiều xe của đại sứ quán chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chạy trên đại lộ Lane Xang ở Viêng Chăn. Một lần đến chuyện trò thân mật với Trung tá Bảo, tùy viên quân sự đại sứ quán chính quyền Sài Gòn, anh được Trung tá Bảo cho biết: "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa cử một số cán bộ cao cấp ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn sang Lào đàm phán một số vấn đề quan trọng giữa hai nước". Tống Văn Trinh liền ngỏ ý: "Nhân dịp chuẩn bị đón Tết, chẳng mấy khi có đồng hương từ Sài Gòn sang, ta nên có một bữa tiệc chiêu đãi thịnh soạn".

- "Đắc-co", trước hết, với danh nghĩa tùy viên quân sự, tôi mời 7 sĩ quan cao cấp quân đội Nguyễn Cao Kỳ vừa sang đến dự tiệc tại ngay phòng tùy viên.

Bữa tiệc rượu liên hoan được tổ chức tại nhà riêng của Trung tá Bảo, đồng thời cũng là nơi làm việc của phòng tùy viên quân sự, trên đường đi Thát Luông.

Trong cuộc gặp mặt này, Trung tá Bảo đã mời nhiều quan khách cao cấp của cả hai nước Việt - Lào, đã gọi từ Băng Cốc một số thiếu nữ Thái gốc Hoa xinh đẹp về Viêng Chăn phục vụ. Trong lúc say sưa, chúng đã tiết lộ nhiều tin quân sự bí mật. Một tên nói:

- Tướng Uylơ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân, sau khi đi thị sát chiến trường Đông Dương đã xin tăng quân viễn chinh ở Việt Nam, Lào, Campuchia lên thêm gần 30 vạn nữa. Vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon nhắc Tổng thống Thiệu về việc từ năm 1966, Việt Cộng đã đưa từ Bắc vào Nam qua đường Trường Sơn trên đất Lào trên 63.000 người, 400.000 tấn vũ khí... Cần cử đại diện sang Lào đàm phán, phối hợp tổ chức một cuộc hành quân tìm diệt, phá hủy các cơ sở của Cộng sản Việt - Lào và cắt đứt đường vận chuyển của Bắc Việt đưa quân, vũ khí, lương thực vào miền Nam.

Thấy một sĩ quan ngụy nhìn về phía mình, Tống Văn Trinh đã vin cớ quá say, xin được đi nghỉ. Trung tá Bảo bố trí cho anh vào phòng trong của mình nằm ngủ.

Qua khe cửa, Tống Văn Trinh thấy bọn ngụy đang say sưa nằm kề bên các cô gái Thái, vừa hút thuốc phiện, vừa bàn nhiều chuyện đại sự.

Tấm bản đồ chiến lợi phẩm "Cuộc hành quân Lam Sơn 719" thu được trong "chiến dịch đường 9 - Nam Lào".

Nằm trong phòng Trung tá Bảo, Tống Văn Trinh thấy trên mặt bàn một tập hồ sơ ghi đậm dòng chữ: "Opération Lam Sơn 719", phía dưới có hai chữ "Tuyệt mật".

Anh nhanh chóng đọc vội, nhớ thật kỹ nội dung tập hồ sơ nói về mục tiêu cuộc hành quân của ngụy quyền Lào - Việt ở đường 9 - Nam Lào với đầy đủ các địa điểm nhảy dù từ Khe Sanh đến Tchépone, ngày giờ bắt đầu và từng giai đoạn hành quân, các lực lượng ngụy Lào, Việt chiến đấu và các đơn vị quân viễn chinh Mỹ yểm trợ.

Trên tường là một tấm bản đồ quân sự Mỹ ghi tỉ mỉ từng địa điểm, thời gian, từng đơn vị tham gia chiến đấu.

Với trí nhớ siêu đẳng của một điệp viên, sau khi đã điểm lại đầy đủ những điều ghi nhận, Trinh mở cửa ra phòng ngoài. Trung tá Bảo niềm nở:

- Nằm đây, các em gái Thái tiêm cho mấy viên a phiến giải sầu đã.

Tống Văn Trinh vin cớ quá say, xin về nhà nghỉ. Về nhà, anh đã thức đến sáng, viết báo cáo về cuộc "Hành quân Lam Sơn 719" của địch do Trung tướng ngụy quyền Sài Gòn Hoàng Xuân Lãm chỉ huy. Cuộc hành quân chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Bắt đầu từ ngày 30/1/1971, trực thăng Mỹ vận chuyển ba tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn pháo từ Khe Sanh lên đường 9.

Giai đoạn 2: Bắt đầu từ ngày 8/2/1971. Đưa 12.000 quân tiến sâu vào đất Lào, tập kết tại Tchépone trước ngày 6/3/1971.

Giai đoạn 3: Liên quân ngụy Việt - Lào hành quân càn quét ra khu vực đóng quân của Cộng sản ven đường 9, cắt đứt đường viện trợ của Bắc Việt vào Nam.

Sau khi nhận báo cáo của Bộ Quốc phòng về cuộc hành quân Lam sơn 719 của địch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở ngay "chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào" do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh và đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.

Chiến dịch bắt đầu từ ngày 30/1/1971 (đúng 30 tháng Chạp năm Canh Tuất, chuẩn bị đón Tết Tân Hợi 1971, cũng là ngày bắt đầu kế hoạch Lam Sơn 719 của địch).

Từ ngày 30/1/1971 đến 23/3/1971, trước sức tiến công mãnh liệt của các sư đoàn 308, 304, 324, Sư đoàn 2 và lực lượng tại chỗ của các mặt trận B4, B5, 559 và một số lực lượng của Bộ, phối hợp với các đơn vị quân Giải phóng nhân dân Lào, được 4 trung đoàn pháo xe kéo và mang vác, 3 trung đoàn cao xạ, phòng không, 3 trung đoàn công binh, 4 tiểu đoàn thiết giáp... chi viện, liên quân Lào -Việt đã hoàn toàn làm chủ Bản Đông, diệt 1.762 tên, bắt sống trên 100 tên, thu và phá hủy 113 xe quân sự, 24 khẩu pháo, bắn rơi 52 máy bay và nhiều phương tiện chiến tranh khác, buộc địch phải rút hết quân khỏi Bản Đông. Chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào của quân dân hai nước Việt - Lào đã kết thúc thắng lợi ngày 23/3/1971.

Về chiến dịch đường 9 - Nam Lào, tờ Paris Macth (Pháp) viết: "Mọi việc được kết thúc ngày 24/3 và tổn thất về phía quân đội Sài Gòn là khoảng 10.000 người, gần phân nửa lực lượng đưa vào đất Lào, còn quân đội Hoa Kỳ chỉ có một nhiệm vụ hỗ trợ đã bị tổn thất 107 trực thăng và thiệt mạng 176 phi hành đoàn".

Sau năm 1975, đoàn quay phim của đài BBC sang Việt Nam làm phim về đường mòn Hồ Chí Minh, xin quay phim đường 9 - Nam Lào. Họ nhận xét: "Đây là một trận đánh có ý nghĩa quyết định của các ông để đẩy lùi quân Mỹ và từ đây bắt đầu quá trình thất bại của Đế quốc Mỹ trên chiến trường Việt Nam".

Hà Nội, 2 tháng 1 năm 2014.

Tống Văn Trinh sinh ở Châu Đốc (An Giang), tham gia cách mạng từ năm 1945, vào Đảng năm 1948. Nhiều năm ông hoạt động chủ yếu trong ngành Quân báo Khu 9, từng là Trưởng chi quân báo tỉnh Cần Thơ.

Sau Hiệp định Genève 1954, ông tập kết ra Bắc, được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ rồi được cử sang hoạt động ở Viêng Chăn (thủ đô nước Lào) từ năm 1959 cho đến khi nước Lào hoàn toàn giải phóng (2-12-1975). Sau khi về nước, ông chuyển ngành làm Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang cho đến khi nghỉ hưu năm 1988.

Với thành tích công tác trong nước và ngoài nước qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có huân chương của nước bạn Lào. Hiện nay, ông nghỉ hưu ở thành phố Cần Thơ…

Từ khóa » Tiểu Sử Tống Văn Trinh