​Ra Mắt Sách Về Nhà Tình Báo Tống Văn Trinh - Tuổi Trẻ Online

Tác giả Tống Quang Anh đang giới thiệu tập truyện ký về cha mình tại buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền

Chắc chắn mọi người đều ít nhiều thấy xa lạ với cái tên nhà tình báo này. Cũng đúng thôi, nghề tình báo làm sao mà “ồn ào” được.

Tống Văn Trinh (1923 - 2008) gia nhập lực lượng quân báo từ hồi còn ở quê nhà Châu Đốc, đến khi tập kết ra bắc, ông gia nhập lực lượng tình báo quân đội, được Cục 2 bấy giờ huấn luyện, và trở thành chiến sĩ tình báo với mật danh N.113.

Từ năm 1959 đến 1976, Tống Văn Trinh hoạt động ở Lào với nhiều bí danh trong nhiều “vai” như một nhà tình báo chiến lược.

Tập sách không đi sâu vào các chiến công, mà tác giả Tống Quang Anh đã dựa chủ yếu vào bản thảo tập hồi ký của cha mình, để viết nên tác phẩm truyện ký nhằm ghi lại cuộc đời hoạt động tình báo ở nước ngoài kéo dài đến 17 năm nhưng còn chưa mấy ai biết đến.

Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: L.Điền

Do vậy, Người tình báo thầm lặng không mang đến cho bạn đọc những điệp vụ dày đặc nhiều kịch tính, nhưng tách khỏi những tình tiết, lời thoại được hư cấu cho có chất văn chương, cuộc đời hoạt động của Tống Văn Trinh (hay cũng chính là Hai Tỷ, thầy Đan…) trong tập sách này chính là những thông tin quan trọng về mảng hoạt động tình báo của lực lượng cách mạng.

Những tháng ngày cắm trên đất bạn, tự thân vận động tạo việc làm cho mình, cho đồng đội, xây dựng cơ sở và bảo đảm thông tin kết nối với các Trung tâm của phía Việt Cộng… là những chất liệu cơ bản cho những ai theo đuổi đề tài nghiên cứu về hoạt động tình báo cách mạng Việt Nam.

Hiếm hoi trong tập sách là điệp vụ lấy được tư liệu về cuộc hành quân Lam Sơn 719 từ phía Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa tại Viêng Chăn, khiến cho thông tin về chiến dịch này lọt vào tay Bắc Việt trước khi chiến dịch mờ màn hơn một tháng.

Ngoài ra, còn những lá chắn tuyệt vời, những tư liệu về quân báo nam bộ hồi Cách mạng Tháng Tám hoạt động ra sao, cũng là những tư liệu đáng quý.

Từ khóa » Tiểu Sử Tống Văn Trinh