Điều Kiện Nhà đầu Tư Nước Ngoài đầu Tư Vào Việt Nam - Luật LawKey

Các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư vào Việt Nam ngày một gia tăng. Để đầu tư vào Việt Nam, Điều kiện đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là gì? Lawkey sẽ giúp quý khách hàng giải đáp thắc mắc ngay sau đây.

1. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam

Việt Nam trở thành điểm mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng đầu tư vào Việt Nam. 

Lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài xem là thế mạnh của Việt Nam là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Với tổng vốn đầu tư đăng  ký đạt trên 175 tỷ USD. 

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể vì những lý do sau:

– Tình hình an ninh, chính trị ổn định

– Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi giao thương với thế giới. Vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nền kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương.

– Việt Nam có lợi thế lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng với chi phí lao động rất cạnh tranh.

– với 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), là cơ hội tốt để kết nối Việt Nam với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực và thị trường thế giới.

– Thể chế, luật pháp và sự minh bạch của Việt Nam dần được hoàn thiện gắn với hội nhập. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài. Giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách thuận lợi.

2. Điều kiện đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư

Đây là các điều kiện mà nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh , nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư.

2.1. Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế.

Trừ những trường hợp sau đây:

  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc  hai trường hợp nêu trên, thì thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Xem thêm >>> Quy định về tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 

2.2. Điều kiện về hình thức đầu tư

Khi đầu tư vào Việt Nam có thể thực hiện đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp. 

Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam gồm:

– Đầu tư thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm: công ty 100% vốn nước ngoài hoặc công ty có một phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài (hay còn gọi là công ty liên doanh).

–  Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp công ty đã thành lập tại Việt Nam.

–  Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP.

–  Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Mỗi hình thức sẽ có những yêu cầu riêng.

Xem thêm >>> Các hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam 

2.3. Điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư

Đối với những ngành, phân ngành mà Việt Nam đã cam kết mà nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các điều kiện về đầu tư của ngành nghề đó thì Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Đối với những ngành, phân ngành dịch vụ chưa cam kết hoặc không quy định tại Biểu cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế về đầu tư nhưng pháp luật Việt Nam đã có quy định về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài thì áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam

2.4. Đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư

Nhiều ngành nghề kinh doanh khi lựa chọn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đó. Ví dụ lĩnh vực quảng cáo: 

Theo biểu cam kết gia nhập WTO, kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ.

Điều 40 Luật quảng cáo 2012, luật hóa cam kết này: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.”

Căn cứ vào các quy định này, nhà đầu tư nước ngoài không được tự do đầu tư kinh doanh lĩnh vực Quảng cáo mà chỉ được đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động quảng cáo.

3. Quy trình đăng ký đầu tư

Bước 1: Đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Trước khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, không căn cứ vào ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực đầu tư, tỷ lệ vốn nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ (tức từ 1% đến 100%) nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu từ chối cấp thì sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

Đối với hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp tại công ty Việt Nam đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký mua phần vốn góp với Sở Kế hoạch đầu tư mà không cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. 

Chỉ cần thực hiện thủ tục báo cáo sử dụng mẫu I.13 tại Thông tư số 16/2015/TT-BKHĐT. Nội dung báo cáo gồm: Tên dự án đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, ưu đãi đầu tư (nếu có).

Bước 2: Đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký thành lập công ty có vốn đầu nước.Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở. Sau 05 – 07 ngày làm việc, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư.

Trên đây là nội dung Điều kiện đầu tư áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam LawKey gửi đến bạn đọc. Để được hỗ trọ tư vấn về các quy định liên quan đến đầu tư, Quý khách hàng hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ. 

Từ khóa » Người Nước Ngoài đầu Tư Vào Việt Nam