Diều Sáo Việt Nam Truyền Thống Và Hiện đại - Thế Giới Di Sản

Lược sử phát triển

Từ bao đời nay, hình ảnh những chú bé ngồi trên lưng trâu thả Diều trong tranh dân gian Đông Hồ đã được coi như một biểu tượng của sự thanh bình của đất nước Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, thả Diều còn hàm chứa ý nghĩa tâm linh, khát vọng về ấm no hạnh phúc trong cuộc sống. Thú chơi Diều được phổ biến trên dải đất hình chữ S trải dài từ Bắc chí Nam đã rất lâu đời và mỗi vùng miền đều có những cánh Diều đặu Thcnủa người Khmer Nam Bộ với bộ phận phát âm bằng lá thốt nốt, Diều Kalang của người Chăm với hình dáng mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực (trời - đất, âm - dương, đực - cái), Diều Huế cầu kỳ với màu sắc sinh động với hình dáng loài vật (rồng, công, phượng, bướm…) nhưng phổ biến nhất đến nay vẫn là Diều Sáo của đồng bằng Bắc Bộ.

Người dân vùng châu thổ sông Hồng vốn tài hoa và lịch lãm lạị cư trú trên những vùng đất bờ bãi mênh mông, đường đê uốn lượn, gió lộng quanh năm dường như đã nâng cánh thêm cho những cánh Diều bay lên. Hầu như ở làng nào cũng có người chơi Diều và biết làm Diều, khoét sáo. Nhiều lễ hội thả Diều truyền thống được tổ chức hàng năm như : Bá Dương Nội (Hoài Đức, Hà Nội), Sáo Đền (Song An, Vũ Thư, Thái Bình), Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam)… Thả Diều sáo chủ yếu được thực hiện sau mùa gặt hoặc đầu mùa mưa để cầu mong trời quang mây tạnh, mưa thuận gió hòa, lũ lụt không xảy ra - một nguy cơ luôn tiềm ẩn nơi đây. Lúc bấy giờ người nông dân cần khô ráo để thu hái, phơi phóng thóc lúa đồng thời cũng tự thưởng cho mình những giây phút thảnh thơi nghe sáo Diều vi vu. Cánh Diều và tiếng sáo lúc này đã trở thành sứ giả đem đến những điều tốt đẹp trọn vẹn của mùa màng.

Với nhiều làng quê thì cánh Diều Sáo vô cùng đặc biệt bởi nó không chỉ đơn giản là một trò chơi dân gian có lịch sử lâu đời mà thông qua đó còn mang chở vô vàn truyền thuyết lãng mạn,  lý thú với nhiều ý nghĩa văn hóa đậm sắc Việt Nam và như để lý giải cho câu hỏi: Tại sao người Việt lại chơi Diều Sáo? Sâu xa hơn nó chính là chiều sâu tâm nguyện, mang theo triết lý sâu sắc của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.

Hiện nay bia ký và chính sử chưa giúp ta có câu trả lời chính xác cho sự ra đời của Diều Sáo Việt Nam. Nhưng nếu xem xét trên mức độ phổ biến trong dân gian hay tìm kiếm thông tin từ các nguồn sử liệu khác chúng ta có thể hình dung ra niên đại cho những cánh diều này. Hình cánh Diều trong những bộ tranh khắc ván Đông Hồ (Bắc Ninh) mà ở vào thời thịnh vượng nhất thì  có thể thấy Diều chí ít cũng đã có mặt vào khoảng thời gian trước thế kỷ XVI.  Tục thả Diều trong không gian lễ hội Sáo Đền (Thái Bình) nơi thờ bà Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao là có từ khi bà mất và còn tồn tại đến ngày nay thì Diều Sáo đã phổ biến ở nước ta từ trước thế kỷ XIV. Nếu câu chuyện truyền thuyết giải thích về tục thi Diều Sáo hiện nay ở làng Bá Dương Nội (Bá Giang) Hà Nội gắn với vị Thành hoàng Nguyễn Cả là xác đáng thì  Diều sáo đã có mặt ở đây hơn 1000 năm. Trong tác phẩm “Vân Đài Loại Ngữ” Mục IX - Vật phẩm (gồm 300 điều) năm 1773 nhà bác học Lê Quý Đôn viết về Diều rất rõ ràng:“Cái Diều giấy, tự Hàn Tín làm ra”(Điều 63) Ông cho biết: “Ngày nay người ta thả Diều giấy lên cao cho trẻ con ngửa mặt lên trông để cho nhiệt hỏa từ trong người trẻ tiết ra hơi thở” rồi nhận xét : “Xem đó ta đủ thấy cổ nhân làm đồ chơi nhỏ mọn như thế cũng có ý nghĩa lắm” (điều 62). Gần đây hơn là trong cuốn sách nổi tiếng “Kỹ thuật của người An Nam” ta thấy có đến 6 bức tranh về Diều và thả Diều với nhiều hình dáng Diều khác nhau. Phải nói thêm đây là cuốn sách in theo lối mộc bản gồm 348 trang in cỡ lớn (62x44 cm) trên chất liệu giấy dó, ghi lại cảnh sinh hoạt, lao động hằng ngày của người Việt vào khoảng đầu thế kỷ 20. Sách do ông Henri Oger (người Pháp) cùng một số họa sĩ, thợ khắc mộc bản, thợ in thực hiện tại Hà Nội từ năm 1808 - 1809. Trong số 6 bức thì có 2 bức mô tả cảnh thi Diều, điều đó càng chứng tỏ rằng tục chơi Diều đã phổ biến trong dân gian đến thế nào. Nếu xét về hình thức cánh Diều mang hình ảnh chiếc lá (một thân, cong nhọn hai đầu- khó bay ổn định) sẽ thấy ró nét tương đồng với Diều các nước trong khu vực (Đông Nam Á). Tuy nhiên giới chuyên môn thừa nhận giả thuyết cánh Diều Sáo Việt Nam ra đời sớm hơn các nước trong khu vực này và chính Diều Sáo chứ không phải loại nào khác là đặc trưng và tiêu biểu cho Diều Việt Nam.

 Trải qua một thời gian dài chiến tranh loạn lạc kinh tế khó khăn, thêm vào đó là sự du nhập tràn lan của các loại đồ chơi hiện đại nhập khẩu đã làm thú chơi tao nhã và đậm đà bản sắc dân tộc này bị lãng quên, mai một ít nhiều. Cùng với sự nhiệt tâm gắng sức của những người có tâm huyết, hiện nay ở nước ta, thú chơi Diều đang ngày càng được quan tâm. Nhiều luận văn nghiên cứu về Diều Việt Nam của các học giả trong nước và quốc tế được thực hiện. Các bài báo, phóng sự truyền hình... về Diều được đăng tải ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông. Các lễ hội truyền thống về Diều được khôi phục như ở Bá Dương Nội (Đan Phượng, Hà Nội); Sáo Đền (Song An, Vũ Thư, Thái Bình)... các liên hoan, hội thi Diều quy mô được tổ chức như Hội thi Diều ở Vũng Tàu, Hà Nội, Nam Định...Nhiều Câu lạc bộ Diều ra đời quy tụ hàng ngàn thành viên ở mọi lứa tuổi tham gia sinh hoạt. Bên cạnh đó, xuất hiện hàng chục ca khúc, hàng trăm bài thơ và nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc, điệu múa... nói tới hình tượng cánh Diều Sáo. Năm 2009, Liên hoan Diều quốc tế lần đầu tiên được tổ chức thành công ở Vũng Tàu, cánh Diều Sáo Việt Nam như được nâng cánh thêm bởi làn gió mới. Đặc biệt giới trẻ đã nhiệt tình đón nhận hưởng ứng và quay trở lại tiếp nối thú chơi này. Đó thực sự là tín hiệu đáng mừng cho việc chấn hưng văn hóa Diều Việt Nam.

Những bước đi trong kỹ thuật làm Diều Sáo

Từ xưa đến nay để có một chiếc Diều Sáo bay cao, ổn định với tiếng sáo du dương cần rất nhiều thời gian và người chế tác phải có đôi tay khéo léo.Tùy theo mức độ cầu kỳ, và hình dáng chế tác mà một chiếc Diều Sáo phải mất từ vài ngày đến cả vài tháng mới xong. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà chiếc Diều Sáo Việt cũng có những bước phát triển khác nhau. Về cơ bản Diều Sáo gồm 2 phần chính là Diều (vật mang chở) và sáo (vật tạo âm thanh). Người làm Diều Sáo xưa nay thường vẫn chỉ quan tâm chú ý đến phần “nghe” là sáo mà ít chú trọng đến phần “nhìn” là thân Diều trong việc chế tác. Cho đến mãi những năm gần đây người chơi vẫn chỉ làm ra những chiếc Diều đơn sơ, mộc mạc nếu như không muốn nói là đơn điệu và sơ sài. Ngược lại thì người chơi lại đặc biệt cầu kỳ, “khó tính” với mỗi chiếc/bộ sáo từ vật liệu đến tạo dáng hình và nhất là chỉnh âm thanh sao cho đạt đến độ tinh tế, hài hòa. Qua tìm hiểu khảo sát, chúng tôi nhận thấy đặc điểm địa lý tự nhiên cũng như địa văn hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến hình dạng và âm thanh của Diều Sáo ở mỗi địa phương khác nhau

Cánh Diều: Tuy có sự khác nhau ở mỗi vùng về tạo dáng nhưng các công đoạn làm một cánh Diều thì tương đối giống nhau là đều công phu từ cách chọn vật liệu và hoàn thiện. Khung Diều cần chắc và nhẹ nên phải được làm bằng những tay tre già, ít mấu, khi vót phải đều như đuôi chuột, gò khung phải cân rồi uốn đều như cánh cung. Giữ khung Diều là một “sống Diều” bằng tre cứng to bản, nhô dài ra hai bên khung. Mỗi vùng lại có “kinh nghiệm dân gian” riêng để chống mối mọt hay để Diều dễ bay hơn.

Hình dáng: được cho là truyền thống của Diều Sáo Việt chỉ có một thân mang dáng một con thuyền/ mảnh trăng lưỡi liềm hay như một chiếc lá và không có bộ phận đuôi. Để dễ phân biệt và nhận biết các nghệ nhân xưa thường gọi tên Diều gắn với các vật thân quen xung quanh như: Cánh Chanh (lá chanh); Cánh Muỗm (lá muỗm); Cánh Phản (to phẳng, không uốn cong); hay Cánh Cắt ( thuôn nhọn như cánh chim cắt)…Khung Diều sau khi được đẽo gọt cẩn thận được buộc chắc chắn và dùng các sợi dây nhỏ đan lưới hình mắt cáo hay bàn cờ để “gò” dáng cân đối đồng thời tăng thêm độ chiu gió và là “giá đỡ” cho phất (dán) giấy sau này. Loại Diều này đòi hỏi người làm phải kỳ công và khéo léo thì mới đảm bảo dễ bay và ổn định.

Về sau này để Diều dễ bay ổn định và có thể mang những bộ sáo lớn người chơi đã cải tiến thêm vào bộ phận đuôi. Đuôi Diều cũng có nhiều hình dạng khác nhau và cũng mang tính đặc trưng vùng miền. Có nơi chỉ gồm hai cánh tròn nhỏ cân đối hai bên xương sống Diều (còn gọi là “dái Diều”), có nơi thêm phần nối giữa đuôi và cánh Diều bằng thân Diều (có nơi gọi là “bẹn Diều”). Căn cứ vào mức độ phổ biến tại các vùng miền hiện tại chúng tôi tạm chia hình dáng Diều theo năm định dạng địa lý tiêu biểu như sau :  Diều Bá Giang (truyền thống); Diều Vĩnh Bảo; Diều Kiến Thụy; Diều Kinh Môn; Diều Thái Bình.

Gần đây nhiều loại vật liệu mới như sợi thủy tinh, fiber hay graphite carbon đã được đưa vào để giúp khung Diều mạnh mẽ và nhẹ nhàng hơn. Nếu trước đây cánh Diều Sáo Việt Nam chỉ bay trên cánh đồng làng do có bộ khung hình cố định, không thể di chuyển đi xa thì ngày nay những người chơi đã biết ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại để có những bộ khung Diều có thể tháo, gấp gọn lại nhưng vẫn đảm bảo hình dạng truyền thống và độ bền chắc như mong muốn. Qua đó giúp cho cánh Diều Sáo Việt Nam bay cao vươn xa đến với bạn bè ở khắp năm châu.

Áo Diều: cũng giống như khung được hoàn thiện bởi cả một công đoạn công phu, cầu kỳ gọi là phất Diều (dán/khâu/may Diều).

Diều xưa được phất hai mặt bằng giấy bản, giấy dó với chất kết dính là nhựa cậy (như làm quạt) rồi được phơi khô trong bóng râm để tránh nứt vỡ. Nhựa cây được đổ ra mâm rồi lấy giấy nhúng cho ướt đều để phất lên khung đã gò sẵn trước đó. Phất kiểu này khiến cho cánh Diều khi khô căng phẳng như mặt trống lại có thể chịu được mưa ẩm và không nấm mốc hay gián nhấm. Cách làm này cũng khiến cho Diều xưa chỉ có một tông màu đơn giản từ vàng tối đến nâu sẫm.

Sau này khi có các vật liệu mới người chơi đã thay thế bằng giấy bao bì, vải, màng nilon… và phất bằng hồ, keo dán hoặc khâu cố định lên khung. Màu sắc cũng được cải thiện đa dạng hơn.

Vài năm trở lại đây, khi đã có sự giao lưu với quốc tế thì một số nghệ nhân đã  sử dụng các vật liệu tiên tiến và chuyên dụng như vải dù, vải polyester vải rip-stop. Cùng với vật liệu là công nghệ may ống bằng máy giúp áo Diều siêu nhẹ và siêu bền có thể tháo lắp khỏi khung Diều dễ dàng và linh hoạt. Đồng thời cũng giúp cho những cánh Diều sáo hiện đại ngày càng trở nên rực rỡ, tinh xảo như những bức tranh ghép vải nghệ thuật mà vẫn giữ nguyên dáng vẻ truyền thống.

Sáo Diều: Khác hẳn với cánh Diều, có lẽ Sáo Diều đã không có sự thay đổi đáng kể nào kể từ khi nó ra đời. Có chăng nghệ nhân ngày nay cũng chỉ đưa máy móc, phụ liệu vào một vài công đoạn cho nhanh hơn mà thôi. Nó thực sự không đáng kể để có thể gọi là sự thay đổi hay cải tiến. Dù là xưa hay nay, chiếc Diều Sáo có “hồn” hay không  thì phần quan trọng nhất vẫn là cái/bộ sáo gắn trên nó. Các công đoạn làm Sáo Diều vẫn phải thủ công đòi hỏi nhiều công phu và đôi tay khéo léo mà người làm không khác gì nghệ sĩ thực thụ.

Phần ống sáo tốt phải được chọn từ cây nứa đốt dài, có nơi bỏ ruột chỉ lấy phần cật nhưng có nơi (phần nhiều) lại làm ngược lại. Chính giữa khoét một lỗ vuông thông qua thân ống tre, phía trong hai bên lỗ lấy tre hay gỗ nhẹ, mỏng bít lại bằng keo, hai đầu ống gắn hai miệng (còn gọi là bửng) sáo. Gỗ dùng để khoét miệng sáo phải là gỗ mít hoặc gỗ vàng tâm, thậm chí là dùng sừng trâu. Miệng sáo khoét một lỗ dài bằng đường kính trong của ống sáo nơi đây gió sẽ lọt vào, rung trong ống sáo rồi thoát ra cùng với âm thanh. Sáo nào có độ rung tốt gọi là “sáo ngân”, sáo nào không có độ rung, hoặc rung ít gọi là “sáo xổng”. Cái khó của người làm sáo là làm sao chỉnh cho hai bên miệng cân bằng và phát ra cùng một thanh âm đồng thời các sáo trên một dàn phải “ăn” tiếng với nhau tạo nên một hợp âm mong muốn. Âm thanh của một bộ sáo thường được các nghệ nhân “định vị” gắn với các âm thanh quen thuộc thường ngày như: tiếng chuông (chùa, nhà thờ); tiếng cồng; tiếng chiêng; tiếng ốc (tù và)… Gần đây cũng có người chỉnh âm sáo theo nhạc lý như: Hợp âm đô trưởng;: Hợp âm pha… Có sự khác nhau trong “gu” thưởng thức (âm sắc cao thấp, tiết tấu nhanh chậm…) và cách đánh giá âm thanh sáo Diều ở mỗi vùng nhưng tất cả đều đồng thuận rằng một bộ sáo hay phải có âm thanh “tròn vành rõ tiếng” không có tạp âm và phải có độ ngân tốt.

Cũng tùy sở thích mà có vùng chỉ ưa chơi sáo đơn (một ống) nhưng phần nhiều là chơi sáo dàn ( gồm 3, 5, 7 ống hoặc hơn). Kích cỡ các sáo trong một bộ ở mỗi nghệ nhân đều theo tỷ lệ nhất định và không hoàn toàn giống nhau nhưng đều phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Sáo lớn nhất được gọi là sáo cái.  Sáo được xâu lại bằng một thanh tre, buộc chặt với xương sống Diều. Tùy theo kích thước của mỗi chiếc Diều hay cấp độ gió nơi đâm/thả Diều mà người ta tạo/gắn cho nó một bộ sáo phù hợp hay còn gọi là “ Diều nào sáo ấy”. Một bộ sáo của Diều này gắn sang Diều khác có hình dáng kích cỡ khác nhau thì sẽ cho ra âm thanh khác nhau vì “hụt hơi” hoặc “thừa hơi”. Một bộ sáo thả trên vùng gió cấp 2 sẽ khác tiếng khi chơi ở nơi gió cấp 4. Chuyện chế tác từng chiếc sáo cho đúng cung bậc, hợp “khẩu vị” và chọn sáo cho hợp với Diều là cả một kỹ năng về âm nhạc đến tầm nghệ thuật không phải ai cũng làm được. 

Trên đường hội nhập quốc tế

Mới chỉ cách đây dăm năm bạn bè quốc tế còn hầu như chưa biết đến Diều sáo mà nhắc tới Văn hóa Diều Việt Nam họ luôn cho rằng đó là những cánh Diều Huế sặc sỡ, đậm dấu ấn cung đình. Mới chỉ ít năm trở lại đây thông qua nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, Diều Sáo Việt mới có dịp bay cao, bay xa từng bước hội nhập và phát triển nhờ vào sự đam mê khao khát, tìm tòi và sang tạo của những nghệ nhân tiêu biểu như: Nguyễn Thanh Vân (thành phố Hồ Chí Minh); Nguyễn Văn Cư (Huế); Nguyễn Hữu Kiêm (Hà Nội)… Nhưng đặc biệt phải nhắc tới ông Quan Hằng Cao - một kỹ sư điện tử sống và làm việc tại nước ngoài - người hiểu được giá trị văn hóa ẩn sâu trong nó, ông luôn trăn trở tìm cách đưa Sáo Diều Việt Nam ra nước ngoài, giới thiệu với bạn bè quốc tế. Ông là người đi tiên phong trong việc cải tiến những cánh Diều sáo truyền thống từ hình thức cho đến vật liệu và phương pháp chế tác. Nhưng Diều sáo truyền thống khung bằng tre buộc cố định dài 4 - 5m, rất khó vận chuyển đi xa, nhất là đưa lên máy bay nên sau một thời gian dài tìm hiểu các loại Diều trên thế giới rồi mày mò, nghiên cứu, tháo lắp, làm hỏng cả chục con Diều, ông Cao đã tìm ra phương pháp làm xương Diều gấp gọn lại được và lắp ghép lại hoàn chỉnh chỉ trong vài phút. Các điểm buộc cố định khung Diều trước đây được thay bằng các khớp tháo lắp bằng kim loại nhẹ và chắc chắn. Áo Diều được may bằng vải tốt (mỏng, nhẹ, bền, không co giãn) do đó loại bỏ được các loại dây buộc mà Diều vẫn giữ đúng dáng khi lắp lại. Để tạo thêm sức hút cho Diều ông đã tỷ mỉ may khảm lên Diều những họa tiết trang trí thậm chí là cả bức tranh sinh động, tinh xảo bằng những miếng vải mầu ghép lại. Diều sáo giờ đây đã được nâng tầm trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực thụ gồm hình ảnh sống động, âm thanh du dương, kết cấu bền chắc và sử dụng thuận tiện, dễ dàng. Tiếng Sáo Diều đặc trưng ngân nga, quyến rũ luôn làm bè bạn quốc tế kinh ngạc, thán phục tại bất kỳ lễ hội nào có đoàn Việt Nam tham dự là một thành công lớn khiến ông Cao rất đỗi tự hào.

 Người ta bắt đầu nhắc đến Diều Sáo Việt Nam trong mỗi lễ hội Diều quốc tế được tổ chức trên thế giới. Nhiều bảo tàng trên thế giới đã sưu tầm trưng bày Diều Sáo Việt Nam. Từ “Diều Sáo” đã không cần phải dịch ra ngôn ngữ khác mà bạn bè  quốc tế vẫn có thể hiểu được. Năm 2011 hai chuyên gia người Đức đã sang Việt Nam nghiên cứu về tiếng sáo Diều và quả quyết rằng: “Tiếng Sáo Diều tựa như tiếng đàn phong cầm trong các nhà thờ (thiên chúa giáo) có thứ âm thanh mang tính tự nhiên khiến người nghe có thể nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, có thể dùng làm phương pháp trị liệu trong y học. Diều Sáo của Việt Nam thực sự là một di sản văn hóa quý giá không nước nào có được”.

Lê Thanh Bình

Từ khóa » Diều Việt Nam