Hành Trình đưa Cánh Diều Việt Nam Ra Thế Giới

Thả diều từ lâu đã trở thành một thú chơi dân dã, thanh tao của người Việt. Ngay cả bây giờ, khi không gian cho những cánh diều bay đã bị thu hẹp dần bởi trùng điệp dây điện chăng và nhà cao tầng thì thú chơi ấy vẫn cứ đầy sức cuốn hút. Và không có gì là ngạc nhiên khi có nhiều người say diều, mê diều đến quên ăn quên ngủ. Trong số đó còn có cả những người đã gắn bó cả đời với tiếng sáo diều vi vu để rồi không quên gửi hồn Việt vào con diều sáo mang giới thiệu với bạn bè năm châu.
Hành trình đưa cánh diều Việt Nam ra thế giới 1

Thú chơi diều có ở nhiều nước trên thế giới nhưng Việt Nam là nước duy nhất mà người xem có thể vừa được ngắm cánh diều bay lại được nghe tiếng sáo. Chính vậy nên diều sáo Việt Nam luôn được bạn bè quốc tế quan tâm và đón nhận. Năm 2010, tại Festival diều quốc tế tổ chức tại miền Bắc nước Pháp, Việt Nam tham dự với con diều mang hình ảnh chú Tễu. Cùng với tiếng sáo diều vi vu, con diều của Việt Nam nổi bật trên nền trời xanh khiến tất cả du khách và người dân xung quanh không khỏi ngẩn ngơ. Đó là lần đầu tiên người Pháp được nghe thấy tiếng sáo diều của Việt Nam. Tiếng sáo diều cuốn hút tới độ cả đêm, người ta mở cửa ban công chỉ để ngước lên bầu trời và chìm trong âm thanh tự nhiên như tiếng gọi của đất trời.Người đã cất công đem diều sáo Việt sang Pháp năm ấy là ông Quan Hằng Cao, thành viên Hiệp hội Diều thế giới và Hiệp hội Diều Đông Nam Á. Ông cũng chính là người đã mang Festival diều quốc tế về tổ chức định kỳ tại Vũng Tàu. Chia sẻ về việc làm của mình, ông Cao bảo: “Tôi đã có trên 30 năm sống và làm việc tại nước ngoài. Mỗi khi tham gia các festival diều quốc tế, Việt Nam thường được nhắc đến với diều sáo - con diều với thứ âm thanh giúp người nghe được nghỉ ngơi, thư giãn và chữa bệnh tinh thần. Nghe tiếng vậy nhưng người ta chưa từng được tận mắt thấy diều sáo của Việt Nam. Bởi vậy, tôi luôn trăn trở làm sao để có thể đưa diều sáo của nước ta ra thế giới”. Nung nấu ý định từ cách đây 20 năm nhưng để đưa được con diều sáo của Việt Nam ra khoe với thế giới quả không phải chuyện đơn giản. Đó là một hành trình dài tốn không ít công sức, tiền của mà nếu không thật sự yêu diều, say diều và tâm huyết với diều thì chắc chắn sẽ phải bỏ dở giữa chừng.

Hành trình đưa cánh diều Việt Nam ra thế giới 2 Ông Quan Hằng Cao say sưa bên những cánh diều.Hành trình đưa cánh diều Việt Nam ra thế giới 3Những cánh diều do ông Cao chế tác.

Diều truyền thống Việt Nam đều được làm bằng tre nên không thể gấp lại được. Trong khi đó, muốn đưa ra thế giới thì yêu cầu diều phải gọn, nhẹ để tiện vận chuyển. Không lẽ lại mang mấy chiếc diều con nít giới thiệu tới bạn bè quốc tế? Nghĩ vậy nên ông bắt đầu mày mò tìm cách để làm sao lắp ghép được diều. Phải mất 6 tháng trời tìm hiểu các tài liệu và áp dụng những kĩ thuật mới trong việc chế tác diều, ông mới có được sản phẩm đầu tiên là con diều có kích thước 1,5x4,5m nhưng khi gấp lại chỉ như một chiếc ô. Lúc bung ra, diều vẫn đảm bảo những yêu cầu kĩ thuật cơ bản, có thể bay cao, đỗ lâu như bất cứ một con diều truyền thống nào. Những con diều lắp ghép này đã theo ông tham dự nhiều festival diều quốc tế từ năm 2004 và luôn nhận được sự hoan nghênh, cổ vũ nhiệt tình của bạn bè quốc tế.

Diều truyền thống của Việt Nam vốn khá đơn giản về kiểu dáng và màu sắc, chủ yếu tập trung vào hai loại là diều cánh cung và cánh tiên, thường làm bằng giấy xi măng hay giấy báo, nilon... Trong khi đó, các cuộc thi diều trên thế giới hằng năm đều được tổ chức theo chủ đề, rất chú trọng đến việc lột tả được những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên cánh diều. Nghĩ đến nét đặc trưng của làng quê Việt là tranh Đông Hồ, ông Cao lại cất công về Bắc Ninh để nhờ nghệ nhân in hình trên cánh diều. Nhưng tranh Đông Hồ được in trực tiếp từ các bản khắc gỗ trên giấy dó, chỉ có những kích cỡ nhất định. Với con diều to thì không thể nào in tràn toàn bộ hình lên được. Hơn nữa, cũng không thể vẽ hình lên cánh diều. Không chịu dừng bước, ông quyết tâm mày mò tìm cho bằng được cách in hình ảnh lên cánh diều. Lúc đầu, ông chụp hình tranh Đông Hồ, phóng to rồi mang in lên cánh diều nhưng cách làm này không cho kết quả như mong muốn. Hình ảnh làm ra bị nhòe nhoẹt, thiếu sắc nét. Bỏ đi và lại bắt đầu với cách làm khác, qua không ít thất bại, cuối cùng, sau 2 năm, ông đã tìm ra đường đi cho mình. Thay vì in hình trên cánh diều, ông lấy luôn bức tranh Đông Hồ về đám cưới chuột đã in trên vải và tỉ mẩn cắt từng chi tiết rồi cặm cụi ngồi khâu lên cánh diều... Không chỉ làm ra những con diều in hình ảnh tranh Đông Hồ, ông còn sáng tạo ra nhiều kiểu dáng diều mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam như diều đầu rồng cho dịp lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, diều chú Tễu, diều hình lá cờ ngũ sắc thể hiện quan niệm về phong thủy...

Thành công với con diều lắp ghép mang hồn Việt nhưng vẫn còn một điều ông không khỏi băn khoăn - đó là bộ phận cuộn dây diều. Nếu người Mỹ sử dụng cái vô-lăng cuốn thể hiện sự nhanh gọn, tiện ích; người Đức sử dụng vòng tròn chia rãnh thể hiện sự khỏe khoắn... thì Việt Nam vẫn chưa có một sản phẩm nào đặc trưng, chủ yếu dùng các vật dụng bỏ đi như miếng gỗ, ống bơ... thay thế. Sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, chợt nhớ đến câu thơ “Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân”, một ý nghĩ đã lóe lên trong đầu ông. Lần đầu, ông đem ý tưởng của mình đến nhờ một thợ mộc lành nghề trên phố cổ Hà Nội nhưng sản phẩm làm ra không ưng ý. Lần thứ hai, ông nhờ đến một thợ khác ở Giáp Bát (Hà Nội), sản phẩm có khá hơn nhưng ông vẫn thấy chưa thỏa. Cuối cùng, được bạn bè mách có anh thợ giỏi ở Hà Đông, ông bèn đến gặp và nói rõ ý tưởng của mình. Sau vài ngày quay lại, ông đã có được bộ phận giữ dây diều như ý...

Hành trình để có thể mang diều Việt ra thế giới quả thật kì công. Nhưng với ông Cao, mọi cố gắng nỗ lực của ông để thế giới biết đến diều sáo Việt Nam cuối cùng cũng nhằm để củng cố và phát triển một nghề thủ công lâu đời, để giữ lại một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt

Ngọc Trịnh

Từ khóa » Diều Việt Nam