Điều Trị Bằng Thuốc ARV - Dự Phòng Lây Nhiễm HIV
Có thể bạn quan tâm
Điều trị thuốc kháng HIV cho người nhiễm HIV có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV cho người khác Hiện đã có nhiều bằng chứng khoa học xác nhận rằng một người nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) và khi đạt tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Không đáng kể ở đây được hiểu là: quá nhỏ bé hoặc không quan trọng, không đáng để xem xét hoặc không có ý nghĩa. Tải lượng vi rút không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Điều này có ý nghĩa rằng, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.
Tuyên bố trên do Cộng đồng y khoa và khoa học toàn cầu đi tiên phong trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 9 về AIDS tại Paris tháng 7 năm 2017. Họ công bố rằng “một mức tải lượng vi rút HIV không phát hiện được có nghĩa là HIV không còn khả năng lây truyền”. Công bố trên được Tiến sĩ Julio Montaner tuyên bố trên dựa trên ba nghiên cứu khác nhau:
Nghiên cứu thứ nhất được thực hiện trên 1.763 cặp dị nhiễm HIV ở châu Phi, châu Á và Mỹ (cặp dị nhiễm tức là 1 người nhiễm HIV còn 1 người không nhiễm HIV) trong thời gian từ năm 2005 đến 2015. Trong số này có tới 97% quan hệ tình dục khác giới. Năm 2011, khi đánh giá sơ bộ cho thấy khi nhóm điều trị ARV có thể giảm nguy cơ lây truyền HIV qua bạn tình tới 96%. Đây cũng là cơ sở khoa học cho hướng dẫn “điều trị là dự phòng (TasP)”. Tại báo cáo đánh giá cuối kỳ vào năm 2016 đã kết luận: “Không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV khi bạn tình nhiễm HIV của họ có tải lượng HIV-1 bị ức chế liên tục – tức dưới 200 bản sao/ml máu”.
Nghiên cứu thứ hai thực hiện trên 1.166 cặp dị nhiễm HIV ở 14 nước châu Âu và bắt đầu thực hiện năm 2010 ở cả các cặp quan hệ tình dục khác giới và đồng tính nam. Nghiên cứu này tập trung nghiên cứu nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đường âm đạo và hậu môn mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) khi bạn tình nhiễm có tải lượng HIV <200 bản sao/ml máu. Đánh giá sơ bộ năm 2016 với 1.238 cặp-năm ở những người nhiễm có tải lượng HIV <200 bản sao/ ml và không sử dụng bao cao su; không dùng PrEP với gần 58.000 lượt quan hệ tình dục không dùng bao cao su cũng cho thấy “Không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV trong 1.238 cặp-năm”.
Nghiên cứu thứ ba được thực hiện trên 358 cặp dị nhiễm HIV ở Úc, Brazil và Thái Lan từ năm 2012 trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Năm 2016, khi đánh giá sơ bộ với 591 cặp-năm và tổng số 16.889 lượt quan hệ tình dục không dùng bao cao su khi bạn tình nhiễm HIV có tải lượng HIV <200 bản sao/ml và gần 12.000 lượt quan hệ tình dục không dùng bao cao su khi bạn tình âm tính không dùng PrEP cũng cho thấy: “Không có trường hợp nào bị lây nhiễm HIV từ bạn tình nhiễm HIV khi họ có tải lượng HIV <200 bản sao/ml) và không dùng bao cao su hay PrEP”. “...Điều này có nghĩa là khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang bạn tình HIV âm tính.”.
Tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện ở đây được định nghĩa là nhỏ hơn 200 bản sao/ml máu. Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC) kết luận: Người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên CDC cũng nhấn mạnh: “Tùy thuộc vào loại thuốc điều trị có thể phải mất đến 6 tháng để đạt mức tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Tải lượng HIV được ức chế liên tục và đáng tin cậy đòi hỏi phải người bệnh phải được sử dụng loại thuốc phù hợp và tuân thủ điều trị tốt. Việc đo tải lượng HIV cần được theo dõi định kỳ để đảm bảo lợi ích sức khỏe người bệnh và sức khỏe cộng đồng”.
Một điều cũng đáng lưu ý là: Tải lượng vi rút HIV không phát hiện được chỉ ngăn ngừa lây truyền HIV sang các bạn tình chứ không ngăn ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai… trong khi bao cao su có thể giúp ngăn ngừa lây truyền HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và ngăn ngừa việc có thai. Do vậy, CDC cũng khuyến cáo: Việc lựa chọn phương pháp dự phòng HIV có thể khác nhau tùy thuộc vào hành vi quan hệ tình dục, hoàn cảnh và các mối quan hệ của một người. Ví dụ, nếu có ai đó quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc trong mối quan hệ không phải là một vợ một chồng, họ có thể cân nhắc sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt, hoặc dùng thuốc ARV theo đơn đã kê của thầy thuốc có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì ức chế tải lượng vi rút.
Vậy một người có H khi đã đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml) sẽ không cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm. Câu trả lời là: Nếu bạn muốn ngừng sử dụng bao cao su, điều quan trọng là thảo luận cẩn thận với bạn tình và đảm bảo rằng họ cũng cảm thấy thoải mái với quyết định đó.
Điều quan trọng cần nhớ là mặc dù tải lượng vi rút không phát hiện được sẽ ngăn việc lây truyền HIV, nhưng nó không bảo vệ bạn khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cũng như mang thai ngoài ý muốn.
Vậy một người đang dùng bao cao su hay dùng thuốc ARV dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) có nên dừng không khi bạn tình có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện? Câu trả lời là: Một số người có thể sử dụng một số chiến lược dự phòng HIV vì nhiều lý do khác nhau như dùng bao cao su hay PrEP ngay cả khi họ đạt được tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế để giảm lo lắng về nguy cơ lây truyền, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, phòng tránh mang thai, hoặc nếu người bạn tình nhiễm HIV có tiền sử không tuân thủ điều trị ARV. Do vậy điều đó tùy thuộc vào quyết định sáng suốt của bạn.
Sự kiện “Khởi động Chiến dịch K=K tại Hà Nội”
Một vấn đề nữa cần lưu ý là: Không phát hiện = Không lây truyền” chỉ có ý nghĩa dự phòng với lây truyền HIV qua đường tình dục. Thông điệp này không áp dụng với lây truyền HIV qua dùng chung kim tiêm khi tiêm chích. Do vậy ngay cả người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế vẫn phải sử dụng bơm kim tiêm sạch và không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích. Tại Việt Nam, Chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền đã triển khai rộng rãi trong toàn quốc. Hiện nay hơn 125.000 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV. Trong số đó có khoảng 95% có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV ra cộng đồng. Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV sau phơi nhiễm HIV (PEP) Thuốc ARV từ lâu đã được sử dụng để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP). Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm là biện pháp giảm nguy cơ nhiễm HIV nhờ vào tác dụng của thuốc kháng virus – ARV. Các nghiên cứu về nhiễm HIV cấp tính cho thấy việc nhiễm HIV có thể không xảy ra ngay lập tức, mà có một thời gian kéo dài khoảng 2-3 ngày sau khi phơi nhiễm với HIV trước khi có mặt của HIV ở trong máu, đánh dấu thời điểm “chính thức” nhiễm HIV. Trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội” này, thuốc kháng vi rút có thể phòng ngừa nhiễm HIV bằng cách khống chế sự sinh sản của HIV, cô lập và đào thải những tế bào đã bị nhiễm HIV ra khỏi cơ thể. Những nghiên cứu khoa học thực nghiệm cũng cho thấy hiệu quả đáng tin cậy của phương pháp này với hiệu quả bảo vệ vào khoảng 90- 95%. Hiệu quả của phương pháp này giảm dần theo thời gian, và được cho là có ít hoặc không còn giá trị nếu sử dụng thuốc ARV sau 72 giờ. Như vậy, phương pháp này sử dụng trong những tình huống mới phơi nhiễm với HIV trong môi trường nghề nghiệp như thầy thuốc bị phơi nhiễm với HIV do kim tiêm đâm, dao mổ dính máu người nhiễm HIV cứa vào tay. Cũng có thể sử dụng điều trị dự phòng ngoài môi trường nghề nghiệp như: quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su, bị rách bao khi quan hệ …. Ngay khi phơi nhiễm, cần nhanh chóng xử lý vết thương nếu có (với môi trường nghề nghiệp) và tiếp cận với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV để tư vấn và được cung cấp điều trị PEP nếu có chỉ định.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) Phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cũng dựa trên tác dụng khống chế vi rút HIV của thuốc ARV. Khác với điều trị sau phơi nhiễm chỉ sử dụng thuốc sau khi có tiếp xúc nghi ngờ, phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đòi hỏi người sử dụng phải uống liên tục mỗi ngày thuốc ARV với mục đích duy trì nồng độ thuốc ARV trong máu ở mức có hiệu quả bảo vệ khỏi sự xâm nhập của HIV. Những nghiên cứu lâm sàng đánh giá hiệu quả của phương pháp này cho thấy hiệu quả bảo vệ có thể đạt đến khoảng trên 80% nếu tuân thủ nghiêm ngặt.
Sự kiện “Khởi động PrEP tại Việt Nam”
Hiện phương pháp này đang được mở rộng tại Việt Nam với hơn 6.000 người đang được điều trị dự phòng PrEP và dự kiến sẽ tăng nhanh và mở rộng ra tất cả các tỉnh thành phố trong cả nước. Hiện biện pháp này đang áp dụng tập trung trên những nhóm nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, người mại dâm, bạn tình âm tính của người có H... Đây được xem là một lựa chọn trong các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV.
BP
Từ khóa » Hiv Kéo Dài Bao Lâu
-
Giai đoạn Cửa Sổ Của HIV Kéo Dài Bao Lâu? | Vinmec
-
HIV Biểu Hiện Bệnh Sau Bao Lâu? | Vinmec
-
[HIV] Thời Kỳ Cửa Sổ Thường Kéo Dài Trong Bao Lâu? - Hello Bacsi
-
Giai đoạn Cửa Sổ Của HIV Kéo Dài Bao Lâu? Triệu Chứng Sớm Của HIV?
-
Sưng Hạch Bạch Huyết HIV Sẽ Kéo Dài Trong Bao Lâu? - Galant Clinic
-
Giai đoạn Cửa Sổ HIV Là Gì? Kéo Dài Trong Bao Lâu?
-
Bệnh HIV Bao Lâu Thì Phát Bệnh, Khi Nào Bệnh Nhân Có Triệu Chứng?
-
Bạn Cần Biết Xét Nghiệm HIV Bao Lâu Có Kết Quả Chính Xác | Medlatec
-
Giai đoạn Cửa Sổ HIV Có Triệu Chứng Gì, Xử Lý Ra Sao Nếu Bị Nhiễm
-
Giai đoạn Cửa Sổ Của HIV Kéo Dài Bao Lâu? - Mới Nhất 2022
-
Người Bị Nhiễm HIV Không điều Trị Sống được Bao Lâu?
-
Triệu Chứng Nhiễm Hiv
-
Nhiễm Trùng HIV/AIDS ở Người - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
Bệnh Do Vi Rút Gây Ra Hội Chứng Suy Giảm Miễn Dịch Mắc Phải ở ...