Điều Trị Loét Và Ung Thư Miệng - Bệnh Viện FV

Loét miệng và họng là do các tế bào tăng trưởng nhanh chóng trong niêm mạc miệng và họng vốn rất nhạy cảm với tác động của hóa trị và xạ trị. Các vết loét gây đau và viêm có thể hình thành bên trong miệng, bao gồm trên lưỡi, nướu, sau họng và môi. Loét miệng có thể liên quan đến tình trạng khô miệng.

Loét miệng còn được gọi là viêm niêm mạc miệng hoặc viêm miệng. Những thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau. Viêm niêm mạc là thuật ngữ chung dùng để mô tả tình trạng viêm của lớp niêm mạc ở miệng, họng, thực quản và ruột. Tình trạng viêm xuất hiện bên trong miệng được gọi là viêm niêm mạc miệng, viêm các mô bên trong miệng, bao gồm nướu, lưỡi, má và môi được gọi là viêm miệng.

Sự khó chịu do loét miệng gây ra có thể từ mức độ nhẹ và dễ điều trị đến nặng. Loét miệng có thể gây đau khi ăn, uống và nuốt. Tình trạng này có thể nặng đến mức gây ảnh hưởng đến việc điều trị và khả năng duy trì dinh dưỡng tốt. Đôi khi cần phải giảm hoặc tạm ngưng liều hóa trị hoặc xạ trị. Nhân viên y tế sẽ thực hiện các bước để kiểm tra, ngăn ngừa và xử trí loét miệng. Chuyên gia dinh dưỡng cũng có thể đề nghị các phương pháp xử trí loét miệng và cách thức duy trì dinh dưỡng khi việc ăn uống bị ảnh hưởng.

Việc phát hiện sớm và xử trí tốt tình trạng loét miệng là rất quan trọng nhằm ngăn ngừa chuyển biến xấu và giảm nguy cơ ngừng điều trị.

NGUYÊN NHÂN

Đường tiêu hóa bao gồm miệng, họng, thực quản và ruột. Niêm mạc là lớp màng bên trong đường tiêu hóa. Lớp niêm mạc này chứa các tế bào phân chia nhanh chóng giúp bảo vệ bên trong cơ thể và giữ ẩm. Loét miệng xảy ra khi việc điều trị ung thư gây tổn thương các tế bào này và ngăn ngừa chúng sinh sản. Điều này gây khó khăn cho các tế bào thực hiện chức năng tự phục hồi và bảo vệ bên trong miệng và họng. Kết quả là, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng viêm để cố gắng bảo vệ mình.

Có nhiều loại thuốc hóa trị có thể gây loét miệng. Điều này xảy ra khi dùng liều cao hơn hoặc thường xuyên hơn. Ví dụ, việc dùng 5-fluorouracil (5-FU) hàng tuần được xác định là nguyên nhân gây loét miệng.

Xạ trị vùng đầu và cổ cũng có thể gây loét miệng, họng và thực quản. Những tổn thương này xuất hiện trong tuần xạ trị thứ 3 hoặc thứ 4 và tăng lên khi đang tiến hành xạ trị. Việc điều trị dự phòng nên thực hiện từ khi bắt đầu xạ trị nhằm trì hoãn và giảm mức độ tổn thương. Tổn thương sẽ phục hồi từ từ sau khi kết thúc xạ trị, vì vậy nên tiếp tục súc miệng cho đến khi lành hoàn toàn.

Bệnh nhân đang điều trị bệnh lý huyết học ác tính có nguy cơ loét miệng cao hơn.

Loét miệng thường gặp ở người trẻ tuổi và người già đang điều trị ung thư.

Uống rượu và hút thuốc làm khô lớp niêm mạc trong miệng và có thể làm tăng nguy cơ loét miệng. Việc vệ sinh răng miệng kém và mang răng giả không vừa vặn cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về miệng, bao gồm loét miệng.

TRIỆU CHỨNG

Các triệu chứng loét miệng và họng có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân và các yếu tố khác. Các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở niêm mạc miệng, sau đó ở nướu và họng. Sau khi bắt đầu điều trị từ 5 đến 14 ngày, các triệu chứng này có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào nhưng thường là tạm thời và tự khỏi sau khi kết thúc điều trị một vài tuần.

Từ khóa » Viêm Họng Lở Loét