Dinh Độc Lập – Dấu ấn Lịch Sử Tháng Tư - Tạp Chí Kiến Trúc
Dinh Độc Lập là một công trình kiến trúc đặc sắc, một di tích lịch sử đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh.
Khởi nguyên, tại vị trí Dinh Độc Lập bây giờ là một dinh thự của Thống đốc Nam Kỳ, có tên là Dinh Norodom, được xây dựng từ năm 1868, theo lối kiến trúc cổ điển phương tây và được hoàn thành vào năm 1871.
Năm 1954, sau thất bại tại Điện Biên Phủ, Pháp buộc phải ký hiệp định Genève và rút quân khỏi Việt Nam. Đất nước tạm thời bị chia cắt ở vĩ tuyến 17 (Quảng Trị) với hai chính quyền: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở phía bắc và Quốc gia Việt Nam, sau là Việt Nam Cộng hoà ở phía nam.
Ngày 7/9/1954, Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện chính phủ Pháp và đại diện chính quyền Sài Gòn là thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm. Ngày 8/9/1954, Ngô Đình Diệm đã đổi tên Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập. Từ đó Dinh Độc Lập thành nơi ở và làm việc của gia đình thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm, và sau trở thành tổng thống Việt Nam Cộng hoà.
Năm 1962, Dinh Độc Lập bị phá huỷ nặng trong một cuộc không kích của phe đảo chính. Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm quyết định phá bỏ công trình này và xây dựng một Dinh Độc Lập mới trên nền đất cũ rộng khoảng 12 ha ở trung tâm Sài Gòn. Dinh Độc lập mới được xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã.
Đây là công trình kiến trúc hiện đại lớn nhất của Việt Nam thời bấy giờ tính cả ở hai miền Nam – Bắc. Trong đồ án thiết kế của mình, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp khéo léo giữa phong cách kiến trúc hiện đại phương tây với những giá trị truyền thống Á Đông, tinh thần dân tộc. Cũng như Dinh Norodom trước đó, công trình là nơi ở và làm việc của gia đình tổng thống, cũng là cơ quan ngoại giao cấp cao của chính quyền Việt Nam Cộng hoà.
Dinh Độc Lập mới được khởi công ngày 1/7/1962; do tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ra quyết định khởi dựng. Tuy nhiên, ngày 2/11/1963, Ngô Đình Diệm bị ám sát do đảo chính. Công trình vẫn tiếp tục được thi công; và khánh thành ngày 31/10/1966 với sự chủ toạ của trung tướng Nguyễn Văn Thiệu – Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo Quốc gia và thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ – Chủ tịch Uỷ ban hành pháp Trung ương. Từ đó, Dinh Độc Lập gắn liền với những sự kiện chính trị của chính quyền VNCH và gia đình tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – người giữ vị trí tổng thống lâu nhất sau thời Ngô Đình Diệm. Hai tổng thống kế nhiệm là Trần Văn Hương và Dương Văn Minh chỉ ở đây những ngày ngắn ngủi tháng 4 năm 1975.
Dinh Độc Lập cao 26m, có diện tích xây dựng 4500m2; diện tích sử dụng khoảng 20.000m2, gồm tầng hầm, tầng trệt, 3 tầng chính, 2 gác lửng và 1 sân thượng với khoảng 100 phòng được trang trí nội thất khác nhau. Công trình có các phân khu: Khu làm việc của tổng thống và chính quyền, khu ở của gia đình tổng thống, khu vực phụ trợ (nhà kho, bếp, nhân viên) và hệ thống hầm trú ẩn cùng các phòng thông tin, tác chiến trong trường hợp xảy ra chiến sự liên quan trực tiếp tới dinh. Hệ thống hầm này có thể chịu được trọng pháo và bom hạng nặng.
Nguyên vật liệu chính để xây dựng công trình gồm 12.000m3 bê tông, 200m3 gỗ quý, 2.000m2 kính cho hệ thống cửa, 4.000 ngọn đèn các loại… Công trình cũng ứng dụng nhiều loại vật liệu mới, công nghệ mới, hiện đại thời bấy giờ như thang máy, kính cường lực khổ lớn, hệ thống thông gió, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc… Về mặt kiến trúc, công trình là một tác phẩm xuất sắc của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, với giá trị khoa học và thẩm mỹ cao. Đặc biệt, mặt tiền dinh được tranh trí bằng những lam bê tông hình đốt trúc mang âm hưởng dân tộc và tạo nên nét riêng biệt, độc đáo của công trình.
Ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 390 của quân giải phóng đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập tiến vào trong, đánh dấu thời điểm thất thủ của quân đội VNCH. Vào hồi 11h30’, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam được kéo lên thay lá cờ của VNCH trên nóc Dinh Độc Lập. Trong phòng khánh tiết của Dinh, nội các tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Chính quyền Việt Nam Cộng hoà chính thức sụp đổ. Cuộc chiến tranh 20 năm kết thúc, miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Tháng 11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc cũng đã ra tại đây, là tiền đề cho cuộc tổng tuyển cử của Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra tháng 4/1976 để ra đời nhà nước thống nhất mang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, Dinh Độc Lập còn được gọi với tên mới là Hội trường Thống Nhất, song với nhiều người, cái tên Dinh Độc Lập đã trở thành quen thuộc. Và thực tế chưa có văn bản chính thức nào của nhà nước đổi tên công trình này.
Ngày nay, Dinh Độc Lập, hay Hội trường Thống Nhất là nơi hội họp của Chính phủ, nơi tiếp đón nghi lễ ngoại giao khu vực phía nam; nơi tổ chức tang lễ cho cán bộ lãnh đạo cấp cao ở phía nam và cũng là điểm tham quan thu hút của TP Hồ Chí Minh.
Dinh Độc Lập đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ ngày 25/6/1976. Ngày 12 tháng 8 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.
Dinh Độc Lập – công trình biểu tượng của chế độ Việt Nam Cộng hòa một thời đã trở thành chứng nhân lịch sử, là nơi ghi dấu ấn hòa bình, là biểu tượng của sự hòa hợp, thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập là một bảo tàng kiến trúc tiêu biểu một thời, cũng là niềm tự hào về kiến trúc – xây dựng của người Việt Nam.
Hà Thành – TCKT.VN © Tạp chí kiến trúc
Từ khóa » Dinh độc Lập Xây Dựng Năm Nào
-
Dinh Độc Lập - Nơi Lưu Giữ Một Phần Lịch Sử Sài Gòn - Klook Blog
-
Lịch Sử Dinh Độc Lập
-
Dinh Độc Lập – Wikipedia Tiếng Việt
-
Di Tích Lịch Sử Dinh Độc Lập - Cục Di Sản Văn Hóa
-
Dinh Độc Lập - Di Tích Lịch Sử Nổi Tiếng Sài Gòn - Vinpearl
-
Dinh Độc Lập được Xây Năm Nào, Rộng Bao Nhiêu? - Tiền Phong
-
Chuyện ít Người Biết Về Dinh Độc Lập
-
Du Lịch Dinh Độc Lập - Chứng Nhân Lịch Sử Trăm Năm Sài Gòn
-
Dinh Độc Lập - Dấu ấn Lịch Sử Tháng Tư
-
Dinh Độc Lập - Wikiwand
-
Dinh Độc Lập Và Những Biến Cố Lịch Sử ở Sài Gòn - VnExpress
-
Những điều ít Biết Về Dinh Thống Nhất - Công An Nhân Dân
-
Lịch Sử Thăng Trầm Của Dinh Độc Lập - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
40 Năm Dinh Độc Lập - Tuổi Trẻ Online