Định Hướng Chiến Lược địa Chất, Khoáng Sản Và Công Nghiệp Khai ...

Ảnh minh họa.

Kế hoạch quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết số 10-NQ/TW, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản và ngành địa chất, công nghiệp khai khoáng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự phối hợp của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt, trung và dài hạn.

Mục tiêu tổng quát là tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng cho phát triển KT-XH các địa phương và của tỉnh, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, bản đồ địa chất khoáng sản (tỷ lệ 1/50.000) trên địa bàn được lập đạt từ 80% diện tích trở lên; hoàn thành điều tra, đánh giá, xác định cấu trúc địa chất, trữ lượng và khoanh định khu vực có triển vọng về khoáng sản. Cấp phép khai thác các điểm mỏ khoáng sản theo quy hoạch đảm bảo đáp ứng 60 - 75% nhu cầu nguyên liệu đất sét gạch cho các nhà máy gạch tuynel đã được chấp thuận đầu tư, đang hoạt động sản xuất; 30 - 35% nhu cầu vật liệu cát, sỏi và 75 - 80% nhu cầu vật liệu đất san lấp, đắp nền cho các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, khắc phục tình trạng khan hiếm đất đắp, làm tăng chi phí xây dựng công trình. Hoàn thành việc thăm dò, nâng cấp trữ lượng đối với các dự án khai thác khoáng sản đang hoạt động để có đủ tài liệu phục vụ cho việc khai thác; chấm dứt hoạt động đối với các dự án đã cấp phép khai thác nhưng không đầu tư, các dự án hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường sử dụng các thiết bị, công nghệ tiên tiến vào hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn.

Đến năm 2030, nâng tỷ lệ bản đồ địa chất khoáng sản (tỷ lệ 1/50.000) trên địa bàn đạt từ 85% diện tích trở lên; điều tra tai biến trượt lở, lũ quét tại các khu vực có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại. Hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia. Tiếp tục cấp phép khai thác các điểm mỏ khoáng sản đảm bảo đáp ứng trên 75% nhu cầu nguyên liệu đất sét gạch cho các nhà máy gạch tuynel đang hoạt động sản xuất; trên 90% nhu cầu nguyên liệu đất san lấp, đắp nền các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2045. Từng bước chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch từ sử dụng nguyên liệu đất sét sang đất đồi; phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng không nung dần thay thế các loại vật liệu nung. Hoàn thành công tác thăm dò các mỏ khoáng sản than nằm trong quy hoạch chưa khai thác và phần dưới sâu các mỏ đang khai thác; thăm dò, đánh giá tiềm năng khoáng sản quặng đồng các khu vực thuộc địa bàn các huyện Lục Ngạn, Sơn Động.

Tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản (tỷ lệ 1/50.000); hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác; xây dựng ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tiên tiến, hiện đại, gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng; thống nhất và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

* Xem chi tiết Văn bản tại đây./.

Dương Thủy

Từ khóa » Tổ Khoáng Sản