định Hướng Thị Trường Tài Chính Giai đoạn 2021- 2025 - Quốc Hội

 

Hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính vẫn chưa cao

Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, quy mô và cơ cấu thị trường tài chính (TTTC) có sự điều chỉnh hợp lý hơn giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, giữa dịch vụ tín dụng và các dịch vụ phi tín dụng; thanh toán bằng tiền mặt giảm dần, các hình thức thanh toán qua ngân hàng được mở rộng, đặc biệt là thông qua hệ thống ví điện tử. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của TTTC nói chung vẫn chưa cao. Cơ cấu thị trường tiền tệ chuyển dịch chậm, chưa tập trung nhiều cho lĩnh vực sản xuất mà vẫn tập trung nhiều vào "các loại hoạt động dịch vụ khác". Quy mô của thị trường vốn còn nhỏ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển. Quy mô thị trường bảo hiểm còn nhỏ so với các nước trên thế giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn

 “Chúng ta cần đánh giá việc xác định nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại TTTC như tại dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 có bảo đảm được yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia, cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường; bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống; nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế, có chính sách khuyến khích phát triển các quỹ hưu trí, bảo hiểm thiên tai, nông nghiệp như yêu cầu đặt ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.

Đề xuất 6 nhóm giải pháp

Về nội dung này, góp ý tại hội thảo, TS.Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, sau hơn 30 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội, trong đó có TTTC. Đến nay, TTTC Việt Nam đã cơ bản được hình thành với đầy đủ các cấu phần của thị trường, và ngày càng thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng trong huy động và phân bổ nguồn vốn. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020, TTTC Việt Nam đã phát triển vượt bậc về cả chất và lượng, bảo đảm chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và khu vực doanh nghiệp, đồng thời phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, TTTC được đánh giá là vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và còn tiềm ẩn một số rủi ro, hạn chế cần giải quyết.

Hội thảo Tham vấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

“Phát triển TTTC giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách và thực hiện các giải pháp để TTTC phát triển toàn diện theo hướng lành mạnh, hiện đại, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, bắt kịp những xu hướng mới của thị trường tài chính quốc tế, góp phần thực hiện tốt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, TS.Vũ Nhữ Thăng nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển TTTC giai đoạn 2021-2025, TS.Vũ Nhữ Thăng đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể:

Một là, phát triển thị trường tiền tệ ổn định, minh bạch, hiện đại, phù hợp với định hướng và lộ trình cơ cấu lại thị trường tài chính. 

(i) Đa dạng hóa các thành viên tham gia thị trường, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống các nhà môi giới tiền tệ, các nhà giao dịch sơ cấp và khuyến khích sự phát triển của các tổ chức chuyên nghiệp trên thị trường.

(ii) Đa dạng hóa các công cụ và phương thức giao dịch trên thị trường tiền tệ, đặc biệt là các công cụ phòng ngừa rủi ro thị trường. Phát triển đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ phái sinh trên thị trường tiền tệ về tỷ giá và lãi suất nhằm phân tán rủi ro và phòng ngừa rủi ro trên thị trường. Chuẩn hoá và hoàn thiện các sản phẩm để tạo điều kiện cho các công cụ hiện có trên thị trường được giao dịch trên thị trường thứ cấp.

(iii) Phát triển đồng bộ và tăng tính liên kết, giảm tình trạng phân khúc và thiếu tính liên thông giữa các thị trường bộ phận bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường mở, thị trường ngoại hối, thị trường tín dụng –huy động ngắn hạn.

(iv) Đẩy mạnh hoạt động thị trường tiền tệ- ngân hàng theo cơ chế thị trường. Tiến tới cho phép thành viên tham gia thị trường được tự do quyết định mức lãi suất huy động vốn và cho vay dựa trên cung cầu vốn trên thị trường. Tạo lập môi trường bình đẳng, an toàn cho các TCTD hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch là bắt buộc trong hoạt động kinh doanh.

Hai là, phát triển thị trường vốn theo chiều sâu nhằm gia tăng vốn trung và dài hạn, phục vụ phát triển kinh tế.

(i) Xây dựng thị trường vốn mạnh với cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế.

(ii) Đa dạng hóa cơ sở hàng hóa trên thị trường thông qua tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, triển khai các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp, phát hành các sản phẩm trái phiếu phù hợp với nhu cầu nhà đầu tư; đồng thời nâng cao chất lượng chứng khoán niêm yết.

(iii) Tăng cường cơ sở nhà đầu tư với mục tiêu tăng số lượng nhà đầu tư và phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp để phát triển ổn định, bền vững thị trường, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nhỏ và nhà đầu tư nước ngoài…

Ba là, phát triển các dịch vụ tài chính hiện đại theo xu hướng của quốc tế về tài chính toàn diện, công nghệ tài chính

Đảm bảo đáp ứng các nhu cầu ngày càng gia tăng về dịch vụ tài chính, ngân hàng, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng. Phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững. Phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ, các sản phẩm Fintech trong tĩnh vực tiền tệ - ngân hàng (P2P lending, ngân hàng số…). Sớm triển khai cơ chế thí điểm (Regulatory sandbox) đối với các dịch vụ này.

Về chứng khoán, khuyến khích và sớm có hướng dẫn quản lý sử dụng Fintech trong các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán: giao dịch tự động bằng robot (robo-trading), tư vấn đầu tư tự động (robo-advisory), quản lý danh mục tự động (AI asset management). Nghiên cứu xây dựng cơ chế thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ chứng khoán áp dụng công nghệ Fintech trước khi chính thức cấp phép triển khai.

Ngoài ra, tiếp tục chủ động hội nhập, liên kết với thị trường tài chính khu vực và quốc tế. Hình thành cấu trúc thị trường và sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực chứng khoán nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong quá trình hội nhập, tăng cường thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Bốn là, tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tài chính, đặc biệt là hệ thống các TCTD

Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Trọng tâm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD yếu kém, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động mua bán nợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ để tăng cường khả năng xử lý nợ xấu; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém.

Bên cạnh đó, cần tăng cường và phát huy vai trò của các định chế tài chính nhà nước nhằm phát triển sâu thị trường tài chính, như  ngân hàng phát triển, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ đầu tư phát triển địa phương... để các tổ chức này có thể tham gia và đóng góp sâu hơn vào các hoạt động trên thị trường tài chính. Đồng thời, hoàn thiện chính sách và đồng bộ khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển của nhà nước, tín dụng cho các đối tượng chính sách ở trung ương và địa phương. …

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính

Củng cố và nâng cao năng lực giám sát dựa trên cơ sở rủi ro theo hướng xây dựng hệ thống giám sát dựa trên rủi ro, cảnh báo sớm rủi ro, cơ chế xử lý khủng hoảng hệ thống và xử lý các định chế tài chính tiềm ẩn rủi ro cao nhằm bảo vệ sự an toàn của hệ thống tài chính.

Nâng cao hiệu quả công tác giám sát với ba nội dung trọng yếu: giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát thận trọng vĩ mô và giám sát thận trọng vi mô. Ngoài ra, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, từng bước thiết lập kỷ luật thị trường, cưỡng chế thực thi các quy định pháp lý, nâng cao chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường tài chính (rửa tiền, chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường, giao dịch nội gián, trục lợi bảo hiểm...).

Sáu là, phát triển cơ sở hạ tầng tài chính đồng bộ, hiện đại, từng bước theo hướng phát triển chung của thế giới

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý, hướng tới các chuẩn mực quốc tế tốt nhất và phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính Việt Nam như việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS, IFRS), nguyên tắc quản trị điều hành (khuôn khổ quản trị của OECD, nguyên tắc giám sát của Hiệp hội các nhà quản lý giám sát bảo hiểm quốc tế - IAIS,...).

Nghiên cứu, áp dụng các thành tựu mới của cuộc CMCN 4.0 như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối... vào quá trình xử lý, thu thập, phân tích, nhận định và dự báo kịp thời những vấn đề liên quan đến thị trường tài chính. Đồng thời đa dạng các kênh cung cấp thông tin để phát triển các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn nhưng giá thành rẻ hơn.

Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tiền tệ. Phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng kết nối, tăng tính liên kết và kết nối giữa các thị trường bộ phận trong nước và từng bước mở rộng phạm vi kết nối tới toàn cầu./.

Từ khóa » Thị Trường Tài Chính Quốc Tế Mở Rộng ở Việt Nam