Tái định Hình Thị Trường Tài Chính Cho Phục Hồi Và Phát Triển Kinh Tế

Thị trường tài chính luôn giữ vai trò quan trọng

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, dịch Covid-19 cùng với những căng thẳng địa chính trị đã gây ra những thách thức kinh tế, tài chính nghiêm trọng trên toàn cầu và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, ổn định vi mô và cuộc sống cho người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, theo TS Nguyễn Như Quỳnh, các chính sách và giải pháp tài chính đã được quan tâm xây dựng để thi trường tài chính phát triển lành mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, qua đó hỗ trợ DN mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn 2016-2021, thi trường tài chính đã có bước phát triển nhanh chóng theo đúng định hướng trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, phát triển cân bằng giữa thị trường tài chính và thị trường tiền tệ. Thị trường tài chính cũng đã góp phần quan trọng vào các vấn đề về đầu tư công, nợ công, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Các cấu phần của thị trường chứng khoán bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh… là cơ sở vững chắc cho thị trường tài chính từ nay đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân đạt 28,5% giai đoạn 2016-2021; và đến cuối quý I/2022 chiếm 134,5% GDP. Trong đó, thị trường cổ phiếu chiếm 93% GDP, trái phiếu chính phủ chiếm 22,7% GDP… Hiện nay, thị trường chứng khoán có 757 cổ phiếu qũy niêm yết, 858 DN đăng ký giao dịch upcom và hơn 5,2 triệu tài khoản của các nhà đầu tư. Từ tháng 4/2022 thị trường đã có bước điều chỉnh, tuy nhiên quy mô trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt 11.747 tỷ đồng/phiên; giao dịch tăng 8,1% so với bình quân 2021. Đây là con rất ấn tượng của thị trường vốn.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Như Quỳnh, thị trường tài chính vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như phát triển chưa sâu, bị tác động bởi tâm lý, ảnh hưởng của thị trường tiền tệ thế giới. Ngoài ra, việc huy động vốn trái phiếu của DN còn nhiều vấn đề, đặc biệt là DN bất động sản, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư và DN phát hành. Vì vậy, cần phải có các giải pháp nhằm phát triển thi trường tài chính, thị trường vốn, thi trường chứng khoán lành mạnh, an toàn trên cơ sở rà soát các Luật chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để triển khai các giải pháp quản lý điều hành đến thị trường.

“Việc nhận diện các xu hướng, đánh giá các cơ hội và nhận diện các rủi ro từ sự phục hồi và phát triển kinh tế tới thị trường tài chính sẽ gợi mở các giải pháp, đối sách phù hợp cho các nhà hoạch định chính sách, các định chế tài chính, nhà đầu tư và DN”, TS Nguyễn Như Quỳnh cho biết.

Xu hướng kết hợp giữa chính sách tài chính và tiền tệ

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung chính. Cụ thể, xu hướng điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam nhằm ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19; kinh nghiệm quốc tế và các bài học rút ra cho Việt Nam; các khuyến nghị trong điều chỉnh chính sách để thích nghi với bối cảnh mới và củng cố vững chắc sự phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Những chuyển biến của thị trường tài chính nói chung và các cấu phần thị trường nói riêng (thị trường vốn, chứng khoán, bảo hiểm); các xu hướng tài chính có tác động tới thị trường tài chính Việt Nam như sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, xu hướng đầu tư vào công nghệ tài chính đột phá…

Bên cạnh đó là những thay đổi trong cung ứng và sử dụng dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác do sự thay đổi của hành vi con người từ tác động của đại dịch Covid-19; phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính theo xu hướng xanh và xu hướng chuyển đổi số đã và đang tạo các những cơ hội, thách thức cho các chủ thể tham gia thị trường, gợi mở các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững…

Dẫn chứng về vai trò của chính sách tài chính tại một số quốc gia trong đại dịch Covid-19, ThS Lê Thùy Dung – Khoa Tài chính ngân hàng (Đại học Thương mại) đại diện cho nhóm nghiên cứu khẳng định, chính sách tài khóa và tiền tệ đóng vai trò quan tọng trong việc hỗ trợ thanh khoản cho các cá nhân và DN cũng như duy trì sự tồn tại của các DN trong ngắn hạn. Đơn cử như tại Trung Quốc, các chính sách tiền tệ tập trung vào việc tạo thanh khoản trên thị trường như thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở, giảm lãi suất cho vay và lãi suất tái chiết khấu; giảm lãi suất dự trữ vượt mức; tăng hạn mức tín dụng của các DN tư nhân; triển khai chương trình lãi suất 0% cho các khoản vay của ngân hàng địa phương, nới lỏng các điều kiện cho vay của các ngân hàng.

Song song với đó, đối với chính sách tài khóa, Trung Quốc triển khai gói chi ngân sách trị giá 4.9 nghìn tỷ NDT để hỗ trợ phát triển kinh tế; gói chi ngoài ngân sách trị giá 400 tỷ NDT để bảo lãnh các khoản vay cho các DN vừa và nhỏ… Trên cơ sở này, ThS Dung cho rằng, việc áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào nguồn lực, năng lực sử dụng các công cụ chính sách hiện hữu và bản chất rủi ro mà mỗi quốc gia phải đối mặt. Tuy nhiên, các quốc gia có xu hướng sử dụng kết hợp ngay từ ban đầu giữa các công cụ chính sách tài khóa với các công cụ của chính sách tiền tệ. Trong đó chính sách tài khóa chủ yếu sử dụng các biện pháp chi tiêu trực tiếp từ ngân sách cho cá nhân chịu tác động giảm thuế cho DN.

Trong khi đó, theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, để tiếp tục phát triển lành mạnh, hiệu quả thị trường tài chính cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cùng với sự điều hành liên thông giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng để đảm bảo ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Mặt khác, rà soát tổng thể các quy định tại Luật chứng khoán bao gồm cả phạm vi phát hành ra công chứng, hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; tăng cường thanh kiểm tra để đảm bảo sự phát triển thị trường. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hàng hóa, phát triển định chế đầu tư chuyên nghiệp, nâng hạng thị trường chứng khoán…

Bài, ảnh: Thúy Nga

Từ khóa » Thị Trường Tài Chính Quốc Tế Mở Rộng ở Việt Nam