Định Hướng Thị Trường Tiêu Thụ Xoài - Báo Đồng Tháp
Có thể bạn quan tâm
ĐTO - Ngành hàng xoài của tỉnh có những bước phát triển mạnh khi nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi tư duy canh tác, thực hiện liên kết sản xuất. Dù vậy ngành hàng xoài vẫn còn nhiều điểm yếu, việc xác định tiềm năng và thách thức nhằm định hướng thị trường tiêu thụ (xuất khẩu, và tiêu thụ nội địa) là điều cần thiết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ấn tượng với sản phẩm xoài địa phương
Nông dân chủ động tạo cơ hội
Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích 9.300ha, sản lượng hàng năm đạt 90.000 tấn. Giống xoài chủ lực của tỉnh là xoài cát Chu (chiếm 70% diện tích), cát Hòa Lộc (chiếm 20% diện tích).
Trước đây, hầu như nhà vườn chỉ quan tâm đến vấn đề sản lượng mà chưa quan tâm đến nhu cầu thị trường, dẫn đến thực trạng dội chợ do sản lượng tập trung cùng lúc quá nhiều. Chất lượng xoài cũng không đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu khi bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua, chế biến trong nước.
Nhận thấy sản xuất xoài theo kiểu cũ đã không còn phù hợp cộng với sự hỗ trợ của các ngành hữu quan, nhiều nhà vườn mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với diện tích được áp dụng hơn 100ha. Nhiều nhà vườn nhận định, không chỉ riêng thị trường xuất khẩu mới đòi hỏi về sản phẩm an toàn mà người tiêu dùng trong nước cũng không ngoại lệ. Nông dân trồng xoài muốn tồn tại thì phải sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Đoàn Thanh Hiền xã viên Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn chia sẻ: “Khi người tiêu dùng bắt đầu đòi hỏi sản phẩm xoài không chỉ chất lượng mà còn phải an toàn, gia đình tôi áp dụng sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP để đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Hiện nay, mặt hàng xoài địa phương đã xuất khẩu sang nước ngoài, vệc áp dụng theo quy trình sẽ giúp cho xoài địa phương “giữ chân” người tiêu dùng ngoài nước lâu dài hơn”.
Dù có sản lượng xoài khá lớn nhưng không phải lúc nào cũng có nguồn hàng để cung ứng. Vào mùa thuận, lượng xoài thu hoạch cùng lúc quá lớn, khiến cán cân cung cầu chênh lệch, giá nông sản tuột dốc mạnh. Trong khi vào những tháng mùa nghịch, nhiều doanh nghiệp phải tất bật tìm nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng với giá cao ngất ngưỡng nhưng nông dân không đủ nguồn hàng cung ứng.
Trước tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tìm giải pháp khắc phục bằng mô hình thu hoạch xoài rải vụ cho các tỉnh trồng xoài khu vực ĐBSCL. Năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh đã áp dụng phương thức này khoảng 3.000ha. Ngoài ra, trong năm 2017, ngành nông nghiệp thực hiện 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 6 mô hình canh tác xoài rải vụ theo hướng an toàn với diện tích 416ha.
Điểm nhấn của mô hình trồng xoài rải vụ là giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm, nhằm cân bằng cán cân cung cầu, giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao. Theo các nhà vườn, mô hình canh tác xoài rải vụ giá bán cao hơn xoài chính vụ từ 1,5 - 2 lần, với lợi nhuận trung bình mỗi hecta trồng xoài cát Hòa Lộc là 120 triệu đồng và 80 triệu đồng đối với xoài cát Chu. Qua đó, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài cả năm ước đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2016.
Theo ông Huỳnh Thanh Sơn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, thời gian qua, việc áp dụng xoài rải vụ được nhà vườn đồng tình thực hiện, giải quyết được phần nào áp lực đầu ra đối với loại nông sản này. Nếu mô hình khắc phục được việc xoài khó đậu trái dẫn đến năng suất thấp thì phương pháp này sẽ hoàn hảo hơn.
Định hướng thị trường tiêu thụ
Đầu ra cho nông sản là vấn đề bức thiết, hướng đến phát triển ngành hàng bền vững, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện củng cố các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh nhằm tạo cầu nối trong việc liên kết sản xuất tiêu thụ giữa người nông dân và doanh nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 2 HTX xoài (HTX xoài Mỹ Xương, HTX xoài Tân Thuận Tây) và 34 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ xoài. Trước đây, nhà vườn chưa mặn mà với phương thức làm ăn này, tuy nhiên những điểm ưu việt của mô hình liên kết giúp nhà vườn và doanh nghiệp thực hiện chặt chẽ hơn.
Tính từ đầu năm 2017, sản lượng xoài liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đạt trên 3.700 tấn, với các hình thức liên kết như tiêu thụ có cung ứng vật tư đầu vào; chỉ liên kết tiêu thụ không cung ứng vật tư đầu vào. Theo Công ty TNHH Long Uyên, thời gian qua, doanh nghiệp đã có sự hợp tác liên kết tiêu thụ xoài với nông dân khá chặt chẽ. Hướng đi của doanh nghiệp là chế biến xoài, vì vậy đơn vị mong muốn bà con đáp ứng nhu cầu sản lượng và đảm bảo không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật thì công ty sẽ thu mua hết sản lượng hợp đồng.
Theo Thạc sĩ Trương Hồng Võ Tuấn Kiệt – Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, xoài Đồng Tháp mang tiềm năng rất lớn (đối với 2 loại xoài chủ lực). Hiện tại, xoài cát Chu có vùng sản xuất tập trung quy mô lớn và được xuất khẩu chính ngạch sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Newzealand... Giá xoài cát Chu có thể cạnh tranh được với các loại xoài Thái Lan và Nam Mỹ trên thị trường xoài quốc tế. Sản phẩm xoài cát Chu loại 2 được chế biến làm nhiều loại sản phẩm tăng giá trị gia tăng (xoài sấy dẻo, nước ép) tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm này.
Xoài cát Hòa Lộc là loại xoài đặc sản cao cấp nhưng khó xuất khẩu do vỏ mỏng, chín sớm, giá quá cao, kích cỡ lớn nên rất khó cạnh tranh trên thị trường xoài quốc tế. Ngược lại, thị trường tiêu thụ nội địa lại rất mạnh, chiếm 90% sản lượng.
Ngoài những ưu điểm thì mặt hàng xoài tỉnh nhà cũng chịu những thách thức. Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc có giá bán đắt khi bán trên thị trường trong nước và xuất khẩu (giá dao động từ 50 - 90 ngàn đồng/kg), sản phẩm chưa tương đồng thị hiếu tiêu dùng một số nước, tỉ lệ đậu trái thấp, vỏ trái mỏng nên khó bảo quản và vận chuyển đi xa. Trong khi, xoài Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... chỉ có giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; trái đạt độ đồng đều cao, kích cỡ vừa phải và rất dễ sử dụng.
Việc chưa đẩy mạnh chiến lược phát triển, xúc tiến thương mại như một số nước để đưa trái xoài ra thế giới cũng là thách thức đối với trái xoài. Hiện nay, Philippines và Pakistan, Thái Lan có chiến lược phát triển xoài ra thị trường thế giới - là chương trình trọng điểm cấp Quốc gia, được nông dân toàn quốc áp dụng, trồng giống xoài ngon nhất, đạt chuẩn thu mua giá cao gần gấp đôi so với không đạt tiêu chuẩn GAP.
Một trong những điểm yếu dễ nhận diện là chi phí vận chuyển xoài khá cao. Phí vận chuyển đường hàng không từ TP.Hồ Chí Minh sang Nga hoặc Châu Âu là 3 USD/kg, xuất sang Hà Quốc, Nhật là 2 -2.5 USD/kg. Trong khi đó, để sản phẩm được xuất sang các thị trường khó tính thì đòi hỏi phải xử lý hơi nước hoặc chiếu xạ. Đối với việc xử lý hơi nước tốn khoảng 1USD/kg, chi phí chiếu xạ còn cao hơn đã đẩy chi phí sản xuất lên cao. Chi phí vận chuyển đường biển rẻ hơn nhưng thời gian vận chuyển quá lâu khiến trái xoài không được tươi, hao hụt lớn và chất lượng giảm đáng kể. Cụ thể, thời gian xoài xuất sang Nhật phải mất khoảng 20 ngày và đến thị trường Nga khoảng 45 ngày, trong khi đó xoài cát Chu chỉ có thể duy trì 8 -15 ngày, cát Hòa Lộc 6- 12 ngày.
Ngoài ra, sự liên kết giữa vùng xoài nguyên liệu 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp chưa tốt, việc gắn kết giữa công ty và các HTX tại vùng nguyên liệu chưa chặt chẽ cũng là điểm nghẽn đối với sự phát triển ngành hàng xoài địa phương.
Từ nhận định, đánh giá về tiềm năng và thách thức đối với ngành hàng, Thạc sĩ Trương Hồng Võ Tuấn Kiệt – Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, đề xuất định hướng thị trường tiêu thụ xoài, trong đó ưu tiên xuất khẩu xoài trái tươi sang các thị trường gần trong khu vực (Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Úc,...) do đặc điểm xoài Đồng Tháp vỏ mỏng, thời gian chín sinh lý ngắn, chi phí vận chuyển cao.
Theo đó, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đàm phán để xoài Đồng Tháp được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường có tiềm năng lớn trong khu vực, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Malaysia; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các HTX/tổ hợp tác tại các vùng nguyên liệu để tiêu thụ xoài loại 2 và loại 3 nhằm giảm áp lực đáng kể lên xuất khẩu đối với trái tươi (thời gian chín, vận chuyển và hàng rào kỹ thuật phức tạp) phục vụ và tiếp cận thị trường xa, khó tính như Mỹ và Châu Âu.
Theo ông Kiệt, khi xem xét xuất khẩu xoài trái tươi sang hai thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ, địa phương cần xác định rõ các vấn đề như kích cỡ xoài Đồng Tháp có phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; giá bán có thể cạnh tranh được với giá xoài Nam Mỹ; loại hình và giá cước vận chuyển; sản phẩm có đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cho các thị trường này...
Y DU
Từ khóa » Thị Trường Tiêu Thụ Xoài ở Việt Nam
-
Xuất Khẩu Xoài Của Việt Nam Còn Nhiều Dư địa để Phát Triển
-
[PDF] Dự án Hỗ Trợ Hợp Tác Kinh Tế Khu Vực Châu á (sreca) - Vietrade
-
Việt Nam Là Quốc Gia Sản Xuất Xoài Lớn Thứ 13 Trên Thế Giới - Hànộimới
-
Thị Phần Việt Nam Trên Bản đồ Xoài Thế Giới Còn Khiêm Tốn
-
Nâng Cao Chất Lượng Trái Xoài Xuất Khẩu
-
Thị Phần Xoài Việt Nam Trên Bản đồ Thế Giới Vẫn Rất Khiêm Tốn
-
Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Cho Xoài Việt - VnExpress Kinh Doanh
-
Báo Đức: Việt Nam Sẽ Tăng Gấp đôi Lượng Xoài Xuất Khẩu
-
Xuất Khẩu Xoài Sang Hoa Kỳ: Giải Pháp Nào Cho Mục Tiêu Chiếm 1 ...
-
Đồng Tháp Nâng Cao Chất Lượng Xoài, Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu
-
Tổng Quan Và Tình Hình Xuất Nhập Khẩu Xoài Việt Nam | Thị Trường Úc
-
Nông Sản Việt Thêm áp Lực Từ Bên Ngoài
-
Quả Xoài Tươi Việt Nam được Phép Xuất Khẩu Sang Thị Trường Hoa Kỳ