Xuất Khẩu Xoài Của Việt Nam Còn Nhiều Dư địa để Phát Triển

Xuất khẩu xoài của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển

Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 47.000 ha trồng xoài (Đồng Tháp dẫn đầu về diện tích 12.106 ha), với sản lượng hằng năm trên 567.700 tấn, năng suất đạt từ 11 đến 13 tấn/ha. Kim ngạch xuất khẩu xoài năm 2020 của Việt Nam đạt trên 180,7 triệu USD, chỉ chiếm 1,15% tổng nhu cầu nhập khẩu xoài của thế giới.

Giải pháp để tăng kim ngạch xuất khẩu xoài, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long? Đây chính là nội dung chính của Hội thảo Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định đối với xoài xuất khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp, chuyên gia trao đổi, chia sẻ về xuất khẩu xoài

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về năng lực sản xuất và cung ứng xoài. Thị trường xuất khẩu xoài chủ yếu là Trung Quốc (83,9%), tuy nhiên, cũng mới chỉ chiếm 21,6% thị phần của thị trường này. Do đó, dư địa để Việt Nam xuất khẩu xoài còn rất lớn.

Đơn vị này cũng cho biết, yêu cầu tiên quyết khi xuất khẩu xoài là truy xuất nguồn gốc và tổng số mã vùng trồng được cấp để xuất khẩu năm 2020 là 271 mã, trong đó Đồng Tháp có 109 mã. Đáng lưu ý, diện tích trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP là 1.789 ha, chiếm 3,8% trên tổng diện tích. Vì vậy, cần tăng cường mở rộng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Canada, EU là những thị trường có yêu cầu cao đối với xoài nhập khẩu; còn Trung Đông, Hong Kong, Nga, Singapore có yêu cầu từ trung bình đến thấp.

Để gia tăng xuất khẩu xoài, bà Nguyễn Thi Thu Hương - Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư nâng cấp các trung tâm kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật để thực hiện các nghiên cứu phục vụ dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường và thực hiện công tác giám định sinh vật gây hại, kiểm tra dư lượng trước khi xuất khẩu; số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý trên cơ sở kết nối từ người nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu.

Đối với các địa phương, bà Nguyễn Thi Thu Hương đề nghị chỉ đạo sát sao công tác liên kết, tạo vùng nguyên liệu trên cơ sở quản lý chặt chẽ vùng trồng; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương; giao cơ quan Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu.

Đối với doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước nhập khẩu và của cơ quan chuyên ngành Việt Nam; liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để đảm bảo vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu; chủ động cập nhật thông tin xuất khẩu v.v..

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp còn chia sẻ một số kinh nghiệm và khuyến nghị về xuất khẩu xoài tươi vào thị trường Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản; xây dựng hệ thống xuất khẩu xoài đáp ứng yêu cầu thị trường chất lượng cao - kinh nghiệm từ Pakistan.

Theo đó, để tăng sản lượng xoài xuất khẩu, mục tiêu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu xoài là 650 triệu USD, về phía Việt Nam cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho nông dân, hợp tác xã các kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao sản lượng và đạt chất lượng tốt; hỗ trợ đào tạo, cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm sạch, cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ công nghệ bảo quản sản phẩm trong thời gian dài, hướng dẫn cách thức sơ chế; cơ giới hoá trồng trọt, tiết kiệm nhân công, cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hoạch vận chuyển thuận tiện hơn, xây dựng thương hiệu xoài v.v..

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao các ý kiến góp ý, chia sẻ tại hội thảo; đồng thời cho biết, hội thảo này nằm trong khuôn khổ của Dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long”, do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo

Để nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương gia tăng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chú trọng đến đối tượng liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng xoài đó là hợp tác xã, nông dân; phải xác định được thị trường xuất khẩu mục tiêu, từ đó xây dựng tiêu chuẩn dành cho thị trường đó và định hướng sản xuất cho nông dân.

Xây dựng bộ tiêu chí phù hợp, thống nhất về tiêu chuẩn chung giữa nước xuất khẩu và nhập khẩu xoài, đây là giải pháp để giảm chi phí cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu xoài – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh và chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tham gia sâu vào quá trình này.

Dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đã tuyên bố hợp tác thực hiện dự án “Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: Phát triển chuỗi giá trị có khả năng chống chịu do phụ nữ và thanh niên làm chủ và tăng cường ứng dụng nền tảng số tại Việt Nam”, với sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Ứng phó và Phục hồi khẩn cấp trong đại dịch Covid-19 của Liên Hợp Quốc (UN COVID-19 MPTF), nhằm mục tiêu cùng nhau phục hồi tốt bằng cách trao quyền cho phụ nữ và thanh niên thông qua ứng dụng công nghệ số vào chuỗi giá trị trái cây tại tỉnh Đồng Tháp và Bến Tre.

Đại diện các đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp quốc (UNIDO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ký kết hợp tác.

Theo Nguyệt Ánh

dongthap.gov.vn

.

Từ khóa » Thị Trường Tiêu Thụ Xoài ở Việt Nam