Dior - Từ Biểu Tượng Thu Nhỏ Của Thời Trang Pháp đến Siêu Thương ...
Nếu là một tín đồ thời trang, bạn hẳn không thể không biết Dior là nhà mốt đến từ Pháp. Đây là đế chế thời trang cao cấp đầu tiên ra đời trên thế giới. Nhà mốt đến từ Paris này đã trở thành một huyền thoại nhờ câu chuyện tiên phong đặt nền móng cho Haute Couture - ngành may đo thời trang cao cấp.
* Thăng trầm làm nên một huyền thoại
Dior, cái tên có lẽ được các tín đồ hâm mộ thời trang đều biết tới và yêu mến, hiện nay là một trong những thương hiệu thành công và lớn nhất thế giới. Với bề dày lịch sử hơn 70 năm, câu chuyện về sự tiên phong trong haute couture và trở thành trụ cột trong nền công nghiệp thời trang cao cấp của fashion house nước Pháp đã đi vào huyền thoại.
Nhà sáng lập Christian Dior. Ảnh: LVMHChristian Dior, hay thường được gọi tắt là Dior, là một thương hiệu thời trang xa xỉ của nước Pháp, đồng thời là một trong những nhà mốt được yêu thích hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, giống như nhiều thương hiệu khác, Dior đã phải trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, để rồi mạnh mẽ vươn dậy thành một đế chế thời trang lớn nhờ vào các thế hệ nhà thiết kế đầy tài năng và sáng tạo.
Và người đã sáng lập nên thương hiệu thời trang đình đám này chính là Christian Dior. Ông sinh ngày 21/01/1905 tại thị trấn Granville, Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, Christian Dior đã có niềm đam mê sâu sắc dành cho nghệ thuật và kiến trúc.
Thế nhưng theo nguyện vọng của gia đình, ông đã phải theo học tại trường École Libre des Sciences Politiques, một trường chuyên về khoa học chính trị. Do luôn có tình yêu dành cho nghệ thuật, Christian Dior có rất nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ, ví dụ như Maurice Sachs, Jean Ozenne, và Christian Bérard.
Không lâu sau đó, mẹ ông qua đời, anh trai phải điều trị bệnh thần kinh, gia đình rơi vào cảnh phá sản. Những biến cố liên tiếp ập xuống khiến Christian Dior bị trầm cảm nặng và mắc bệnh lao. Bạn bè của Dior đã gom tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa bệnh.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Dior theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình. Ông đã quyết định theo học kỹ thuật thêu và dệt tại quần đảo Balearic. Về sau, ông tới Paris và trở thành một nhà thiết kế thời trang ở tuổi 30. Robert Piguet, nhà thiết kế thời trang Thuỵ Sỹ, đã mua lại các bản thiết kế của Dior và mời ông về làm việc cho công ty của mình. Đó cũng chính là công việc thiết kế đầu tiên của Christian Dior.
Khi Thế Chiến II bùng nổ, Christian Dior gia nhập quân ngũ. Sau khi Hiệp ước đình chiến Pháp - Đức được kí kết, ông xuất ngũ và trở về sống cùng cha và em gái ở Callian, miền Đông Nam nước Pháp. Dior được Robert Piguet mời quay lại làm việc, nhưng vì ông do dự khá lâu nên Antonio del Castillo đã thay vị trí của ông. Năm 1942, Dior bắt đầu làm việc cho Lucien Lelong, một nhà mốt cao cấp khác.
Cửa hàng Dior đầu tiên tại số 30 đại lộ Montaigne, Paris. Ảnh: ELLENăm 1946, Christian Dior đã thành lập một công ty thời trang mang tên mình tại tư gia ở số 30 đại lộ Montaigne, Paris với sự đầu tư vốn của doanh nhân Marcel Boussac.
Năm 1947, ông cho ra đời bộ sưu tập đầu tiên của mình với 90 thiết kế khác nhau. Hình hài đồng hồ cát làm tâm điểm trong các thiết kế (hạn chế phần hông, nhấn mạnh vòng ngực) đã mở ra một chương mới trong ngành, khiến thủ đô của thời trang thế giới - vốn dĩ trung tâm của mọi sự dèm pha, nhưng phải tôn thờ ông.
Tuy nhiên, ông cũng nhận nhiều sự chỉ trích bởi việc “lãng phí” vải khi những thiết kế của ông đòi hỏi một lượng vải rất lớn để tạo ra. Sự chỉ trích này đến từ phần lớn dư luận, những người đã phải chịu cảnh thiếu thốn tột cùng. Những điều này là hoàn toàn trong tính toán của Christian Dior vì ông muốn đồ của ông là biểu tượng cho sự giàu sang, xa hoa.
Trong cùng năm, Dior vươn lên tới vị trí “đỉnh cao” mà chưa có nhà mốt nào trước đó chạm đến được. Mặc dù thương hiệu của ông chưa đầy một năm tuổi, từ người nổi tiếng tới hoàng gia, ai ai cũng mong muốn sở hữu riêng cho mình một thiết kế từ nhà thiết kế người Pháp vĩ đại này. Ông đã ra quyết định mở rộng thêm một cửa hàng tại New York và mở rộng thêm nhánh nước hoa.
Cuối những năm 1940, không ai có thể sánh vai với Christian Dior khi công ty của ông độc chiếm 75% sản lượng thời trang xuất khẩu của Paris và 5% tổng sản lượng xuất khẩu của nước Pháp. Sự thành công này khiến Dior trở thành một hiện tượng trong làng thời trang cao cấp. Đồng thời trở thành bức tượng đài huyền thoại cho đến tận bây giờ.
Năm 1949, Christian Dior quyết định mở rộng mô hình kinh doanh từ Paris sang New York, Mỹ. Đây được xem là cột mốc đáng nhớ khi thương hiệu tăng kim ngạch xuất khẩu thời trang lên đến 75%.
Giai đoạn 1952-1953, thương hiệu xa xỉ tiếp tục mở rộng thị trường sang các nước như Canada, Mexico, Italy. Doanh thu ngày càng phát triển kéo theo hệ lụy về vấn nạn hàng nhái trên thị trường.
Dòng son môi đầu tiên của Dior được tung ra thị trường vào năm 1955. Kỷ niệm 10 năm thành lập công ty, nhà mốt Pháp đã bán được 100.000 bộ quần áo.
Năm 1957, nhà thiết kế Christian Dior qua đời do cơn đau tim. Sự ra đi của ông gây ra khủng hoảng và sự xáo trộn trong nội bộ thương hiệu.
Thời điểm bấy giờ, Giám đốc điều hành Jacques Rouët từng suy nghĩ về việc đóng cửa tất cả chi nhánh của thương hiệu này trên thế giới, song quyết định không thành hiện thực do sự phản đối gay gắt của giới thời trang tại Pháp.
Để vực dậy thương hiệu, Jacques đã mời Yves Saint Laurent làm giám đốc nghệ thuật cho hãng. Saint Laurent được ca ngợi như một "người hùng" khi cứu vãn Dior và nền công nghiệp thời trang của Pháp. Tuy nhiên, năm 1960, Yves Saint Laurent nhập ngũ và buộc phải rời Dior sau khi thiết kế 6 bộ sưu tập.
Yves Saint Laurent được mời về Dior làm việc. Ảnh: Detik.comNăm 1960, Marc Bohan chính thức kế nhiệm Dior. Tuy nhiên sự kiện này đã vấp phải một làn sóng dư luận khủng khiếp. Chính vì vậy, Dior đã phải thành lập một thương hiệu mang tên Yves Saint Laurent (YSL) nhằm xoa dịu công chúng.
20 năm phát triển dưới thời Marc Bohan, thương hiệu Dior vẫn giữ vững được phong cách truyền thống, đó là bảo thủ nhưng vô cùng sang trọng và quý phái. Cũng vì điều này mà càng có thêm nhiều những “gáo nước lạnh” dội thẳng cho YSL, khi quá nhiều lời tung hô rằng Marc Bohan như “người giải cứu thương hiệu”.
Đầu những năm 1980, một nhân vật rất đỗi quen thuộc trong làng thời trang cao cấp Bernard Arnault với biệt tài của mình đã thành công trong việc mua đứt tập đoàn của ông Boussac (nhà đầu tư đầu tiên của Dior) và bán tất cả mọi thứ trừ Dior. Sau đó, ông tiếp tục thu phục tập đoàn LVMH (Louis Vuitton Moet Hennessy) và vào năm 2017, công ty Christian Dior chính thức hoàn toàn sáp nhập vào tập đoàn.
Năm 1989, nhà thiết kế thời trang Gianfranco Ferré thay thế Marc Bohan trong vai trò giám đốc sáng tạo cho Dior. Nhà thiết kế gốc Italy không phát triển theo hướng truyền thống lãng mạn phóng khoáng của hãng, mà giới thiệu quan điểm và phong cách riêng đầy sự tao nhã giúp bộ sưu tập đầu tiên cho thương hiệu đoạt giải Dé d’Or năm 1989.
Doanh thu của nhà mốt Pháp tăng từ 129 triệu USD năm 1990 lên 177 triệu USD năm 1995. Trong khi đó, thu nhập ròng tăng từ 22 triệu USD lên 26,9 triệu USD chỉ trong vòng 5 năm.
Năm 1996, ông chủ đứng đằng sau Dior Bernard Arnault muốn thay đổi một phong cách sáng tạo mới cho dòng thời trang của nhà mốt Pháp nên quyết định lựa chọn nhà thiết kế John Galliano làm giám đốc sáng tạo Dior thay cho người tiền nhiệm Gianfranco Ferré.
John Galliano được mọi người ví như “ngài Dior” (Monsieur Dior) thứ hai. Bởi lẽ, ông không chỉ khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng mà còn có phong cách sáng tạo, pha trộn giữa nữ quyền và hiện đại giống như nhà sáng lập của nhà mốt này.
Bộ sưu tập đầu tiên của ông được tung ra vào năm 2000 với cái tên “Homeless”. Bộ sưu tập này đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều, và vấp phải cuộc tranh cãi lớn trong cộng đồng. Tất cả các thiết kế trong bộ sưu tập đều được làm từ giấy báo, phụ kiện chế từ dụng cụ ăn uống cùng các chai whiskey mini. Xong, vẫn không thể phủ nhận sự thành công của bộ sưu tập.
Cùng năm 2000, ông tiếp tục gây tranh cãi khi thổi vào Dior phong cách mang tính chất porn chic (khiêu dâm và sang trọng), tương tự như Gucci thời Tom Ford. Tuy nhiên, tính chất này thể hiện nhiều qua các chiến dịch quảng cáo chứ không phải là trong các thiết kế.
Sau một vài lần thay đổi vị trí giám đốc sáng tạo nữa, Dior lần đầu tiên chào đón một nhà thiết kế nữ là Maria Grazia Chiuri. Bà Maria đã mang đến một phong cách nữ tính vốn có từ thuở sơ khai, cùng những yếu tố thời thượng, pha điểm chút nam tính. Tất cả hòa quyện khiến cho bộ sưu tập womenswear của Dior tiếp tục giữ lửa. Dưới thời Maria, Dior liên tục gặt hái được những thành tựu mới.
Từ năm 2018 đến nay, ông Pietro Beccari đã tiếp nhận vị trí Giám đốc điều hành của Dior.
* Từ biểu tượng thu nhỏ của thời trang Pháp đến thương hiệu toàn cầu
Khi nhắc đến Dior có lẽ không thể không nhắc đến trụ sở chính đầy xa hoa, lộng lẫy của nhà mốt. Số 30 Đại lộ Montaigne là điểm khởi đầu của thương hiệu lừng lẫy Christian Dior từ năm 1946 và đến nay vẫn là trái tim của Dior. Ẩn mình trên tầng cao nhất của tòa nhà là một căn hộ hình hộp trang sức. Nơi đây có một bồn tắm bằng đá cẩm thạch, tường thạch cao và một salon nhìn ra khu vườn trên mái nhà.
Căn hộ tại số 30 Đại lộ Montaigne này sẽ đón tiếp những vị khách VIP nhất của Dior ở lại qua đêm. Họ sẽ được phục vụ bữa ăn bởi những đầu bếp nổi tiếng, cũng như ghé thăm các xưởng may - nơi những chiếc đầm made-to-measure và trang sức được chế tác.
Dior ngày nay. Ảnh: The Indian ExpressCăn hộ này là phần đặc sắc nhất trong kế hoạch cải tạo tòa nhà gắn liền với tên tuổi Dior kéo dài suốt những năm qua. Nó tượng trưng cho tham vọng không ngừng của Dior dưới thời LVMH - tập đoàn lớn nhất ngành hàng xa xỉ trên thế giới.
"Chúng tôi phải tạo ra một thứ khác biệt để không ai có thể copy hay bắt chước lại". Đó là lời khẳng định mà Pietro Beccari - vị CEO đương nhiệm người Italy của Dior - đã nói với tỷ phú Bernard Arnault - ông chủ của đế chế LVMH - vào năm 2018.
Cuộc đại cải tạo số 30 Đại lộ Montaigne là "xương sống" trong kế hoạch phát triển thị phần của Dior trên các mảng: thời trang nam-nữ, đồ da, trang sức và đồ gia dụng.
"Đừng nghĩ lớn - hãy nghĩ khổng lồ", CEO Beccari thường dặn nhân viên. Nhờ vậy, Dior đã phát triển rực rỡ về mảng thời trang và phụ kiện dưới thời vị doanh nhân người Italy này.
Theo số liệu của ngân hàng đầu tư Stifel, doanh thu của nhãn hàng này đã tăng từ 2,9 tỷ euro từ năm 2020 lên 6,2 tỷ euro vào năm 2021. Chỉ riêng mảng nước hoa và mỹ phẩm đã mang lại doanh thu 3,2 tỷ euro trong năm ngoái cho Dior.
Nhờ thành công trong mảng làm đẹp và thời trang, Dior đang tiến gần đến vị trí "siêu thương hiệu" (thương hiệu có doanh thu hàng năm trên 10 tỷ euro). Đây là cột mốc mà trước đó chỉ có Louis Vuitton và Chanel đạt được.
Từ một thương hiệu được mệnh danh là "phiên bản thu nhỏ của thời trang cao cấp Pháp", Dior dưới bàn tay nhào nặn của CEO Beccari đã biến thành một cái tên danh tiếng và đem lại lợi nhuận cao./.
Từ khóa » Dior Là Hãng Thời Trang Của Nước Nào
-
Dior – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Dòng Mỹ Phẩm đình đám Của ...
-
Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Tại Sao Lại Nổi Tiếng đến Vậy?
-
Dior Là Thương Hiệu Thời Trang Của Nước Nào? - ICheck
-
Dior Của Nước Nào? Tại Sao Dior Lại Nổi Tiếng đến Vậy?
-
Thương Hiệu Dior Của Nước Nào? Kính Dior Có Tốt Không?
-
Tổng Quan Về Thương Hiệu Dior - Tham Khảo Ngay Trong Bài
-
Review Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Tại Sao Lại Nổi Tiếng ...
-
Dior Là Gì? Thương Hiệu Christian Dior Của Nước Nào - Blog Leflair
-
Thương Hiệu Dior Của Nước Nào? Dior Có Gì đặc Biệt? Giá Bán
-
LỊCH SỬ THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG DIOR - DWatch
-
Lịch Sử đầy Thăng Trầm Của Nhà Mốt Christian Dior
-
Những Năm Tháng Vàng Son Của Dior Bắt đầu Từ đâu?
-
Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Dior Logo Có ý Nghĩa Gì?