Lịch Sử đầy Thăng Trầm Của Nhà Mốt Christian Dior
Christian Dior, hay ngắn gọn là Dior, chắc chắn là một trong những hãng thời trang uy tín và lớn nhất thế giới ngày nay. Cũng giống những thương hiệu thời trang khác, Dior đã trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, sau những nốt trầm, công ty lại đứng dậy mạnh mẽ và đầy nội lực nhờ vào các thế hệ nhà thiết kế tài năng và sáng tạo. Những gương mặt giám đốc sáng tạo có thể kể đến Yves Saint Laurent, Marc Bohan, Gianfranco Ferré, John Galliano, Bill Gaytten, Raf Simons, và Maria Grazia Chiuri.
Từ một công ty với 85 nhân viên và vốn đầu tư là 6 triệu franc, hiện nay Dior đã là một hãng thời trang lớn hàng đầu thế giới. Tính đến năm 2011, lợi nhuận công ty thu được lên đến 1.279 triệu euro với khoảng 84.000 nhân viên và hơn 600 chi nhánh trên toàn cầu.
Chàng lãng tử Christian Dior
Christian Dior sinh ngày 21–01–1905 tại thị trấn Granville, Pháp. Đây là một thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng về thời trang ở vùng Normandy.
Khi lớn lên, ông ước mơ được học nghệ thuật và kiến trúc. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của cha mẹ, ông đã theo học trường École Libre des Sciences Politiques, một trường về khoa học chính trị. Vì ngọn lửa đam mê nghệ thuật luôn nhen nhóm trong Christian Dior nên bạn bè của ông chủ yếu là giới nghệ sỹ, nhà văn, họa sỹ như Maurice Sachs, Jean Ozenne (người chuyên minh họa cho tạp chí Vogue), Christian Bérard.
Tuy nhiên, gia đình ông liên tiệp gặp biến cố. Mẹ mất, anh trai phải điều trị bệnh thần kinh, gia đình phá sản. Điều này khiến Christian Dior bị trầm cảm nặng. Cuộc sống đói khát dẫn đến căn bệnh lao. Bạn bè đã gom góp tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa trị.
Sau đó, Christian Dior đã học kỹ thuật thêu và dệt tại quần đảo Balearic. Ông trở về Paris, bắt tay vào việc thiết kế thời trang ở tuổi 30. Nhà thiết kế thời trang Thụy Sỹ Robert Piguet đã mua lại những bản thiết kế của ông và mời ông làm việc cho công ty của họ. Đây là công việc thiết kế đầu tay của Christian Dior.
Thành lập nhà mốt riêng
Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Christian Dior gia nhập quân ngũ. Sau hiệp ước đình chiến Pháp-Đức, ông được xuất ngũ, trở về sống cùng cha và em gái tại Callian, đông nam nước Pháp. Robert Piguet mời ông trở lại làm việc nhưng ông đã do dự khá lâu nên Antonio del Castillo đã thay vị trí của ông. Năm 1942, Christian Dior bắt đầu làm việc cho một nhà thời trang cao cấp khác, Lucien Lelong, cùng với Pierre Balmain.
Công ty thời trang Dior được thành lập vào ngày 16–12–1946 tại tư gia ở số 30 đại lộ Montaigne, Paris. Tuy nhiên, ngày nay, Dior lại lấy năm 1947 làm năm khai trương thương hiệu chính thức vì đó là năm Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên.
Lúc ấy, Dior được mạnh thường quân Marcel Boussac đỡ lưng về mặt tài chính, trở thành một phần của doanh nghiệp dệt may do Marcel Boussac điều hành. Với mức vốn ban đầu vào khoảng 6 triệu franc cùng 85 nhân viên, đây là một dự án hão huyền đối với Boussac và là công ty con của Boussac Saint-Freres S.A. Tuy Boussac nổi tiếng là một ông chủ khắc nghiệt, Christian Dior bằng tài năng thiết kế xuất chúng của mình đã thương lượng được một mức lương đáng mơ ước và một số quyền lợi khác như được trở thành người quản lý trên pháp lý, 1/3 lợi nhuận trước thuế của công ty.
Thời kỳ NEW LOOK
Ngày 12–2–1947, Dior ra mắt bộ sưu tập đầu tiên: Xuân Hè 1947. Bộ sưu tập đã đi vào lịch sử thời trang như một cuộc cách mạng. Nó được gọi là New Look sau khi Tổng biên tập của tạp chí Harper’s Bazaar lúc bấy giờ là Carmel Snow hết lời ca ngợi và phải thốt lên rằng: “Quả là một cái nhìn mới!”.
Phom dáng New Look vừa cổ điển, lại vừa tân thời. Cổ điển ở cách thắt eo nhỏ và phối cùng đầm phồng, vốn là kiểu dáng quen thuộc thời corset. Tân thời vì sử dụng áo khoác Bar Jacket, một biến tấu từ menswear.
Trong khi thời kỳ hậu chiến, vải rất hạn chế. Nhưng Christian Dior lại sử dụng tới 20 mét vải xa hoa cho những sáng tạo của mình. Bộ sưu tập đã trở nên cực kỳ phổ biến và kiểu váy phồng đã tác động đến thời trang cũng như những nhà thiết kế khác trong những năm 1950.
New Look được Tây Âu chào đón như cơn mưa rào sau những ngày hạn hán và được những phụ nữ thời thượng giàu có rất ưa chuộng, ví dụ như công chúa Margaret của Anh Quốc.
>>> Xem thêm: VÉN MÀN BÍ ẨN CĂN PHÒNG THỬ ĐỒ CỦA CHRISTIAN DIOR
Mở rộng kinh doanh vào thập niên 1950
Dior mở rộng kinh doanh vào cuối năm 1949 với việc mở thêm một cửa hiệu thời trang Christian Dior tại New York.
Dòng giày thời trang Dior ra đời năm 1953 với sự giúp đỡ của Roger Vivier, một nhà thiết kế giày người Pháp.
Công ty tiếp tục thành lập và phát triển các chi nhánh ở Mexico, Cuba, Canada và Ý vào cuối năm 1953. Và một khi càng phát triển, Dior lại càng phải đối mặt với nạn làm hàng nhái.
Vào giữa những năm 1950, Dior đã trở thành một đế chế thời trang uy tín. Cửa hiệu thời trang đầu tiên của Dior tại Anh được mở vào năm 1954 tại số 9 đường Conduit. Dior cho ra đời nhiều dòng thời trang rất thành công trong khoảng những năm 1954 và 1957. Tuy nhiên, không có dòng thời trang nào tạo nên ảnh hưởng mạnh như New Look đầu tiên.
Dòng son môi đầu tiên của Dior được tung ra thị trường vào năm 1955. Kỷ niệm mười năm thành lập công ty, Dior đã bán được 100.000 bộ quần áo.
Ngày 24–10–1957, Christian Dior qua đời do một cơn đau tim. Tài năng sáng tạo thời trang xuất chúng của Christian Dior đã giúp ông được công nhận là một trong những nhân vật thời trang lớn nhất trong lịch sử.
Khi Dior không có Christian Dior
Yves Saint Laurent, chàng giám đốc sáng tạo đột phá
Cái chết của Christian Dior đã khiến cho hãng thời trang của ông trở nên hỗn độn. Tổng giám đốc Jacques Rouët đã phải cân nhắc đến việc đóng cửa tất cả các chi nhánh của hãng trên toàn thế giới.
Để vực dậy thương hiệu, Jacques Rouët đã mời cậu thanh niên 21 tuổi Yves Saint Laurent làm giám đốc nghệ thuật. Saint Laurent được ca ngợi như một người hùng của đất nước. Cứu vãn được Dior cũng chính là cứu vãn nền công nghiệp thời trang của Pháp. Càng thành công, những thiết kế của Saint Laurent càng trở nên táo bạo. Tuy nhiên, năm 1960, Yves Saint Laurent nhập ngũ. Vì vậy ông buộc phải rời Dior sau khi thiết kế cho hãng này sáu bộ sưu tập.
Marc Bohan, vị giám đốc sáng tạo bị quên lãng
Cuối năm 1960, Marc Bohan được mời về để thay thế vị trí của Yves Saint Laurent. Không giống với người tiền nhiệm, Bohan đi theo phong cách thiết kế dè dặt, kín đáo hơn. Có lẽ vì lý do này mà ông là một trong những giám đốc thời trang ít ai để ý.
Tuy vậy, những thiết kế của Marc Bohan được các nhân vật tên tuổi trên thế giới đánh giá cao. Thậm chí, nữ diễn viên Elizabeth Taylor đã đặt mua 12 chiếc đầm trong bộ sưu tập Xuân Hè 1961 mang tên Slim Look của Dior do Marc Bohan thiết kế.
Dưới thời kỳ Marc Bohan, Dior khá thành công về mặt thương mại. Năm 1963, Dior ra mắt dòng nước hoa Diorling. Và ba năm sau đó, dòng nước hoa dành cho nam Eau Sauvage trình làng. Năm 1968, hãng nước hoa Dior được bán cho Moët Hennessy.
Năm 1969, Christian Dior Cosmetics được thành lập với dòng sản phẩm độc quyền. Sau đó, năm 1970, Marc Bohan giới thiệu dòng thời trang Dior Homme đầu tiên. Kiểu đồng hồ đầu tiên hợp tác với Benedom của Dior có tên Black Moon ra đời vào năm 1975.
Tập đoàn Boussac phá sản, Dior về tay Bernard Arnault
Năm 1978, tập đoàn Boussac tuyên bố phá sản. Tài sản của nó, trong đó có Christian Dior, được tập đoàn Willot mua lại dưới sự cấp phép của Tòa án Thương mại Paris. Sau đó đến năm 1981, Tập đoàn Willot cũng bị phá sản. Bernard Arnault và tập đoàn đầu tư của ông đã mua lại Tập đoàn Willot với giá tượng trưng, chỉ 1 franc, vào năm 1984.
Dưới sự lãnh đạo của Bernard Arnault, Christian Dior đã trở lại thời kỳ đỉnh cao. Năm 1989, Gianfranco Ferré thay thế Marc Bohan trong vai trò nhà thiết kế chính cho Dior. Nhà thiết kế gốc Ý này đã không theo truyền thống lãng mạn phóng khoáng của thời trang Dior nữa mà bắt đầu giới thiệu quan điểm và phong cách riêng đầy tinh tế, thanh nhã và chỉn chu. Bộ sưu tập đầu tiên của ông đã đoạt giải Dé d’Or năm 1989.
Doanh thu của Dior tăng từ 129,3 triệu đô-la Mỹ năm 1990 lên 177 triệu đô-la Mỹ năm 1995. Trong khi đó thu nhập ròng tăng từ 22 triệu đô-la Mỹ (1990) lên 26,9 triệu đô-la Mỹ (1995).
>>> Xem thêm: BERNARD ARNAULT: BỘ NÃO ĐẰNG SAU CHIẾN LƯỢC THU MUA DIOR, TIFFANY & CO CAO TAY CỦA LVMH
Christian Dior tái khởi vào thập niên 1990
Thời kỳ đầy scandal của John Galliano
Năm 1996, Bernard Arnault muốn thay đổi một phong cách cho thời trang Dior. Ông tự tay chỉ định nhà thiết kế người Anh John Galliano làm giám đốc sáng tạo Dior thay cho người tiền nhiệm Gianfranco Ferré.
Bernard Arnault giải thích cho lý do chọn nhà thiết kế người Anh thay vì người Pháp như từ trước đến giờ với phát biểu: “Tài năng không phân biệt quốc tịch”. Ông thậm chí đã so sánh John Galliano với bậc thầy Christian Dior.
Bernard Arnault phát biểu trên một bài báo của Women’s Wear Daily tháng 12–1996 rằng: “Galliano có một tài năng sáng tạo rất giống với Christian Dior. Anh ấy có sự hòa hợp giữa chủ nghĩa lãng mạn, nữ quyền và tính hiện đại, vốn là những tính cách đặc trưng của Christian Dior. Người ta tìm thấy trong tất cả những sáng tạo của anh ấy từ bộ vest đến chiếc đầm đều có nét tương đồng với Christian Dior”.
Galliano chính là nhân tố quan trọng vực dậy tên tuổi của Dior, khuấy động những vấn đề tranh cãi thông qua các sự kiện như Homeless Show (người mẫu mặc những bộ quần áo làm từ giấy báo và túi giấy), hay S&M show. Những thị phi này đã thúc đẩy doanh số bán quần áo cũng như nước hoa và phụ kiện của Dior.
Trong khi đó, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Sidney Toledano tiếp tục cắt giảm bớt những nhánh sản phẩm phụ của công ty, tập trung vào quản lý mảng quần áo may sẵn và phụ kiện. Dior cũng đã thông qua chính sách kiểm soát việc nhượng quyền thương mại và cấp phép hoạt động cho mạng lưới bán lẻ.
Phát triển mảng thời trang nam và trang sức cao cấp
Christian Dior xây dựng danh tiếng dựa trên mảng thời trang nữ. Tuy nhiên, hãng tin rằng mảng thời trang dành cho nam giới cũng sẽ phát triển không kém.
Năm 2001, Dior đã mời về Hedi Slimane, vốn đã nổi tiếng khi làm nhà thiết kế cho Yves Saint Laurent. Show thời trang cho nam đầu tiên của Hedi Slimane thiết kế cho Dior vào tháng 1–2001 đã lập tức gây tiếng vang và thu hút sự chú ý của các ngôi sao nổi tiếng như Mick Jagger hay Brat Pitt.
Cũng trong năm này, công ty cho ra đời dòng trang sức cao cấp mới, Christian Dior Haute Joaillerie, dưới sự điều hành của giám đốc nghệ thuật Victoire de Castellane với nỗ lực bành trường thương hiệu Dior trong thị trường nữ trang cao cấp. Những nỗ lực này đã giúp doanh số bán hàng của mảng thời trang này đã đạt khoảng 300 triệu euro năm 2000 và 350 triệu euro năm 2001.
Raf Simons thay thế John Galliano
Tháng 2–2011, John Galliano đã gây nên một scandal chấn động làng thời trang khi bị buộc tội xúc phạm và tấn công người Do Thái khi đang say rượu. Để làm dịu dư luận, hãng Dior quyết định sa thải John Galliano vào tháng Ba năm đó.
Chiếc ghế giám đốc sáng tạo bị bỏ trống suốt 13 tháng cho đến khi nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons được bổ nhiệm thay thế vào tháng 4–2012. Raf Simons nổi tiếng với chủ nghĩa tối giản và được kỳ vọng sẽ làm mới phong cách của Dior. Bộ sưu tập đầu tay của ông được hãng gọi là The New Couture.
Ngay khi vừa ra mắt, các thiết kế của Raf Simons đã được nhiệt liệt đón chào. Mọi người tôn vinh ông là người thừa hưởng phong cách của Christian Dior: Thanh lịch đậm chất Pháp, tối giản nhưng lộng lẫy. Vừa đặt chân đến Dior, nhà mốt đã ưu ái làm ngay cho ông một bộ phim tài liệu gọi là Dior and I.
Ấy vậy mà Raf Simons chỉ trụ được tại nhà mốt này sau 3 năm nhậm chức. Lý do vì ông không thể kham nổi guồng công việc và số lượng bộ sưu tập phải cho ra mắt. Chiếc ghế giám đốc sáng tạo một lần nữa bị bỏ ngỏ.
>>> Xem thêm: RAF SIMONS ĐỘT NGỘT TUYÊN BỐ RỜI NHÀ MỐT DIOR
Maria Grazia Chiuri mang nữ quyền đến với Dior
Hậu Raf Simons, Dior tiếp tục tìm đến một gương mặt cũng có tính đột phá khác: Maria Grazia Chiuri. Maria Grazia Chiuri vốn đang là nhà đồng thiết kế của thương hiệu Valentino. Khi về với Dior, bà là người phụ nữ đầu tiên nắm quyền tối thượng ở mảng thiết kế thời trang của hãng.
Maria Grazia Chiuri cực kỳ nhạy bén. Những thiết kế của bà vừa hợp xu thời, vừa có tính chất thương mại cao. Bà khai thác phong cách logomania, thiết kế những trang phục có in slogan tỏ rõ thái độ sống lạc quan. Bà thậm chí thiết kế loungewear cho Dior khi thế giới đối mặt với đại dịch COVID-19 và không ai còn cần đến những trang phục dạ hội đắt đỏ.
Chiếc áo “Chúng ta đều nên ủng hộ nữ quyền” làm nên tên tuổi Maria Grazia Chiuri của Dior
>>> Xem thêm: MARIA GRAZIA CHIURI CỦA DIOR ĐƯỢC TRAO TẶNG HUÂN CHƯƠNG BẮC ĐẨU BỘI TINH
Harper’s Bazaar Việt Nam
Từ khóa » Dior Là Hãng Thời Trang Của Nước Nào
-
Dior – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Dòng Mỹ Phẩm đình đám Của ...
-
Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Tại Sao Lại Nổi Tiếng đến Vậy?
-
Dior Là Thương Hiệu Thời Trang Của Nước Nào? - ICheck
-
Dior Của Nước Nào? Tại Sao Dior Lại Nổi Tiếng đến Vậy?
-
Thương Hiệu Dior Của Nước Nào? Kính Dior Có Tốt Không?
-
Tổng Quan Về Thương Hiệu Dior - Tham Khảo Ngay Trong Bài
-
Review Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Tại Sao Lại Nổi Tiếng ...
-
Dior - Từ Biểu Tượng Thu Nhỏ Của Thời Trang Pháp đến Siêu Thương ...
-
Dior Là Gì? Thương Hiệu Christian Dior Của Nước Nào - Blog Leflair
-
Thương Hiệu Dior Của Nước Nào? Dior Có Gì đặc Biệt? Giá Bán
-
LỊCH SỬ THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG DIOR - DWatch
-
Những Năm Tháng Vàng Son Của Dior Bắt đầu Từ đâu?
-
Thương Hiệu Dior Là Của Nước Nào? Dior Logo Có ý Nghĩa Gì?