Đoàn Giám Sát Của Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội Giám Sát Về Thi Hành ...

Sáng 18/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân giai đoạn 2019-2021” đã làm việc với các cơ quan của Thành phố Hà Nội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chủ trì buổi làm việc.

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đồng chí Phạm Quí Tiên, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND TP; Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tổng Cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội; các cơ quan liên quan của TP Hà Nội cùng thành viên Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp làm việc với các cơ quan của thành phố Hà Nội

Theo báo cáo tại buổi làm việc, số quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong 3 năm từ năm 2019 đến năm 2021 bị khiếu kiện đều liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở và trật tự xây dựng như quyết định về việc thu hồi đất để thực hiện dự án; quyết định về việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất,…

Thành viên Đoàn giám trao đổi những giải pháp để nâng cao hiệu quả việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính; xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành án hành chính; những khó khăn vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình chấp hành pháp luật liên quan đến thi hành các bản án, quyết định hành chính; tình hình thực hiện các kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án liên quan đến việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Toà án.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông báo cáo làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm

Làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết, Hà Nội là địa phương có tốc độ phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội nhanh do đó không tránh khỏi phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện nhất là liên quan đến chính sách đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong đó nhiều dự án kéo dài qua các thời kỳ, chính sách có nhiều thay đổi dẫn đến ảnh hưởng đến người dân. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhất là cấp cơ sở chưa đảm bảo yêu cầu.

Trước tình hình đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng tham mưu ban hành quyết định hành chính của chính quyền các cấp thông qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, kiểm tra.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đánh giá, buổi làm việc diễn ra với tinh thần đổi mới, khoa học, khẩn trương, nghiêm túc, hoàn thành chương trình đề ra. Đoàn giám sát ghi nhận các cơ quan đã xây dựng báo cáo nghiêm túc, bám sát đề cương yêu cầu, đúng thời hạn. Các báo cáo đề xuất được nhiều kiến nghị, giải pháp nhất là phân tích khá sâu các bất cập hiện hành trên cơ sở đó có nghiên cứu trao đổi kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy kết luận nội dung buổi làm việc

Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề Đoàn giám sát quan tâm được trao đổi làm rõ. Qua đó, Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực, kết quả của các cơ quan ban hành và thực hiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính; đối với Tòa án thực hiện công tác xét xử, công tác kiểm sát của Viện kiểm sát; theo dõi đôn đốc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Số lượng quyết định hành chính và hành vi hành chính bị khởi kiện so với tổng số quyết định hành chính và hành vi hành chính của các cấp trên địa bàn là không nhiều nhưng so với các địa phương khác thì ở Hà Nội nhiều hơn. Do đó đoàn giám sát đề nghị Thành phố quan tâm hơn, cần có sự chỉ đạo, đôn đốc và tăng cường trách nhiệm phối hợp Ủy ban nhân dân trong việc tham gia tố tụng và thi hành án hành chính.

Đoàn giám sát ghi nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc, đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, thống nhất số liệu để có đánh giá chính xác sau đợt giám sát./.

Từ khóa » Chức Năng Của ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội