Đoàn Phí Công đoàn, Kinh Phí Công đoàn - Le & Tran
Có thể bạn quan tâm
Công đoàn là tổ chức được thành lập và hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Như bất kỳ tổ chức nào, để có thể vận hành và thực hiện nhiệm vụ của mình thì Công đoàn sẽ cần một nguồn tài chính. Vậy từ đâu Công đoàn có được nguồn tài chính để hoạt động?
Căn cứ theo quy định tại Điều 26, Luật Công đoàn 2012 thì nguồn tài chính của Công đoàn đến từ (i) Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; (ii) Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; (iii) Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; và (iv) Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn, từ đề án, dự án do Nhà nước giao, từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Trong đó, việc đóng đoàn phí công đoàn và kinh phí công đoàn là những vấn đề thu hút được sự chú ý, quan tâm của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Nội dung Ẩn 1 Đoàn phí Công đoàn 1.1 Chủ thể đóng đoàn phí công đoàn 1.2 Mức đóng và phương thức đóng đoàn phí công đoàn 1.3 Chế tài của việc không đóng đoàn phí công đoàn 2 Kinh phí Công đoàn 2.1 Chủ thể đóng kinh phí công đoàn 2.2 Mức đóng và phương thức đóng kinh phí công đoàn 2.3 Chế tài của việc không đóng kinh phí công đoàn 3 Việc đóng Đoàn phí Công đoàn, Kinh phí Công đoàn đối với Người nước ngoài Làm việc tại Việt Nam 3.1 Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải đóng đoàn phí công đoàn? 3.2 Người sử dụng lao động của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải đóng kinh phí Công đoàn?Đoàn phí Công đoàn
Chủ thể đóng đoàn phí công đoàn
Theo Điều 26.1, Luật Công đoàn 2012 thì đoàn viên là chủ thể duy nhất đóng đoàn phí công đoàn. Theo quy định tại Điều 3.1, Hướng dẫn 03/HD-TLĐ về việc thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (Hướng dẫn 03/HD-TLĐ), người lao động muốn gia nhập Công đoàn thì phải là công dân Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp, bao gồm những trường hợp cụ thể sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp; cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đối với cơ quan xã, phường, thị trấn bao gồm những người hưởng lương, định suất lương, phụ cấp, đang làm việc trong cơ quan hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội cấp xã;
- Người lao động làm công hưởng lương đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Người lao động đang làm việc trong các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam;
- Người lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức, nếu có nguyện vọng, được gia nhập Công đoàn Việt Nam và được sinh hoạt theo hình thức nghiệp đoàn cơ sở;
- Người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử làm đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước, đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cần lưu ý rằng, theo Điều 23.6, Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 (Quyết định 1908/QĐ-TLĐ) và Công văn số 2475/TLĐ năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn viên sẽ không phải đóng đoàn phí công đoàn trong những trường hợp sau:
- Đoàn viên công đoàn đang hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên;
- Đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương;
- Đoàn viên công đoàn tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ giảm gánh nặng tài chính cho người lao động trong giai đoạn kinh tế khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công văn 2475/TLĐ năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép đoàn viên công đoàn được miễn đóng đoàn phí công đoàn từ ngày 01/5/2021 đến ngày 31/12/2021.
Mức đóng và phương thức đóng đoàn phí công đoàn
Theo quy định tại Điều 23, Quyết định 1908/QĐ-TLĐ thì tuỳ vào công đoàn thuộc cơ sở, cơ quan nào mà đoàn viên của công đoàn đó sẽ có mức đóng đoàn phí công đoàn tương ứng. Cụ thể như sau:
- Đối với đoàn viên làm việc tại công đoàn của các cơ sở có tính chất công như: cơ sở cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, v.v…. thì áp dụng mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
- Đối với đoàn viên làm việc tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối) thì áp dụng mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh nhưng không vượt quá 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
- Đối với đoàn viên làm việc tại công đoàn thuộc các cơ sở khác như doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối); đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; đoàn viên Công đoàn công tác ở nước ngoài, v.v… thì áp dụng mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nhưng không vượt quá 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
- Đối với đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí hoặc với đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
Lưu ý, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Trong khi đó, tiền lương thực lĩnh là tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên.
Theo quy định tại Điều 24.1, Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, có hai phương thức đóng đoàn phí công đoàn: (i) nộp tiền mặt cho bộ phận quản lý Công đoàn, và (ii) nộp đoàn phí thông qua công nghệ hiện đại như thông qua tài khoản cá nhân, thẻ ATM, v.v… Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến khích triển khai phương thức thu, nộp đoàn phí bằng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, đoàn viên và công đoàn cơ sở cần có thỏa thuận chung về việc thu, nộp đoàn phí theo phương thức này và phải có văn bản thể hiện sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.
Chế tài của việc không đóng đoàn phí công đoàn
Theo Điều 2.2.(b), Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khoá XII) ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020, đoàn viên có nhiệm vụ ‘đóng đoàn phí theo quy định’. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công đoàn không có bất cứ một chế tài hành chính, dân sự hay hình sự nào đối với việc không đóng đoàn phí công đoàn. Sự thiếu vắng những chế tài có thể lý giải từ bản chất của Công đoàn, do tổ chức này được thành lập và hoạt động dựa trên sự tự nguyện, nên những quy định mang tính mệnh lệnh – quyền uy sẽ được hạn chế tới mức tối đa.
Thay vì tạo ra khuôn khổ để ép buộc đoàn viên đóng đoàn phí, tổ chức này đã chuyển trách nhiệm đảm bảo nguồn thu đoàn phí cho những chủ thể quản lý công tác thu, nộp đoàn phí. Cụ thể là trừ trường hợp có lí do chính đáng, đơn vị không hoàn thành kế hoạch thu đoàn phí, không nộp đủ đoàn phí lên công đoàn cấp trên thì các chủ thể quản lý nêu trên sẽ không được xét danh hiệu thi đua năm đó (theo quy định tại Điều 28, Quyết định 1908/QĐ-TLĐ). Xét ở góc độ khái quát hơn, quy định này đã gián tiếp thúc đẩy các thành viên trong bộ máy quản lý của Công đoàn phải làm việc sáng tạo và hiệu quả, từ đó cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của của tổ chức Công đoàn nói chung và của cá nhân người quản lý nói riêng.
Kinh phí Công đoàn
Chủ thể đóng kinh phí công đoàn
Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 191/2013/NĐ-CP, phần lớn các tổ chức, cơ quan có sử dụng lao động đều phải đóng kinh phí Công đoàn mà không phân biệt các đối tượng đó đã có tổ chức công đoàn cơ sở hay chưa, bao gồm:
- Cơ quan nhà nước (kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập;
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư;
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã;
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam;
- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Mức đóng và phương thức đóng kinh phí công đoàn
Theo Điều 5, Nghị định 191/2013/NĐ-CP, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Như đã phân tích ở trên, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tổng của các khoản tiền: (i) tiền lương cấp bậc, chức vụ, (ii) lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, (iii) phụ cấp thâm niên vượt khung, và (iv) phụ cấp thâm niên nghề đối với những người lao động.
Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang thì xác định mức đóng kinh phí công đoàn theo quỹ tiền lương chứ không phải quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy tiền lương trong trường hợp này là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sẽ đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Riêng đối với tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh thì có thể lựa chọn đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng phải đăng ký với tổ chức công đoàn.
Chế tài của việc không đóng kinh phí công đoàn
Đối tượng không đóng kinh phí Công đoàn phải chịu mức phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng theo quy định tại Điều 37.2, Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, đối tượng không đóng kinh phí công đoàn phải nộp số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí trên cho tổ chức công đoàn trong vòng 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt. Số tiền lãi được tính bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt. Với tính chất bắt buộc của kinh phí, đây là mức xử phạt có tính răn đe phù hợp người sử dụng lao động phải chấp hành các quy định về nộp kinh phí, đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho Công đoàn.
Việc đóng Đoàn phí Công đoàn, Kinh phí Công đoàn đối với Người nước ngoài Làm việc tại Việt Nam
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải đóng đoàn phí công đoàn?
Như đã phân tích ở trên, điều kiện để được trở thành đoàn viên công đoàn phải đó là người lao động phải có quốc tịch Việt Nam. Do đó, Điều 3.2, Hướng dẫn 03/HD-TLĐ ghi nhận người nước ngoài lao động tại Việt Nam thuộc đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn. Như vậy, người nước ngoài lao động tại Việt Nam sẽ không thể trở thành đoàn viên công đoàn và theo đó cũng sẽ phát sinh nghĩa vụ phải đóng đoàn phí công đoàn.
Người sử dụng lao động của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có phải đóng kinh phí Công đoàn?
Dù người lao động nước ngoài tại Việt Nam không có nghĩa vụ đóng đoàn phí công đoàn nhưng pháp luật vẫn quy định người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn đối với khoản tiền lương trả cho người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, không phải mọi khoản tiền lương trả cho người lao động nước ngoài đều trở thành cơ sở để đóng kinh phí công đoàn. Cụ thể, theo Điều 1, Hướng dẫn 05/HD-LTĐ, người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn khi có sử dụng lao động nước ngoài là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Như vậy, người sử dụng lao động chỉ phải đóng kinh phí công đoàn dựa trên khoản tiền lương trả cho những người nước ngoài lao động tại Việt Nam là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định tại Điều 2.1, Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì người nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi thoả mãn 02 điều kiện sau: (i) phải có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; và (ii) có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Tuy nhiên, Điều 2.2 của Nghị định này cũng quy định rằng dù thoả mãn cả 02 điều kiện trên, người lao động nước ngoài cũng không thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu thuộc những trường hợp sau: (i) di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; hoặc (ii) người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo pháp luật lao động.
Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả quan tâm đến quy định về đoàn phí công đoàn, kinh phí công đoàn hoặc các vấn đề khác liên quan đến lao động theo Pháp luật Việt Nam, vui lòng liên hệ với các Luật sư Lao động của chúng tôi tại info@letranlaw.com.
Từ khóa » đoàn Phí Dùng để Làm Gì
-
Kinh Phí Công đoàn Là Gì? Sử Dụng Kinh Phí Công đoàn Như Thế Nào?
-
Mục đích đóng Kinh Phí Công đoàn để Làm Gì - Luật Toàn Quốc
-
Mức đóng Phí Công đoàn Mới Nhất Năm 2020 - BHXH IBH
-
Sử Dụng Kinh Phí Công đoàn Như Thế Nào? - Luật Hoàng Phi
-
Cách Tính Mức đóng Kinh Phí Công đoàn & Đoàn Phí Công đoàn
-
Phân Biệt đoàn Phí Công đoàn Và Kinh Phí Công đoàn
-
Quy định Về Công đoàn, đoàn Phí Và Kinh Phí Công đoàn - Luat 3s
-
Quy định Về Quản Lý, Sử Dụng Các Nguồn Kinh Phí Công đoàn Và Mức ...
-
Sử Dụng Kinh Phí Công đoàn Như Thế Nào Là đúng Luật
-
Kinh Phí Công đoàn Dùng để Công đoàn Cơ Sở Chăm Lo Người Lao ...
-
Phân Biệt đoàn Phí Công đoàn Và Kinh Phí Công đoàn - LuatVietnam
-
Kinh Phí Công đoàn Là Gì? Phí Công đoàn Quy định Thế Nào?
-
Quy định Về Kinh Phí Công đoàn Và Đoàn Phí Công đoàn Mới Nhất ...
-
ĐOÀN PHÍ CÔNG ĐOÀN VÀ KINH PHÍ CÔNG ĐOÀN