Kinh Phí Công đoàn Là Gì? Phí Công đoàn Quy định Thế Nào?

Kinh phí công đoàn là gì? Phí công đoàn quy định thế nào? Luật sư tư vấn quy định pháp luật về kinh phí công đoàn. Mức thu, trích, nộp kinh phí công đoàn được pháp luật quy định như nào? Đơn vị nào có trách nhiệm quản lý đoàn phí công đoàn cơ sở? Để tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn dưới đây:

Mục lục bài viết

  • 1. Khinh phí công đoàn và đoàn phí là gì?
  • 2. Tư vấn quy định pháp luật về kinh phí công đoàn
    1. 2.1 Thứ nhất, về mức thu, trích, nộp kinh phí công đoàn
    2. 2.2 Thứ hai, về mức thu, trích nộp đoàn phí

1. Khinh phí công đoàn và đoàn phí là gì?

Kinh phí công đoàn và đoàn phí là hai khoản phí do doanh nghiệp và người lao động đóng. Vậy kinh phí công đoàn, đoàn phí là gì? Mức đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí được pháp luật quy định như nào? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này bạn hãy liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung như sau:

+ Mức đóng kinh phí công đoàn của doanh nghiệp;

+ Mức đóng đoàn phí của nười lao động;

+ Quy định pháp luật về nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây:

2. Tư vấn quy định pháp luật về kinh phí công đoàn

Câu hỏi:

Luật sư có thể giúp tôi vấn đề này, liên quan đến kinh phí công đoàn? Theo quy định: "Với trường hợp doanh nghiệp có công đoàn cơ sở. Mức trích kinh phí công đoàn là 2% tổng quỹ lương là căn cứ đóng BHXH được chia cụ thể: 65% cho Công đoàn cơ sở giữ, 35% nộp về Công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở hay chính là Liên đoàn Lao động quận (huyện)

+ Đoàn phí Công đoàn phải nộp vào trừ vào 1% lương cơ bản của nhân viên được chia như sau: 60% cho Công đoàn tại doanh nghiệp giữ, 40% nộp về Công đoàn cấp trên quản lý tài chính công đoàn cơ sở hay chính là Liên đoàn Lao động quận (huyện)". Đơn vị tôi là công đoàn bộ phận (CĐBP) trực thuộc công đoàn cơ sở (CĐCS), đơn vị đóng 2% KPCĐ cho Công đoàn viên chức tỉnh. Sau đó công đoàn viên chức tỉnh trích lại 65% của 1% KPCĐ (tức 50% của 2% KPCĐ) đơn vị tôi đóng về cho CĐCS.CĐCS giữ lại 40% của 65%, còn 25% giao lại cho đơn vị tôi (CĐBP)Tại CĐBP - đơn vị tôi thu 1% đoàn phí của công đoàn viên và nộp lên CĐCS 40% của 1% đó. Mức thu, trích, nộp như trên đã đúng quy định chưa. Rất mong luật sư giúp tôi hiểu và thực hiện đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn.Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Hiện nay, các vấn đề liên quan đến kinh phí công đoàn đang được điều chỉnh bởi Nghị định 191/2013/NĐ-CP, Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ và văn bản hướng dẫn số 906/HD-TLĐ. Theo đó:

Thứ nhất, về mức thu, trích, nộp kinh phí công đoàn

- Về mức thu kinh phí công đoàn

Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định:

"Điều 5. Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học-kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân".

Theo đó, mức thu kinh phí công đoàn được xác định bằng 2% tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH.

- Về trích, nộp kinh phí công đoàn

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định:

"Điều 21. Phân phối nguồn thu tài chính cho công đoàn cơ sở

1. Công đoàn cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và được sử dụng 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.

2. Nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn.

Công đoàn cơ sở được phân cấp thu kinh phí công đoàn nộp lên công đoàn cấp trên (cấp được phân cấp quản lý tài chính công đoàn) tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Trong năm nộp theo dự toán, khi có quyết toán nộp theo số thu quyết toán.

3. Cấp kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở không được phân cấp thu kinh phí công đoàn.

Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí công đoàn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng có trách nhiệm cấp cho công đoàn cơ sở (đơn vị nộp kinh phí công đoàn) trong vòng 05 ngày làm việc.

4. Đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở: Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trong tổng số thu kinh phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này. Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết phải quản lý, theo dõi và trả lại cho công đoàn cơ sở khi đơn vị đó thành lập tổ chức công đoàn; Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở đã phá sản, giải thể thì số thu kinh phí công đoàn được ghi tăng nguồn thu tài chính công đoàn tại cấp trên cơ sở được phân cấp thu".

Đồng thời, theo văn bản hướng dẫn số 906/HD- TLĐ năm 2017 quy định:

"1. Công đoàn cơ sở được sử dụng:

- Kinh phí công đoàn: 67%

- Đoàn phí công đoàn: 60%

- Thu khác: 100% phát sinh tại đơn vị

2. Công đoàn các cấp trên cơ sở được sử dụng:

- Kinh phí công đoàn: 33%

- Đoàn phí công đoàn: 40%

- Thu khác: 100% phát sinh tại đơn vị".

Theo quy định trên thì Công đoàn cơ sở là đơn vị được giao nhiệm vụ thu kinh phí Công đoàn. Khi công đoàn cơ sở giao nhiệm vụ cho Bộ phận bạn thu kinh phí công đoàn thì Bộ phận bạn phải tiến hành nộp lại cho công đoàn cơ sở. Khi đó, phía Công đoàn cơ sở sẽ chịu trách nhiệm nộp kinh phí lên công đoàn cơ sở cấp trên là Liên đoàn Lao động quận (huyện). Theo đó, Liên đoàn lao động quận (huyện) sẽ giữ lại 33% kinh phí công đoàn (tức 33% của 2 % quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động) và Công đoàn cơ sở sẽ giữ 67% kinh phí còn lại. Còn việc phân chia kinh phí cho Bộ phận bạn thì sẽ được căn cứ vào quy định nội bộ của Công đoàn cơ sở mà Bộ phận bạn trực thuộc.

Thứ hai, về mức thu, trích nộp đoàn phí

Căn cứ theo tại Điều 23 Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ quy định:

"Điều 23. Đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí

1. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

2. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối): mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

3. Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối); Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

4. Các công đoàn cơ sở tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được thu đoàn phí công đoàn của đoàn viên hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên) hoặc quy định mức thu cao hơn 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mở rộng (từ tổ trưởng công đoàn trở lên) đồng ý bằng Nghị quyết, có văn bản và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở. Tiền đoàn phí công đoàn phần thu tăng thêm so với quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được để lại 100% cho công đoàn cơ sở bổ sung chi hoạt động theo đúng quy định; khi báo cáo quyết toán, công đoàn cơ sở phải tách riêng số tiền đoàn phí công đoàn tăng thêm theo mẫu quy định để có cơ sở tính số phải nộp về cấp trên.

5. Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội: đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1 % mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

6. Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí".

Theo quy định trên thì mức thu đoàn phí bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH nhưng mức đóng hàng tháng tối đa bằng 10% tiền lương cơ sở theo quy định của Nhà nước. Nếu là doanh nghiệp nhà nước thì đóng 1% mức lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN của đoàn viên).

Đồng thời, đối với đoàn phí công đoàn phía công đoàn cơ sở mà Bộ phận bạn đang trực thuộc sẽ được sử dụng 60% đoàn phí công đoàn và Công đoàn cơ sở cấp trên sẽ được giữ 40% đoàn phí công đoàn mà phía công đoàn cơ sở thu được. Về mức đoàn phí mà bộ phận bạn được sử dụng sẽ phụ thuộc vào sự phân phối nguồn thu tài chính trong nội bộ công đoàn cơ sở mà bộ phận bạn trực thuộc.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Từ khóa » đoàn Phí Dùng để Làm Gì