Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Là Gì? Tiêu Chí Xác định ... - Luật Dương Gia

Mục lục bài viết

  • 1 1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?
  • 2 2. Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ:
  • 3 3. Đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ:
  • 4 4. Ý nghĩa của việc xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ:
  • 5 5. Tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa:

1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?

Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì ? Đó là tên gọi tắt của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được đánh giá theo tiêu chí về vốn, nguồn nhân công lao động và doanh thu sản phẩm. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ. Ở Việt Nam doanh nghiệp vừa là có từ 200 đến 300 nhân công lao động, từ 10 đến 20 người lao động là doanh nghiệp nhỏ và dưới 10 người được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếng Anh là Small and medium-sized enterprises – SME.

2. Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò quan trọng như thế nào trong nền kinh tế? Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh. Hiện nay có tổng số 95% các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoạt động dưới mô hình này. Vì thế, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể.

Giữ vai trò ổn định nền kinh tế: ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa được ví là thanh giảm sóc cho nền kinh tế.

Làm cho nền kinh tế năng động: vì doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, nên dễ điều chỉnh và thay đổi phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng: doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Là trụ cột của kinh tế địa phương: nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có mặt ở khắp các địa phương và là người đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, vào sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương.

Đóng góp không nhỏ giá trị GDP cho quốc gia.

3. Đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một lượng lớn trong tổng số các doanh nghiệp trong một quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Với khả năng sử dụng trên 50% tổng số lao động xã hội hiện nay và tạo ra khối lượng công ăn việc làm lớn lên tới 65% cho người lao động trên toàn cầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tận dụng nhân công tại địa phương để sử dụng nhờ đó giải quyết rất nhiều bài toán nhân lực cho cơ quan nhà nước.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô vốn khá hạn hẹn và thường không tiếp cận với nguồn vốn lớn từ các ngân hàng đầu tư. Điều này gây ra hạn chế trong việc đổi mới trang thiết bị và xúc tiến phát triển công việc cho các doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp nhỏ có sự cạnh tranh gắt gao với các công ty tập đoàn lớn cùng làm dịch vụ với nhau. Bởi vậy các doanh nghiệp nhỏ thường gặp thua thiệt trong việc chiếm lĩnh thị trường đặc biệt ở những khu vực nước ngoài.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại chứ không tập trung vào sản xuất và chế biến. Chủ yếu là các nghành nghề liên quan đến mua bán sản xuất đồ dùng các loại dịch vụ và phân bố hàng tiêu dùng.

4. Ý nghĩa của việc xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Đây là cơ sở để nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với khối doanh nghiệp này. Thực chất, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một phần lớn trong nền kinh tế; và là nhân tố đóng góp nhiều vào sản lượng quốc gia. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 là một văn bản pháp lý quan trọng ghi nhận những chính sách mà doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể được hưởng. Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đã liệt kê các tiêu chí chính để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.

Quy mô của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ dựa trên lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.

Doanh nghiệp siêu nhỏ Doanh nghiệp nhỏ Doanh nghiệp vừa
Nông, lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng Số lao động tham gia BHXH bình quân Không quá 10 người Không quá 100 người Không quá 200 người
Tổng doanh thu của năm

Hoặc

Tổng nguồn vốn

Không quá 03 tỷ đồng

Không quá 03 tỷ đồng

Không quá 50 tỷ đồng

Không quá 20 tỷ đồng

Không quá 200 tỷ đồng

Không quá 100 tỷ đồng

Thương mại, dịch vụ Số lao động tham gia BHXH bình quân Không quá 10 người Không quá 50 người Không quá 100 người
Tổng doanh thu của năm

Hoặc

Tổng nguồn vốn

Không quá 20 tỷ đồng

Không quá 03 tỷ đồng

Không quá 100 tỷ đồng

Không quá 50 tỷ đồng

Không quá 300 tỷ đồng

Không quá 100 tỷ đồng

Ngày 01/01/2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 bắt đầu có hiệu lực. Đây là văn bản pháp luật quy định các vấn đề liên quan đến nguyên tắc, nội dung cũng như nguồn lực hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp như thế nào là doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề mà nhiều tổ chức quan tâm.

5. Tiêu chí xác định quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa:

Được quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:

“1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:

a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;

b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

2. Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.”

Để làm rõ hơn các tiêu chí trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP với nội dung tại Chương II hướng dẫn về việc xác định như thế nào là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa

Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định tiêu chí doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa được xác định như sau:

1. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.

2. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Về xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điều 7 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực có doanh thu cao nhất. Trường hợp không xác định được lĩnh vực có doanh thu cao nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất.

Xác định số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Điều 8 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và trả lương, trả công tham gia bảo hiểm xã hội theo pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của năm chia cho số tháng trong năm và được xác định trên chứng từ nộp bảo hiểm xã hội của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân được tính bằng tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội của các tháng hoạt động chia cho số tháng hoạt động.

Về xác định tổng nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điều 9 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP  quy định tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ.

Về xác định tổng doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Điều 10 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn quy định tại Điều 9 Nghị định này để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về xác định và kê khai doanh nghiệp nhỏ và vừa

Điều 11 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ vào mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này để tự xác định và kê khai quy mô là doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp vừa và nộp cho cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai.

Trường hợp doanh nghiệp tự phát hiện kê khai quy mô không chính xác, doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện điều chỉnh và kê khai lại. Việc kê khai lại phải được thực hiện trước thời điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng nội dung hỗ trợ.

Trường hợp doanh nghiệp cố ý kê khai không trung thực về quy mô để được hưởng hỗ trợ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và hoàn trả toàn bộ kinh phí và chi phí liên quan mà doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ.

Như vậy, để xác định quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định thì cần căn cứ vào các quy định như nêu trên.

* Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017;

– Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Từ khóa » đặc điểm Chung Của Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ