Doanh Nghiệp Phải Tái Cấu Trúc Và Sử Dụng Nguồn Vốn Theo Hướng ...

Khảo sát của VCCI được công bố tại hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 7/5 cho thấy: bên cạnh thị trường đầu ra bị thu hẹp, gián đoạn chuỗi cung ứng thì đại dịch Covid-19 đã khiến gần 50% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn hoặc dòng tiền kinh doanh.

DOANH NGHIỆP VẪN PHẢI BẤU CHẶT VÀO NGÂN HÀNG

Trong khi đó, cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý. "Nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, chỉ số nợ của các doanh nghiệp Việt Nam luôn lớn hơn giá trị kỳ vọng", ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Kinh tế (VEC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ lưu ý: điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng. Điều này dẫn tới hệ quả là chi phí vốn vay cao, áp lực trả nợ lớn, tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường tín dụng đang bị quá tải do vừa phải lo cung ứng nguồn vốn ngắn hạn, vừa phải lo cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Do tiềm lực của các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, để bảo đảm có nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng buộc phải đi vay (chủ yếu từ dân cư) nguồn vốn ngắn hạn. Lấy nguồn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Nguy cơ ở phía doanh nghiệp là phải vay lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến hiệu quả sinh lời thấp.

Việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của doanh nghiệp trong trường hợp nguồn vay bị hạn chế hoặc gián đoạn.

Cùng với đó, kênh vốn huy động thông qua thị trường chứng khoán hiện nay còn nhiều hạn chế. Tính đến 31/3/2021, số lượng doanh nghiệm niêm yết và đăng ký giao dịch là trên 1.800 doanh nghiệp. Vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 7.253.415 tỷ đồng. Nếu so với tổng doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm hiện nay (trên 800 nghìn doanh nghiệp), thì tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết trên sàn chỉ chiếm 0,2%.

“Số lượng doanh nghiệp và nguồn vốn hoá thị trường chứng khoán nói trên là khá nhỏ bé, khiêm tốn so với nhu cầu huy động vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Đức Thành nhìn nhận.

CHỦ ĐỘNG NGUỒN VỐN BẰNG NHIỀU HÌNH THỨC

Các chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh mới, tái cấu trúc doanh nghiệp thì tái cấu trúc về vốn là quan trọng. Bởi doanh nghiệp đang kinh doanh trong một môi trường thay đổi và bất ổn, trong khi nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện rất lớn. Không chỉ vậy, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn vốn để đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Tất cả những điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động nguồn vốn để hoạt động hiệu quả. “Đặc biệt, doanh nghiệp cần thay đổi thói quen sử dụng nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Phải tự huy động thêm nguồn vốn, tái cấu trúc lại nguồn vốn và sử dụng vốn theo hướng phát triển bền vững”, ông Thành khuyến nghị.

Đơn cử, như ngoài việc huy động vốn từ chủ sở hữu và tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp phải huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu. Song thách thức ở chỗ doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc phát hành trái phiếu khó hơn.

Huy động vốn qua thị trường chứng khoán được các chuyên gia nhấn mạnh là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho doanh nghiệp.

Do vậy, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp có thể cân nhắc tìm đến những quỹ đầu tư hoặc các công ty đầu tư mạo hiểm. Vì đây là những trung gian tài chính sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới khả thi cao.

Ngoài ra, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tận dụng các hình thức huy động vốn khác như thuê tài sản hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế. Việc thuê tài sản sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư đối với các doanh nghiệp có nhu cầu lớn về đầu tư tài sản cố định.

Hay việc cầm cố giấy tờ có giá, thư tín dụng (L/C), chiết khấu thương phiếu, bao thanh toán… là biện pháp hữu ích đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giúp hạn chế rủi ro trong giao dịch và thanh toán quốc tế. Đồng thời, tránh khỏi những thiếu hụt tạm thời về vốn lưu động trong quá trình kinh doanh.

Đặc biệt, huy động vốn qua thị trường chứng khoán được các chuyên gia nhấn mạnh là giải pháp tối ưu mang lại hiệu quả to lớn cho doanh nghiệp. Bởi thực chất đây là huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Giúp doanh nghiệp kiện toàn quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; tạo áp lực thực hiện chiến lược, mục tiêu, kế hoạch sản xuất….

Từ khóa » Tái Cấu Trúc Vốn Doanh Nghiệp Là Gì