Doanh Nghiệp Sản Xuất đường Hưởng Lợi Từ Giá Bán Tăng

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Doanh nghiệp sản xuất đường hưởng lợi từ giá bán tăng ảnh 1Đóng gói sản phẩm tại Nhà máy Mía đường Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Giá đường đã tăng khoảng hơn một năm qua và được kỳ vọng vẫn giữ ở mức cao trong những tháng cuối năm 2021, nhờ thâm hụt sản lượng sản xuất đường toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý quyết liệt chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các nước xuất khẩu đường sang Việt Nam là cơ hội cho doanh nghiệp ngành mía đường nội địa.

Kỳ vọng tiếp tục giữ giá cao

Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sau hơn một năm tăng giá, giá đường trong nước được kỳ vọng tiếp tục giữ vững ở mức cao trong những tháng cuối năm 2021.

VDSC cho biết sản lượng đường toàn cầu ghi nhận tình trạng thâm hụt sản lượng trong niên vụ 2021-2022.

Giá đường toàn cầu chạm mức cao nhất trong 5 năm khi các đợt băng giá khắc nghiệt bất thường vào tháng 6 và tháng 7 gây thiệt hại cho vụ mía ở Brazil, quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới; trong đó, sản lượng đường ở khu vực Trung Nam Brazil ước tính sụt giảm 11% trong nửa cuối tháng 7.

[Tiếp nhận hồ sơ chống lẩn tránh phòng vệ thương mại với đường Thái Lan]

Hơn nữa, sản lượng mía trên mỗi hécta tại Brazil đã suy giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái khi các nhà máy đường phải thu hoạch mía sớm trước vụ, khiến năng suất và chất lượng mía thấp hơn so với các vụ mía năm trước.

Wilmar International - tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á - ước tính thiệt hại do sương giá và hạn hán sẽ làm giảm sản lượng đường năm 2021-2022 của Brazil xuống 28 triệu tấn, giảm 27% so với cùng kỳ, đạt mức thấp kỷ lục trong 10 năm.

Vì thiệt hại của vụ mía Brazil nghiêm trọng hơn dự tính, khi diện tích mía tại quốc gia này thậm chí có thể không phục hồi hoàn toàn trong niên vụ 2022-2023, các chuyên gia đã hạ dự báo triển vọng xuất khẩu đường toàn cầu cho niên vụ năm 2021-2022 với ước tính thâm hụt 1 triệu tấn, so với ước tính gần nhất có mức thặng dư 1,7 triệu tấn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mía đường đang có những thuận lợi khi từ ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế chống bán phá giá chính thức là 42,99%, mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%, đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam, trong thời hạn 5 năm.

Đến tháng 8/2021, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã gửi hồ sơ cơ bản đến Bộ Công Thương đề nghị thực hiện điều tra thuế chống bán phá giá đối với 5 quốc gia ASEAN là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar bị cáo buộc là điểm xuất khẩu vòng của đường có xuất xứ Thái Lan.

Theo VDSC, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia ASEAN này trong 7 tháng năm 2021 đã tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 458.000 tấn.

Sản lượng đường xuất khẩu sang Việt Nam đã vượt quá năng lực sản xuất đường nội địa của các quốc gia này, thể hiện khả năng đường xuất xứ Thái Lan đang xuất khẩu vòng để lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Theo Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương, kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua một số nước ASEAN.

Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị liên quan đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam theo dõi tình hình nhập khẩu và tích cực tham vấn, hỗ trợ VSSA cũng như ngành sản xuất đường mía trong nước trong việc thu thập thông tin, số liệu, xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam.

Các chuyên gia từ VDSC tin rằng hành động này là kịp thời và quan trọng để nâng cao sự hiệu quả của hàng rào thuế quan đã áp dụng đối với đường có xuất xứ từ Thái Lan.

Thực tế tính đến hết tháng 7/2021, giá đường tinh luyện tăng từ 500-800 đồng/kg tăng từ 2.000-2.200 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2021 lên khoảng 18.000-18.200 đồng/kg.

Giá đường RS (đường kính trắng) và RE (đường tinh luyện) trong nước tiếp tục tăng trong tháng 8 sau khi được giữ ổn định trong tháng 7; trong đó, giá đường RS giao ngay tại các nhà máy đường trong nước đã tăng trưởng vượt mức 18.000 đồng/kg.

VDSC cho rằng xu hướng gia tăng giá đường nội địa được đóng góp từ xu hướng gia tăng giá đường thế giới.

Bên cạnh đó, dù tiêu thụ đường trong nước đã chậm hơn trong tháng 7 do COVID-19, sự sụt giảm sản lượng sản xuất mới của các nhà máy đường, cùng với sự trì hoãn hoạt động vận chuyển các đơn hàng đường quý 4/2021 đã hỗ trợ xu hướng gia tăng của giá đường trong nước kể từ đầu tháng 8.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá đường tăng thời gian qua có lợi cho các nhà máy sản xuất đường trong nước, đã tác động tích cực đến giá thu mua mía nguyên liệu với mức tăng từ 12-15% trong niên vụ 2020-2021 so với niên vụ năm trước.

"Vị ngọt" mía đường

Các doanh nghiệp ngành mía đường như Công ty cổ phần Đường Thành Thành Công (mã chứng khoán: SBT), Công ty cổ phần Đường Kon Tum (mã chứng khoán: KTS), Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán: LSS), Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán: SLS)..., có năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau.

Thực tế, hàng loạt doanh nghiệp ngành đường đã công bố kết quả kinh doanh năm tài chính 2020-2021 rất tích cực.

Doanh nghiệp đứng đầu ngành đường là Công ty cổ phần Thành Thành Công-Biên Hoà (mã SBT) trong niên độ 2020-2021 đã bán ra 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu thuần cả niên độ đạt 14.902 tỷ đồng; trong đó, đường vẫn đóng vai trò chủ lực chiếm gần 95% trong cơ cấu doanh thu của công ty.

Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 798 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước; lợi nhuận ròng đạt 669 tỷ đồng, tăng 84%.

Với kết quả trên, công ty đã vượt 3,7% kế hoạch doanh thu và vượt gần 21% mục tiêu lợi nhuận năm.

Đại gia đứng đầu ngành đường Việt Nam cho biết, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực là nhờ công ty đã xây dựng được chính sách bán hàng hiệu quả, mở rộng thị phần ở các phân khúc sản phẩm và tối ưu hoạt động của chuỗi cung ứng, kiểm soát chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, công ty đã tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới cạnh đường và sau đường nhằm khai thác tối đa chuỗi giá trị cây mía.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La cũng báo lãi đậm với lợi nhuận sau thuế của cả niên độ 2020-2021 đạt 164 tỷ đồng, tăng 38% so với kỳ trước.

Công ty cổ phần Đường Kon Tum có doanh thu 248,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5,87 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2020-2021; lần lượt tăng 62% và 196% so với kỳ năm trước.

Đối với Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS), đây là doanh nghiệp có nhiều mảng sản xuất từ đường, sữa đậu nành, bia...

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đạt 3.670 tỷ doanh thu thuần, lãi sau thuế 521,5 tỷ đồng; tăng lần lượt 13% và 19% so với nửa đầu năm 2020. Nửa đầu năm 2021, công ty đã thực hiện được 46% chỉ tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận năm.

Đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp những tháng cuối năm, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt dự báo giá bán trung bình của mảng đường tăng cao sẽ bù đắp cho mức giảm 2 chữ số của lợi nhuận mảng sữa đậu nành do nhu cầu thấp cũng như giá nguyên liệu đầu vào cao hơn.

Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp mía đường dang được hưởng “vị ngọt” từ thuận lợi do ngành kinh doanh mang lại, trong bối cảnh nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh khác đang nếm “trái đắng” do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành mía đường cũng diễn biến rất tích cực. Cụ thể, tính từ cuối phiên giao dịch đầu năm (4/1) đến hết phiên 10/9, QNS tăng hơn 26,5%, KTS tăng hơn 73%, LSS tăng 74%, SLS tăng 134%.../.

(TTXVN/ Vietnam+)

Từ khóa » đường Việt Nam Xuất Khẩu