Doanh Nghiệp Tư Nhân Có đặc điểm Gì? - Luật Hoàng Anh

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp nên giống như những doanh nghiệp kinh doanh khác, doanh nghiệp tư nhân là tổ chức có tên riêng được nhà nước thừa nhận thông qua việc nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; mục đích của doanh nghiệp tư nhân là thường xuyên, liên tục thực hiện hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Bên cạnh những đặc điểm chung của một doanh nghiệp kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân còn có những đặc điểm riêng được quy định tại Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”

1. Đặc điểm doanh nghiệp tư nhân

1.1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu

Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, thành lập và làm chủ có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ. Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện và kêu gọi các chủ đầu tư nhỏ lẻ từ các quốc gia khác đầu tư thành lập doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh doanh quốc gia.

Với tính chất là doanh nghiệp thuộc sở hữu của một chủ nên toàn bộ vốn để thành lập doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân đầu tư. Doanh nghiệp tư nhân có sự linh hoạt hơn về vốn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Quy định về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định cụ thể tại Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2020:

Điều 189. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân

1. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

2. Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.”

1.2. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân

Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ một cách độc lập.

Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp không có sự phân định rõ ràng. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền sở hữu tài sản đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân không có tài sản độc lập. Do vậy, doanh nghiệp tư nhân không đủ điều kiện để được công nhận là pháp nhân.

1.3. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm tài sản vô hạn trong kinh doanh có nghĩa là chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bao gồm cả tài sản trong phạm vi số vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân không đầu tư vào doanh nghiệp trong trường hợp số vốn đầu tư đã đăng ký không đủ để thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Sở dĩ chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn vì doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp một chủ. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng mà tài sản của doanh nghiệp là tài sản của chủ doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động kinh doanh nếu làm ăn phát đạt, thu nhiều lợi nhuận thì chủ doanh nghiệp được hưởng toàn bộ lợi nhuận đó. Vậy, khi doanh nghiệp thua lỗi thì chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Cũng chính vì chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân là mà pháp luật đã có quy định hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Đây chính là cơ sở bảo đảm an toàn cho các chủ nợ khi tham gia quan hệ với loại hình doanh nghiệp này, bởi tính rủi ro của chủ doanh nghiệp tư nhân rất cao, nếu cho phép một cá nhân cùng lúc được tham gia làm chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp khác nhau, mà mỗi doanh nghiệp họ đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản thì không có gì bảo đảm họ sẽ có đủ tài sản để thanh toán cho tất cả các khoản nợ ở tất cả các doanh nghiệp đó.

1.4. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào

Quy định trên của pháp luật đã hạn chế quyền huy động vốn để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì xuất phát từ đặc biệt và bản chất của doanh nghiệp tư nhân. Nếu doanh nghiệp tư nhân được phép phát hành chứng khoán sẽ phá vỡ cấu trúc vốn và cơ cấu số lượng thành viên của doanh nghiệp tư nhân, khi đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn là doanh nghiệp theo đúng cái tên của nó nữa mà sẽ chuyển sang loại hình doanh nghiệp nhiều chủ sở hữu khác. Nếu doanh nghiệp này muốn đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ sở hữu doanh nghiệp tư đầu tư thêm vốn, đi vay có hoặc có những khoản thu hút vốn đầu tư khác từ việc được tặng cho, thừa kế tài sản…

2. Ưu điểm và hạn chế của doanh nghiệp tư nhân

Từ những đặc điểm trên đây, có thể rút ra một số ưu điểm và hạn chế của doanh nghiệp tư nhân như sau:

2.1. Ưu điểm

- Do chỉ có một chủ sỡ hữu, nên chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp.

- Do chế độ trách nhiệm vô hạn, thành lập doanh nghiệp tư nhân ít bị ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các loại hình doanh nghiệp khác.

- Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp tư nhân tương đối đơn giản, chi phí ban đầu để thành lập tương đối thấp, có thể dễ dàng chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác khi cần thiết.

- Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự an toàn hơn cho chủ nợ vì chủ nợ có khả năng đòi được nợ không chỉ giới hạn trong số vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân vào doanh nghiệp đó. Từ đó sẽ dễ dàng tạo được sự tin tưởng từ đối tác, dễ dàng huy động vốn và hợp tác kinh doanh.

2.2. Hạn chế

- Khả năng huy động vốn rất hạn chế.

- Do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh nghiệp tư nhân cao. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình mà không có sự phân tán rủi ro cùng những chủ thể khác nhau như những doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Doanh nghiệp

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » đặc điểm Công Ty Doanh Nghiệp Tư Nhân