Độc đáo Cây đàn Bầu | Báo Dân Tộc Và Phát Triển

baodantoc_dan_bau

Bởi cấu tạo của cây đàn rất đơn giản, với lối diễn tấu không giống bất cứ một nhạc cụ nào. Âm thanh được tạo nên từ các âm bồi của dây đàn, kết hợp với việc dùng cần đàn để căng dây lên hoặc chùng dây xuống trên một sợi dây duy nhất, từ đó tạo ra nhiều âm thanh có các cao độ khác nhau với âm sắc trong trẻo, quyến rũ.

Trước kia, thân đàn bầu được làm bằng một đoạn ống bương hoặc vầu dài khoảng trên dưới 1m, có thể để nguyên hoặc được chẻ ra làm đôi giống hình cái máng hứng nước ở vùng Đồng bằng Bắc bộ và được gọi là đàn bầu máng (sau này được làm bằng gỗ dài khoảng 1,15m). Cần đàn làm bằng sừng tre dẻo dài khoảng 50-70cm (sau này thay bằng sừng trâu). Dây đàn làm bằng dây móc xe lại hoặc dây mây, dần thay bằng dây tơ (sau này bằng dây sắt). Bầu đàn bằng đầu cuống quả bầu nậm hoặc gỗ tiện giống quả bầu. Que đàn ngày trước làm bằng tre được vót tròn như cái đũa, dài khoảng 20cm, sau này thay bằng giang hoặc cây song, là những chất liệu vừa mềm dẻo vừa dai chắc, được vót bẹt dài khoảng 6 cm-9cm, rộng khoảng 4mm và có đánh bông ở đầu que để tiếng gẩy cho êm. Có nghệ sĩ còn dùng móng gẩy bằng nhựa giống như đàn Nguyệt.

Cây đàn bầu xưa tuy không có mặt trong dàn nhạc cung đình nhưng trong chốn dân gian, đàn bầu vẫn tự tạo được cho mình sức sống mãnh liệt, phi thường, trải qua bao thăng trầm, bao biến đổi của lịch sử, cây đàn bầu vẫn tồn tại như một minh chứng cho biểu hiện sinh động của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

Khi công nghệ điện tử ra đời, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp một cuộn cảm ứng điện từ có lõi sắt non gọi là mô bin vào dưới mặt đàn giáp với dây ở phía cuối đàn để cảm ứng âm thanh truyền qua bộ dây đồng trục, đưa tín hiệu đến khuếch đại âm thanh qua máy tăng âm cho tiếng đàn to lên.

Đàn bầu là một nhạc khí có âm sắc độc đáo, được người Việt Nam sử dụng phổ biến từ bao đời nay. Cây đàn bầu hiện nay không chỉ được yêu thích ở Việt Nam quê hương của nó mà còn được truyền bá ở nhiều nơi và được bạn bè khắp năm châu ca ngợi.

BTK

Từ khóa » độc Huyền Cầm Là đàn Nào